Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần liên hệ bản thân

QPTD -Thứ Năm, 06/12/2012, 01:56 (GMT+7)

Giải pháp xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trên địa bàn biên giới Quân khu 1.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn phải đương đầu với kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta nhiều lần. Vì vậy, ở các thời đại, bên cạnh việc chăm lo xây dựng lực lượng một cách toàn diện, ông cha ta đều rất coi trọng xây dựng nền tảng chính trị - tinh thần từ nhân dân, coi đó là kế sách xuyên suốt để giữ nước. Phát huy truyền thống đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trên địa bàn biên giới, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Quân khu 1 là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “cái nôi của cách mạng”, được Trung ương chọn làm “An toàn khu”, “Thủ đô kháng chiến” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong sự nghiệp đổi mới, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Quân khu tuy đã có sự chuyển biến nhất định, song trình độ dân trí, điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn thấp; khả năng huy động nguồn lực cho nhiệm vụ quốc phòng – an ninh (QP-AN) còn khó khăn. Đây cũng là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; các hoạt động xâm nhập, vượt biên, buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy, buôn bán trẻ em, phụ nữ,... diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng tình hình khó khăn, vấn đề “dân tộc”,“tôn giáo” để đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Tình hình đó đòi hỏi phải tiếp tục củng cố thế trận QP-AN, tạo môi trường chính trị ổn định cho sự phát triển; trong đó, phải đặc biệt coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của quân và dân trên địa bàn, làm cơ sở để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn biên giới Quân khu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:


Lễ công bố Quyết định thành lập, ra mắt và giao nhiệm vụ cho đại diện biên giới, đoạn biên giới số 5, 6 của tỉnh Cao Bằng (Nguồn: qdnd.vn)

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo tốt các cơ quan chức năng, cán bộ chuyên trách, tích cực nghiên cứu, nắm chắc địa bàn, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị phù hợp từng đối tượng và mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo. Công tác tuyên truyền cần chú trọng quán triệt nhiệm vụ BVTQ theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 28-NQ/TW (khóa X) của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc” và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về “Khu vực phòng thủ” cho các cấp ủy, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; đi sâu phổ biến những quy định, quy tắc, quy ước liên quan trực tiếp đến lĩnh vực QP-AN mang tính đặc thù của từng địa bàn biên giới. Công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng, nhất là với cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên cần tập trung vào những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư­ tư­ởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng; âm m­ưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội cả nội địa và địa bàn biên giới. Đồng thời, coi trọng giáo dục, bồi dưỡng những nội dung cơ bản về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại với tăng cường QP-AN; nội dung, phương pháp chuyển đất n­ước và địa phương vào tình trạng khẩn cấp, từ thời bình sang thời chiến; tổ chức phòng thủ dân sự, động viên quốc phòng... Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; phòng, chống âm mưu, thủ đoạn gây rối, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch trên địa bàn Quân khu.

Hai là, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu BVTQ trong thời kỳ mới. Trước hết, phải tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, sức chiến đấu cao; có khả năng cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của từng địa phương, cơ sở. Muốn vậy, phải thường xuyên kiện toàn cấp ủy, đảng ủy quân sự địa phương theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và có cơ cấu hợp lý; thực sự là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo vận hành tốt cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Chú trọng tăng cường cán bộ đảng cho cấp xã và cơ sở địa bàn biên giới, nơi Quân khu còn nhiều khó khăn; gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với củng cố, xây dựng các tổ chức ở cơ sở vững mạnh, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Các đảng ủy quân sự địa phương phải xây dựng và thực hiện tốt quy chế lãnh đạo; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt đảng; chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Các địa phương thực hiện tốt việc thí điểm thành lập chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) theo Hướng dẫn số 35 của Ban Tổ chức Trung ương; qua thực tiễn hoạt động, tổ chức rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng tới các xã trên địa bàn biên giới. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, nhất là các xã, huyện biên giới; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trong quản lý, điều hành, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình và bảo vệ biên giới khi có chiến tranh xảy ra. Đối với chính quyền các xã biên giới trên địa bàn Quân khu, phải phấn đấu có đủ năng lực đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ do địa phương quản lý. Với cấp huyện, cần có cán bộ chuyên trách về biên giới, có năng lực đấu tranh ngoại giao, am hiểu sâu sắc về lịch sử đường biên và tập quán của từng dân tộc, thông lệ quốc tế. Ở khu vực biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tiếp tục thực hiện mô hình “cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương”, “trưởng công an xã do cán bộ của ngành Công an đảm nhiệm”; tạo điều kiện cho sinh viên ưu tú ra trường đảm nhiệm những cương vị chủ chốt ở cấp xã. Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, bản có năng lực chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; biến tiềm lực mọi mặt trong nhân dân thành sức mạnh để bảo vệ biên giới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền các địa phương theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; thực hiện tốt quản lý xã hội bằng pháp luật; xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi vi phạm, ngăn ngừa sự tùy tiện, lạm quyền từ phía cơ quan, cán bộ, công chức và hiện tượng dân chủ cực đoan. Để cán bộ yên tâm công tác, cấp ủy các cấp cần quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đã ban hành, chăm lo điều kiện sinh hoạt, làm việc cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trí thức trẻ tình nguyện. Ngoài ra, phải củng cố, kiện toàn các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tập thể, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn; xác định rõ tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức; phát huy tính năng động, sáng tạo, đa dạng hoá các hình thức hoạt động; khắc phục tình trạng quan liêu, hành chính hoá, hoạt động kém hiệu quả. Xây dựng và hoàn thiện quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên; đồng thời, tổ chức để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát việc điều hành của chính quyền và các cơ quan chức năng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường QP-AN, xây dựng khu vực phòng thủ và các công trình trọng điểm trên địa bàn các tỉnh biên giới. Trên cơ sở đó, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, giữ vững sự bình yên trên vùng biên giới trong mọi tình huống.

Ba là, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn biên giới Quân khu. Đây là nội dung cơ bản có tính chiến lược, nhằm củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và tăng cường khối đoàn kết, thống nhất của quần chúng nhân dân, các tổ chức đoàn thể ở làng, xã, thôn, bản trên địa bàn Quân khu. Xây dựng “thế trận lòng dân” phải thấm nhuần quan điểm “dân là gốc”; cán bộ là “công bộc” của dân; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi hoạt động của chính quyền. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ BVTQ, bảo vệ chủ quyền an ninh trên địa bàn biên giới trong giai đoạn mới; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp BVTQ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN và bảo vệ biên giới quốc gia. Phải làm cho nhân dân hiểu rõ việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là tạo điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm lao động sản xuất, cải thiện đời sống, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách về sự phát triển giữa các làng, xã, thôn, bản ở biên giới với các địa bàn khác. Đối với lực lượng vũ trang trên địa bàn biên giới, cần tăng cường công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở các thôn (bản), làng, xã đặc biệt khó khăn; tích cực giúp nhân dân làm các công trình dân sinh, phục vụ sản xuất, nâng cao dân trí, tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng... Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các già làng, trưởng bản, trưởng họ, các chức sắc tôn giáo có uy tín, làm “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; thực hiện tốt chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, chăm lo xây dựng phong trào gia đình văn hóa, làng văn hóa, điểm sáng văn hóa, chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc phù hợp với thực tế, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vô hiệu hóa các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, việc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần cho quân và dân trên địa bàn Quân khu 1 là nhân tố cơ bản, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Trung tướng BẾ XUÂN TRƯỜNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Tư lệnh Quân khu

Video liên quan

Chủ đề