Trào lưu văn học chủ nghĩa cổ điển

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN NGỮ VĂN HUỲNH THỊ SA REN MSSV: 6075449 CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN QUA “LƠ XÍT” CỦA CORNÂY (Luận văn tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn – Khóa 2007 – 2011) CBHD: TRƯƠNG THỊ KIM PHƯỢNG Cần Thơ, năm 2011 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích yêu cầu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.Lí luận chung về chủ nghĩa cổ điển Pháp 1.1.Khái niệm 1.2.Cơ sở hình thành Chủ nghĩa cổ điển Pháp 1.3. Nguyên tắc sáng tác của Chủ nghĩa cổ điển 2.Tác giả Cornây và tác phẩm “Lơ Xít” 2.1. Tác giả Cornây 2.2. Tác phẩm “Lơ Xít” Chương 2: SỰ TUÂN THỦ VÀ PHÁ VỠ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN QUA “LƠ XÍT” CỦA CORNÂY 1. Sự tuân thủ các nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa cổ điển 1.1. Tuân thủ nguyên tắc đề cao lí tính 1.2. Tuân thủ nguyên tắc mô phỏng tự nhiên 1.3. Tuân thủ nguyên tắc mô phỏng cổ đại 1.4. Tuân thủ nguyên tắc về tính quy phạm chặt chẽ 2. Sự phá vỡ những nguyên tắc của chủ nghĩa cổ điển 2.1 Phá vỡ nguyên tắc đề cao lí tính 2.2 Phá vỡ nguyên tắc mô phỏng tự nhiên 2.3 Phá vỡ nguyên tắc mô phỏng cổ đại 2.4. Phá vỡ tính quy phạm chặt chẽ 2.4.1 Phá vỡ hệ thống nhân vật 2.4.2 Phá vỡ ranh giới về thể loại 2.4.3. Phá vỡ luật tam duy nhất Chương 3: ĐÁNH GIÁ CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN QUA “LƠ XÍT” CỦA CORNÂY 3.1. Cornây là nhà văn của Chủ nghĩa cổ điển Pháp 3.2. Cornây – cha đẻ của bi kịch cổ điển Pháp 3.3. Chủ nghĩa cổ điển qua “Lơ Xít” của Cornây góp phần bổ sung vào kho tàng lí luận của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỉ XVII 3.4. Yếu tố kế thừa và phát huy trong Chủ nghĩa cổ điển của Cornây PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Những ngày tháng trên giảng đường đại học, quả thật đầy khó khăn và thử thách nhưng chúng tôi đã thật sự rất hạnh phúc vì trong môi trường đại học này, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng trên thế giới. Đúng vậy! có những tác phẩm đọc rồi sẽ quên và có những tác phẩm đọc rồi sẽ đọng lại mãi trong tâm trí của người đọc. Vâng, cái hạnh phúc ấy khi chúng tôi được học và được tìm hiểu về tác phẩm Lơ Xít của Cornây. Vì thế, khi lựa chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp, chúng tôi không hề do dự khi quyết định chọn tác phẩm Lơ Xít để nghiên cứu làm luận văn tốt nghiệp cho mình. Văn học phương Tây đã có những đóng góp to lớn và ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn học thế giới. Những tác phẩm văn học phương Tây được rất nhiều bạn đọc yêu thích. Đặc biệt chúng ta không thể nào không nhắc đến nền văn học Pháp ở thế kỉ XVII nơi đã sản sinh ra những tên tuổi bất hủ: Cornây, Raxin, Môlie…Tất cả đã làm phong phú thêm cho nền văn học Pháp nói riêng cũng như nền văn học thế giới nói chung. Ở giai đoạn văn học thế kỉ XVII này, ở Pháp hình thành một trào lưu văn học đó chính là chủ nghĩa cổ điển. Đây là một đóng góp quan trọng vào bảo tàng lịch sử thế giới. Trong đó người đại biểu xuất sắc nhất sáng tác theo khuynh hướng chủ nghĩa cổ điển và được gây nhiều tranh luận nhất trong giai đoạn này là phải kể đến Cornây. Trong quá trình hoạt động văn học, Cornây đã để lại cho nhân loại một sự nghiệp sáng tác vô cùng phong phú. Ông không những là người mở đầu cho khuynh hướng sáng tác của chủ nghĩa cổ điển Pháp mà ông còn được tôn vinh là “Cha đẻ của bi kịch cổ điển Pháp”. Các sáng tác của Cornây đã gây ra nhiều dư luận sôi nổi trong giới văn học về thực hiện những quy tắc của chủ nghĩa cổ điển. Cornây không sẵn sàng chấp nhận những quy tắc chính thống. Trong trường hợp bất đắc dĩ ông mới phải tự kìm hãm, cố ép mình theo những yêu cầu có tính chất áp đặt của triều đình quân chủ chuyên chế. Nhưng thật ra trường hợp ấy không nhiều, dù sao với tính cách riêng của mình thì Cornây vẫn cứ phá ra để làm theo ý riêng của mình. Bên cạnh đó, Cornây có những quan điểm nghệ thuật và táo bạo khi cầm bút. Vì vậy, sự xuất hiện của Cornây đã gây chấn động lớn cho nền văn học pháp. Cornây đóng góp tích cực vào việc khai sinh cho sân khấu cổ điển chủ nghĩa và đem lại những chiến công đầu cho nó. Những nhân vật trong kịch của ông đều là con người anh hùng chiến thắng mọi trở ngại, cám dỗ, luôn luôn sáng suốt làm chủ lấy mình. Vì vậy, những vở kịch của ông được coi là “Trường đào tạo những tâm hồn cao thượng”. Ông là cái mốc quan trọng của lịch sử sân khấu Pháp thế kỉ XVII cũng như của lịch sử văn học Pháp. Ngoài ra, Chủ nghĩa cổ điển cũng được biết đến như một sáng tác khuôn mẫu với các nguyên tắc sáng tác được xem như là mẫu mực nhất. Trong đó, nổi bật lên như một ngôi sao chói lọi trong nền văn học cổ điển Pháp là tác phẩm Lơ Xít của Cornây. Tác phẩm ra đời đã châm ngòi cho những cuộc bút chiến nảy lửa lôi cuốn hầu khắp mọi tầng lớp xã hội Pháp. Khi Lơ Xít ra đời đã đẩy những vở kịch khác lùi vào bóng tối. Công chúng hoan nghênh tới nổi có một thành ngữ mới xuất hiện “Đẹp như Lơ Xit”. Nhiều người cho rằng, Lơ Xít không phải là vở bi kịch cổ điển mẫu mực nhất, nhưng lại được nhắc đến nhiều nhất của Cornây. Cho đến nay, nó vẫn được xếp vào hàng những bi kịch cổ điển xuất sắc nhất mang dấu ấn của Cornây. Vậy Chủ nghĩa cổ điển qua “Lơ Xít” như thế nào? Thì đó còn là một câu hỏi lớn. Những quan điểm, những ý kiến mới về Chủ nghĩa cổ điển qua Lơ Xít đã làm cho chúng tôi thật sự quan tâm nên người viết quyết định chọn đề tài “Chủ nghĩa cổ điển qua “Lơ Xít” của Cornây”. Đây là một đề tài mới, có lẽ sẽ có những đóng góp cho việc nghiên cứu về Chủ nghĩa cổ điển trong Lơ Xít nói riêng cũng như những đóng góp về phong cách sáng tác của Cornây nói chung. Bên cạnh đó, người viết hi vọng sẽ tích lũy được nhiều kiến thức, khả năng tư duy, khả năng trình bày vấn đề khoa học một cách logic, phân tích tư liệu, tổng hợp vấn đề…để hoàn thành luận văn tốt nghiệp thật tốt và làm hành trang vững chắc trên con đường sự nghiệp sau này. Mặt khác, qua đề tài này chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào công trình nghiên cứu cho nền văn học nước nhà cũng như nền văn học thế giới. 2. Lịch sử vấn đề Vấn đề Chủ nghĩa cổ điển qua Lơ Xít của Cornây đã được một số nhà nghiên cứu văn học chú ý bàn luận. Sau một quá trình tìm kiếm, thu thập tài liệu, chúng tôi đưa ra một số ý kiến tiêu biểu, quan trọng như sau: Trước hết trong quyển Bi kịch cổ điển Pháp do Tôn Gia Ngân viết. Ở đây, Tôn Gia Ngân đã chỉ ra những quy tắc mà các nhà lí luận đề ra cho bi kịch cổ điển, tiêu biểu như: theo Đề- các –tơ thì “Nhận thức cảm tính là sai lầm”[16, tr. 24] còn Boa-lô thì cho rằng “chỉ có cái gì xuất phát từ lí trí, và được xây dựng trên lí trí mới có tính nghệ thuật” [ 16 , tr. 24]. Bên cạnh đó, Tôn Gia Ngân còn giới thiệu hai tác giả tiêu biểu cho bi kịch cổ điển Pháp là Cornây và Raxin. Ngoài ra trong quyển Bi kịch cổ điển Pháp này, Tôn Gia Ngân còn bàn về một số đặc điểm của bi kịch cổ điển Pháp, xét về mặt hành động và tính biểu hiện của sân khấu “Bi kịch cổ điển Pháp, hoặc nói rộng hơn, mĩ học cổ điển chủ nghĩa, chứa đựng trong bản thân nó những yếu tố mâu thuẫn nhau. Khuynh hướng hiện thực phát triển trong lòng chủ nghĩa cổ điển phải đấu tranh với những khuynh hướng quy phạm, hẹp hòi, mang tính chất quý tộc. Những yếu tố hiện thực đã đưa lại sức mạnh, giá trị tư tưởng và nghệ thuật to lớn cho các bi kịch của chủ nghĩa cổ điển; ngược lại, những yếu tố phi hiện thực, quý tộc, đã hạn chế thành tựu của nó” [16 , tr. 133]. Sau cùng trong quyển Bi kịch cổ điển Pháp này còn giới thiệu một số kịch bản do Hoàng Hữu Đản – Vũ Đình Liên – Huỳnh Lý dịch. Tiếp theo trong quyển Lí luận văn học, Nhà xuất bản giáo dục, năm 2007 do Phương Lựu (chủ biên) với sự cộng tác của các tác giả: Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, Lê Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình thì ở chương XXV có chỉ ra sơ lược về Chủ nghĩa cổ điển qua: Cơ sở xã hội và ý thức, nhân vật trung tâm, nguyên tắc xây dựng tính cách và thi pháp. Nhưng chưa xoáy sâu vào sự thể hiện Chủ nghĩa cổ điển cụ thể qua tác phẩm Lơ Xít. Trong quyển Văn học phương Tây, Nhà xuất bản giáo dục, năm 2006 do Đặng Anh Đào (chủ biên) và với sự cộng tác của các tác giả như: Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính, Phùng Văn Tửu biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục, 2006, ở chương hai có giới thiệu về tác giả Cornây. Trong đó, Cornây được xem như là “Người mở đường vinh quang cho bi kịch cổ điển Pháp”, “ Cornây được coi như người dọn lối cho hàng loạt sáng tác theo phương hướng của chủ nghĩa cổ điển” [ 18 ; tr. 259]. Các nhà nghiên cứu ở đây cũng một phần nào bàn đến việc thực hiện những nguyên tắc sáng tác của Chủ nghĩa cổ điển trong các sáng tác của Cornây “Nói đến sáng tác của Cornây, nhiều người không quên nhắc đến việc thực hiện các quy tắc cổ điển chủ nghĩa. Và vấn đề có lúc đã được nêu lên thật sự như nội dung cơ bản trong những cuộc tranh cãi, bình luận ồn ào về nghệ thuật kịch của Cornây” [ 22 ; tr. 263 ]. Các nhà nghiên cứu cũng nói nhiều về Lơ Xít nhưng phần lớn ca ngợi người anh hùng chứ sự thể hiện Chủ nghĩa cổ điển chưa được đề cập sâu sắc. Và giá trị của Lơ Xít được các nhà phê bình sau này nhận xét “ Tác phẩm Lơ Xít không phải chỉ là sự khởi đầu của một người, đó chính là sự khởi đầu của một thi ca và là rạng đông của một thế kỉ lớn” [18 , tr. 268]. Trong quyển Văn học Pháp, tập1, Nhà xuất bản trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1997, Hoàng Nhân (chủ biên), Trần Duy Châu, Nguyễn Minh Thông, thì cũng có bàn về Lơ Xít nhưng chỉ giới thiệu sơ lược về tác phẩm mà chủ yếu là kể về mối tình của Đông Rô – đri và Simen “Quả là trong tác phẩm tình yêu có nhường bước cho tiếng nói của nghĩa vụ, của đạo làm con. Nhưng không chỉ là thế! Ở đây, tiếng nói của tình yêu có vai trò, có sức nặng của nó. Nhưng là một thứ tình yêu lứa đôi được xây dựng trên sự gần gũi bên trong, trên sự quý mến, tôn trọng lẫn nhau và mỗi người cố gắng đứng ngang tầm với người yêu mình. Cái lí tưởng về “con người phong nhã” (honnête home) của thời đại thực sự đã hướng dẫn cách xử thế của các nhân vật” [14 , tr. 236]. Trong quyển Văn học phương Tây giản yếu của Nhà xuất bản đại học quốc gia, năm 2002, Minh Chính có bàn về những tiền đề của sự xuất hiện Chủ nghĩa cổ điển “ Là một trào lưu văn học tiêu biểu nhất ở Châu Âu, Chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỉ XVII xuất hiện như một hiện tượng văn hóa – lịch sử đặc thù mà cơ sở xã hội của nó là chế độ quân chủ chuyên chế, nền tảng triết học của nólà chủ nghĩa duy lí và động lực phát triển là cuộc đấu tranh của nó với hai dòng văn học đối lập” [ 4 ; 110 ].Và bên cạnh đó trong quyển này, ông còn bàn về tác giả và tác phẩm tiêu biểu của Cornây. Ở phần tác giả Cornây, Minh Chính chủ yếu bàn về bi kịch của Cornây “ Cornây được tôn vinh là “cha đẻ của bi kịch cổ điển Pháp”, Bi kịch Cornây với những tác phẩm nổi tiếng như Lơ xít, Orax, Xina, đã trở thành vũa khí đắc lực trong việc giáo dục lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức danh dự, vì thế, nó được xem là “trường học của những tâm hồn cao cả” [ 4; 115 ]. Nhưng ở tác phẩm Lơ Xít, Minh Chính chủ yếu bàn về sự thành công qua tác phẩm Lơ Xít chứ chưa bàn về sự thể hiện Chủ nghĩa cổ điển qua tác phẩm “Lơ Xít không phải là sự khởi đầu của một con người, đó là sự khởi đầu của một nền thi ca và buổi bình minh của Đại thế kỉ” [ 4 ; tr. 116 ]. Trong quyển Lịch sử văn học phương tây, tập1 của Nhà xuất bản giáo dục, năm 1979, Nguyễn Trung Hiếu dành khoảng 36 trang để bàn về nền văn học pháp thế kỉ XVII. Trong đó, ông đưa ra khái luận, giới thiệu về Cornây, Raxin, Môlie. Trong khái luận, ông chỉ ra những công trình khoa học và triết học của Đề- các và Ga-xăng-đi chi phối mạnh đến tư tưởng nền văn học Pháp ở thế kỉ XVII. Nhìn chung, nhà nghiên cứu chỉ bàn về sự thành lập chủ nghĩa cổ điển “Chủ nghĩa cổ điển Âu Châu chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa cổ điển Pháp, đã có những nét giống nhau. Nhưng bởi văn học vốn căn bản xuất phát từ yêu cầu lịch sử của bản thân từng xã hội, cho nên văn học cổ điển Pháp có những đặc điểm cụ thể của nó” [ 3 ; tr. 148 ], trong đó có nói sơ lược về các nguyên tắc sáng tác của Chủ nghĩa cổ điển. Ngoài ra, Nguyễn Trung hiếu còn bàn về vai trò của Cornây trong văn học Pháp “Cornây có một vai trò quan trọng trong lịch sử văn học Pháp. Xu hướng mới của lịch sử, tiêu biểu trong chế độ phong kiến tập trung của triều đình Buốc – bông thế kỉ XVII, đứng trước tình trạng phân các về tư tưởng chính trị, về tình cảm riêng chung, đang đòi hỏi một sự thống nhất tư tưởng để làm nhiệm vụ xây dựng một chính quyền chuyên chế, một quốc gia thống nhất, Cornây là nhà văn đầu tiên đã đáp ứng đòi hỏi đó của lịch sử” [ 3 ; tr. 161 ]. Trong quyển Hợp tuyển văn học Châu Âu, tập2 của Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2002, Lê Nguyên Cẩn có giới thiệu về tính cách của các nhân vật trong tác phẩm Lơ Xít “Đông Rô - đri và Simen đều tuân theo nguyên tắc về danh dự và nghĩa vụ đối với quốc gia. Đối với họ, danh dự là đối tượng cao quý nhất của mọi giá trị cá nhân và xã hội của con người” [ 2, tr. 29]. Tuy nhiên, Lê Nguyên Cẩn chưa quan tâm đến vấn đề chủ nghĩa cổ điển trong tác phẩm Lơ Xít. Trong quyển Lịch sử văn học Pháp do Phan Quý và Đỗ Đức Hiểu chủ biên có nghiên cứu về tác giả Cornây, ngọn cờ tiên phong của bi kịch cổ điển Pháp. Trong đó có giới thiệu một số vở kịch tiêu biểu nhất của Cornây và tác phẩm Lơ Xít được đem ra nghiên cứu đầu tiên nhưng chỉ lí giải về người anh hùng “Đẹp như Lơ Xít”chứ chưa bàn về Chủ nghĩa cổ điển trong tác phẩm. Trong quyển Lí luận văn học của N.A.Gulaiep thì nhà nghiên cứu chỉ bàn về sự hình thành của Chủ nghĩa cổ điển vào thế kỉ XVII ở Pháp “Phản ánh yêu cầu của thời đại, trong thế kỉ XVII, ban đầu ở Pháp và sau đó ở các nước khác, hình thành một trào lưu văn học đặc biệt- đó là chủ nghĩa cổ điển. Nó gắn bó mật thiết với những quan niệm duy lí, siêu hình về cuộc sống” [ 7, tr. 366 ]. Vì vậy, Chủ nghĩa cổ điển trong tác phẩm Lơ Xít chưa được đề cập đến. Tóm lại, ngày nay có rất nhiều công trình nghiên cứu về nhà văn Cornây cũng như tác phẩm Lơ Xít và ở mỗi công trình thì có những cách tiếp cận phân tích khác nhau ở nhiều phương diện. Nhưng nhìn chung, những công trình nghiên cứu đó đều đề cập về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Cornây, sự hình thành Chủ nghĩa cổ điển, các nguyên tắc của Chủ nghĩa cổ điển…Còn việc đi sâu tìm hiểu Chủ nghĩa cổ điển qua tác phẩm Lơ Xít của Cornây thì chưa chú trọng nghiên cứu mà chỉ đưa ra những nhận định khái quát. Qua đề tài “Chủ nghĩa cổ điển qua “Lơ Xít” của Cornây”, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu và phân tích thật sâu sắc vấn đề để đề tài này thật sự có một đóng góp nào đó mới mẻ, cho dù là nhỏ bé đối với việc hoàn thiện vấn đề tìm hiểu Chủ nghĩa cổ điển qua tác phẩm Lơ Xít cũng như tác giả Cornây. 3. Mục đích yêu cầu Để thực hiện yêu cầu này, chúng tôi vận dụng những kiến thức về văn học Pháp, trên một số quan điểm cơ bản nhất. Từ đó tập trung vào việc tìm hiểu sự thể hiện Chủ nghĩa cổ điển qua tác phẩm Lơ Xít của Cornây. Một số phương diện chính mà chúng tôi muốn tìm hiểu là: Nghiên cứu thật sâu sắc về các nguyên tắc sáng tác của Chủ nghĩa cổ điển Pháp. Đặc biệt, yêu cầu chính của đề tài là người viết phải làm sáng tỏ vấn đề: Chủ nghĩa cổ điển qua Lơ Xít của Cornây. Bên cạnh đó, người viết còn phải dành những trang viết để nêu lên những nhận xét, đánh giá cũng như những đóng góp của Cornây trong Chủ nghĩa cổ điển qua tác phẩm Lơ Xít. Với đề tài này sẽ giúp chúng tôi khẳng định được tài năng cũng như đóng góp của Cornây trên văn đàn thế giới. Mặt khác, chúng tôi hi vọng qua đề tài này sẽ góp một phần nhỏ của mình vào cách nhìn hệ thống hơn, sâu sắc hơn về tính cổ điển trong tác phẩm Lơ Xít nói riêng cũng như trong nền văn học Pháp thế kỉ XVII nói chung. 4. Phạm vi nghiên cứu Tác phẩm Lơ Xít của Cornây là cả một thế giới phong phú cho việc tìm hiểu và nghiên cứu. Có lẽ, nếu chịu khó đào sâu thì tác phẩm này sẽ không bao giờ hết bí ẩn cần khám phá. Tuy vậy, với dung lượng của một luận văn đại học, chúng tôi xác định phạm vi nghiên cứu giới hạn như sau: -Đối tượng nghiên cứu qua đề tài này là sự thể hiện Chủ nghĩa cổ điển qua Lơ Xít của Cornây. -Dựa vào tác phẩm Lơ Xít của Cornây (Bản dịch tiếng Việt của Hoàng Hữu Đản), một số bài viết, bài giới thiệu, nghiên cứu của nhiều tác giả về Cornây và tác phẩm Lơ Xít. -Một số quan điểm, vấn đề lí luận, triết học có liên quan đến Chủ nghĩa cổ điển. -Một số nhận định, so sánh có liên quan đến tác giả Cornây, tác phẩm Lơ Xít, Chủ nghĩa cổ điển trong văn Pháp ở thế kỉ XVII. Với phạm vi như thế, đề tài này sẽ không đề cập một cách đầy đủ tất cả các phương diện tư tưởng của Cornây được thể hiện trong tác phẩm Lơ Xít, cũng như không đặt ra mối tương quan so sánh giữa các giai đoạn văn học Pháp ở các thế kỉ trước và sau thế kỉ XVII. Nhìn chung, với đề tài “Chủ nghĩa cổ điển qua Lơ Xít của Cornây”, chúng tôi không có tham vọng tìm hiểu toàn bộ, tổng quát sự nghiệp sáng tác của Cornây hay tác phẩm Lơ Xít. Mà chúng tôi chỉ đi vào làm rõ Chủ nghĩa cổ điển được nhà văn thể hiện trong tác phẩm để góp phần lí giải cái hay trong cách sáng tác của nhà văn và còn để làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp sau quy mô hơn về tác phẩm Lơ Xít cũng như về tác giả Cornây. Bên cạnh đó, để mở rộng đề tài nghiên cứu thì chúng tôi sẽ sử dụng một số tác phẩm khác có liên quan để so sánh, đối chiếu nhưng không đi vào phân tích, chứng minh mà chỉ trích dẫn một số ý kiến nhận xét của các nhà nghiên cứu. Có thể nói, đây là một đề tài có phạm vi nghiên cứu hẹp, chúng tôi sẽ cố gắng đi sâu để làm nổi bật vấn đề cần nghiên cứu. 5. Phương pháp nghiên cứu Từ việc nghiên cứu lịch sử vấn đề, mục đích nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu của luận văn, chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng một số phương pháp chính sau nhằm đem lại hiệu quả nghiên cứu tốt nhất cho đề tài: - Phương pháp lịch sử: Chúng tôi dùng phương pháp này để tiếp cận tác giả, tác phẩm và sự hình thành Chủ nghĩa cổ điển. Việc sử dụng phương pháp này, chúng tôi nhằm mục đích lí giải những vấn đề có liên quan đến đề tài trong thời gian đó. - Phương pháp so sánh – đối chiếu: Giúp chúng tôi xác định đúng đâu là những biểu hiện của Chủ nghĩa cổ điển trong tác phẩm mà xem xét. Đồng thời giúp cho việc nghiên cứu của chúng tôi được chính xác, khoa học hơn giữa nhiều cứ liệu khác nhau. - Phương pháp phân tích vấn đề: Đây là phương pháp quan trọng giúp người nghiên cứu đi sâu vào triển khai phân tích, lí giải, nhận xét vấn đề. - Phương pháp hệ thống: Chúng tôi hệ thống lại những hành động, tính cách của nhân vật để từ đó giúp cho việc phân tích được xác thực hơn. - Phương pháp tổng hợp: Chúng tôi rút ra những nhận xét, đánh giá về vấn đề đã nêu. Cuối cùng tổng hợp lại các ý đã được phân tích và nhận xét đó nhằm đưa ra kết luận chung. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi còn sử dụng thêm một số thao tác như phân tích, chứng minh, bình luận nhằm giúp cho đề tài được thực hiện hoàn chỉnh, đạt được kết quả tốt nhất, đảm bảo yêu cầu, mục đích đã đề ra. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1. LÍ LUẬN CHUNG VỀ CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN PHÁP 1.1 Khái niệm Chủ nghĩa cổ điển được xem như là một trào lưu văn học – nghệ thuật ở các nước phương Tây. Vậy thì khái niệm về Chủ nghĩa cổ điển được hiểu như thế nào? Tùy theo quan điểm của từng người mà các nhà nghiên cứu văn học đã có những ý kiến khác nhau về Chủ nghĩa cổ điển như sau: Trong quyển lịch sử văn học phương Tây, tập 1, nhà xuất bản giáo dục, 1979 do các nhà lí luận, Trần Duy Châu, Nguyễn Văn Khỏa, Lương Duy Trung, Nguyễn Trung Hiếu, Phùng Văn Tửu cũng đã nói sơ lược về chủ nghĩa cổ điển “Tại sao gọi văn học Pháp thế kỉ XVII là văn học cổ điển? Danh từ này xuất hiện ở Pháp thế kỉ XVIII, khi những tác phẩm đó được đem học ở trường làm mẫu mực. Khái niệm “cổ điển” cũng được dùng trong thế đối lập với khái niệm “lãng mạn”. A – ri – stác ở thế kỉ thứ III trước công nguyên đã dùng danh từ này để phân loại các nhà văn cổ đại. Nhưng khái niêm “Chủ nghĩa cổ điển”, văn học “cổ điển” ở đây có nội dung riêng của nó. Có chủ nghĩa cổ điển cho văn nghệ Châu Âu và chủ nghĩa cổ điển cho văn nghệ nước Pháp” [ 3 ; tr. 147 ]. Ngoài ra, trong quyển Lí luận văn học do nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội, năm 1982, nhà lí luận văn học N.A Gulaiep cho rằng chủ nghĩa cổ điển “ Nó gạt bỏ khỏi văn học tất cả những cái bình thường hàng ngày, thuộc quần chúng nhân dân, bắt hoạt động của nghệ sĩ phải phục tùng những nguyên tắc nghiệt ngã, xác định nghiêm ngặt ranh giới của các thể loại riêng biệt, đưa ra những quy phạm bắt buộc về ngôn ngữ, chế định qua trình sáng tạo” [ 7 ; tr. 366 ]. Bên cạnh đó, trong quyển Bi kịch cổ điển pháp do Tôn Gia Ngân, nhà xuất bản văn hóa Hà Nội, 1978, đã chỉ ra “ Chủ nghĩa cổ điển vừa là con đẻ của chế độ quân chủ chuyên chế, vừa là sự thể hiện những quan điểm triết học và mĩ học của Đề - các – tơ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật” [ 16 ; tr. 7]. Trong quyển Lí luận văn học, nhà xuất bản giáo dục, năm 1997, các nhà lí luận là Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình thì hiểu : Chủ nghĩa cổ điển là một hiện tượng văn học – lịch sử cụ thể, hình thành trên một cơ sở xã hội và ý thức hệ nhất định, tiêu biểu là của thế kỉ XVII ở Pháp. Cuối cùng, trong giáo trình lí luận văn học do thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, xuất bản năm 2007 đã lí giải “Trong lịch sử văn học, khái niệm cổ điển từng mang nhiều hàm nghĩa khác nhau, có khi thiên về nghĩa cổ đại, có khi thiên về nghĩa mẫu mực nhưng nghĩa mẫu mực vẫn nhiều hơn. Ngày nay, chúng ta cũng hiểu chủ nghĩa cổ điển như khái niệm đã ra đời ở thế kỉ XVIII, dùng để chỉ một hiện tượng văn học lịch sử - cụ thể, hình thành trên một cơ sở xã hội và ý thức hệ nhất định, tiêu biểu là của Pháp vào thế kỉ XVII” [ 8 ; tr. 5 ]. Tóm lại, các nhà nghiên cứu văn học có nhiều cách hiểu khác nhau về Chủ nghĩa cổ điển, chúng tôi thống nhất cách hiểu Chủ nghĩa cổ điển như sau: Chủ nghĩa cổ điển là một hiện tượng văn học lịch sử - cụ thể, hình thành trên một cơ sở xã hội và ý thức hệ nhất định, tiêu biểu là vào thế kỉ XVII ở Pháp và đó còn là một giai đoạn văn học phát triển rực rỡ với trình độ mẫu mực của nền văn học Pháp. 1.2 Cơ sở hình thành Chủ nghĩa cổ điển Pháp Có thể nói, trong lịch sử nước Pháp phong kiến vào thế kỉ XVII được xem là một thời kì hưng thịnh. Trước tiên, về chính trị thì đây là một thời kì mà nền chuyên chính của chế độ quân chủ được thiết lập vững chắc. Thứ hai, về triết học thì đây là thời kì thống trị của học thuyết duy lí của Đề -các- tơ. Thứ ba, về văn học nghệ thuật thì thì thế kỉ này được đánh dấu bằng sự ra đời của Chủ nghĩa cổ điển, trong đó bi kịch cổ điển được xem là loại hình phổ biến nhất. Vì vậy, Chủ nghĩa cổ điển vừa được xem là con đẻ của chế độ quân chủ chuyên chế, vừa còn được xem là sự thể hiện những quan điểm triết học và mĩ học của Đề - các –tơ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. 1.2.1. Cơ sở xã hội Nội dung xã hội của nền quân chủ chuyên chế Pháp là sự liên minh giữa giai cấp tư sản và giai cấp quý tộc, trong đó giai cấp quý tộc vẫn chiếm vị trí ưu thế vì xét về bản chất, nền quân chủ chuyên chế Pháp vẫn là một chế độ phong kiến, chứ không thể là một chính quyền đứng trên quyền lợi của các giai cấp được. Bên cạnh đó, giai cấp tư sản trong lúc này chưa đủ mạnh về kinh tế và chưa đủ chín muồi về chính trị để có thể lật đổ trật tự xã hội cũ. Mặt khác, từng lớp quý tộc tuy bị suy yếu nhưng vẫn đóng vai trò một tầng lớp có đặc quyền đặc lợi, đang nắm đại bộ phận các cơ quan nhà nước trong tay mình. Vì vậy, chế độ chuyên chế đã trở thành một hình thức chính trị xã hội và kinh tế thể hiện sự thỏa hiệp của hai giai cấp xã hội đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp quý tộc. Ăngghen viết:“Nước Pháp là một nước mà cuộc đấu tranh giai cấp mỗi lần đều được tiến hành đến sự quyết định hoàn toàn hơn ở đâu hết và do đó là nước mà các hình thức chính trị thay đổi, trong đó cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra và thu được kết quả có những nét rõ rệt nhất. Là trung tâm của chế độ phong kiến Trung cổ, từ thời kì Phục hưng là nước cổ điển của chế độ quân chủ tập quyền, nước Pháp trong Đại cách mạng đã đập tan chế độ phong kiến và đã đem lại cho nền thống trị của giai cấp tư sản một tính chất thuần túy cổ điển mà không nước Châu Âu nào đạt tới được”(Tựa Ngày 18 tháng Sương mù của Luy Bônapác). Chính điều này đã góp phần giải thích tại sao những phương pháp sáng tác từ chủ nghĩa cổ điển trở đi, phần lớn đều được hình thành một cách điển hình ở Pháp. Riêng chủ nghĩa cổ điển Pháp hình thành trên cơ sở nhà nước phong kiến tập trung trong thế quân bình của hai giai cấp phong kiến và tư sản. Bên cạnh đó, Ăngghen cũng cho rằng chế độ xã hội thế kỉ XVII ở Pháp như là một thời kì quá độ giữa cái cũ và cái mới, như là một lực lượng: Ở giữa giai cấp tư sản và quý tộc trong thế quân bình đối lập với nhau. Nhìn chung, trong quyển Lí luận văn học của Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã khái quát lên được cở sở xã hội hình thành Chủ nghĩa cổ điển “Chủ nghĩa cổ điển Pháp hình thành trên cơ sở nhà nước phong kiến tập trung trong thế quân bình đối lập giữa hai giai cấp phong kiến và tư sản. Trên đà phát triển tương đối mạnh mẽ, giai cấp tư sản thế kỉ XVII ở Pháp đòi hỏi một thị trường thống nhất. Do đó, nó mâu thuẫn trước hết với bọn phong kiến cát cứ, chứ chưa phải với toàn bộ chế độ phong kiến nói chung. Đồng thời, để mưu cầu sự thống nhất đó, nó phải dựa vào giai cấp phong kiến tập quyền ở trung ương, bọn này vốn cũng muốn dựa vào giai cấp tư sản để thôn tính bọn phong kiến cát cứ. Tình hình này dẫn đến sự tồn tại của một chế độ chính trị mà giới cầm quyền bao gồm cả giai cấp phong kiến và tư sản. Điều này giải thích tại sao văn học cổ điển chủ nghĩa phản ánh ý thức hệ tư sản nhưng lại mang màu sắc phong kiến” [ 8 ; tr. 5]. 2. Cơ sở tư tưởng Chúng ta có thể nói, Chủ nghĩa cổ điển có cơ sở tư tưởng là chủ nghĩa Duy lí của Đềcác, một học thuyết tôn sùng lí trí của con người. Trong quyển Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, nhà xuất bản giáo dục, năm 2004 cho chúng ta biết được: Thi pháp của chủ nghĩa cổ điển bắt đầu được xác lập vào cuối thời kì phục hưng ở Ý, nhưng nó chỉ trở thành một hệ thống nghệ thuật hoàn chỉnh ở nước pháp thế kỉ XVII, thời kì cũng cố và phồn vinh của chế độ chuyên chế. Người mở đầu thơ ca và thi pháp của chủ nghĩa cổ điển ở Pháp là Man – lec – tơ (khoảng 1555 – 1628), người đã tiến hành những cuộc cải cách ngôn ngữ và thơ ca, được Viện hàn lâm Pháp ghi nhận, với nhiệm vụ xây dựng quy tắc ngôn ngữ và văn học chung bắt buộc đối với mọi người. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu này còn cho chúng ta biết được cơ sở triết học của chủ nghĩa cổ điển là chủ nghĩa duy lí. Vì thế nó đề cao vai trò tối thượng của lí trí: Hãy nêu lí trí, tác phẩm của các bạn phải tìm ở đấy ngọn nguồn duy nhất của sự trong sáng và giá trị của nó (Boa – lô). Trong cuốn Bi kịch cổ điển Pháp của Tôn Gia Ngân giới thiệu, nhà xuất bản văn hóa Hà Nội, năm 1978 đã nêu ra chi tiết về triết học duy lí của Đề các tơ. “Triết học Đề - các - tơ vừa phản ánh sự lớn mạnh của ý thức trong giai cấp tư sản Pháp lại vừa phản ánh mặt yếu, mặt lạc hậu của giai cấp này. Học thuyết ông vừa đấu tranh chống lại chủ nghĩa kinh viện của nhà thờ trung cổ, vừa mang dấu ấn của chủ nghĩa kinh viện và siêu hình học trung cổ [ 16 ; tr. 17]. Như chúng ta đã biết, Đề các tơ là một nhà triết học nhị nguyên. Trong Gia đình thần thánh, Mác đã gọi Đề các tơ là “người đại biểu chính” của siêu hình học của thế kỉ XVII ở Pháp. Đồng thời Mác cũng chỉ rõ mặt duy vật của triết học ông, nhất là trong vật lí học. Mác nói “Trong vật lí học của mình Đề các tơ đưa lại cho vật chất một sức mạnh sáng tạo độc lập và xem sự vận động cơ giới như là biểu hiện sự sống của vật chất. Ông hoàn toàn tách rời vật lí học của mình khỏi siêu hình học. Trong giới hạn vật lí của ông, vật chất hiện ra như thực thể duy nhất cơ sở duy nhất của tồn tại và nhận thức” [ 16 ; tr. 17]. Theo Đề các tơ “Cái đẹp hoàn chỉnh trong nghệ thuật là sự thống nhất trong phong cách nghệ thuật” [ 16 ; tr. 19], Đề các tơ còn nói “Vẻ đẹp miều và sự tao nhã ánh lên trong sự thống nhất như sắc đẹp của một người đàn bà đẹp một cách lí tưởng, cái sắc đẹp được chứa đựng không phải trong sự nổi bật của một bộ phận riêng biệt nào đó, mà là trong sự hài hòa hoàn chỉnh của tất cả các bộ phận gộp lại, sao không cho không một bộ phận nào lấn át bộ phận khác, vì sợ rằng nếu tỉ lệ không được tuân theo một cách nghêm khắc, sẽ phá hoại sự hoàn chỉnh của cái toàn thể” [16 ; tr. 19]. Tóm lại, xét về mặt nào đó, học thuyết tôn sùng lí trí con người của chủ nghĩa duy lí Đề - Các cũng thể hiện sự thỏa hiệp về thế giới quan và nhân sinh quan của hai giai cấp quý tộc và tư sản. Học thuyết này có một ý nghĩa rất tiến bộ với tư duy đương thời. Tuy nhiên, học thuyết này chưa thật triệt để, trở thành một thứ triết học nhị nguyên, rốt cuộc là duy tâm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến một số quan niệm về văn chương, nhất là vai trò sáng tạo và sức tưởng tượng của người nghệ sĩ. 1.3. Nguyên tắc sáng tác 1.3.1. Đề cao lí tính Như các nhà cổ điển đã quan niệm, sự vật muốn thỏa mãn được lí trí thì phải đạt được các tiêu chuẩn của chân lí: tuyệt đối, vĩnh hằng, phổ biến. Chính vì vậy, trong việc xây dựng nhân vật, họ thường phóng đại, cốt làm nổi bậc một nét tính cách nào mà họ cho là bản chất nhất, gạt bỏ bỏ tất cả những gì thuộc cá tính hay có sắc thái tế nhị khiến tính cách của nhân vật mang tính đồng nhất nghiêm ngặt. Điều này mang lại ý nghĩa khái quát cao cho tính cách nhưng lại tước mất tính cụ thể tươi thắm của nó, khiến tính cách trở thành một ý niệm trù tượng về cá tính hơn là một cá tính sinh động. Hơn nữa, do không được miêu tả trong quá trình hình thành và phát triển nên tính cách ở đây mang tính chất tĩnh, không có sự vận động và thay đổi. Đặc biệt, chúng ta thấy rằng ở thế kỉ XVII do phản ánh những tính chất nhu cầu của nhà nước phong kiến chủ nghĩa duy lí của Đề Các nên Chủ nghĩa cổ điển xem nhân vật trung tâm có tính chất lí tưởng là những con người đặt lí trí lên trên tình cảm, chiến thắng đam mê, coi nhẹ lợi ích cá nhân, phục tùng cho lợi ích và danh dự của quốc gia và dòng dõi. Điều này có khác với phương pháp sáng tác trong văn học cổ Hi-La và chủ nghĩa hiện thực thời phục hưng. Nhân vật lí tưởng trong văn học cổ Hi- La là những con người anh hùng, chưa có ý thức về đời sống cá nhân, họ tìm lẽ sống trọn vẹn trong việc phục vụ quyền lợi của một thành bang, một bộ tộc, một quốc gia. Họ say sưa lập chiến công cho tập thể, không cần phải đấu tranh giằng xé trong bản thân. Để phản chất thẩm mĩ của thời đại, chủ nghĩa hiện thực thời phục hưng chọn nhân vật trung tâm là những người mang lí tưởng nhân văn chủ nghĩa của giai cấp tư sản đang lên. Trút bỏ những ràng buộc của lễ giáo và thần quyền, những con người này tự cảm thấy được sự tôn nghiêm cùng những tiềm năng phát triển vô hạn, luôn luôn tìm tòi, tiếp bước với tất cả nhiệt tình của mình. Đó là những con người biết suy nghĩ và hành động. Suy nghĩ để mà hành động, hành động có suy nghĩ. Họ gần như không bị thần linh chi phối. Ở đây chân lí và công lí bao hàm ngay trong chủ thể, mang một sự hòa điệu nội tại, dường như vốn thuộc bản chất con người chứ không phải ở sức mạnh của tập tục, pháp quyền, ở nghĩa vụ trừ tượng bên ngoài, không có sự mâu thuẫn giữa say mê riêng và quyền lợi chung. Con người ở đây như là trung tâm vũ trụ, mực thước của mọi sự vật. Sở dĩ như thế bởi vì vào giữa thế kỉ XVI, những quan hệ xã hội trung cổ đang sụp đổ, trật tự tư sản đang mới dựng lên, con người đã thoát khỏi cái cũ, nhưng chưa bị ràng buộc bởi những khuôn phép mới. Nhìn chung, nhân vật trung tâm của chủ nghĩa cổ điển có khác. Tuy nó cũng hành động như lí trí chứ không phải theo thần quyền, nhưng luôn luôn phải đấu tranh với say mê và dục vọng riêng để phục tùng và phục vụ cho quyền lợi chung. Mặc dù các nhà văn cổ điển chủ nghĩa cũng đề cao sự hòa điệu giữa cá nhân và xã hội, nhưng là theo hướng buộc cá nhân phải phục tùng nhiệm vụ, tức là phục tùng nguyên lí nhà nước trừu tượng. Các nhân vật trung tâm của Chủ nghĩa cổ điển biết suy nghĩ, phát ngôn, hành động một cách duy lí theo những tiêu chuẩn đạo đức thẩm mĩ của nhà nước phong kiến tập trung thế kỉ XVII. Cái riêng ở đây bị khuất phục, chứ không phải hài hòa trong cái chung. Điều này phản ánh con đường phát triển quanh co nhưng tất yếu của cá tính tư sản trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nó không còn tính chất thuần vẹn và có tính chất khổng lồ như thời phục hưng, nhưng cũng chưa phải là những cá nhân riêng tư thâm ngấm chủ nghĩa cá nhân độc tôn cực đoan như những nhân vật trung tâm phản diện của Chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ XIX. Vì vậy không phải tất cả các nhà văn cổ điển Chủ nghĩa đều trực tiếp xây dựng loại nhân vật trung tâm như đã nói trên, nhưng những nhân vật khác mà họ khắc họa đều được chiếu sáng, soi rọi bởi nhân vật lí tưởng đó. Tóm lại, vì thể hiện lòng khâm phục và yêu mến lí trí vạn năng của con người, luôn dành sự ưu tiên cho vấn đề tư tưởng nên văn học cổ điển luôn xảy ra mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa lí trí và dục vọng, giữa tình cảm cá nhân và nhiệm vụ chung cao cả. Mâu thuẫn đó thường được giải quyết theo hướng buộc cá nhân phải phục tùng tập thể, tình cảm phải được hi sinh cho những quyết định lí tính . Từ đó sẽ sinh ra hai cảm hứng, những nhân vật nào hành động theo lí trí và theo tiêu chuẩn đạo đức phong kiến thì được ngợi ca, ngược lại, những nhân vật nô lệ cho những dục vọng thấp hèn sẽ bị phê phán,cười chê 1.3.2. Mô phỏng tự nhiên Nguồn gốc của nguyên tắc mô phỏng tự nhiên có từ thời văn học cổ Hi-La, được các nhà văn học cổ diển trân trọng và phát triển. Các nhà thơ cổ điển nói chung ít nói đến những lực lượng siêu tự nhiên đầy rẫy trong nền văn học trung cổ. Họ tập trung chú ý vào những vấn đề của con người, nhất là khai thác mặt nội tâm của các nhân vật kịch. Theo họ tự nhiên sẽ làm thõa mãn lí trí con người và đảm bảo giá trị nghệ thuật của văn học, vì vậy văn học cần tìm đến tự nhiên với tư cách là đối tượng của nó chứ không phải là những gì trí tưởng tượng hoang đường bày đặt ra. Boa lô quan niệm cái đẹp gắn với cái thật “ Chỉ có thật mới đẹp , chỉ có thật mới đáng yêu”, “ Tự nhiên là chân thực, người thực có thể thể nghiệm được” nên kêu gọi “ Hãy để cho tự nhiên trở thành đối tượng nghiên cứu duy nhất”. Boa lô cũng đã nói “ Các bạn phải nghiên cứu tự nhiên”. Tự nhiên đây không phải là “ đại tự nhiên” mà là cái “ tự nhiên đẹp”, tức là đời sống trong Cung đình và thành thị, nó cũng là cái tự nhiên không cần thúc trong sinh hoạt (điều này lại kế thừa triết lí tự nhiên của phục hưng ) đối kháng với cái phản tự nhiên của sinh hoạt và văn chương cầu kì, với tình trạng mất quyền sống tự nhiên trong xã hội tức là mất tự do. Ngoài ra La phông ten còn nhấn mạnh: “Không lúc nào được rời bỏ tự nhiên nửa bước”. Chính vì vậy tự nhiên không chỉ là thiên nhiên mà là thế giới khách quan nói chung, gồm cả thiên nhiên và xã hội. Tuy nhiên, tự nhiên ở đây không có nghĩa là toàn bộ đời sống tự nhiên mà là một tự nhiên đã được lí trí gạn lọc, bị chi phối bởi nguyên tắc đề cao lí tính. Nó bao gồm những đặc điểm: Không đi vào thế giới tình cảm của con người vì tình cảm cùng những rung động cảm xúc sẽ khiến cho lí trí sáng suốt của con người bị ảnh hưởng. Theo đó, thế giới riêng tư của con người cùng những sắc thái, những cung bậc đa dạng cũng bị gạt ra ngoài. Chính vì thế, con người trong văn học cổ điển là con người phi ngã, hành động theo lí trí và vì nhiệm vụ xã hội trừu tượng. Các tác giả cũng ít khi trực tiếp nói lên những cảm nghĩ riêng tây, những vui buồn, say mê của mình mà thường nép mình sau nhân vật, nếu có xuất đầu lộ diện cũng rất dè dặt vì cho rằng tình cảm cá nhân chỉ có ý nghĩa bộ phận đơn độc, ngẫu nhiên, trữ tình là yếu tố không đáng kể. Không đưa thiên nhiên vào văn học vì nó sẽ làm nảy sinh tình cảm, không có lợi cho lí trí sáng suốt của con người. Tương tự như vậy, ngoại cảnh chỉ được chú ý, chỉ được nhắc dến như một cái khung. Vì vậy mà văn học cổ điển không miêu tả phong tục tập quán của một thời đại, coi đó chỉ là những giá trị quá độ nhất thời, do đó đã đánh mất tính lịch sử và tính dân tộc của tác phẩm văn học. Bắt chước cái tự nhiên thế nào cho “dễ chịu” và bắt chước những thực tế xấu xa ghê tởm hay kinh khủng phải mực thước, do đó không nên đưa vào những cảnh khốc liệt và đẩm máu, mà chỉ cần thể hiện một cách gián tiếp. Như vậy, họ đã bắt cái tự nhiên của sự vật phải thích ứng với cái tự nhiên của lí trí, tinh thần con người. Họ đã phản đối xu hướng tự nhiên chủ nghĩa của văn học hài hước và văn học dân gian. Hệ quả là hài kịch bị xem là thứ văn tầm thường và không đặt vấn đề học tập văn học dân gian. Như chúng ta đã biết, tự nhiên không phải chỉ có thiên nhiên, mà là thế giới khách quan nói chung. Vì thế mà khẩu hiệu “mô phỏng tự nhiên” của chủ nghĩa cổ điển là sự tiếp tục “triết lí tự nhiên” của thời phục hưng. Nhưng đối với chủ nghĩa cổ diển, không phải cái gì của “tự nhiên” cũng được phản ánh. Tự nhiên phải được lí trí gạn lọc, sắp xếp lại. Vì vậy, sự mô phỏng tự nhiên ở đây thực ra là dừng lại ở bản chất duy lí mà không đi vào thế giới nội tâm vô cùng phức tạp, “bất hợp lí” của con người cùng nguồn gốc của nó là đời sống hiện thực muôn màu muôn vẻ bên ngoài. Và hiển nhiên, nó lại càng không chú ý mô tả phong tục tập quán, những sắc thái riêng biệt trong đời sống của một dân tộc, một thời đại. Tóm lại, không thể triệt để trong việc mô phỏng tự nhiên, trong đời sống khách quan sinh động, phong phú làm đối tượng mô tả, rốt cuộc tạo nên một thứ văn học thiếu tự nhiên, nhưng dẫu sao thì văn học cổ điển cũng đã có công trong việc đề cao cái tự nhiên, cái thật, tạo nên một nền văn học vô thần. 1.3.3. Mô phỏng cổ đại Ngoài “nguyên tắc đề cao lí tính” và “mô phỏng tự nhiên” của chủ nghĩa cổ điển, không những thể hiện trong lĩnh vực nhân vật trung tâm và phương pháp xây dựng hình tượng nói trên mà chủ nghĩa cổ điển còn nêu cao nguyên tắc “mô phỏng cổ đại” vốn cũng gắn liền với hai nguyên tắc trên và cũng có tác dụng như vậy. Xưa kia, Arixtốt đã từng tổng kết và đề xuất khẩu hiệu “mô phỏng tự nhiên”, và từ đó các nhà văn cổ đại cũng đã từng sáng tạo ra những kiệt tác. Chính vì thế mà Balô cho rằng: chân lí phổ biến đã được thể hiện, lí tính tuyệt đối đã được kết tinh, các nhà văn về sau chỉ việc mô phỏng. Và không chỉ bản tính, tính cách, mà về tất cả mọi phương diện đề tài, thể loại, biện pháp nghệ thuật cũng đều chủ trương phải mô phỏng người xưa, nhất là phải tuân theo quy tắc người xưa đã tổng kết. Các nhà văn cổ điển chủ nghĩa không muốn tìm thấy trong văn học cổ đại những giá trị lịch sử hay xã hội, mà chỉ mong phát hiện ra những điểm cộng đồng về tâm lí và đạo đức. Các nhà văn Cornây, Raxin, Môlie, La phông ten đều lấy cốt truyện bi kịch, hài kịch hay ngụ ngôn của mình trong các tác phẩm cổ đại. Nhìn chung, trong khuôn khổ những đề tài “mô phỏng cổ đại”, các nhà văn cổ điển chủ nghĩa vẫn giữ được tính sáng tạo về mặt xây dựng nhân vật và đem lại cho những đề tài ấy một ý nghĩa đương thời về mặt luân lí, đạo đức. Điều này cũng hoàn toàn thích hợp với chính thể phong kiến tập trung thế kỉ XVII ở Pháp cùng chủ nghĩa cổ điển hình thành trên cơ sở xã hội đó. Tuy gọi là “mô phỏng cổ đại” nhưng nó vẫn nói lên được tư tưởng tình cảm trong “ tấn tuồng mới của lịch sử thế giới” của thời kì quá độ trên thể hòa hiệp giữa hai giai cấp phong kiến và tư sản. Tóm lại, với những quan niệm về các tác phẩm từ thời cổ đại vẫn được yêu mến và trân trọng, nghĩa là nó sẽ có giá trị vĩnh hằng, thể hiện được chân lí phổ biến, kết tinh được lí tính tuyệt đối nên các nhà văn chỉ cần mô phỏng lại các tác phẩm ấy khi sáng tác. Trong khi công trình lí luận Bàn về nghệ thuật thi ca của Boa lô là kết quả của việc mô phỏng cuốn Nghệ thuật thi ca của Arixtốt và Bàn về nghệ thuật thi ca của Hôraxơ thì cho răng những cốt truyện hài kịch, bi kịch hay ngụ ngôn của Cornây, RaXin, Môlie và La phông ten là dựa theo cốt truyện của các tác phẩm cổ đại. Từ bản tính, tính cách, cho đến đề tài, thể loại, biện pháp nghệ thuật,…đều được chủ trương mô phỏng người xưa, nhất là phải tuân theo quy tắc người xưa đã tổng kết. Các nhà văn không tìm kiếm những giá trị lịch sử và xã hội mà nhằm tìm những điểm cộng đồng về tâm lí và đạo đức. Raxin nói “…lương tri và lí tính của mọi thời đại đều giống nhau. Hứng thú thẩm mĩ của người Pari xét cho cùng cũng phù hợp với hứng thú thẩm mĩ của người Aten, những điều là làm cho công chúng của tôi cảm động cũng chính là những điều làm cho người Hi Lạp có học vấn trước kia rơi lệ ” ( Tựa kịch I phighêni ở Ôlixơ ). Việc mô phỏng cổ đại ít nhiều khiến văn học đứng trước nguy cơ ngày một nghèo nàn đi. Tuy nhiên, đáng mừng là khi bắt chước người xưa, các nhà văn vẫn có ý thức sáng tạo, cải biến, đem lại những ý nghĩa mới hợp với đương thời cho tác phẩm. Họ để cho các nhân vật “ mặc trang phục thần thánh của người xưa, nói những lời lẽ bắt chước để diễn những tấm tuồng mới của lịch sử thế giới” ( Mác ). Nhờ đó văn học cổ điển vẫn mang ý nghĩa thời đại. Do mô phỏng cổ đại nên văn học cổ điển thừa hưởng được sự quan tâm đến hình thức và chân lí về cái đẹp trong văn học cổ đại. Điều đó giúp cho văn chương cổ điển giữ được tính chất trong sáng, giản dị, hài hòa, cân đối. Đó là một thành tựu đáng ghi nhận của văn học cổ điển Pháp. 1.3.4 Tính quy phạm chặt chẽ Do ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến nên mĩ học chủ nghĩa cổ điển mang đầy tính chất quy phạm và thiếu dân chủ. Boa lô đã phân biệt thành nhiều mặt khác biệt và quy định phạm quy cho mỗi thể loại văn học. Những cái xấu xa yếu đuối của con người sẽ thuộc về đối tượng của những thể loại thấp kém, bao gồm hài kịch, ngụ

Video liên quan

Chủ đề