Văn hóa dân gian Việt Nam là gì

Những cách làm độc đáo

Không phải ai cũng để ý, một số yếu tố văn hóa dân gian đã được khai thác rất thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, tạo nên những sản phẩm vật chất hoặc tinh thần độc đáo, có ý nghĩa. Một trong số đó, được biết đến nhiều nhất, có thể kể đến các sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trí Minh. Anh là người xây dựng tên tuổi trong làng âm nhạc với vai trò nhạc sĩ âm nhạc điện tử, và đưa vào trong các tác phẩm của mình nhiều chất liệu, trong đó có âm nhạc dân gian.

Nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình có mẹ là nghệ sĩ nhạc dân gian, cho nên được tiếp xúc rất sớm với loại hình âm nhạc này. Bản thân tôi là nhạc sĩ và là người thực hành khai thác, phát triển vốn văn hóa dân gian”. 

Nhạc sĩ cho biết, ngay từ đầu những năm 2000, anh đã đưa âm nhạc dân gian vào các tác phẩm của mình. Ban đầu, anh chỉ khai thác bằng cách dựa vào các nét của âm nhạc dân gian và sáng tác. Đến nay, cách thức khai thác của anh đã thay đổi: “Tôi mời hẳn nghệ sĩ âm nhạc dân gian cùng sáng tác với mình chứ không chỉ khai thác đơn thuẩn sản phẩm đã có sẵn nữa”. Các loại hình âm nhạc dân gian mà nhạc sĩ thường đưa vào tác phẩm của mình là ca trù, âm nhạc của đồng bào các dân tộc…

Khác với nhạc sĩ Trí Minh là một nhạc sĩ chuyên nghiệp có sử dụng yếu tố văn hóa dân gian vào tác phẩm của mình, Đặng Văn Hậu lại là một nghệ nhân dân gian thực thụ. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề tò he Xuân La (xã Phượng Dức, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), anh không chỉ nặn tò he thành thạo, mà còn nâng tò he lên thành một nghệ thuật, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao từ món đồ chơi dân gian truyền thống cha ông để lại. 

Năm 2017, anh cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân nặn con giống bột Đồng Xuân cuối cùng của Hà Nội Phạm Nguyệt Ánh mày mò tìm cách khôi phục lại con giống bột cổ xưa đã thất truyền. Đến nay, toàn bộ hình ảnh con giống bột như: Nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá vàng, bộ lục súc và con giống ở Huế... đã được anh Hậu phục hồi lại gần như đầy đủ. 

Ngoài ra, bằng sự sáng tạo của mình, nghệ nhân Đặng Văn Hậu còn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tạo tác công phu… để phục vụ cho những đối tượng khách hàng khác nhau. Thí dụ, bộ sản phẩm “Tích Trung thu” anh phối hợp với họa sĩ Cẩm Anh thực hiện, được thiết kế và thử nghiệm nhiều lần trước khi hoàn chỉnh, có giá thành lên tới hàng triệu đồng, mức giá cao gấp hàng trăm lần so với sản phẩm tò he thông thường.

Họa sĩ Lê Mạnh Cương, người sáng lập KEIG Studio và game “Thần tích” lại lựa chọn một con đường khác để khai thác vốn văn hóa dân gian. “Thần tích” là game đầu tiên dựa trên chất liệu kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Ý tưởng của những người sáng lập game là xây dựng một trò chơi điện tử với các nhân vật trong truyền thuyết, cổ tích của Việt Nam như Lạc Long Quân, Âu Cơ hay Sơn Tinh, Thủy Tinh…

Văn hóa dân gian Việt Nam là gì
 Ứng dụng họa tiết trang trí dân gian vào sản xuất gốm thương mại ở Bắc Giang.

Đây chỉ là ba trong số rất nhiều thí dụ thực trong cuộc sống, được nêu lên trong buổi trò chuyện về “Văn hóa dân gian trong thời đương đại”, chương trình nằm trong chuỗi sự kiện đối thoại “Sống với văn hóa dân gian” do Trường Đại học Việt Nhật và Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam đồng chủ trì, các đơn vị Chèo 48h Tôi chèo về quê hương, VICH - Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, Về Làng, Trường Ca Kịch viện đồng tổ chức, với sự phối hợp của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Phòng Thí nghiệm tương tác người - máy, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Folklore Club USSH.

Những giải pháp để văn hóa dân gian “sống” trong đời sống đương đại

Nhiều nhà nghiên cứu, người thực hành cũng như nghệ nhân dân gian đã có những chia sẻ, ý tưởng về việc giữ cho văn hóa dân gian phát triển trong đời sống đương đại. Một trong những giải pháp được nhiều người quan tâm là giáo dục cho thế hệ trẻ. 

Văn hóa dân gian Việt Nam là gì
 Em bé thích thú với các loại tò he ở một hội chợ quê truyền thống.

PGS,TS Trần Thị Thanh Tú (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, tiếp cận từ giáo dục là một trong ba cách tiếp cận quan trọng đối với văn hóa dân gian, cùng với kết hợp với kinh tế để tạo ra giá trị gia tăng, và kết hợp với công nghệ để phát triển.

Bà Trần Thị Thanh Tú cho rằng, ngay từ nhỏ, trẻ nhỏ phải được tiếp cận với các sản phẩm văn hóa dân gian như tò he, rối nước... Tuy nhiên, hiện nay ở các chương trình giáo dục cấp tiểu học, phổ thông đều chưa có, chưa quan tâm đến nội dung này. Trẻ biết về văn hóa dân gian chủ yếu do các gia đình chủ động cho các con tiếp cận. Ở các cấp học cao hơn, học sinh cần có sự tiếp cận cao hơn nữa, theo nhận thức của các con.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng chia sẻ về kinh nghiệm tiếp cận lớp trẻ của mình. Anh kể: “Chúng tôi tham gia các lễ hội văn hóa và hội chợ để trải nghiệm. Tò he là món đồ hấp dẫn các em nhỏ, chúng tôi giúp các em tiếp cận bằng cách cho các em trải nghiệm nặn tò he với các dụng cụ của nghệ nhân. Từ đó, các em có thể hiểu hơn và yêu thích văn hóa truyền thống hơn”.

Một điều quan trọng không thể thiếu, là định hướng và chính sách của Nhà nước. GS,TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam nếu không có chính sách, định hướng từ Nhà nước thì không làm được gì. Hiện tại, các chính sách của Nhà nước đối với văn hóa dân gian cũng khá mở, nhưng chưa thực sự hỗ trợ hay tiếp cận được đến đối tượng của chính sách. Thí dụ như các nghệ nhân dân gian, mặc dù đã có danh hiệu được công nhận, nhưng lại chưa hề có chế độ gì. 

Đồng ý kiến với GS,TS Lê Hồng Lý, nhạc sĩ Trí Minh cho rằng, là người tham gia trực tiếp từ rất lâu, anh nhận thấy để phát triển được thì phải có định hướng của nhà nước, nếu không có các chính sách mở đường của nhà nước thì các chính sách phát triển con người không đi đến đâu. 

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng cho rằng, nghệ nhân dân gian không chỉ làm việc một mình theo kinh nghiệm vốn có từ cộng đồng của mình, mà phải hợp tác với nhiều bên. Chính vì thế, cần đến hoạch định chính sách, sáng tạo, sản xuất, để tạo nên sản phẩm kết hợp như vậy.

Ngoài ra, việc tạo ra những chuỗi giá trị cũng là cách để văn hóa dân gian tồn tại. Các sản phẩm thương mại khai thác yếu tố văn hóa dân gian, các sản phẩm du lịch, hay những sản phẩm cụ thể như áo dài, tò he… đều có thể được xây dựng thành chuỗi giá trị. 

Điều quan trọng nhất, là người dân phải nhận thức được những giá trị quý báu của văn hóa dân gian, sử dụng và khai thác các sản phẩm có yếu tố văn hóa dân gian bên cạnh các sản phẩm hiện đại, đó cũng là một cách hướng về nguồn cội.

Nhiều khi chúng ta mải chạy theo những giá trị khác mà bỏ quên văn hóa dân gian. Ngày xưa, GS Trần Quốc Vượng có nói: “Còn dân là còn văn hóa”. Như đợt dịch Covid-19 vừa rồi, chúng ta thấy có rất nhiều ca dao tục ngữ hò vè về đề tài này, đó là điều thú vị của văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Trong đời sống hiện đại, cái gì khai thác được các yếu tố văn hóa dân gian thì sẽ tồn tại rất lâu”. 

GS,TS Lê Hồng Lý

TUYẾT LOAN

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian trong thời đại mới

23/05/2019 - 09:38 AM

Cỡ chữ

Với những nét văn hóa dân gian đặc trưng, Việt Nam là nước có truyền thống văn hóa truyền miệng, khác với Trung Quốc và Ấn Độ là truyền thống văn hóa chữ viết. Văn hóa dân gian Việt Nam có truyền thống hình thành và phát triển từ rất lâu đời, bắt nguồn từ xã hội nguyên thủy. Đến thời kỳ phong kiến tự chủ, cùng với sự ra đời và phát triển của văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì văn hóa dân gian vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa cũng như xã hội Việt Nam, đặc biệt là với quần chúng lao động.

Văn hóa dân gian Việt Nam là gì


Ảnh minh họa, nguồn Internet


Truyền thống lịch sử và xã hội Việt Nam đã quy định những nét đặc trưng của văn hóa nước ta. Đó là văn hóa xóm làng trội hơn văn hóa đô thị, văn hóa truyền miệng lấn át văn hóa chữ nghĩa, ứng xử duy tình nặng hơn duy lý, chủ nghĩa yêu nước trở thành trung tâm của hệ ý thức, nơi sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa Việt Nam.

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian trên nhiều lĩnh vực, cụ thể như: Ngữ văn dân gian bao gồm: Tự sự dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, truyện thơ...); Trữ tình dân gian (ca dao, dân ca); Thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian; Nghệ thuật dân gian bao gồm: Nghệ thuật tạo hình dân gian (kiến trúc dân gian, hội họa dân gian, trang trí dân gian...); Nghệ thuật biểu diễn dân gian (âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian, trò diễn...); Tri thức dân gian bao gồm: Tri thức về môi trường tự nhiên (địa lý, thời tiết, khí hậu...); Tri thức về con người (bản thân): Y học dân giandưỡng sinh dân gian; Tri thức ứng xử xã hội (ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng); tri thức sản xuất (kỹ thuật công cụ sản xuất); Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội. Các lĩnh vực nghiên cứu trên của văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại và phát triển với cách là một chỉnh thể nguyên hợp, thể hiện tính chưa chia tách giữa các bộ phận (ngữ văn, nghệ thuật, tri thức, tín ngưỡng phong tục...), giữa hoạt động sáng tạo và hưởng thụ trong sinh hoạt văn hóa, giữa sáng tạo văn hóa nghệ thuật và đời sống lao động của nhân dân.

Song song với việc triển khai nghiên cứu về văn hóa dân gian, ở Việt Nam, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số đã ngày càng được đẩy mạnh và quan tâm. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc. Bên cạnh đó, công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa - du lịch cũng được triển khai và từng bước đi vào thực tế.

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay ở nước ta có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Mường, Thái, Tày,Tu, Mông, Nùng, Dao, Ba Na, Chứt, Khmer, XTiêng, Khơ Mú, Lào, Giáy,Lô, Co, Mạ, Bố Y, Thẻn, Ơ Đu, Ôi, Hà Nhì, Cống, Shi La, Rơ Măm, Ê Đê, Bru-Vân Kiều… được phục dựng bảo tồn, phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Hơn 30 làng/bản/buôn của 25 dân tộc (S’tiêng, Chăm, Ba Na, K’ho, M’Nông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ mú, Mường, Thái, Mông, Lô Lô, Tày, Dao, Khmer, Jrai, Ơ Đu, Chứt, Mạ, Bố Y, H’rê…) được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa truyền thống, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục truyền thống, nghề truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán của các dân tộc. Nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người (dưới 10 nghìn người) được mở ra tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình... 134/271 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là của các dân tộc thiểu số; 276/617 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, với sự du nhập văn hóa phương Tây và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, ngoài những lợi ích đem lại cho con người thì cũng đang gây ra nhiều bất cập, trong đó có nguy cơ làm mai một không ít giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số như: Trang phục, kiến trúc, lối sống của giới trẻ, văn hóa ứng xử trong cộng đồng; việc phục dựng, tổ chức lễ hội còn bất cập; tình trạng thương mại hóa, biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi có chiều hướng gia tăng... Điển hình như việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh đang gặp phải tình trạng “ngoài lề hoá”, “sân khấu, làm mới và thương mại hóa di sản”, cùng với đó là những bất cập trong thực hành, truyền dạy và công tác nghệ nhân.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa nói chung, hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói riêng có những đặc thù, khó khăn do nguồn lực về con người và cũng bởi thực tế cho thấy, chúng ta thường ưu tiên hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế, hội, đầu sở hạ tầng, trong khi những vấn đề, bất cập về văn hóa, thường chưa thể khắc phục được ngay, phải mất nhiều thời gian, tâm sức, thậm chí nhiều chục năm để khắc phục.

Chính vậy, Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã có những nỗ lực tích cực trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời tạo ra môi trường, mối liên kết, kết nối để từng người dân, từng cộng đồng toàn xã hội có thể tham gia công tác này. Thông qua việc giao lưu văn hóa từ các vùng miền, các dân tộc sẽ tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số học hỏi, tăng cường hiểu biết, phát huy truyền thống tốt đẹp và gắn kết cộng đồng. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện hơn nữa chính sách dành cho các nghệ nhân, nhất là đối với những di sản vật thể, phi vật thể có nguymất đi. Tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, bỏ những hủ tục lạc hậu…

Văn hóa dân gian là những giá trị vật chất và tinh thần do dân gian sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong thời đại mới không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi người dân trong cộng đồng dân tộc. Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian là một quá trình dài, không đơn giản, cần có thời gian và sự chung tay của các cấp quản lý và quần chúng nhân dân, như vậy mới có thể bảo tồn xứng tầm các giá trị và nâng cao đời sống tinh thần dân tộc./.

Thu Hòa

Về trang trước Gửi email In trang