Vì sao mỹ và triều tiên đánh nhau

QPTD -Thứ Hai, 20/09/2021, 08:46 (GMT+7)

Toan tính của Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Sau 30 năm, Washington thực thi các biện pháp trừng phạt, đe dọa sử dụng vũ lực, đối thoại ở nhiều cấp độ, nhưng vấn đề hạt nhân Triều Tiên không những không hóa giải được, mà còn phức tạp hơn. Vì thế, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn đang rất thận trọng để tiếp cận vấn đề này.

Về phía Triều Tiên

Không lâu sau khi ông Joe Biden chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Triều Tiên đã phóng một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới vào cuối tháng 3/2021. Hành động này hoàn toàn không bất ngờ, vì đây là “kịch bản” khá quen thuộc mỗi khi nước Mỹ có chính phủ mới. Đơn cử, tháng 4/2009, chưa đầy 03 tháng sau khi Barack Obama nhậm chức Tổng thống, Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm xa và 06 tuần sau đó, quốc gia này tiến hành một vụ thử hạt nhân. Tiếp đến tháng 02/2017, Bình Nhưỡng lại có màn “chào mừng” Tổng thống Donald Trump bằng việc phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung khi ông đang có bữa tối vui vẻ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mar a Lago (bang Florida, Mỹ). Lần này, vẫn quyết định chơi lá bài cũ, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un tiếp tục gửi đi thông điệp cứng rắn với nhà lãnh đạo mới của Mỹ - người mà Bình Nhưỡng chắc chắn có chút thất vọng khi không hề đặt mục tiêu giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một ưu tiên trong suốt chiến dịch tranh cử. Chưa kể, mối thiện cảm cá nhân giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Kim Jong Un được cho là không mấy tốt đẹp khi cả hai từng miêu tả nhau bằng những ngôn từ khá nặng nề. Vì thế, chiến thuật làm nóng bán đảo Triều Tiên để gây sự chú ý với chính quyền vừa nhậm chức ở Washington dù không có gì mới, nhưng dường như là lựa chọn khả thi nhất trong bối cảnh Bình Nhưỡng nhận thức rõ ràng rằng, ông Joe Biden không mặn mà gì với việc đẩy nhanh tiến trình giải giáp hạt nhân của Triều Tiên. Việc khởi động một chu kỳ chiến tranh tâm lý thông qua các mối đe dọa quân sự mới có nghĩa rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã xác định thời kỳ “trăng mật” trong quan hệ Mỹ - Triều với các hội nghị thượng đỉnh “ồn ào” cùng cựu Tổng thống Donald Trump đã kết thúc và Triều Tiên cần phải quay lại con đường cũ, đó là thể hiện những tiến bộ trong phát triển vũ khí, nhằm gây quan ngại đến mức ông Joe Biden phải can thiệp bằng một hình thức ngoại giao để kiềm chế “cơn giận” của Bình Nhưỡng. Do vậy, ở khía cạnh nào đó, việc “trình làng” những tên lửa mới theo cách thức quen thuộc vào các thời điểm quan trọng của ông Joe Biden thể hiện một dấu hiệu tích cực là Triều Tiên mong muốn tiếp tục đối thoại.

Tại Đại hội VIII Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra vào tháng 01/2021, ông Kim Jong Un vẫn xác định Mỹ là kẻ thù chính và dù ai lên nắm quyền thì bản chất cũng như chính sách không hề thay đổi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn đánh giá cao những thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2018 và coi đây có thể là cơ sở cho những cuộc đàm phán trong tương lai để định hình quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, dù không suy chuyển mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng Bình Nhưỡng cũng không hoàn toàn khép lại cánh cửa đàm phán với Washington. Đây là cách tư duy thực tế, vì Triều Tiên rất cần được nới lỏng các biện pháp cấm vận vốn đã bóp nghẹt nền kinh tế quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết, nền kinh tế Triều Tiên đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân, tên lửa cùng với sự tác động của đại dịch Covid-19 và diễn biến thời tiết xấu. Trong năm 2020, quốc gia với hơn 25 triệu dân này đã trải qua một đợt suy thoái kinh tế được cho là tồi tệ nhất kể từ năm 1997 khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 6,5% (năm 2019 tăng 0,4%, sau khi giảm 4,1% vào năm 2018 và 3,5% vào năm 2017). Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên phát động “một cuộc hành quân gian khổ” - thuật ngữ Bình Nhưỡng hay sử dụng để mô tả những khó khăn trong những năm 90 của thế kỷ XX, nhằm động viên người dân chủ yếu có ý nghĩa về tinh thần, còn giải pháp thực sự hiệu quả cho những thách thức hiện nay không gì khác ngoài việc giảm bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế. Con đường duy nhất dẫn tới vạch đích này là ngồi vào bàn đàm phán với Washington.

Phải nói rằng, kể cả những giai đoạn căng thẳng nhất, thử thách nhất của quan hệ Mỹ - Triều, Washington chưa bao giờ có ý định từ bỏ đối thoại. Với Tổng thống Joe Biden - một chính trị gia lão luyện, người đã trở thành Thượng nghĩ sĩ khi mới 29 tuổi, thì có lẽ khó rời xa quỹ đạo đó. Sau khi nhậm chức không lâu, ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định, chính quyền mới của ông vẫn để ngỏ giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, cái khó của cả hai lúc này là không bên nào muốn hành động trước do thiếu lòng tin chiến lược.

Sự toan tính của Mỹ

Bởi vẫn còn chồng chất nhiều nghi hoặc, nên quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng chưa bao giờ đơn giản. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho dù hai bên đã có sự khởi đầu vô cùng căng thẳng bằng những lời chỉ trích lẫn nhau và đe dọa chiến tranh, nhưng sau đó lại là những động thái ngoại giao “lạ thường” đầy bất ngờ với các hội nghị thượng đỉnh gây chú ý. Tuy nhiên, sự cởi mở của nhà lãnh đạo Mỹ không mang lại tiến triển đáng kể nào trong quan hệ giữa hai cựu thù.

Các chuyên gia cho rằng, với tâm thế đơn độc bị bao quanh bởi các cường quốc, những tiến bộ trong phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa được Triều Tiên xem là nền tảng an ninh để bảo vệ đất nước cũng như “lá bùa hộ mệnh” cho sự sống còn của chế độ. Đặc biệt, kết cục bi thảm của nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi sau khi từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt năm 2003 chắc chắn là bài học “xương máu” cho Triều Tiên. Do vậy, việc buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân là vô cùng khó khăn. Trong điều kiện đó, câu hỏi lớn nhất hiện nay là Tổng thống Joe Biden sẽ đi theo con đường nào, đối thoại hay đối đầu, vì dường như cả hai đều thất bại trong mục tiêu kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Từng là “Phó tướng” của Tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden được dự đoán sẽ kế thừa chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên của nhà lãnh đạo này. Chính sách trên chủ trương chờ Triều Tiên tự nguyện từ bỏ các chương trình hạt nhân dưới sức ép của các lệnh trừng phạt và áp lực về kinh tế. Tuy nhiên, một số ý kiến lại tin rằng, ông Joe Biden sẽ sử dụng cách tiếp cận khác vì tình hình bây giờ đã hoàn toàn thay đổi. Cho đến nay, ông chủ Nhà Trắng chưa chính thức công bố chính sách về Triều Tiên. Tuy nhiên, trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In tại Washington ngày 21/5/2021, hai bên tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận thực tế và có điều chỉnh, tạo sự cởi mở và cơ hội đối thoại với Triều Tiên. Hiện vẫn còn rất ít thông tin về cách thức xử lý vấn đề Triều Tiên của Tổng thống Joe Biden, nhưng đã xuất hiện những dự đoán rằng, nó sẽ được định hình theo “nguyên tắc Goldilocks”, tức là tìm kiếm điểm trung gian, tránh cả thái cực quá nóng như “chiến lược mặc cả” của ông Donald Trump hay quá lạnh giống sự “kiên nhẫn chiến lược” của ông Barack Obama.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng được cho là sẽ quay trở lại với cách tiếp cận ngoại giao chính thống hơn, khác hẳn những quyết định đầy ngẫu hứng của vị tổng thống được xem là một nhà chính trị “ngoại đạo” Donald Trump. Thay vì áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống của người tiền nhiệm, ông chủ Nhà Trắng có khả năng sẽ lựa chọn chiến lược từ dưới lên; theo đó, ưu tiên đàm phán cấp chuyên viên, sau đó là các cuộc gặp cấp cao và cuối cùng mới là các cuộc hội đàm thượng đỉnh. Phương pháp trên có thể không tạo ra những bước đi thần tốc trong quá trình cải thiện quan hệ Mỹ - Triều vì phải mất khá nhiều thời gian để đi tới những cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ khiến các bên có thể thực thi những điều chỉnh phù hợp sau từng tình huống hoặc trong từng giai đoạn cụ thể, hạn chế được nguy cơ vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều đó phù hợp với mong muốn của chính quyền Tổng thống Joe Biden là không để căng thẳng leo thang, ít nhất trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ trong bối cảnh không thể đặt hồ sơ Bình Nhưỡng lên vị trí ưu tiên hàng đầu.

Trong một cuộc trả lời giới truyền thông khi mới nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề cập đến khả năng Washington sẽ sử dụng “chính sách kép” là bổ sung các biện pháp trừng phạt đi đôi với khuyến khích về ngoại giao đối với Bình Nhưỡng. Tuyên bố này ít nhất có thể xóa đi lo ngại rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thể hiện sự cứng rắn chỉ bằng siết chặt “vòng kim cô”, vì cách tiếp cận này rất dễ gây ra những sai lầm chiến lược. Trên thực tế, Chủ tịch Kim Jong Un có xu hướng chấp nhận những đàm phán mang lại nhiều lợi ích cho đất nước khi kiên định theo đuổi các nguyên tắc, như: hành động đồng thời, cam kết đổi cam kết, hành động đổi hành động, thiện chí đổi thiện chí. Vì vậy, theo giới quan sát, nếu có thể đưa ra những nhượng bộ vào đúng thời điểm, đặc biệt là liên quan đến việc nới lỏng các đòn trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng thì một bước đột phá lớn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Xây dựng một lộ trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trong khi vẫn bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau và nguyên tắc bất di bất dịch của mỗi bên là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Thế nhưng, Triều Tiên luôn là một vấn đề không thể phớt lờ và việc tìm ra “công thức phù hợp” để kiểm soát điểm nóng này vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Mỹ. Nếu chưa thể loại bỏ ngay sự nguy hiểm từ chương trình vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa của Triều Tiên thì ít nhất Mỹ cũng có cơ chế để ngăn chặn được nguy cơ mối đe dọa này trở nên tồi tệ hơn. Triển vọng này sẽ dễ trở thành hiện thực, nếu Nhà Trắng có sự phối hợp chính sách triệt để với các đồng minh của mình tại khu vực, như: Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì có một thực tế là, việc bỏ qua những người bạn có chung lợi ích bằng một chính sách đơn phương như cách mà cựu Tổng thống Donald Trump tự tin thực hiện trong nhiệm kỳ của mình đã không giúp thúc đẩy lòng tin và đem lại tiến triển đáng kể nào trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Đại tá, TS. NGUYỄN TIẾN CƯỜNG, Học viện Quốc phòng

Video liên quan

Chủ đề