Ý nghĩa chủ yếu của chiến tranh Berlin của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai là gì

QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:41 (GMT+7)

Bài học và ý nghĩa to lớn chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong chiến tranh Vệ quốc chống phát-xít

61 năm về trước, ngày 9 tháng 5 năm 1945, cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại đã kết thúc. Chiến tranh diễn ra tại ba châu lục trên trái đất, đã gây tổn hại lớn cho nhiều nước và cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người. Nhân dân Liên Xô đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề nhất. Hàng triệu công dân đã ngã xuống trên chiến trường, chết vì lạnh và đói, bị thiêu sống trong các lò thiêu người ở Osvensim, Maidanek, Bukhenvald và bị hành hạ tại các nhà tù của Gectapo. Nhân loại không thể quên được điều đó và ngọn lửa tưởng nhớ luôn được thắp sáng trong trái tim các thế hệ mai sau. Sự vinh quang, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của tất cả những ai đã trải qua chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát-xít xâm lược mãi mãi bất diệt.

Ngày nay, mọi người đều hiểu rất rõ rằng, chủ nghĩa phát-xít là hiểm họa không chỉ đối với mỗi nước mà còn đối với toàn thể nhân loại. Chủ nghĩa phát-xít Đức và quân phiệt Nhật Bản đã nuôi tham vọng thống trị thế giới bằng xâm lược và huỷ diệt tất cả các dân tộc.

Để thực hiện ý đồ của chúng, phát-xít Đức đã soạn thảo kế hoạch “Ost” với mục đích xâm chiếm Ba Lan và Liên Xô, tiêu diệt hoàn toàn dân Do thái, 85% người Ba Lan, 50% người Lítva, Látvia và Estonia, 65% người Ucraina, 75% người Belarut và sẽ tiêu diệt hoàn toàn dân tộc Nga theo từng giai đoạn trong vòng 25 – 30 năm. Phần lãnh thổ bị chúng chiếm đóng sẽ được Đức hoá hoàn toàn. Hàng chục nước sẽ bị biến thành thuộc địa, mất đi nền văn hoá, truyền thống và bản sắc dân tộc, bị biến thành những nhà tù, trại tập trung rộng lớn để thực hiện lao động bắt buộc và làm nô dịch cho phát-xít. Kế hoạch được soạn thảo tỉ mỉ và triển khai theo thời hạn, với chi phí tốn kém kèm theo các biện pháp hà khắc, dã man, vô nhân đạo.

Cục diện thời kỳ đầu chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra với lợi thế nghiêng hẳn về phía quân đội phát-xít xâm lược. Quân đội Đức đóng tại Bắc Phi đã nhanh chóng chiếm đóng bán đảo Balkan, sau đó Đan Mạch và Na Uy, Ba Lan và Pháp cũng bị thua trận trước những đòn đánh “tốc chiến” của phát-xít Đức. Trước đó, Đức quốc xã cũng đã thu phục được Áo, Tiệp Khắc và hàng loạt nước khác. Đến mùa hè năm 1940, phát-xít Đức và ý đã nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ Tây Âu và Trung Âu. Tại Viễn Đông, quân phiệt Nhật Bản đang ráo riết mở rộng xâm lược. Nhiều người đã lo ngại rằng, không một sức mạnh nào có thể cản nổi bước tiến của quân phát-xít xâm lược. Nhưng đã có sức mạnh có thể đập tan mưu đồ của bọn phát-xít, đó là nhân dân và quân đội các nước đồng minh, mà trước hết chính là nhân dân và các lực lượng vũ trang Xô-viết.

Tháng 12 năm 1940, Hít-le ký lệnh chuẩn bị kế hoạch xâm chiếm Liên Xô. Nền tảng của kế hoạch này là tư tưởng tiến hành chiến tranh huỷ diệt bằng các phương pháp bạo lực vũ trang tàn khốc nhất. Suốt 1 năm (thời kỳ đầu chiến tranh) toàn bộ bộ máy nhà nước và quân sự của Đức quốc xã chỉ tập trung cho một mục tiêu duy nhất là chuẩn bị đánh đòn tấn công thần tốc để thôn tính Liên Xô.

Ngày 22 tháng 6 năm 1941 phát-xít Đức đã sử dụng một đội quân khổng lồ, với hơn 5,5 triệu lính và sĩ quan, gần 4.300 xe tăng và 5.000 máy bay chiến đấu, hơn 47 nghìn khẩu pháo, cối và khoảng trên 200 tàu chiến các loại cùng các phương tiện chiến tranh khác ào ạt tấn công Liên Xô. Quân địch chiếm ưu thế, hơn hẳn so với quân đội của chúng tôi, về quân số gấp 1,8 lần, máy bay chiến đấu thế hệ mới gấp 3,2 lần, xe tăng hạng trung và hạng nặng gấp 1,5 lần; ưu thế này còn tăng lên gấp bội trên các hướng tiến công chủ yếu của địch. Hítle chủ trương tiến hành chiến tranh chớp nhoáng nhằm bao vây và tiêu diệt các lực lượng chủ chốt của Hồng quân Liên Xô trước khi mùa đông đến.

Tình thế tại các mặt trận năm 1941 đặt ra yêu cầu, phải bằng mọi giá chặn đứng bước tiến trên toàn bộ không gian chiến lược, không để cho địch thu được các phương tiện vật chất, cơ sở sản xuất và tài nguyên thiên nhiên. Cần phải xây dựng lại các nhà máy công nghiệp, viện khoa học và thiết kế tại các vùng thuộc miền Đông của đất nước; sơ tán dân cư, thiết lập các cơ sở sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự tại các địa điểm mới. Trong thời gian ngắn nhất phải phục hồi nền kinh tế chuẩn bị cho chiến tranh, tập trung cho sản xuất thiết bị quân sự, đạn dược và các phương tiện chiến đấu khác. Như vậy, toàn bộ nền kinh tế đã tập trung cho quốc phòng. Tại khu vực bờ sông Volga, Trung Á, Ural và Sibiri, hàng chục sư đoàn mới đã được thành lập, các lực lượng dự bị được triển khai, gấp rút đào tạo cán bộ, sĩ quan cho các mặt trận.

Chiến thắng quan trọng đầu tiên của chúng tôi là chiến dịch đánh tan quân phát-xít Đức tại Mátxcơva vào mùa đông năm 1941-1942. Đó là thất bại lớn đầu tiên của phát-xít Đức, đã đập tan sự hoang đường thống trị thế giới và kế hoạch “chiến tranh thần tốc” thôn tính Liên Xô của chúng.

Trước mắt Hồng quân còn phải trải qua nhiều khó khăn và mất mát, nhưng nền tảng của chiến thắng đã được hình thành. Qua mỗi năm chiến tranh, từng trận đánh, lực lượng vũ trang Liên Xô càng trưởng thành, lớn mạnh; đã thể hiện nghệ thuật quân sự, trình độ và khả năng tác chiến của mình ngày càng tốt hơn; sáng suốt lãnh đạo, chỉ huy và tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của chiến sĩ Xô-viết đã giành được thế chủ động tại các mũi đánh quyết định, đập tan mưu đồ xâm lược của địch.

Sau chiến dịch Matxcơva, Hồng quân Liên Xô đã có trận thắng vẻ vang tại Stalingrad, dẫn đến sự thay đổi cục diện quan trọng nhất trong chiến tranh Vệ quốc. Sau đó, thành công của quân đội Liên Xô luôn được phát huy, đặc biệt trong trận chiến xe tăng lịch sử oanh liệt nhất tại Kursk.

Năm 1943 đã diễn ra hội nghị Bộ trưởng ngoại giao tại Mátxcơva và hội nghị nguyên thủ quốc gia các nước đồng minh tại Teheran. Tại các hội nghị này, các bên đã thoả thuận những bước tiếp theo nhằm đánh tan các nước phát-xít. Mùa hè năm 1944, trên ngưỡng cửa năm thứ 4 của chiến tranh, Mỹ và Anh đã mở mặt trận thứ hai tại châu Âu, cho quân đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp. Vào năm đó, quân đội Liên Xô đã bất ngờ tấn công và đánh tan các đơn vị chiến lược của phát-xít Đức, kết thúc giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên Xô và khôi phục đường biên giới.

Hồng quân Liên Xô tiếp tục di chuyển về hướng Tây, giải phóng Rumani và Bungari, một phần lớn lãnh thổ Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari, Nam Tư và Na Uy; tiến đến biên giới nước Đức và tiến vào miền Đông Prussi.

Kết cục của chiến tranh sẽ diễn ra tại hướng Berlin, nơi phát-xít Đức xây dựng các tuyến phòng thủ dầy đặc, tập trung số lượng rất lớn vũ khí và lực lượng chiến đấu tinh nhuệ. Quân đội quân Liên Xô chỉ cần có mười ngày để phá tan các tuyến phòng thủ, bao vây lực lượng chủ chốt của địch tại Berlin, chia rẽ quân địch thành hai phần và trong vòng bảy ngày để tiêu diệt. Chiến dịch Berlin là một trong những chiến dịch lớn nhất của chiến tranh thế giới thứ hai. Trong trận đánh oanh liệt này, Hồng quân đã tiêu diệt gần một triệu quân địch, phát-xít Đức buộc phải đầu hàng vô điều kiện. Chiến tranh đã kết thúc ở chính nơi mà nó bắt đầu.

Như vậy, Liên Xô cùng với lực lượng vũ trang của mình đã đánh bại phát-xít Đức, vinh dự hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và nghĩa vụ nhân đạo trước nền văn minh nhân loại.

Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp trong chiến thắng của nhân dân Mỹ, Anh, Pháp, Canada và nhiều nước khác đã tham gia chống lại phát-xít Đức và liên minh của chúng. Những sự đóng góp đó đã đóng vai trò nhất định đối với trang bị của quân đội Liên Xô. Sự thật là gánh nặng chiến tranh không phân bố đều trong các nước thành viên khối đồng minh. Liên Xô và lực lượng vũ trang của mình phải gánh chịu phần lớn sự nặng nề đó. Mặt trận Xô - Đức là mặt trận chính mang tính quyết định cục diện chiến tranh thế giới thứ hai. Tại mặt trận này, tùy từng giai đoạn, các bên tham chiến đã tập trung từ 8 đến 12,8 triệu quân, từ 84 đến 163 nghìn súng pháo, từ 5,7 đến 20 nghìn xe tăng và xe bọc thép, từ 6,5 đến 18,8 nghìn máy bay chiến đấu các loại. Quân đội Đức đã huy động đến đây 95% quân số lực lượng lục quân vào mùa hè năm 1941 và khoảng 74% vào giữa năm 1944. Ở chiến trường này đã diễn ra 37 chiến dịch quy mô lớn có ý nghĩa chiến lược (trong khi đó, mặt trận phía Tây có 6, mặt trận nước ý và Bắc Phi có 3). Tại chiến trường Xô-Đức, 607 sư đoàn của khối phát-xít bị tiêu diệt và đánh tan, 13,6 triệu quân phát-xít Đức bị thiệt mạng, 7 triệu quân bị thương và bị bắt làm tù binh. Đức quốc xã đã mất đi 57% lực lượng không quân, phần lớn xe tăng, pháo binh và hơn 2500 tầu chiến các loại. Đánh giá về mặt trận này, Tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven khi đó đã nhận định, sự thật không thể phủ nhận là quân đội Liên Xô đã tiêu diệt một số lượng quân phát-xít lớn hơn số lượng của 25 nước đồng minh gộp lại.

Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Liên Xô đã phải đối mặt với kẻ thù hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, trước đó đã xâm chiếm hầu hết lãnh thổ Tây Âu một cách dễ dàng. Nhân dân Liên Xô đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa, chủ nghĩa anh hùng, tài trí thông minh và sự dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành thắng lợi. Nhân dân chúng tôi đã chiến đấu chống lại sự Áp bức nô lệ, vì quyền được sống trên đất nước mình, được nói bằng tiếng mẹ đẻ và có độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, văn hoá và truyền thống dân tộc. Chúng tôi đã chiến đấu vì sự công bằng và tự do. Không thể không nói đến những hy sinh, mất mát vô cùng to lớn của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh Ái quốc vĩ đại này. Theo kết quả thống kê, đã có 11.444.000 chiến sĩ Hồng quân hy sinh và 27 triệu người dân Liên Xô bị thiệt mạng; khoảng 4,5 triệu người bị phát-xít Đức bắt làm tù binh và sau chiến tranh chỉ có khoảng 1,8 triệu còn sống trở về Tổ quốc; quân Đức đã phá hủy 1710 thành phố, 70 nghìn làng, xã, khu dân cư, 32 nghìn công trình công nghiệp lớn và vừa, 4100 nhà ga và trên 98 nghìn ki-lô-mét đường sắt... Sự hy sinh, mất mát này không bao giờ có thể quên được và cứ mỗi lần tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng lại là dịp để toàn thể nhân dân bầy tỏ lòng tưởng nhớ, tiếc thương và biết ơn đến những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chiến thắng của nhân dân Liên Xô chống phát-xít là một trong những sự kiện quốc tế trọng đại, mở ra cho nhân loại những triển vọng mới để xây dựng xã hội tiến bộ, tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân các nước trên thế giới có quyền lựa chọn cho mình con đường phát triển chính trị, xã hội. Điều đó được thể hiện qua việc khơi dậy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân trên khắp các châu lục vào những năm 50 và 60 của thế kỷ XX.

Các chiến dịch đập tan các đơn vị quân phiệt Nhật – quân Kvantunsk, năm 1945 của lực lượng vũ trang Liên Xô đã dẫn đến giải phóng Đông-Bắc Trung Quốc, Hàn Quốc, Sakhalin và các đảo Kurilsk, trực tiếp tác động đến chiến thắng của cách mạng Trung Quốc, nhân dân Hàn Quốc và phong trào giải phóng dân tộc tại Đông Nam Á. Quyết tâm tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít của Liên Xô đã cứu châu Phi, Trung Cận Đông khỏi họa diệt chủng và đập tan mưu đồ liên kết giữa phát-xít Đức và quân phiệt Nhật, hòng thống trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lễ kỷ niệm 61 năm Ngày Chiến thắng phát-xít không chỉ là sự ghi nhận, tưởng nhớ thiêng liêng tới các liệt sĩ trong cuộc chiến khốc liệt chống chủ nghĩa phát xít xâm lược, mà còn là sự đoàn kết liên minh các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống các nguy cơ toàn cầu, mà trước hết là chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cường quyền, bá quyền, dưới sự điều hành của Liên hợp quốc. Thực tiễn ngày nay đã khẳng định, phải bằng mọi biện pháp tăng cường khả năng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này với tư cách là bộ máy trung tâm điều hành các quan hệ quốc tế và hình thành cơ cấu gìn giữ an ninh, bảo vệ hòa bình dưới quyền tối cao của luật pháp quốc tế. Nga luôn theo đuổi mục đích này và sẵn sàng là đối tác tin cậy với các quốc gia cùng quan tâm, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Chúng tôi biết rằng, khi nói về giá trị và ý nghĩa chiến thắng phát- xít Đức 61 năm về trước, chúng tôi luôn nhận được sự thấu hiểu đặc biệt của những người bạn Việt Nam. Chiến thắng của nhân dân Liên Xô chống phát-xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai và chiến thắng của nhân dân Việt Nam chống bọn đế quốc, thực dân xâm lược sẽ mãi mãi được ghi nhận trong lòng nhân dân thế giới cũng như nhân dân hai nước chúng ta, được gắn bó bởi mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Chúng tôi tự hào rằng trong cuộc kháng chiến cứu nước trước đây và trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay của nhân dân Việt Nam đã có phần đóng góp của chúng tôi. Ngày nay, trong điều kiện mới, sự hợp tác ngày càng bền chặt giữa hai nước chúng ta sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố an ninh và ổn định tại khu vực Đông Nam Á và châu Á- Thái Bình Dương.

Đại tá I.U. Pô-ta-pốp

Trưởng Tùy viên Quốc phòng

bên cạnh Đại sứ quán LB Nga tại CHXHCN Việt Nam