Vì sao lãi suất có tính chu kỳ

Hôm 4/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,5% - mạnh nhất 22 năm. Hồi tháng 3, cơ quan này nâng lãi thêm 0,25% - lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018.

Việc Fed đưa lãi suất rời vùng 0% cho thấy họ tự tin vào sức khỏe của thị trường lao động. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất cũng cho thấy Fed lo ngại về lạm phát đến mức nào. Lạm phát Mỹ hồi tháng 3 tăng với tốc độ nhanh nhất 40 năm. Điều này có thể buộc Fed tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong những tháng tới.

Người Mỹ sẽ cảm nhận rõ tác động của sự thay đổi này. Họ sẽ không còn được vay lãi suất cực thấp khi mua nhà hay mua xe nữa. Tiền tiết kiệm trong các tài khoản ngân hàng cũng sẽ sinh lời thêm một chút. "Tiền không còn miễn phí nữa", Joe Brusuelas – kinh tế trưởng tại RSM US cho biết.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh: Reuters

Khi đại dịch xuất hiện, Fed gần như hạ lãi suất về 0% để khuyến khích người dân chi tiêu và doanh nghiệp đầu tư. Để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, Fed đã tung hàng nghìn tỷ USD ra thị trường. Khi các thị trường tín dụng đóng băng hồi tháng 3/2020, Fed còn đưa ra các công cụ tín dụng khẩn cấp.

Các chính sách giải cứu của Fed đã phát huy tác dụng. Không có cuộc khủng hoảng tài chính nào diễn ra vì Covid-19. Vaccine và các khoản chi khổng lồ của Quốc hội Mỹ đã mở đường cho đà phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc các chính sách được tung ra khẩn cấp, nhưng mãi chưa được gỡ bỏ, đã khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang thấp nhất 50 năm, nhưng lạm phát lại rất cao. Kinh tế Mỹ vì thế không còn cần nhiều hỗ trợ từ Fed nữa.

Chi phí đi vay tăng

Lãi suất tham chiếu của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức lãi mà người tiêu dùng phải trả, động thái của Fed vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày.

Mỗi lần Fed nâng lãi suất, việc đi vay sẽ đắt đỏ hơn. Điều này đồng nghĩa mọi khoản vay, từ mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, vay nộp học phí sẽ tốn kém hơn. Chi phí đi vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cao lên.

Lãi suất tăng lên sẽ khiến việc mua nhà khó khăn hơn. Giá nhà tại Mỹ đã tăng chóng mặt trong đại dịch. Nhu cầu yếu đi có thể hạ nhiệt thị trường bất động sản nước này. Giá nhà trung bình tại Mỹ hồi tháng 3 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 375.000 USD, theo Hiệp hội Bất động sản Quốc gia Mỹ.

Lãi suất có thể tăng đến mức nào?

Nhà đầu tư kỳ vọng Fed nâng lãi suất lên ít nhất 3% vào cuối năm nay. Fed từng tăng lãi suất lên 2,37% trong đợt nâng lãi gần nhất vào cuối năm 2018. Trước khủng hoảng tài chính 2007 – 2009, lãi suất này còn lên tới 5%.

Tuy nhiên, tác động lên lãi suất cho vay những tháng tới còn phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng lãi của Fed. Mà việc này vẫn còn chưa được quyết định.

Tin tốt cho người gửi tiết kiệm

Lãi suất thấp không có lợi cho người gửi tiền. Việc Fed duy trì lãi suất gần 0% suốt 2 năm khiến người gửi tiết kiệm gần như chẳng kiếm được gì. Nếu trừ đi lạm phát, họ thậm chí còn lỗ.

Tuy nhiên, tin tốt là lãi suất tiết kiệm sẽ tăng khi Fed nâng lãi tham chiếu. Người gửi tiền cuối cùng cũng có tiền lãi.

Nhưng việc này cần thời gian. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là với các ngân hàng lớn, tác động sẽ khó mà thấy qua một đêm. Và kể cả khi các nhà băng nâng lãi theo, lãi suất tiết kiệm cũng vẫn rất thấp, thấp hơn lạm phát và lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.

Các thị trường sẽ phải điều chỉnh theo

Lãi suất thấp có lợi cho thị trường chứng khoán, do nó buộc nhà đầu tư đặt cược vào tài sản rủi ro, như cổ phiếu. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng là thách thức với thị trường chứng khoán, vốn đã quá quen thuộc - nếu không muốn nói là nghiện - tiền rẻ. Các thị trường gần đây biến động lớn do lo ngại về kế hoạch chống lạm phát của Fed.

Tuy nhiên, phần lớn tác động này sẽ phụ thuộc vào việc Fed nâng lãi nhanh đến mức nào, và các yếu tố kinh tế nền tảng, lợi nhuận doanh nghiệp biến động ra sao sau đó.

Tối thiểu thì việc nâng lãi cũng đồng nghĩa thị trường chứng khoán sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với trái phiếu chính phủ.

Lạm phát liệu có hạ nhiệt?

Mục tiêu của Fed khi nâng lãi suất là kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn phải giữ đà phục hồi cho thị trường lao động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 8,5% trong tháng 3 so với năm trước đó. Đây là tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/1981. Trong khi đó, mục tiêu lạm phát của Fed chỉ là 2%.

Các nhà kinh tế học cảnh báo lạm phát có thể còn tồi tệ hơn, do giá hàng hóa đã tăng vọt kể từ sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Mọi thứ từ thực phẩm, năng lượng đến kim loại đều trở nên đắt đỏ, dù giá dầu đã hạ nhiệt do các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc.

Chi phí sinh hoạt cao đang khiến hàng triệu người Mỹ đau đầu, đẩy niềm tin tiêu dùng xuống thấp nhất thập kỷ. Dĩ nhiên, các chính sách của Fed cần thời gian để phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như xung đột tại Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cả Covid-19.

Tác động lên các nền kinh tế khác

Vệc Fed nâng lãi suất không chỉ có tác động đến kinh tế nước này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác. Ví dụ, Hong Kong và các nước Vùng Vịnh – vốn neo nội tệ vào đôla Mỹ - đã nâng lãi suất ngay sau động thái của Fed. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong (HKMA) hôm 4/5 nâng lãi suất cơ bản từ 0,75% lên 1,25%. Trong khi đó, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Bahrain nâng thêm 0,5%.

Bên cạnh đó, việc này còn gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển. Tháng trước, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo Fed và các ngân hàng trung ương khác "suy nghĩ kỹ về rủi ro lan truyền với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ tổn thương".

Nguyên nhân là việc này có thể làm thay đổi dòng chảy đầu tư toàn cầu, khiến dòng vốn rời các nước nghèo để chảy sang Mỹ. Việc này sẽ kéo giá đôla Mỹ lên và đẩy giá các đồng tiền khác xuống. Để bảo vệ nội tệ, các nước này có thể cũng sẽ nâng lãi suất theo, gây ra hệ quả như kéo tụt tăng trưởng, xóa sổ nhiều việc làm và doanh nghiệp ngại đi vay. Các chính phủ mắc nợ cũng sẽ phải chi nhiều hơn cho việc trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến ngân sách cho những việc như chống dịch hay xóa đói giảm nghèo.

Hà Thu (theo CNN, AP)

Mục lục bài viết

  • 1. Lãi là gì ?
  • 2. Lãi suất là gì ?
  • 3. Các loại lãi suất phổ biến
  • 4. Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế
  • 5. Vai trò của lãi suất đối với nền kinh tế thị trường

1. Lãi là gì ?

Lãi là phần giá trị lớn hơn, thu được do tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ so với giá thành và chỉ phí tiêu thụ sản phẩm.

Lãi là bộ phận giá trị có được do thực hiện việc tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Nếu việc tiêu thụ sản phẩm có lãi thì nó là một bộ phận của doanh thu. Giá thành là toàn bộ hao phí tài sản, sức lao động liên quan đến việc tạo ra sản phẩm. Trong hạch toán kinh tế, lãi được chia làm hai loại chủ yếu là lãi kế hoạch và lãi thực tế. Lãi kế hoạch là chỉ tiêu dự kiến lãi thu được trong thời gian xác định. Lãi thực tế là lãi có được sau khi trang trải các chỉ phí thực tế trong quá trình tạo ra sản phẩm.

Dưới chủ nghĩa tư bản, lãi là hình thức chuyển hoá của giá trị thặng dư mà nhà tư bản bóc lột lao động làm thuê. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, trong thành phần kinh tế nhà nước và hợp tác xã, lãi là khoản thu nhập thuần tuý của xã hội, là biểu hiện tích luỹ tiền tệ trong các xí nghiệp và tổ chức kinh tế bên cạnh hình thức thuế. Lãi được tính toán đúng theo các tiêu chuẩn kinh tế, kĩ thuật hợp lí, là một trong những thước đo quan trọng về hiệu quả của sản xuất, kinh doanh, là nguồn quan trọng để thực hiện tái sản xuất mở rộng, nguồn để khuyến khích lợi ích vật chất đối với cá nhân người lao động và tập thể lao động.

2. Lãi suất là gì ?

Lãi suất là giá cả của quyền sử dụng một đơn vị vốn vay trong một đơn vị thời gian (1 tháng hoặc 1 năm). Đây là loại giá cả đặc biệt, được hình thành trên cơ sở giá trị sử dụng chứ không phải trên cơ sở giá trị. Giá trị sử dụng của khoản vốn vay là khả năng mang lại lợi nhuận cho người đi vay khi sử dụng vốn vay trong hoạt động kinh doanh hoặc mức độ thoả mãn một hoặc một số nhu cầu nào đó của người đi vay. Khác với giá cả hàng hoá, lãi suất không được biểu diễn dưới dạng số tuyệt đối mà dưới dạng tỷ lệ phần trăm. Lãi suất (interest rate) cũng được xem là tỷ lệ sinh lời (rate of return) mà người chủ sở hữu thu được từ khoản vốn cho vay.

Diễn biến của lãi suất có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của mỗi chủ thể kinh tế. Nó tác động đến những quyết định của các cá nhân như chi tiêu hay để dành, mua nhà hay mua trái phiếu hay gửi tiền vào một tài khoản tiết kiệm. Lãi suất cũng tác động đến những quyết định kinh tế của các doanh nghiệp như: dùng tiền để đầu tư mua thiết bị mới cho các nhà máy hoặc để gửi tiết kiệm trong một ngân hàng. Do những ảnh hưởng đó, lãi suất là một trong những biến số được theo dõi chặt chẽ nhất trong nền kinh tế và diễn biến của nó được đưa tin hầu như hàng ngày trên báo chí.

3. Các loại lãi suất phổ biến

– Căn cứ vào tính chất khoản vay

Bao gồm những loại lãi suất cơ bản nhất được ngân hàng áp dụng cho khách hàng khi muốn vay tín dụng.

+ Lãi suất cơ bản: được áp dụng chung, làm cơ sở để ấn định các mức lãi suất phát sinh cho các dịch vụ tín dụng khác của ngân hàng.

+ Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng: lãi suất sinh ra mà ngân hàng phải trả cho khách hàng sử dụng dịch vụ tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng.

+ Lãi suất cho vay ngân hàng (lãi suất tín dụng): người vay tiền phải trả cho ngân hàng khi vay. Được chia thành nhiều mức lãi dựa theo hình thức vay là vay kinh doanh, trả góp, vay qua thẻ tín dụng, vay ngắn hạn…

+ Lãi suất chiết khấu ngân hàng: áp dụng khi một cá nhân xin vay dưới dạng chiết khấu thương phiếu hoặc các giấy tờ cá giá trị. Được tính với tỷ lệ phần trăm theo mệnh giá thương phiếu, khấu trừ ngay từ ban đầu khi nhận tiền vay.

+ Lãi suất tái chiết khấu: được ngân hàng Trung Ương áp dụng đối với các ngân hàng thương mại khi cho vay tái chiết khấu dưới dạng thương phiếu và giấy tờ có giá trị ngắn hạn chưa đến hạn thanh toán.

+ Lãi suất liên ngân hàng: áp dụng khi cho vay trên thị trường liên ngân hàng, giữa các ngân hàng với nhau qua quan hệ cung cầu vốn. Lãi suất liên ngân hàng được quy định bởi Ngân hàng Trung Ương, phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường và tỷ trọng sử dụng vốn.

– Căn cứ giá trị thực

Dựa theo giá trị của khoản vay, người ta cũng chia lãi suất thành 2 loại.

+ Lãi suất danh nghĩa: được tính theo giá trị danh nghĩa, chưa bao gồm chỉ số tác động của lạm phát và công bố trên hợp đồng tín dụng.

+ Lãi suất thực tế: được điều chỉnh từ lãi suất danh nghĩa, và những tác động của lạm phát thời điểm đó.

Theo đó: Lãi suất danh nghĩa = Lãi suất thực + Tỷ lệ lạm phát.

– Căn cứ tính linh hoạt của lãi suất

Với 2 loại.

+ Lãi suất cố định: Cố định trước và trong thời gian vay, có thể biết trước để người vay tiền có thể quyết định vay hay không. Tuy vậy lãi suất cố định lại hạn chế khi không được thay đổi trong thời gian mặc cho những biến động của lãi suất thị trường.

+ Lãi suất thả nỗi: Ngược lại với lãi suất cố định, khi có thể thay đổi tùy theo lãi suất thị trường trong thời hạn vay tín dụng. Nhược điểm là có thể nhận rủi ro, nhưng cũng có khi có lợi.

– Căn cứ loại tiền cho vay

+ Lãi suất nội tệ: lãi suất cho vay và đi vay đồng nội tệ.

+ Lãi suất ngoại tệ: lãi suất cho vay và đi vay đồng ngoại tệ.

– Căn cứ nguồn tín dụng trong nước hay quốc tế

+ Lãi suất quốc gia (lãi suất trong nước): tiền đề cho mọi hình thức cho vay tín dụng trong nước.

+ Lãi suất quốc tế: áp dụng với các hợp đồng tín dụng quốc tế

4. Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế

Chính vì những lợi ích của lãi suất và những đặc điểm vừa có lợi và có hại cho nền kinh tế, việc sử dụng lãi suất một cách thông minh là rất cần thiết và quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế của một quốc gia.

– Những nhân tố ảnh hưởng đến lãi suất, có thể kể đến:

  • Cung – cầu quỹ cho vay.
  • Mức lạm phát dự tính.
  • Mức rủi ro.
  • Kỳ hạn lãi suất.
  • Các chính sách vi mô và vĩ mô được đề xuất và thực hiện bởi Chính phủ.
  • Chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Trung Ương.
  • Sự phát triển nền kinh tế.

– Ảnh hưởng đến hình thức cho vay

Theo đó, ảnh hưởng lãi suất còn thường thể hiện thông qua những biểu hiện cho hình thức vay nợ, giao dịch tín dụng. Nếu lãi suất tăng, khả năng vay nợ xuống thấp, tăng nhu cầu gửi tiết kiệm, giảm tiêu dùng, ảnh hưởng đến bên “cầu” trong dòng chảy lưu thông tiền tệ. Ngược lại lãi suất giảm, nhu cầu vay tăng cao, hạn chế gửi tiết kiệm, “cung” tăng cao có thể sinh lạm phát.

– Tác động đến tỷ giá hối đoái

Ngoài ra mức lãi suất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mức tỷ giá hối đoái. Nếu mức lãi suất trong nước tăng cao hơn nước ngoài, dòng vốn nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn, làm tỷ giá nội tệ và ngoại tệ giảm xuống, giảm giá trị đồng nội tệ, kèm theo sản lượng xuất khẩu ròng bị tác động đi xuống, tổng cầu giảm theo, sinh lạm phát.

Có thể thấy một mức lãi suất đưa ra sẽ kéo theo những phát sinh khác nhau có thể là tiêu cực hoặc tích cực. Do đó kiểm soát mức lãi suất theo định kì luôn là một trong những việc làm cần thiết mà mỗi Ngân hàng Quốc gia lưu tâm.

5. Vai trò của lãi suất đối với nền kinh tế thị trường

Lãi suất có vai trò và ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển và ổn định kinh tế của một quốc gia. Lãi suất hợp lý sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá phát triển và ngược lại. Vì thế, việc hoạch định chính sách lãi suất phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định, đảm bảo lãi suất thoả mãn các yêu cầu mà nền kinh tế đặt ra.

Trong nền kinh tế thị trường, người đi vay cũng như người cho vay có thể là các doanh nghiệp, các cá nhân, hộ gia đình, chính phủ hoặc người nước ngoài. Đối với người đi vay, lãi suất tạo nên chi phí, làm giảm lợi nhuận của người vay. Còn với người cho vay, lãi suất chính là thu nhập của họ. Vì thế lãi suất đóng vai trò to lớn trong các quyết định của các chủ thể kinh tế. Thông qua những quyết định của các chủ thể kinh tế, lãi suất ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như cơ cấu kinh tế của một quốc gia.

Trước hết, lãi suất là công cụ được sử dụng nhằm phân phối hiệu quả và hợp lý các nguồn lực trong nền kinh tế. Bởi lãi suất chính là phần thu nhập cho những khoản tiền tiết kiệm hoặc cho vay để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Khi đầu tư vào một ngành hoặc một dự án nào đó, chúng ta đều phải quan tâm đến lợi tức thu được so với chi phí ban đầu , làm sao để thu được lợi nhuận. Có thể nói lãi suất là tín hiệu, là căn cứ cho sự phân bố hiệu quả các nguồn lực khan hiếm trong xã hội. Thông qua lãi suất, các doanh nghiệp và các cá nhân, các tác nhân trong nền kinh tế có thể đưa ra những phương án đầu tư tối ưu nhất.

ở góc độ vĩ mô, lãi suất trở thành công cụ điều tiết nền kinh tế. Lãi suất thị trường do quan hệ cung cầu trên thị trường tiền tệ ấn định. Đến lượt nó, lãi suất tác động trở lại đối với hành vi tiêu dùng, đầu tư, từ đó tác động lên tổng cầu.

Khi cung tiền tệ tăng lên, lãi suất cân bằng trong vĩ mô giảm xuống, giá trái phiếu tăng lên do giá trị hiện tại của thu nhập tương lai có giá trị hơn gây ra hiệu ứng của cải và làm dịch chuyển hàm tiêu dùng lên trên. Tiêu dùng sẽ tăng ở mỗi mức thu nhập. Tín dụng tiêu dùng tăng lên do khả năng tín dụng và khả năng trả nợ vay tín dụng tăng lên.

Đầu tư, kể cả đầu tư bản và vốn cố định vốn luân chuyển hàng tồn kho đều có mối liên hệ mật thiết tới lãi suất. Khi giá của tư liệu sản xuất cho một dự án tăng, nghĩa là lợi nhuận dự tính giảm xuống, đầu tư giảm xuống và ngược lại.

Như vậy có thể nói một sự thay đổi của lãi suất sẽ tác động tới các yếu tố của tổng cầu, thông qua đó động tổng cầu và các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng khác.

Trong giai đoạn đang phát triển của nền kinh tế lãi suất có xu hướng tăng do cung cầu quỹ cho vay tăng. Ngược lại, giai đoạn suy thoái, lãi suất có xu hướng giảm xuống.

Rõ ràng chính sách lãi suất phù hợp là cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)

họ