Vụ đầu độc ở nhà tù phú lợi

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

Rồi người ta sẽ còn đến và nói nhiều về nơi ấy, như một dấu ấn mãi mãi không bao giờ phai trong lòng người dân nước Việt. Bởi ở đó không chỉ là một khu di tích lịch sử đến để tham quan, vui chơi. Dường như tận trong sâu thẳm của cái gọi “An Trí Viện” ấy còn chứa đựng biết bao điều, về một sư kiện thấm đẫm chất bi hùng trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù của những người chiến sĩ cộng sản trung kiên, không may rơi vào tay kẻ thù, phải sống trong cảnh tù đày, lao khổ.
Những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt hạt, bầu trời phương Nam trĩu nước. Những đám mây đen thấp lè tè kéo nhau về như muốn phủ trùm lấy cái không gian nhỏ bé này, làm cho cảnh vật trong khuôn viên nơi đây càng trở nên âm u, huyền ảo.
Duy có tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng và người yêu nước bị kẻ thù đầu độc trong sự kiện ngày 30/11/1958 thì vẫn sừng sững,uy nghiêm, như một lời nguyền truyền kiếp, về tội ác tận cùng của kẻ thù đối với đồng loại.
Tôi đứng lặng yên cúi đầu thật lâu trước đài tưởng niệm, và cố hình dung ra cái bối cảnh kinh hoàng của những ngày đen tối đó. Tôi tự hỏi phải chăng chính tội ác trời không dung đất không tha của kẻ thù, đã biến ý chí và lòng căm thù của những người yêu nước Việt Nam trở thành một sức mạnh không gì lay chuyển nổi?


Sàn nằm của tù nhân trong buồng giam nhà tù Phú Lợi
Theo tài liệu của địch còn lưu lại thì vào ngày 22/10/1956 Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh bãi bỏ danh hiệu tỉnh Thủ Dầu Một, thành lập tỉnh mới mang tên Bình Dương, và bổ nhiệm Nguyễn Văn Sung làm tỉnh trưởng. Môt năm sau đó nhà tù Phú Lợi được xây dựng để đáp ứng cho khoảng 1300 chiến sĩ cách mạng và người yêu nước đang bị giam giữ ở khám đường lớn Bình Dương, và ở các trại giam của chi khu, tiểu khu quân sự.
Cũng cần nói thêm rằng, đây là những năm tháng nhân dân Miền Nam sắp bước vào “Đồng khởi”, nên kẻ thù ra sức khủng bố, bắt bớ, đánh phá cơ sở, hòng lung lạc tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của quân dân ta. Từ thực tế tình hình đó, địch đã biến nhà tù Phú Lợi thành Trung tâm Huấn chính Phú Lợi trực thuộc thẳng Trung ương chính quyền Sài Gòn và Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia bổ nhiệm Đại tá Trần Vĩnh Đắc - một hung thần của Tổng nha về đây làm quản đốc. Cũng theo báo cáo của Tổng nha gửi Bộ trưởng Nội vụ Sài Gòn, thì vào thời điểm này cả miền Nam Việt Nam có tất cả 4 Trung tâm Huấn chính, trong đó Phú Lợi đứng đầu với số lượng tù nhân lên đến 3440 người.
Về nhân vật Đại tá Trần Vĩnh Đắc, thì sau khi nhậm chức ở Bình Dương, hắn một mặt lập tức bắt tay với Phạm Văn Bời thủ lĩnh băng cướp Rừng xanh để đánh phá các cơ sở cách mạng vùng chiến khu D. Một mặt hắn ra sức củng cố xây dựng bộ máy ác ôn kìm kẹp, đàn áp tù nhân chính trị trong trung tâm huấn chính Phú Lợi. Mà đỉnh điểm là vụ đầu độc hàng ngàn tù nhân, gây lên làn sống phẫn uất, căm thù đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới.


Xà-lim nhà tù Phú Lợi
Theo lời kể của ông Đào Văn Tiên, nguyên cựu tù Phú Lợi, người đã sống suốt tuổi thanh xuân qua các nhà lao Tân Hiệp, Chí Hòa, Côn Đảo, và đặt biệt là có hai lần “vào-ra” Phú Lợi, thì sự đầu độc của kẻ thù đối với tù chính trị là một âm mưu thâm độc và được vạch ra kế hoạch hẳn hoi.
Theo đó, mỗi năm trại Phú Lợi có 4 chuyến đày tù nhân ra Côn Sơn. Chuyến đi đày cuối năm 1958 có khoảng 450 người thuộc vào diện mà kẻ thù cho rằng “khó có thể huấn chính” (tức thành phần ngoan cố), nên trong chuyến đi đày này họ sẽ bị thủ tiêu bằng cách cấp phát khẩu phần ăn là bánh mì có trộn thuốc độc. Mật lệnh này được thuộc vào diện tối mật và chỉ được thực thi khi tàu ra giữa biển. Nhưng một sự cố khách quan đã xảy ra đúng vào ngày tù nhân đi đày, là bố đẻ của Trần Vĩnh Đắc đột ngột qua đời, nên chuyến đi bị hoãn lại.


Nhà biệt giam các chiến sĩ cách mạng trung kiên
Những tù nhân đi đày đâu biết rằng họ vừa thoát một “án tử” trong gang tấc, nhưng cái may mắn ấy không tiếp tục mỉm cười với họ mà lập tức chuyển thành mối tai hoa họa thứ hai. Số bánh mì tẩm thuốc độc để phát cho số tù nhân trong chuyến đi đày cuối năm ấy, được bọn cai ngục trộn lẩn với bánh mì khác làm bữa ăn sáng cho toàn trại, và cuôc thảm sát bằng thuốc độc đã diễn ra.
Hầu hết các tù nhân bị trúng độc điều oằn oại rên la. Chi bộ bí mật của nhà tù lập tức tập họp những anh em tù nhân còn khỏe mạnh tiến hành cuôc đấu tranh công khai trực diện, quyết liệt liệt với kẻ thù.
Trước sức phản ứng đấu tranh dữ dội của tù nhân, và nguồn tin tù nhân Phú Lợi bị đầu độc lan nhanh ra ngoài, tạo một luồng dư luận phẫn nộ căm thù trong và ngoài nước. Hiệp hội các tổ chức công đoàn thế giới lên tiếng vạch trần tội ác của Mỹ - Diệm, đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới cùng góp sức đấu tranh vì nền hòa bình thật sự cho Việt Nam. Các tờ báo lớn phương Tây cũng gửi đặc phái viên đến tìm hiểu, và có nhiều bài viết phản ánh chế độ ngục tù hà khắc của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong nước, nhiều phong trào cách mạng cũng được phát động với chủ đề hướng về những tù nhân Phú Lợi…. Tất cả đã buôc kẻ thù phải nhượng bộ.
Ngày 2/12/1958 phái đoàn của chính quyền Sài Gòn do Bộ trưởng Nội vụ cùng Thiếu tướng Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Nguyễn Văn Là dẫn đầu, cùng đại diện Bộ Tổng tham mưu, Tỉnh trưởng Bình Dương đã có buổi thị sát, gặp gỡ và tiếp nhận các yêu sách chính đáng của tù nhân Phú Lợi..
Đã hơn nữa thế kỷ trôi qua, nhưng những lời đanh thép năm xưa của những tù nhân Phú Lợi năm như vẫn còn vang động:
“ …nghe đây, nghe đây… chúng tôi là tù nhân Phú lợi , có gần 6000 người bị nhà cầm quyền nơi đây thuốc độc, bệnh nặng sắp chết cả ngàn người. Yêu cầu đồng bào và anh em binh sĩ kiếm thuốc men cứu chữa chúng tôi…”. Những tiếng thét gào làm thắt lòng lương tri nhân loại ấy, cho đến tận bây giờ như vẫn còn in đậm và hằn sâu trong ký ức của các cựu tù Nguyễn Thị Nghuyệt, Phạm Văn Thông, Phạm Thị Hoa trong hồi ký “Lời kêu gọi”. Và nó cũng là một lời nhắc nhở các thế hệ đời sau về một quá khứ bi hùng, trong cuộc đấu tranh với kẻ thù để giành lấy độc lập, tự do cho non sông đất nước.


Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, nguyên Chủ tịch nước CHXHCNVN cùng cố họa sĩ, điêu khắc gia Diệp Minh Châu trong lễ cắt băng khánh thành đài tưởng niệm tù nhân Phú Lợi.
Măc dù tồn tại không lâu, nhưng nhà lao Phú Lợi đã trở thành nơi để những người Cộng sản kiên trung trui rèn phẩm chất cách mạng. Và cái “trường học” thấm đẫm máu và nước mắt này, ngày nay đã trở thành một chứng tích sống động trong lịch sử đấu tranh cách mạng, và mãi mãi sẽ là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương,
Mái ngói nhà giam đã ngã màu theo thời gian năm tháng, tường giam loang lổ rêu phong, những lớp rào gai gỉ sét đứng lạnh lùng như một vết cắt thời gian phân chia tự do và lao lý… Ngôi nhà kỷ luât, phòng biệt giam, rồi lô cốt với những lỗ hỏa châu đen hoắm, sâu ngòm giống như đôi mắt cú vọ của kẻ thù năm xưa luôn nhòm ngó rình rập… Tất cả đã là nhân chứng, là một hiện thực có thật đang ngày ngày nhắc nhở các thế hệ đời sau rằng: Cái giá mà dân tộc này phải trả cho độc lập tự do, cho hạnh phúc cơm no áo ấm của đồng bào chẳng rẻ chút nào...

https://m.conglyxahoi.net.vn/phong-...-chan-dong-du-luan-o-nha-tu-phu-loi-2690.html