Bác hồ viết di chúc đầu tiên vào năm nào

Chúng tôi đến sớm hơn giờ hẹn 10 phút, người nhà dẫn tôi lên phòng khách chờ ông. Đó là một căn phòng ở tầng 2 thông thoáng ba mặt để có thể đón trọn những cơn gió mát rượi thổi từ Hồ Tây. Trước khi vào báo cho ông biết có khách từ Tuyên Quang tới, chị người nhà không quên nói nhỏ với chúng tôi, ông Vũ Kỳ làm việc rất đúng giờ, đã hẹn các anh 2 giờ chiều là đúng 2 giờ ông ra tiếp các anh. Hai giờ, ông từ phòng trong bước ra với bộ quần áo nâu giản dị, gương mặt phúc hậu…Biết được nội dung buổi làm viêc, mặc dù lần đầu tiên gặp chúng tôi, nhưng ông trò chuyện thật cởi mở, chân tình…Ông kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động, sâu sắc về Bác Hồ, về những kỷ niệm để đời, mà như ông nói là “sống ghi lòng tạc dạ, chết mang theo” đối với ông trong suốt thời gian làm Thư ký riêng cho Bác Hồ - người được phục vụ Bác, gần gũi Bác lâu nhất kể từ sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đến khi Bác Hồ đi xa. Sau hơn hai giờ làm việc với ông, trong tôi đầy ắp những tư liệu, những điều học được ở ông…Trước khi ra về ông tặng tôi cuốn hồi ký “ Bác Hồ viết Di chúc” (khổ 6,5 x 9,5cm), với lời đề tặng “Thân ái chúc đồng chí Việt Thanh càng nhớ”.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ đi xa - 50 thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, 29 năm được tặng sách “Bác Hồ viết Di chúc”, thắp một nén nhang thơm xin phép ông được mượn tên sách của ông đặt tên cho bài viết này.

Ông Vũ Kỳ kể, tôi nhớ mãi sáng tháng Năm ấy… Đó là buổi sáng thứ hai, ngày mùng 10 tháng 5 năm 1965 không thể nào quên, khắp nơi trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi. Bác Hồ vẫn ung dung như thường lệ. Từ 7 giờ sáng, tại phòng khách cạnh nhà ăn phía bên này hồ, Bác ngồi nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đến báo cáo về con đường chiến lược qua đất bạn Lào, Bác chăm chú nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm, rồi căn dặn một số vấn đề…

Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã được suy nghĩ từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn càng yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn… Chính vào giờ phút đó, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” - Di chúc để dặn lại mãi mãi mai sau.

Trong tình hình đất nước và thế giới đang có những diễn biến phức tạp, việc Bác Hồ quyết định viết rõ “những lời dặn lại” là rất cần thiết và đúng lúc. Mở đầu bài viết Bác ghi rõ: “Nhân dịp mừng 75 tuổi”. Phía trên, bên trái, hơi chếch ra ngoài lề, Bác ghi thêm hàng chữ: “Tuyệt đối bí mật”. Bác không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người “sắp đi xa”, sợ dẫn đến những suy nghĩ không có lợi.

Ngày 10 tháng 5 năm 1965 đó, Bác viết: “Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”. Ai sẽ đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm, mấy tháng nữa.

Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

Một giờ đã qua đi, đúng 10 giờ, Bác Hồ gấp những tờ giấy viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” lại, cẩn thận cho vào phong bì rồi để vào ngăn trên giá sách. Bác Hồ lại bình thản trở về với công việc hàng ngày của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, của người hoạt động không biết mệt mỏi cho phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

…Sáng hôm sau, thứ ba, ngày 11/ 5/ 1969, Bác Hồ dậy sớm hơn thường lệ. 5 giờ 15 phút, Bác đã đến tiễn biệt Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Italia, sau đó trở về nhà sàn làm việc… Trong những năm này đối với Bác Hồ, có lẽ không có niềm vui nào hơn là niềm vui nhận được tin chiến thắng từ hai miền Nam - Bắc, nhất là từ chiến trường miền Nam. Cứ mỗi lần đại biểu các địa phượng, các đơn vị tỏ ý lo lắng cho sức khỏe của Bác, Bác thường nói vui: “Các cô, các chú cứ diệt cho nhiều giặc Mỹ, bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ là Bác khỏe, Bác vui”.

Đúng 9 giờ, Bác lấy chiếc phong bì đựng tài liệu “Tuyệt đối bí mật” từ trên giá sách xuống, ngồi vào bàn chăm chú viết. Hôm nay, Bác viết về Đảng, về đoàn kết, về đạo đức cách mạng: “…Trước hết nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Ngày 12/ 5/ 1969, sau khi thông qua Điện mừng Đại hội đoàn kết nhân dân Á - Phi lần thứ tư, tai Gana, xem một số báo mới trong ngày, căn dặn một số công việc cần thiết, đúng 9 giờ, Bác lại ngồi viết tiếp tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Bác viết về đoàn viên và thanh niên, về nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi khẳng định tính tích cực của đoàn viên và thanh niên, Bác Hồ nhấn mạnh: “…Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Nói về nhân dân, Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột…Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Dự báo: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào nam bắc nhất định sẽ xum họp một nhà…”. Bác Hồ căn dặn, sau khi kháng chiến thắng lợi, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Sáng 13/5/1965, khi viết tiếp tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, trong phần Về phong trào cộng sản thế giới, Bác Hồ bày tỏ sự đau lòng vì sự bất hòa của các đảng anh em. Đồng thời dặn lại những lời tâm huyết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

Trong những lần viết tài liệu Tuyệt đối bí mật, có một lần Bác thay đổi giờ đã định - 9 giờ sáng. Đó là ngày 14/5/1965, Bác Hồ viết vào buổi chiều, vì từ 6 giờ sáng Bác đến thăm bà con nông dân xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là quận Từ Liêm)- Hà Nội. Buổi chiều hôm ấy (14/5), Bác dành thời gian từ 14 giờ đến 16 giờ cho tài liệu Tuyệt đối bí mật. Bác viết tiếp trong mục mà Bác cho là việc riêng. Bác Hồ chỉ tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa. Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân…”.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập,dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Năm 1966 và 1967, Bác Hồ không có bản viết riêng cho tài liệu Tuyệt đối bí mật. Trong 2 ngày 15 và 16 tháng 5 năm 1966, Bác vẫn dành mỗi ngày một giờ (từ 9 giờ đến 10 giờ), xem lại tài liệu Tuyệt đối bí mật.

Theo ông Vũ Kỳ, trong những ngày đầu tháng 5 năm 1968, Bác làm việc khá căng thẳng. Gần đến ngày 10 tháng 5 rồi, chắc Bác muốn nghe nhiều, hiểu nhiều về tình hình mọi mặt của đất nước để dặn thêm cho con cháu những điều quan trọng. Sáng 10 tháng 5, trên đường xuống nhà ăn, qua cửa sổ phòng tôi (Vũ Kỳ), Bác dặn: “Chú Kỳ! Nhớ chuẩn bị tài liệu cho Bác nhé” (Bác nói là tài liệu Tuyệt đối bí mật). Và đúng 9 giờ, Bác ngồi vào bàn, lấy tài liệu Tuyệt đối bí mật trong phong bì ra, viết thêm và sửa lại bản Di chúc.

Trong các ngày từ 11 đến ngày 17 tháng 5 năm 1968, Bác đều dành một tiếng như đã định, từ 9 giờ đến 10 giờ, để đọc lại, sửa chữa, thêm bớt bản Di chúc. Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết năm 1965. Đó là những doạn nói về công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: chỉnh đốn lại Đảng, quan tâm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm lo đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.

Ngày 10/5/1969, sau khi dự Hội nghị Trung ương về nhà sàn, Bác lại dành thời gian cho tài liệu Tuyệt đối bí mật, từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác Hồ còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc viết các năm 1965, 1968 và 1969. Ngày 19/5/1969, là kỷ niệm lần thứ 79 năm Ngày sinh của Bác. Đúng 9 giờ, Bác ngồi vào bàn làm việc với bản Di chúc trước mặt. Bác xem kỹ lại toàn bộ các bản Di chúc dã viết trong bốn năm qua, sửa chữa thêm ở phần mở đầu…Trong câu “….nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường, Bác khẳng định lại “nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”. Trong câu “Khi người ta đã ngoài 70 tuổi…”, Bác thay chữ “tuổi” bằng chữ “ xuân”. Dùng chữ “sẽ” thay chữ “phải” trong câu “…phòng khi tôi sẽ đi thăm cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Xong Bác xếp tất cả các bản Di chúc bỏ vào phong bì và cất đi.

Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình; chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm này… để viết về ngày đi xa của mình - viết điều là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Bác với Tổ quốc, với nhân dân và sự nghiệp cách mạng, sao mà Bác Hồ thanh thản, ung dung đến thế!

50 năm Bác Hồ kính yêu đã đi xa, nhưng Bác để lại cho chúng ta Di chúc thiêng liêng của Người, đó là tài sản vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng cho cách mạnh Việt Nam không chỉ hôm nay mà cả trong tương lai.