Anh 3x là ai

Anh 3x là ai

Blogger Nhất bất bình khi Chủ tịch Sang gọi Thủ tướng Dũng là 'đồng chí X'

Blogger có tiếng Trương Duy Nhất vừa đặt câu hỏi về lý do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ nói "đồng chí X" khi đi tiếp xúc cử tri sau Hội nghị trung ương 6.

Blogger này tỏ ra bất bình khi ngay cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng "không dám" điểm mặt, chỉ tên người có sai phạm trong khi lại kêu gọi người dân tố cáo tham nhũng và những việc làm sai trái.

Ông Nhất đặt câu hỏi: "Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người bị BCT [Bộ chính trị] yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là "một đồng chí ủy viên BCT" như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là "tàu lạ" vậy?

"Đến mức khi giải trình với cử tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà phải gọi là “đồng chí X”.

"Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc bảo vệ "tình đồng chí" trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ hèn hạ, bất lực?

"Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ trù úm để cùng đảng chống tham nhũng?"

Ông Nhất mới đây nói rằng an ninh Việt Nam đã gây sức ép với ông về các bài viết trên Bấm blog.

Nhưng ba cuộc gặp với các nhân viên an ninh không khiến ông nương tay khi viết về các chính trị gia hàng đầu của Việt Nam.

Ông kêu gọi ông Trương Tấn Sang "đừng nói nữa, hãy hành động!".

Blogger này viết: "Trách nhiệm tập thể là thứ vô trách nhiệm.

"Chẳng lẽ để tình hình đất nước, kinh tế như thế, tình hình nội tại đảng như thế mà không có một ai phải chịu trách nhiệm? Đừng nói nữa, hãy hành động đi!"

'Lòng tốt không đủ'

Ông Nhất nhắc lại tuyên bố của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân về chuyện "muốn trị quốc phải trị đảng" và nói các nhà lãnh đạo Việt Nam nên đọc các thông tin trên mạng để hiểu thêm người dân nghĩ gì và bình luận thêm:

"Cho dù vượt qua cuộc bỏ phiếu nhưng uy tín và thanh danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở mức nào trong mắt dân?

"Cho dù có những câu để đời như "một bầy sâu" của Chủ tịch nước, hay những phát ngôn thẳng thắn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến mức trước đó vài năm chỉ những "thằng phản động" mới dám mở mồm như "đảng viên nhan nhản cộng sản mấy người?", hoặc "một bộ phận không nhỏ đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ"… nhưng uy tín, sự tin cậy trong hành động của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước, của tập thể BCT và trung ương đảng để lại trong dân ở mức nào?

"Bất kể ai, chỉ cần một người dám hi sinh, tôi tin tình thế sẽ rẽ sang một hướng rất khác."

"Không tìm ra sâu nào, không tìm thấy nhóm lợi ích nào, không phát hiện ra "bộ phận không nhỏ" nào - thế hóa ra cả Tổng Bí thư và Chủ tịch nước can "tội" vu khống, xuyên tạc, nói xấu đảng sao? Cái “tội” mà công an luôn chụp lên đầu tôi trong các cuộc làm việc tra vấn vừa rồi.

"Tôi viết vậy đã ăn nhằm gì. Nếu kết tội thế là xuyên tạc, nói xấu, là phản động, thì há chẳng phải Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đang xuyên tạc, nói xấu đảng và phản động hơn tôi sao?"

Ông Nhất nói ông không nghi ngờ sự thực lòng của ông Sang và ông Nguyễn Phú Trọng nhưng bình thêm: "...[C]ái tâm và sự thật thà qua những lối rao giảng về "lòng tốt" không đủ để trị quốc.

"Ông Trọng ông Sang không phải là mẫu người có tầm khuynh loát, vai trò cá nhân đủ sức bẻ xoay vận cuộc.

"Việc của đảng lúc này không phải là kêu gọi người dân đừng sợ trù úm, mà là hành động của đảng thế nào để bảo vệ người dân không bị trù úm, không bị truy bức."

'Thỏa hiệp'

Ông Nhất cũng lên tiếng kêu gọi các vị lãnh đạo Việt Nam, kể cả Tổng bí thư và Chủ tịch nước, hãy ra đi nếu họ không làm được việc hoặc "nhìn ra sự bất lực".

Blogger bình luận: "Bất kể ai, chỉ cần một người dám hi sinh, tôi tin tình thế sẽ rẽ sang một hướng rất khác.

"Ta luôn quen thói kêu gọi quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ? Tại sao không thấy một ai dám hi sinh chút lợi ích quyền lực của mình, của gia đình vợ con… để mở đường cho những cú hích chuyển thay?

"Ai đó sợ hãi, thỏa hiệp hoặc bất lực thì hãy lánh sang một bên nhường cho người khác, đội ngũ khác."

Các nhà quan sát Việt Nam từ bên ngoài nói rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị "cắt cánh" cho dù còn tại chức.

Họ cũng nói tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới đây sẽ có tác động đáng kể tới khả năng tiếp tục tại nhiệm của vị Thủ tướng.

Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam, sau 15 ngày họp kín, bế mạc ngày 15/10 vừa qua, và Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định không kỷ luật Bộ Chính Trị và “một đồng chí trong Bộ Chính trị”.

“Đồng chí” này hay như lời chủ tịch nước Trương Tấn Sang “đồng chí X”, không ai khác chính là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho dù ông đã phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, để cho nạn tham nhũng hoành hành. Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ngày 22/10/2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thừa nhận trách nhiệm của mình đối với những sai lầm, khuyết điểm này.

Thế nhưng, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không bị mất chức. Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng giải thích là Ban Chấp hành Trung ương đã “cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá”.

Giới quan sát có những lý giải khác nhau.

Ngày 19/10 vừa qua, giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đưa ra một số nhận định. Theo ông, một số nhà phân tích đã ngạc nhiên là ông Nguyễn Tấn Dũng không bị cách chức thủ tướng. Họ đã nhầm lẫn vai trò thủ tướng trong chính thể dân chủ tự do với vai trò thủ tướng trong chế độ độc đảng lãnh đạo.

Ông Nguyễn Tấn Dũng vừa là thủ tướng vừa là “một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị”. Ông có trách nhiệm cá nhân đối với các thành viên chính phủ và những tổ chức dưới quyền của ông. Nhưng ông cũng là ủy viên Bộ Chính trị, một định chế ra quyết định tập thể. Các phương tiện truyền thông chỉ tập trung chú ý đến vai trò thủ tướng của ông và không chú ý tới vị trí đầy ảnh hưởng của ông, người đứng thứ tư trong Bộ Chính trị.

Sau khi điểm lại những sai lầm, thất bại của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, câu hỏi đặt ra là tại sao ông lại không bị cách chức trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua ? Theo giáo sư C. Thayer, câu trả lời liên quan đến thực tế phe phái chính trị trong đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn trong tổng thế, Ban Chấp hành Trung ương bao gồm 4 nhóm khác nhau : Các ủy viên làm việc trong Đảng ở cấp Trung ương (19%), các ủy viên làm việc trong bộ máy Nhà nước ở cấp Trung ương (23,5%), các ủy viên làm việc ở cấp tỉnh hoặc địa phương (47%) và các ủy viên thuộc quân đội (10,5%). Mỗi nhóm này có lợi ích riêng của mình. Cho dù trong mỗi nhóm không có sự đồng nhất về chính trị, nhưng rõ ràng là ông Nguyễn Tấn Dũng đã có đủ sự ủng hộ ở cấp Nhà nước và tỉnh, địa phương để làm thất bại mọi ý đồ kỷ luật ông.

Giáo sư C.Thayer nhấn mạnh: Ông Nguyễn Tấn Dũng không chỉ là thủ tướng, ông còn là một “đồng chí ủy viên Bộ Chính trị”. Tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế đã làm cho văn phòng thủ tướng ngày càng có nhiều quyền lực, vượt lên trên cả Đảng. Điều này dẫn đến sự hình thành một mạng lưới bè phái, thân hữu, được hưởng các thành quả của sự phát triển kinh tế cũng như sự buông thả trong việc giám sát các chính sách của ông Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng, “các đồng chí khác trong Bộ Chính trị” cũng được hưởng như vậy. Rõ ràng là họ, gia đình họ và những mạng lưới thân hữu của họ đều hưởng lợi từ mô hình phát triển “kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Do vậy, giáo sư C.Thayer cho rằng, mặc dù có những sai lầm, khuyết điểm, ông Dũng không bị mất chức hoặc buộc phải từ chức, bởi vì điều này sẽ gây ra những bất ổn chính trị trong một nước Việt Nam độc đảng lãnh đạo.

Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng phải từ bỏ chức thủ tướng và ủy viên Bộ Chính trị, thì điều gì sẽ xẩy ra đối với các nhóm ủng hộ ông ở cấp Trung ương Đảng, Nhà nước và các chính quyền địa phương ?

Mặt khác, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định tái lập ban Kinh tế Trung ương cho phép Đảng có thể nắm bắt, theo dõi những dữ liệu kinh tế vĩ mô và xây dựng chính sách kinh tế trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuy tránh được áp lực buộc ông từ chức, nhưng từ nay sẽ không thể tự do hành động. Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra một lịch trình cải cách mà ông Dũng và Bộ Chính trị phải thực hiện. Đặc quyền của ông Dũng sẽ bị giảm bớt.

Ban Chấp hành Trung ương đã giao trách nhiệm cho Bộ Chính trị giải quyết vấn đề ổn định kinh tế xã hội, tiến hành cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, lĩnh vực ngân hàng cũng như lựa chọn ban lãnh đạo tương lai trong Đại hội Đảng toàn quốc lần tới. Nói một cách khác, thủ tướng Dũng sẽ được chỉ đạo để nỗ lực giải quyết những vấn đề này. Quyền lực của ông sẽ bị hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình cải cách.

Ban Chấp hành Trung ương sẽ xem xét, đánh giá về chương trình cải cách. Nếu mọi việc diễn ra bình thường, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương giữa kỳ sẽ diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán 2013 (từ 9 đến 12/02/2013). Ông Nguyễn Tấn Dũng có thể không bị nêu tên, nhưng ông nằm trong tầm ngắm của những người muốn gạt bỏ những lãng phí kinh tế, một sản phẩm phụ của quá trình tăng trưởng kinh tế cao. Thủ tướng Dũng sẽ chịu áp lực từ nay cho đến khi có Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, để chứng minh là có những tiến bộ trong việc cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, cải cách lĩnh vực ngân hàng, chấm dứt ảnh hưởng của gia đình và các mạng lưới thân hữu, bè phái, vốn tung hoành ngang dọc cho đến nay.

Sau Hội nghị Trung ương 6, không một phe phái nào giành thắng lợi rõ rệt. Các đấu đá chính trị có thể còn tiếp tục vì mỗi phe đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trong quá trình thực hiện cải cách. 2013 là năm giữa hai kỳ Đại hội toàn quốc (Đại hội 11 và 12). Bộ Chính trị sẽ lập nhiều tiểu ban soạn thảo các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và bắt đầu lựa chọn nhân sự cho các cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đấy sẽ là dịp các phe phái và những lãnh đạo tương lai của Đảng lại đấu đá, tác động đến chính sách và tranh giành ghế trong các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng.