Vì sao trò chơi Flappy Bird phải dụng lại

* "Flappy Bird" chê đồ họa Angry Birds

Phóng to
Nguyễn Hà Đông – Ảnh: Rolling Stone

Bài viết bên dưới trích lược một số nội dung trong câu chuyện trải lòng rất dài của chàng trai Nguyễn Hà Đông trên tạp chí Rolling Stone đăng tải ngày 11-3.

Tháng tư năm ngoái, Nguyễn Hà Đông, một thanh niên trầm tính 28 tuổi sống cùng cha mẹ tại Hà Nội, có công việc chính là lập trình cho các thiết bị định vị vị trí dùng cho xe taxi. Ngoài ra, anh dành thời gian rảnh cuối tuần để viết một trò chơi di động. Anh muốn nó đơn giản nhưng phải thật thử thách, như tinh thần của những trò chơi Nintendo đồng hành cùng tuổi thơ mình.

Mục tiêu của trò chơi là điều khiển một chú chim môi dày, mắt lồi sao cho bay xuyên qua những ống khói màu xanh mà không chạm chướng ngại vật. Người chơi càng bấm nhanh, chú chim bay càng cao. Hà Đông gọi đây là Flappy Bird.

Ngày 24-5-2013, chú chim vỗ cánh xuất hiện trên cửa hàng iOS App Store.

Ban đầu, thay vì thu phí, Hà Đông quyết định miễn phí trò chơi, với hi vọng mỗi tháng bỏ túi vài trăm đôla Mỹ từ quảng cáo trong game. Song ngay cả mục tiêu khiêm tốn này cũng không hề dễ dàng, với khoảng 25.000 ứng dụng xuất hiện mỗi tháng, Flappy Bird nhanh chóng "chìm nghỉm" và tưởng như bị lãng quên, cho đến tám tháng sau.

"Tôi chỉ định tạo ra thứ gì đó vui vui để chia sẻ với mọi người. Tôi không hề ngờ đến thành công của Flappy Bird" – Đông nói thông qua người phiên dịch.

Vì một lý do nào đó, Flappy Bird bỗng được truyền miệng nhau bởi cư dân mạng. Đến tháng 2-2014, trò chơi đã dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng ở hơn 100 quốc gia và đạt số lượng tải về lên đến 50 triệu. Số tiền Hà Đông kiếm được lên đến khoảng 50.000 USD một ngày. "Ngay cả Mark Zuckerberg cũng không giàu nhanh đến thế lúc mới khởi nghiệp", Rolling Stone bình luận.

David Kushner, phóng viên tờ Rolling Stone, đã liên hệ và nhận được sự đồng ý của Hà Đông cho một cuộc tâm sự toàn bộ câu chuyện về Flappy Bird lần đầu tiên. Trước đó, Đông đã phải chạy trốn sự truy đuổi của báo giới trong nước lẫn quốc tế bằng cách... chuồn khỏi căn nhà cùng với bố mẹ để tá túc trong nhà một người bạn. Tuy những triệu phú "chấm-com" (cách gọi những người làm trong lĩnh vực Internet) không còn lạ lẫm ở Mỹ, thì ở Việt Nam đây là khái niệm hoàn toàn xa lạ.

Xuất hiện trong cuộc gặp với quần jean và áo len xám, Hà Đông lựa chọn và cân nhắc từ ngữ cẩn thận trước mỗi câu trả lời, như thể đang "đặt từng điểm ảnh (pixel) lên màn hình" (miêu tả của David Kushner) vậy.

Đơn giản là chìa khóa thành công

Trong lần đầu tiên tiếp xúc với iPhone, Đông nhanh chóng bị mê hoặc bởi những tiềm năng của màn hình chạm cảm ứng. Tuy nhiên, anh nhận xét có quá ít trò chơi tái hiện được linh hồn của những game Nintendo trong ký ức tuổi thơ của anh. Nói về game nổi tiếng Angry Birds (Những chú chim giận dữ) của Hãng Rovio (Phần Lan), Đông chê: "Tôi không thích đồ họa của nó. Trông chật chội quá".

"Khi bạn chơi game trên một chiếc điện thoại thông minh (smartphone), cách đơn giản nhất là gõ", Đông nói với điếu thuốc luôn hờ hững thường trực trên môi.

Hà Đông muốn tạo game cho những người giống mình: bận rộn, bồn chồn và luôn di chuyển. Trong suốt cuộc nói chuyện, những dòng người dạo bước trên vỉa hè Hà Nội mỗi lúc một đông, David Kushner miêu tả những màn hình phát sáng trên tay họ giống như "một bầy đom đóm". Không ngạc nhiên khi Flappy Bird – trò chơi "nóng" nhất thế giới thời gian qua – đã xuất phát từ đây.

Thăng hoa bất ngờ

Không tiếp thị, không quảng cáo, Hà Đông chỉ đơn giản đăng một tấm ảnh chụp màn hình cho "trò chơi giản dị mới nhất" của anh trên tài khoản Twitter, thông báo về sự ra mắt của Flappy Bird. Và cũng như mọi trò chơi đăng lên iOS App Store, chú chim vỗ cánh của Đông nhanh chóng bị quên lãng cho đến tận năm tháng sau, khi một ai đó đăng tải vỏn vẹn ba chữ "F**ck Flappy Bird" (tạm dịch: "Đ.M Flappy Bird") để "phát biểu cảm tưởng" về game này.

Phóng to
Game "gây nghiện" Flappy Bird - Ảnh minh họa: Internet

Theo David Kushner, việc cố tìm hiểu tại sao một thứ có thể lan tỏa cấp số nhân cũng giống như cố... điều khiển chú chim Flappy Bird vậy: kiểu gì bạn cũng thất bại. Và người ta không thể ngừng chơi Flappy Bird một khi đã động tay đến.

Đến cuối tháng 12-2013, người chơi khắp thế giới bắt đầu nói về Flappy Bird trên mọi tài khoản xã hội của họ, với số thông điệp được đăng trên Twitter về trò chơi này lên đến con số 16 triệu. Người thì bảo đây là "trò chơi khó chịu nhất nhưng tôi không dừng được", kẻ lại rên rỉ "Flappy Bird đang ăn mòn đời tôi". Rồi đến đầu tháng 1, Flappy Bird lọt vào top 10 ứng dụng tại thị trường Mỹ. Cuối cùng, không kế hoạch, không tổ chức, không quảng bá, không tiếp thị, vào ngày 17-1, Flappy Bird dẫn đầu bảng xếp hạng iOS App Store, rồi khoảng hai tuần sau đó là đến lượt Google Play.

"Chứng kiến cảnh game mình đứng nhất thật tuyệt vời", Hà Đông nhớ lại. Tuy nhiên, danh tiếng và lợi nhuận có được từ khoản chia sẻ 30% lợi nhuận với Google và Apple cũng không ngăn Đông cảm thấy có gì đó không ổn. "Tôi không sao vui vẻ được. Tôi cũng không biết lý do là gì", anh khẽ nói. Thậm chí đến cha mẹ Đông cũng không hay biết về sự kiện. "Cha mẹ tôi không hiểu về game", anh giải thích.

Khi giới truyền thông bắt đầu tập trung vào số tiền anh kiếm được và tên tuổi cùng hình ảnh Đông bắt đầu lan trên báo và truyền hình, bố mẹ anh mới biết được chuyện gì đang diễn ra. Cánh phóng viên địa phương gần như bao vây ngôi nhà của cha mẹ anh, và anh không thể ra ngoài mà không bị bắt gặp. Người ngoài có thể cho rằng đây là cái giá quá nhỏ để đổi lấy danh vọng và tiền bạc, nhưng Hà Đông – người trong cuộc – chỉ thấy khổ sở. "Đây là điều tôi không bao giờ muốn. Làm ơn cho tôi bình yên" – Đông đã phải van nài trên Twitter.

Song, điều khó khăn nhất mà Hà Đông phải chịu đựng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đông đưa cho David Kushner xem chiếc iPhone cùng những tin nhắn trên màn hình. Một tin được gửi từ một phụ nữ mắng nhiếc anh vì "làm con cái tôi không biết thế giới bên ngoài là gì". Một tin khác trách "13 đứa trẻ ở trường tôi đã làm vỡ điện thoại vì game của anh, và chúng vẫn cứ chơi vì nó gây nghiện như ma túy vậy".

Rồi Hà Đông tâm sự về những email của người mải chơi đến nỗi mất việc làm, một bà mẹ không thèm nhìn mặt con mình. "Ban đầu tôi nghĩ họ đùa thôi. Nhưng rồi tôi nhận ra họ thật sự bị tổn thương". Và Hà Đông, từng bị điểm kém trong những bài kiểm tra trong trường phổ thông do mê chơi game Counter-Strike (game bắn súng), thật sự xem trọng tất cả những thông điệp này.

Flappy Bird sẽ "hồi sinh"?

Bên cạnh những lời chỉ trích, thóa mạ, thậm chí là cả dọa giết... vẫn còn những phản hồi tích cực. Trang công nghệ Kotaku xin lỗi vì đã viết bài tố cáo Flappy Bird ăn cắp đồ họa. John Romero, đồng sáng lập game Doom lừng danh, nhận xét Flappy Bird "là cú phản kháng chống lại trường phái thiết kế truyền thống hệt như cách nhạc grunge chống lại nhạc metal". Vị "cha đỡ đầu" của ngành lập trình game Bushnell thì so sánh Flappy Bird với chính siêu phẩm kinh điển Pong của mình: "Game đơn giản thì chơi đã hơn", ông nói.

Về phần Nguyễn Hà Đông, anh cho biết mình đã ngừng đi làm và đang tính chuyện mua một chiếc xe hơi Mini Cooper và một căn hộ. Anh vừa làm cuốn hộ chiếu đầu tiên của mình. Giờ đây, anh đang bận rộn làm điều anh thích nhất: lập trình game.

Vậy còn Flappy Bird thì sao? Hà Đông vẫn đang từ chối những đề nghị mua lại trò chơi này và cho biết đang "cân nhắc" khả năng hồi sinh chú chim của mình. Và khi ngày đó đến, Đông nói trò chơi sẽ kèm theo dòng cảnh báo "Làm ơn nghỉ tay một chút"...

(Theo Rolling Stone)

THÚY QUỲNH

(Techz.vn) Cùng mổ xẻ những nguyên nhân của việc "quay lưng với USD 50k/ngày" này và những bài học cần được rút ra.

//

Xem thêm: Flappy Bird- Hiện tượng game gây sốt toàn cầu

Bài viết liên quan

Gây sốc khi “nổ như pháo hoa” trong những ngày đầu của năm Giáp Ngọ, doanh thu siêu “khủng” cùng việc liên tục được quan tâm bởi báo giới trong và ngoài nước, thế nhưng chỉ hơn một tuần sau đó, tác giả lại gây sốc một lần nữa khi tuyên bố gỡ bỏ game này khỏi các kho ứng dụng, ngay khi nó còn đang chễm chệ ở vị trí số Một.

Đã không thể tìm thấy Flappy Bird trên kho ứng dụng của Android

Tiếc nuối nhiều, hân hoan cũng có, cũng không ít ý kiến cho rằng, đây là một hành động khá khôn ngoan và “có thể hiểu được” của tác giả Nguyễn Hà Đông. Chẳng ai biết chàng lập trình viên nhút nhát này đang nghĩ gì, nhưng hãy cùng tổng hợp lại những nguyên nhân được cho là trực tiếp dẫn đến quyết định đột ngột này.

Vấn đề pháp lý

 Hà Đông từng tâm sự: “Công việc của chúng tôi chịu ảnh hưởng nặng bởi các game có đồ họa dựa theo điểm ảnh (pixellated game) cũ trong thời hoàng kim của thể loại này. Mọi thứ đều trong trẻo, rõ ràng và cực kỳ khó nhưng vô cùng vui để chơi”. Anh chủ yếu vẫn phát triển những game đơn giản chỉ mất vài phút để chơi trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, nhưng với yêu cầu là phải “vừa khó vừa vui.” Và với suy nghĩ đơn giản như vậy, Hà Đông thoải mái “mượn” lại một số đồ họa từ những game nổi tiếng trước đây. Anh thừa nhận với The Verge rằng đã lấy cảm hứng chú chim Flappy Bird từ nhân vật Cheep Cheep trong game Mario. Và ống khói màu xanh trong game cũng xuất phát từ các trò chơi của Nintendo mà anh chơi từ nhỏ.

Tác giả Erik Kain trong bài viết đăng trên Forbes cho biết: “Không chỉ các ống khói xanh mà cả con chim Flappy Bird gần như đều có nguồn gốc từ siêu phẩm game Mario một thời thuộc quyền sở hữu của Nintendo. Tương tự các hiệu ứng âm thanh và hình nền của Flappy Bird cũng có xuất xứ từ game Mario”.

Hiện tại, dù chưa có văn bản chính thức nào về vụ kiện Flappy Bird nhưng hãng Nintendo cho rằng chi phí bản quyền cho ống khói màu xanh của họ trên Flappy Bird trị giá 6 tỷ USD (thông tin này được nhiều nguồn đăng tải, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều).

Nhà truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng: Game của Đông sử dụng ít nhất 6 hiệu ứng âm thanh, 2 loại font chữ và nhiều hình ảnh. Tất cả các "nhu liệu" đó đều có thể bị kiện đòi chia sẻ doanh thu nếu Đông không giữ đầy đủ bản quyền thương mại.

Ngoài ra, Kek, với studio phát triển của mình là Zanorg, cho biết đã phát hành một game mang tên Piou Piou trên Android và iOS từ năm 2011. Kek cáo buộc Flappy bird của Nguyễn Hà Đông có lối chơi gần như “y đúc” trò chơi Piou Piou của mình, kèm theo bằng chứng là hình ảnh đăng tải trên trang Pocketgamer. Trong khi Flappy bird có một chú chim vàng phải bay vượt qua các ống nước, thì Piou Piou cũng có một chú chim vàng nhưng chướng ngại vật là các cây xương rồng

Tuy nhiên, trên trang twitter của mình, tác giả đã khẳng đỉnh: ”Mình hiểu về luật bản quyền. Trong game không có bất kỳ một yếu tố vi phạm bản quyền nào cả”, “Điều này không có liên quan gì đến các vấn đề pháp lý. Chỉ có điều tôi không thể giữ nó được nữa”.

 …lọt mắt xanh của Tổng cục thuế

Một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho biết, ngay khi chủ nhân game Flappy Bird gây sốt trên mạng, Bộ đã yêu cầu Tổng cục thuế vào cuộc để rà soát.

Trao đổi với báo Thanh Niên, vị lãnh đạo cho rằng, vướng mắc hiện tại là phải xác định xem đơn vị chi trả, tức Tập đoàn Google thông qua chi nhánh nào, ở đâu vì đây là tập đoàn xuyên quốc gia. Nếu rơi vào quốc gia đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, thì theo nguyên tắc không đánh thuế 2 lần trên một khoản thu nhập, quốc gia nào cao hơn mới thu được.

"Hiện chúng tôi đang yêu cầu Tổng cục thuế rà soát lại các yếu tố trên đảm bảo thu đúng, thu đủ và công bằng", lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định

Nạn nhân của bão tố truyền thông.

Nguyễn Hà Đông, tác giả của Flappy Bird luôn tìm các trốn tránh giới truyền thông

"Tôi có thể nói Flappy Bird là thành công của mình. Nhưng nó cũng đã huỷ hoại cuộc sống bình thường của tôi. Vì thế bây giờ tôi ghét nó", "Truyền thông đã làm quá lên thành công của những game của tôi. Đó là điều tôi không bao giờ mong muốn. Hãy để cho tôi được bình yên".

Không thể phủ nhận, thành công của game một phần lớn nhờ vào sự may mắn, được PR một cách mạnh mẽ bởi truyền thông, mạng xã hội… nhưng đó cũng chính là thứ đã vùi dập chàng trai này.

Đông cho biết không phải anh sợ sự thành công của Flappy Bird mà, “bởi cách mọi người đang sử dụng game của tôi. Họ đang chơi thái quá”.

Tờ Forbes đăng tải bài viết của phóng viên Paul Tassi nhận định rằng, Hà Đông đã trở thành mục tiêu của nhiều sự bực dọc, khó chịu trên mạng bởi đã tạo ra thứ mà nhiều người cho rằng "một trò chơi kinh hoàng".

Tassi cho rằng việc đột ngột tuyên bố khai tử Flappy Bird là một hành động khó hiểu khi Hà Đông được cho là kiếm được 50.000 USD/ngày từ ứng dụng này. "Có phải thực sự chàng trai này không thể đối diện được với sự nổi tiếng và thành công bất ngờ, hoặc còn có điều gì khác đang diễn ra ở đây?" Có thật là những lời đả kích trên internet như hiện giờ có thể khiến một người vứt đi 50.000 USD/ngày?... Nếu những game khác của cậu ta cũng trở nên nổi tiếng thế này và sau đó cũng bị chỉ trích, liệu cậu ta có gỡ chúng không?".

Gây sự chú ý

Việc Nguyễn Hà Đông và studio của mình nổi tiếng ở thời điểm này là không thể phủ nhận, thế nhưng trong cuộc đua gay gắt gắt với hàng ngàn công ty game nổi tiếng khác, chỉ một thời gian ngắn nữa, khi mà Flappy Bird chìm xuống, liệu còn có ai nhớ tới  .GEARS của anh.

Một blogger cho rằng, Đông đã kiếm đủ số tiền trong 1 tuần để sống vài năm mà không cần lương, nhưng bằng cách gỡ game, cậu ta đã thu hút được sự chú ý lớn cho game tiếp theo của mình: "Mọi người sẽ mua game mới của cậu ta và khiến cậu ta giàu có hơn, bởi nỗi sợ rằng cậu ta cũng sẽ xoá game đó".

Một suy nghĩ không phải là không có cơ sở.

Kết

Dù sao thì trò chơi này cũng đã bị gỡ, và nếu phía tác giả không có động tĩnh gì, cơn sốt Flappy Bird cũng sẽ bị thay thế bởi một cơn sốt khác. Nhưng, bài học mà nó mang lại là không hề nhỏ, bài học về cách làm game, về xu hướng của người chơi, bài học về cách quản lý cũng như cổ vũ cho những nhà phát triển như vậy. Hy vọng, Nguyễn Hà Đông vẫn sẽ tiếp tục với những dự án của mình, và các nhà phát triển game Việt sẽ có được những thành công như anh.

Đọc thêm: Flappy Bird: Game Việt gây chấn động làng công nghệ thế giới

Lưu Quý

Video liên quan

Chủ đề