Truyện Kiều được mệnh danh là gì

(Dân trí) - Ngày 2/12, Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới đã chính thức gửi văn bản xác nhận kỷ lục thế giới mới dành cho tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. Theo đó, “Truyện Kiều” chính thức trở thành “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”.

Kỷ lục này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử thành công trong thời gian qua và được Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập vào đúng dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du và lễ vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du diễn ra trên toàn thế giới.

Truyện Kiều được mệnh danh là gì

Chứng nhận đạt kỷ lục thế giới của Truyện Kiều

Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới đánh giá: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1765 - 1820) gồm 3.254 câu thơ Lục bát là một kiệt tác văn học. Tác phẩm này đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. “Truyện Kiều” cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp… với trên 35 bản dịch. Có thể thấy, “Truyện Kiều” của Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Với “Truyện Kiều”, Đại thi hào Nguyễn Du đã được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Mặc dù chúng tôi chưa thật sự hiểu rõ những giá trị to lớn về nội dung và nghệ thuật mà tác giả Nguyễn Du truyền tải qua tác phẩm “Truyện Kiều”, nhưng qua nghiên cứu 27 kỷ lục Việt Nam (và được biết con số này vẫn chưa dừng lại) mà VIETKINGS đã xác lập từ năm 2005 đến nay cho thấy tác phẩm này có sức ảnh hưởng rộng lớn đến các lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam. Con số 27 kỷ lục là một con số ấn tượng về số lượng kỷ lục quốc gia mà đến nay chưa có một tác phẩm văn học nào đạt được trên thế giới. Các kỷ lục này được thể hiện một cách đa dạng qua các hình thức sách báo, dịch thuật, điêu khắc, tranh lụa, hợp xướng, thư pháp, sân khấu… Tất cả đã góp phần tôn vinh những nét văn hóa mà “Truyện Kiều” mang lại cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại Việt Nam.

Với những giá trị đó, Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới đã chính thức xác lập kỷ lục thế giới cho Truyện Kiều là “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất” và chúc mừng Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cùng Ban quản lý Di tích Nguyễn Du - Hà Tĩnh đã chính thức sở hữu kỷ lục thế giới do Liên minh Kỷ lục Thế giới cấp.

Dự kiến, kỷ lục thế giới này sẽ được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 31 (tháng 3/2016) tại Việt Nam.

Công Quang

Nguyễn Du - Truyện Kiều và những kỷ lục Giáo sư Phong Lê chia sẻ: Nói Nguyễn Du ở thời điểm hôm nay - kỷ niệm 250 năm sinh là nói đến những kỷ lục mà trước và sau ông chưa ai sánh được. Một khối lượng trang viết về ông lên tới hàng trăm pho sách, hàng vạn trang, không lúc nào ngưng nghỉ trong ngót hai trăm năm, và càng về sau càng dày dặn. Một số lượng người đọc không thể tính đếm, bởi sự cuốn hút trong mọi tầng lớp dân cư, bất kể địa vị xã hội, bất kể mọi thành phần sang hèn, kể từ một ông vua tự nhận hay chữ đến tầng lớp bình dân chưa hề biết chữ, trong đó không hiếm những người có thể thuộc hàng nghìn câu Kiều hoặc có thể đọc thuộc nhiều đoạn. Một sự đọc không theo phương thức quen thuộc mà rất linh hoạt, biến hóa để mở rộng trường diện hứng thú cho sự thưởng thức, tùy thuộc vào nhu cầu tinh thần khác nhau của nhiều lớp người. Đó là lẩy Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều xướng họa về Kiều cho các bậc trí thức, tao nhân mặc khách, bói Kiều cho mọi tầng lớp cư dân. Sức sống của Truyện Kiều còn vượt ra ngoài sự đọc, để tràn sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, ca nhạc, hội họa... Nói Truyện Kiều là nói tới Nguyễn Du, người sáng danh nhất không chỉ trong nền văn chương Việt trung đại mà cả lịch sử văn chương Việt. Ông cũng chính là người đầu tiên của văn chương Việt được nhân loại tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1965 - nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh, do Hội đồng Hòa bình thế giới trao tặng. Cũng chính ông, lần thứ hai được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới, vào năm 2015 - nhân 250 năm ngày sinh. Vậy là Nguyễn Du hai lần đi ra đại lộ văn chương thế giới trong tư cách một tác gia văn chương Việt. Truyện Kiều khiến Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao của văn chương Việt, với tầm vóc đó, không chỉ công chúng Việt mà về sau là cả nhân loại nhận ra ngay sự tương đồng giữa Nguyễn Du và nhiều danh nhân khác trên thế giới như Dante với Thần Khúc của Ý, như Goethe với Faust của Đức, như Puskin của Nga.

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn...”

Với tư cách một nhà nghiên cứu văn học, từng là Viện trưởng Viện Văn học, ông đánh giá thế nào về giá trị của Truyện Kiều?

Truyện Kiều được mệnh danh là gì
Trong toàn cảnh sự kéo dài hàng ngàn năm thống trị của đạo lý phong kiến, Truyện Kiều đã xuất hiện như một vì sao lạ, bất chấp mọi rào cản của tư tưởng và ý thức hệ, của tâm lý và tình cảm trước sứ mệnh chở đạo và nói chí mà hướng tới một bức tranh rộng lớn “những điều trông thấy” phủ khắp gần như toàn bộ sự sống nhân sinh không chỉ “trăm năm trong cõi” một đời người mà cả thế gian rộng lớn. Truyện Kiều là tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học trung đại có được giá trị của một “bức tranh đời”, với “những điều trông thấy” để đến với giá trị nhân văn “mà đau đớn lòng” của một trái tim lớn.

Dẫu với tất cả những hạn chế, ràng buộc của tư duy và phương thức miêu tả của văn chương trung đại, Nguyễn Du đã xây dựng một thế giới nhân vật mà không có bất cứ tác phẩm nào từ trong văn học Việt, từ trung đại đến hiện đại so sánh được. Biết bao nhân vật có tên và không tên đã được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong bộ nhớ của công chúng suốt hơn 200 năm qua. Không kể Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh. Không kể Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Khuyển Ưng... mà còn là Chung Công, sưu Tam Hợp, Thúc ông, bóng ma Đạm Tiên, các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, viên quan xử kiện “trông lên mặt sắt đen sì”... Giá trị quan trọng hơn nữa của Truyện Kiều - Nguyễn Du đó là giá trị của người tạo ra, phát huy vẻ đẹp của tiếng Nôm. Toàn bộ hàng nghìn văn gia sau Truyện Kiều đều tôn ông là bậc thầy, bậc thánh của tiếng Việt. 3.200 vạn chữ mà tất cả vẫn sống trong đời sống hiện đại như là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Người ta có thể bói Kiều vì người ta tin rằng Kiều có thể ôm trùm tất cả mọi cảnh ngộ của con người. Câu nào trong Truyện Kiều cũng vận được vào số phận con người. Đầu thế kỷ 20 từng có một nhận định nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò của Truyện Kiều đối với việc giữ gìn phát huy sự giàu đẹp của tiếng Việt? Không có nhận định nào khái quát, tổng kết giá trị vĩ đại của Truyện Kiều với tiếng Việt hay hơn thế. Trong bối cảnh văn chương trung đại hoặc là viết bằng chữ Hán một cách bác học hoặc là chữ Nôm dân dã quá thì Truyện Kiều là một thăng hoa đột xuất vượt lên cả thời đại mà mấy trăm năm sau nữa vẫn sống động, vẫn hiện đại, vẫn mê đắm lòng người. Cho nên nhiều nhà văn hiện đại, từ Tố Hữu, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh... cả đời nghiên cứu Truyện Kiều mà lắm lúc vẫn tranh luận nhau về một chữ bởi mỗi người hiểu một cách. Nhờ đóng góp của Truyện Kiều, tiếng Việt không bị đồng hóa, không bị nghèo nàn. Có những dân tộc như ở châu Phi bị Pháp xâm lược mất tiếng nói, có nhiều dân tộc dùng tiếng Anh, nhưng mình vẫn giữ được tiếng Việt.

Một dân tộc thuộc Kiều là một dân tộc đặc biệt

Ông nghĩ gì trước thực tế hiện nay giới trẻ rất ít người đọc và thuộc Kiều. Số người thuộc Kiều trong hội Kiều học cũng đa số đã lớn tuổi? Việc Truyện Kiều được đưa vào nhà trường mà giới trẻ không thuộc là lỗi của nền giáo dục. Toàn bộ thế hệ như tôi trở về trước hầu như ai cũng thuộc ít nhất vài trăm câu Kiều. Trong nhà trường một thời có chọn Truyện Kiều nhưng không phải những câu hay, như “Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao/ Người nách thước, kẻ tay đao”, đó là những câu mang tính “đấu tranh giai cấp” thôi. Những câu đẹp tuyệt vời của Truyện Kiều thì không được học. Chương trình học, cách dạy phải thay đổi thế nào để học sinh cảm được cái hay cái đẹp và từ đó thuộc Truyện Kiều. Một dân tộc thuộc Kiều thì sẽ rất đặc biệt. Chế Lan Viên viết: Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn, văn ở đây là cái đẹp, đất nước đẹp thêm lên nhờ Truyện Kiều. Truyện Kiều là danh thiếp văn hóa của mình để đi ra thế giới. Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam đã dẫn Kiều, mới đây nhất phó Tổng thống Mỹ J. Biden lại dẫn Kiều khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ, chứng tỏ họ quá hiểu về văn hóa của mình. Dân tộc có cái gì để nói với thế giới thì phải bằng văn hóa. Khi Nguyễn Du viết Chẳng biết 300 năm lẻ nữa; Người đời ai khóc Tố Như chăng. Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, giáo sư suy ngẫm gì từ tâm sự của đại thi hào dân tộc với hậu thế? Cuộc đời Nguyễn Du đầy yếm thế, ông nhìn đời bi quan, rất nhiều tâm sự. Gia đình ông - một thế gia vọng tộc bị ba triều đại xâu xé, người thì theo Tây Sơn, người thì phò nhà Lê, người thì theo nhà Nguyễn. Chính vì vậy Nguyễn Du có nhiều tâm sự giằng xé bên trong và muốn được chia sẻ. Khi viết Truyện Kiều ông không nghĩ sẽ lưu danh hậu thế. Câu đánh giá sâu sắc nhất từ trước đến giờ trong nghiên cứu Nguyễn Du vẫn là của ông Mộng Liên Đường năm 1820: “Nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng ghi suốt nghìn đời thì không thể nào có bút lực ấy”. “Ghi suốt nghìn đời” thì cần gì phải lo chuyện “ba trăm năm lẻ nữa”. Sau này ở thế kỷ 20, Tố Hữu nói tiếp “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du”.

Kỷ niệm 250 ngày sinh Nguyễn Du, tôi nghĩ đây là dịp đặc biệt ý nghĩa và thông qua Nguyễn Du - Truyện Kiều chấn hưng văn hóa dân tộc. Mà văn hóa dân tộc là hồn dân tộc, bản lĩnh dân tộc. Tinh hoa của văn hóa dân tộc chính là Truyện Kiều - đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, hồn Việt. Tôi nghĩ nhà nước cần thành lập một viện nghiên cứu về Nguyễn Du - Truyện Kiều, làm sao để thi ca Nguyễn Du đi vào đời sống nhiều hơn nữa.

Phùng Nguyên (Thực hiện)