Vai trò của cấp Hội phụ nữ trong công tác xây dựng nông thôn mới

Các cấp Hội phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 13/10/2011 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, nhằm góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được đông đảo hội viên, phụ nữ ở các địa phương hưởng ứng, đăng ký thực hiện các phần việc cụ thể, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Công tác tuyên truyền, vận động được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp hội, làm chuyển biến về nhận thức cho hội viên, phụ nữ về chủ trương, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới, đề cao vai trò trách nhiệm của chị em trong thực hiện các nội dung của chương trình. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, được các cấp Hội gắn kết với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” (gồm: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc TNXH, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2012 các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về vai trò của gia đình trong xã hội, trách nhiệm của người phụ nữ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái và tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, phụ n đăng ký xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với thực hiện mô hình gia đình “5 không, 3 sạch” có 103.754 chị tham gia. Các cấp Hội thành lập mới được 13 CLB có 424 thành viên tham gia, thông qua các mô hình CLB đã chuyển tải nhiều nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quán triệt các chủ trương và triển khai các hoạt động về xây dựng nông thôn mới đến các hộ gia đình. 

Các cấp Hội còn đẩy mạnh phổ về công tác DS-KHHGĐ, SKSS, kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ mang thai; tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, trẻ em và vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai, kết quả trong 6 tháng đã có 82.456 lượt hội viên, phụ nữ được khám bệnh, khám bệnh phụ khoa, khám thai và uống viên sắt chống thiếu máu;

Điều đáng ghi nhận là nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ đã hiến hàng chục m2 đất để phục vụ xây dựng công trình, đường giao thông để bảo đảm các tiêu chí của nông thôn mới, điển hình như chị Nguyễn Thị Nam, chị Nguyễn thị Nga ở huyện Nghĩa hành; hàng ngàn hội viên phụ nữ đã hưởng ứng xây dựng nếp sống văn minh, tham gia dọn vệ sinh môi trường ở khu dân cư, đường làng ngõ xóm, khu vực công cộng, nạo vét kênh mương và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng và các dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh tiêu chảy…; vận động hội viên phụ nữ đào 90 hố xử lý rác tại nhà, 317 hộ phụ nữ nông thôn thực hiện giỏ rác gia đình, 9 tổ thu gom phế liệu từ gia đình, 68 chị đăng ký làm hầm Bioga và có 185 Chi hội đăng ký đoạn đường tự quản. 

Để giúp chị em giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, các cấp Hội đã khai thác các nguồn vốn vốn trong và ngoài nước với tổng số tiền 96.849.343.989đ xét cho 11.927 chị vay để phát triển kinh tế; đồng thời Trung tâm dạy nghề mở 09 lớp dạy nghề Nữ công gia chánh cho 270 chị phụ nữ; Hội LHPN các huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc vụ lúa Đông Xuân, các biện pháp diệt chuột, nuôi heo hướng nạc, trồng các loại rau an toàn, chất lượng cao cho 51.960 hội viên phụ nữ; giới thiệu cho 759 chị vào làm việc ở các cơ sở sản xuất tư nhân….

 Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phong trào ở cơ sở vẫn còn gặp không ít khó khăn, đó là do nhận thức của bà con về chương trình xây dựng nông thôn mới còn chưa thấu đáo. Mặt khác, trình độ của cán bộ, hội viên cũng còn hạn chế nên trong tổ chức thực hiện còn lúng túng, chưa được cụ thể…

Để góp phần thực hiện tốt hơn nữa công cuộc xây dựng nông thôn mới địa phương, Hội LHPN Tỉnh đề nghị các cấp Hội cần tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trong tỉnh về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọngphối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan truyền thông về nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Nghị quyết 03 - NQ/TU ngày 13/10/2010 của Tỉnh uỷ, 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

2. Các cấp Hội tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cụ thể hóa từng nội dung về cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới” để hướng dẫn, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt hiệu quả. Chú trọng biểu dương và nhân rộng gương hội viên, phụ nữ điển hình trong xây dựng nông thôn mới.

3. Hội LHPN các cấp xây dựng chỉ tiêu và có kế hoạch, giải pháp cụ thể giúp phụ nữ thoát nghèo theo từng chi/tổ của từng năm, tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tích cực và chủ động khai thác nguồn lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ phụ nữ nghèo phù hợp với điều kiện từng địa phương; hỗ trợ vốn kết hợp với dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, tạo việc làm cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nghèo, đơn thân, dân tộc thiểu số, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Vận động, tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ đến các trung tâm y tế ở địa phương, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản; tham gia các loại bảo hiểm như: bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp.

 Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động ủng hộ, xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vận động các doanh nghiệp nữ hỗ trợ vốn, con giống, nhằm tạo việc làm cho hộ nghèo khu vực nông thôn.

4.Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi hình thức sản xuất, cơ cấu kinh tế; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Cùng với ngành chức năng vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp với các ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ làm chủ phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm” gắn với việc thực hiện bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp và triển khai Chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Chủ động khai thác nguồn lực tập huấn kiến thức sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế hộ gia đình; kỹ năng trồng rừng, phát triển ngành nghề, dịch vụ cho hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân nông thôn.

 Hội LHPN các cấp chủ động đề xuất, tham gia thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; phối hợp với Trung tâm dạy nghề, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2011 - 2015, góp phần tăng tỷ lệ lao động nữ ở nông thôn được học nghề, tạo việc làm.

 5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số;xây dựng các mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, tham gia tổ hoà giải tại địa phương. Vận động hội viên, phụ nữ tích cực học tập nâng cao nhận thức, kỹ năng về xây dựng gia đình, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức về bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch", "Tiêu dùng sạch"; mô hình “Giáo dục bà mẹ nuôi dạy con tốt”, các chương trình mục tiêu quốc gia “Phòng chống trẻ suy dinh dưỡng”, “Nước sạch vệ sinh môi trường”. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức hoạt động xoá mù chữ cho hội viên, phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn và cho con đi học đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng.

6. Tham gia công tác giám sát, phản biện các chính sách liên quan đến phụ nữ nông thôn; chủ động rà soát tình hình đời sống, nắm tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ ở các khu vực nhường đất cho việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tham mưu với Đảng, chính quyền trong việc ban hành các cơ chế, chính sách giá đất đảm bảo hài hòa quyền lợi của người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước; có chính sách khuyến khích “dồn điền đổi thửa” và thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng để cho hội viên, phụ nữ và nhân dân yên tâm đầu tư, sản xuất và sử dụng đất. Tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với các ban, ngành chức năng về các chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nhân dân trong quá trình dồn điền đổi thửa, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế; vấn đề việc làm cho phụ nữ nông thôn; vấn đề phúc lợi xã hội cho phụ nữ nông thôn như: bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản….

7. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở đạt chuẩn theo quy định. Tiếp tục thực hiện đề án đào tạo cán bộ Hội cấp huyện và xã đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ phù hợp với công việc được giao, quan tâm đào tạo cán bộ cơ sở, cán bộ dân tộc thiểu số, tôn giáo, cán bộ trẻ và cán bộ trong diện quy hoạch. Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở Hội, xây dựng nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả tại khu vực nông thôn để thu hút hội viên, phụ nữ nông thôn tích cực tham gia. Vận động các nguồn lực phục vụ hoạt động Hội ở khu vực nông thôn, xây dựng và triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ xã hội phù hợp với điều kiện từng địa phương.

                                                                                                     Nguyễn Thị Xuân Thương

             PCT Thường trực Hội LHPN tỉnh