Truyện cổ tích Việt Nam về phụ nữ

Trinh phụ hai chồng là truyện cổ tích ca ngợi người phụ nữ Việt xưa, đồng thời cho thấy tình nghĩa vợ chồng son sắt, niềm thương cảm với mảnh đời bất hạnh.

1. Người vợ đức hạnh

Ngày xưa, có một gia đình nọ có một người con gái xinh xắn, nết na. Lúc nàng lớn lên có một người học trò nghèo họ Đỗ đưa trầu cau đến hỏi làm vợ. Chàng là tay văn hay chữ tốt, tính nết rất hiền lành. Thấy thế, người cha cô gái vui lòng hứa hôn. Cô gái sung sướng được người chồng xứng đôi vừa lứa. Lễ cưới vừa xong thì cha nàng nhuốm bệnh qua đời.

Cô gái về nhà chồng một niềm trinh thuận. Chồng là người mồ côi cha mẹ. Gia tài chỉ có một đám vườn nhỏ với mấy quyển sách, nhưng hai vợ chồng son sống trong một bầu không khí hòa nhã yêu thương. Chồng đọc sách, vợ quay tơ, thú gia đình tưởng không ai hơn được.

Đột nhiên ít lâu sau đó người chồng mắc bệnh hủi. Người vợ lo lắng tìm thầy chạy thuốc. Nàng bán luôn nữ trang của mình, bán cả đám vườn đang ở để dùng vào việc chữa chạy cho chồng. Nhưng bệnh mỗi ngày một nặng, cho đến lúc hết phương điều trị. Chân tay người chồng cứ sưng lên và bắt đầu lở loét. Không một ai dám đến gần. Duy chỉ có người vợ ngày ngày hầu hạ chu tất không chút quản ngại. Thấy thế, anh chàng thương vợ quá. Chàng cho phép vợ ly dị để mặc mình với số mệnh. Nhưng người vợ nhất định không nghe. Nàng nói:

– Vợ chồng là nghĩa lâu dài, còn bệnh tật của chàng chẳng qua là sự không may. Thiếp xin cùng chung số phận với chàng, không đi đâu cả.

Nhưng bệnh của người chồng ngày một đáng sợ hơn. Luôn luôn chồng cố khuyên vợ trở về với mẹ đẻ để khỏi vì mình mà khổ thân, tuy vậy vợ vẫn kiên quyết ở lại. Một hôm, để cho vợ khỏi chịu thiệt thòi, chồng cất lẻn ra đi. Chồng để lại cho vợ một phong bì thư, nói mình sẽ không bao giờ trở về nhà nữa và cho phép vợ tự do đi lấy chồng khác.

Sau khi chồng đi biệt, người vợ chảy không biết bao nhiêu là nước mắt. Mẹ đẻ của nàng khuyên con đi lấy chồng khác nhưng nàng quyết ở vậy đến già.

Ba năm trôi qua, tin tức của chồng vắng bặt. Nhiều người đoán rằng chàng đã quyên sinh cho khỏi đau khổ. Rồi đó, người vợ trả nhà cửa lại cho họ hàng nhà chồng, trở về với mẹ đẻ, lập bàn thờ coi như chồng đã chết. Nhưng mẹ nàng luôn luôn bảo nàng:

– Con thủ tiết với chồng như thế là trọn đạo. Con không nên bỏ phí xuân xanh một đời.

Thấy nàng xinh đẹp lại có đức hạnh, nhiều người muốn hỏi làm vợ, trong đó có một người học trò họ Nguyễn. Tin qua mối lại xôn xao làm cho nàng không tự chủ được. Hơn nữa mẹ nàng có ý ép con, bà con thân thích cũng hết lời khuyên dỗ. Cuối cùng, nàng đành nhận lời đi bước nữa cùng với anh chàng họ Nguyễn. Về ở với chồng mới được ba năm, nàng sinh được hai người con trai. Hai vợ chồng rất tương đắc. Người học trò họ Nguyễn sau đó thi đậu tiến sĩ và được bổ làm án sát Sơn Tây.

2. Trinh phụ hai chồng

Năm ấy, Sơn Tây và các trấn lân cận mất mùa to, giá thóc gạo lên cao vùn vụt. Khắp nơi đều có người chết. Đường sá, chợ búa đầy những đoàn người đói khổ đi kiếm miếng ăn. Quan án được lệnh đi phát chẩn cho dân đói.

Lại nói chuyện anh chàng họ Đỗ từ khi trốn vợ ra đi, nhất quyết không trở về quê hương nữa. Chàng không muốn vì mình làm khổ đời một người đàn bà. Chàng cứ đi lang thang nay đây mai đó, sống bằng nghề bị gậy. Cứ thế sau năm năm, bệnh của chàng vẫn như cũ và chàng vẫn sống một cuộc đời đơn độc và đau khổ.

Hôm ấy nghe tin có cuộc phát chẩn, chàng lần mò tìm tới, nhập vào đội quân lĩnh chẩn. Bọn lính lần lượt phát gạo hết hàng này sang hàng khác. Khi sắp sửa được lĩnh, chàng kêu lên:

– Tôi là học trò yếu đuối tàn tật, không rá không mùng, không nồi không niêu nên không muốn xin gạo, chỉ muốn xin một ít tiền cho tiện…

Nghe hắn nói thế, quan án cho gọi tới hỏi mấy câu về văn chương, quả nhiên anh chàng bề ngoài rách rưới tiều tụy nhưng đối đáp rất trôi chảy, thơ làm ra thao thao bất tuyệt. Sẵn có tình yêu người tài, ông bèn đặc biệt lấy tiền ra cho, có phần hậu hơn những kẻ khác.

Khi về dinh, ông ta thuật chuyện vừa rồi cho vợ hay. Nghe tả hình dạng, người đàn bà ngờ rằng đó là người chồng cũ. Nàng ra chợ tìm cách đứng nấp để xem mặt, thì đúng là người chồng ngày xưa. Tự nhiên lòng thương chồng cũ nay lại bừng bừng bốc lên. Nàng phải nuốt thầm những giọt nước mắt vì mình đang ở vào một tình thế khó xử. Suy đi nghĩ lại mãi, cuối cùng nàng dùng lời nói khéo cố khuyên chồng mới đưa “người học trò khó mà có tài” đó về dinh, cho ở một gian lều sau trại. Như thế vừa làm được một việc nghĩa vừa có người làm bạn văn chương.

Được chồng mới ưng thuận, nàng sung sướng vô hạn. Từ đó ngầm sai người hầu chu cấp chăm nom rất tử tế. Nhưng nàng không bao giờ để lộ một hành động gì cho chồng biết và cũng không bao giờ cho người chồng cũ thấy mặt.

Một hôm vào khoảng đêm khuya, người chồng cũ một mình đau bụng đi tả. Nhân khát quá, chàng bèn lần ra một cái chum ở gần trại múc nước uống. Hôm sau, chàng mới biết là mình uống lầm phải một thứ nước trong đó có một con rắn trắng chết. Nhưng thật không ngờ, một thời gian sau những mụn hủi lở tróc bay hết và dần dàn bệnh tự nhiên lành hẳn, da thịt của chàng trở lại trắng trẻo như xưa.

Rồi đó, chàng lại ôn luyện kinh sử và nhờ có sự giúp đỡ hậu tình của quan tán, chàng lại quẩy lều chiếu đi thi.

Tất cả những việc đó xảy ra làm cho người đàn bà vừa mừng vừa đau khổ. Nàng thấy mình không thể chịu đựng âm thầm mãi như vậy được. Khi nghe tin chồng cũ thi đậu tiến sĩ sắp sửa vinh quy, nàng viết một bức thư rất dài kể hết nông nỗi của mình cho người chồng mới biết. Nàng xin chồng tha lỗi về sự giấu giếm của mình bấy lâu nay. Có hai đứa con trai, nàng xin một đứa cho làm con nuôi ông nghè mới. Đoạn nàng trốn chồng con, bỏ đi biệt.

Câu chuyện Trinh phụ hai chồng – Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn –

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện Trinh phụ hai chồng kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.

Truyện cổ tích Việt Nam Người đàn bà bị vu oan là một tích chuyện dân gian của cha ông ta ca ngợi sự chung thủy đức hạnh của người phụ nữ. Người vợ trong câu chuyện không những đẹp người tốt nết, đoan chính ngay thẳng mà bản thân cũng rất thông minh, tháo vát, biết tìm cách tự giải oan cho mình...

NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ VU OAN

Ngày xưa, có hai người lái buôn tơ lụa, một người tên là Lý, một người tên là Tình. Tuy quê ở hai nơi nhưng họ thường đến bán hàng và thường gặp nhau ở một thị trấn nọ. Trong cuộc buôn bán kinh doanh, họ dần dần quen nhau, thỉnh thoảng mời nhau chè chén có vẻ thân mật.

Một hôm, Lý mời Tình đến nhà hàng dự tiệc cùng mấy người bạn buôn khác. Khi rượu đã ngà say, họ xoay sang nói chuyện đàn bà. Một người cho rằng theo hắn, thì hai tiếng tiết trinh dường như thật vô nghĩa giữa cõi đời này. Một người đàn bà giữ chính chuyên suốt đời với một người đàn ông, đó là chuyện kỳ quái khó ai tin được. Lý đắc chí nói thêm vào:

- Đối với tôi, chỉ mất một ít tiền và một vài lời nói ngọt thì dù là người đàn bà sắt đá đến đâu cũng phải mềm ra ngay.

Tình nghe nói thế, cố cãi cho bằng được. Hắn nói vợ hắn ở nhà là một người đàn bà đã đẹp người, lại tốt nết, một tấm gương sáng về sự đoan chính. Thấy mọi người cười mỉa, hắn đoan:

- Nếu bác nào quyến rũ được vợ tôi có bằng cớ hẳn hoi, tôi sẽ biếu bác đó tất cả gia tài!

Lý cười ha hả rồi nửa đùa nửa thật:

- Bác có dám đánh đố với tôi không?

Tình khẳng khái viết ngay một giấy giao ước, trong đó hắn tình nguyện nộp tất cả gia tư điền sản cho Lý nếu trong một tháng Lý quyến rũ được vợ mình. Ngược lại, nếu cũng trong một tháng ấy mà Lý không làm nổi việc đó thì sẽ mất hết gia tài cho mình. Giấy viết xong, Tình mời Lý ký vào và mời tất cả các bạn buôn cùng ký làm chứng, và hứa rằng mình sẽ ở lại đây cho đến tháng thứ hai mới trở về nhà.

Tìm đến đuợc quê hương của Tình, Lý bắt đầu giở thủ đoạn.

Gặp vợ Tình ở chợ, hắn theo sát nút, liếc mắt đưa tình giở giọng ve vãn. Hắn chỉ nghe đuợc những tiếng chửi đáp lại. Nhưng hắn vẫn kiên nhẫn đuổi theo tán tỉnh không ngớt. Cuối cùng nguời đàn bà ấy phải nhờ tuần phiên can thiệp, hắn mới ôm đầu tháo chạy.

Lần thứ hai, hắn mang những đồ trang sức rất đẹp đóng bộ một tay buôn giàu có và phong tình đến bán cho vợ Tình. Sau khi giới thiệu những món nữ trang quý giá và xinh xắn, hắn dùng lời đuờng mật để gạ nguời đàn bà đó. Hắn nói:

- Tôi rất sung sướng được bán hàng cho một vị tuyệt thế giai nhân. Truớc hết, tôi xin tặng nàng chiếc nhẫn này. Nếu nàng bằng lòng - chỉ một lần thôi - tất cả những vật nhỏ mọn này đều là của nàng cả.

Nhưng vợ Tình nghiêm sắc mặt cự tuyệt. Không những nàng quăng lại chiếc nhẫn mà còn mới hắn ra ngay khỏi cửa. Lần thứ ba hắn lại đến nhà Tình, nhưng đến một cách lén lút. Trong đêm hôm tối tăm. Hắn lẻn đuợc vào buồng nguời đàn bà với những thỏi vàng cầm tay. Khi liệu chừng mọi người đã ngủ yên, hắn mới tiến đến bên giuờng lấy giọng ngọt ngào gọi khẽ và ấn những thỏi vàng vào tay nàng. Hắn nói:

- Xin nàng chớ sợ! Tôi đến đây với rất nhiều vàng để giúp nàng khuây khỏa nỗi phòng không bóng chiếc.

Hắn sà xuống ôm lấy vợ Tình, nhưng nguời đàn bà đã tỉnh liền vùng dậy. Một cuộc vật lộn xẩy ra trên giuờng. Chỉ trong một chốc, nguời đàn bà đã cho hắn một đạp ngã lăn ra. Hắn lóp ngóp bò dậy và chạy trốn mất. Thấy công việc của mình không một mảy may kết quả mà kỳ hạn thì đã sắp hết. Lý sực nhớ đến tờ giấy giao ước đã trót ký với Tình, đâm ra lo lắng hết sức. Hắn bèn nghĩ một mưu rất thâm độc. Hắn đi dò hỏi và tìm đến một bà mụ đã từng đỡ cho vợ Tình đẻ. Hắn cho nguời này rất nhiều tiền, dỗ dành mụ cho mình biết một vài nét đặc biệt trong người vợ Tình. Bà mụ là người thấy của thì híp mắt lại, nên khi được tiền của Lý, mụ ta ghé vào tai hắn: - "Ở quá phía dưới rốn của nàng có một nốt ruồi nhỏ".

Thế rồi Lý trở về gặp lại Tình, hớn hở nói cho Tình biết rằng mình đã quyến rũ đuợc vợ hắn. Tình hỏi bằng chứng và khi nghe Lý dẫn ra cái nốt ruồi kín đáo thì hắn không còn hồn vía nào nữa. Hắn đành giao gia sản cho Lý rồi vì ghen tức đầy ứ, hắn trở về quê đánh cho vợ một trận rất tàn nhẫn và đuổi nàng đi.

Bị vu oan và bị đánh oan, người vợ Tình vô cùng tức giận. Nàng nghĩ đến việc báo thù và tìm cách tự minh oan cho mình. Một hôm, nàng gặp Lý ở giữa đường, bèn xông tới xỉ vả và nắm lấy tóc giằng xé rất dữ dội. Người ta đưa hai người lên quan.

Khi quan hỏi nàng tại sao vô cớ làm nhục một người đàn ông giữa đường thì nàng trả lời:

- Bẩm quan, nó vay của con một số tiền là hai mươi quan, con tin ở nó quen biết không bắt làm giấy tờ gì cả, nào ngờ đến bây giờ nó trở mặt, đòi mấy cũng không chịu trả.

Thấy vợ Tình vu vạ, Lý chỉ cười nhạt. Hắn bẩm quan:

- Tôi xin đoan với quan lớn và mọi người ở đây rằng tôi chả hề quen thuộc gì với người đàn bà này cả chứ đừng nói tới vay hay mượn làm chi!

Nghe nói thế vợ Tình mới kể cho quan biết sự tình: việc chồng mình thách hắn, âm mưu gian giảo của hắn đối với mình, cùng là nông nỗi mất gia tài sản nghiệp như thế nào. Cuối cùng nàng nói:

- Nếu nó không hề quen tôi, thì làm sao nó lại ăn nằm với tôi được chứ.

Tên lái buôn gian giảo điếng người vì câu nói hớ. Sau một cuộc khảo đả, âm mưu của hắn bị bại lộ. Quan xử cho Tình không những không mất tài sản mà còn được thêm tài sản của đối phương, đúng như lời giao ước. Hai vợ chồng nhờ đó lại đoàn tụ. Còn người đàn bà làm nghề bà mụ thì không những có tội làm cho gia đình người khác bị tan nát, mà còn làm trái với lương tâm của nghề nghiệp. Quan xử mụ tù chung thân là tội rất nặng đối với đàn bà để răn những kẻ khác.

-- Hết --

Truyện liên quan:

Video liên quan

Chủ đề