Tình yêu nó là gì

Tôi tưởng mình đã biết tình yêu là gì, nhưng tôi đã lầm. Ở đời, có những khái niệm chỉ mãi là khái niệm, cho đến khi bạn phải trải nghiệm. Tình yêu cũng không ngoại lệ. Và đại dịch chính là cơn bão tố, một cái sân khấu thực tế nhất và là vở diễn chân thật nhất để tôi có cuộc trải nghiệm sống động nhất, mà ở đó tôi đã biết tình yêu là gì.

Suy cho cùng, đời sống là một vở kịch vĩ đại, với số lượng diễn viên vĩ đại của một đạo diễn vĩ đại nhất mang tên Đấng Tạo hóa.

Cuộc sống, nếu vẫn mãi là một dòng sông êm ả, bạn và những người thân yêu đang cùng ở trên con thuyền êm trôi, bạn sẽ mãi chỉ ôm những khái niệm. Bạn yêu những đứa con của bạn đấy, người vợ dấu yêu của bạn nữa. Và mẹ già của bạn đấy. Dĩ nhiên rồi! Đó là tình yêu mà, có gì khó hiểu đâu. Hãy khoan! Đó chỉ là khái niệm, đó là thứ tình yêu chưa hoàn hảo, cho tới khi cơn bùng phát dịch thứ tư ập đến. 

Nó không giống như chiến tranh, không khói lửa, không đạn xé gầm trời để ta phải sợ hãi núp trong những hầm trú ẩn. Nhưng trong ta bắt đầu nhói lên cái cảm giác mà ta dần nhận ra nó rất rõ ràng cho cái khái niệm ta lo cho người khác, sống vì nguời khác là như thế nào. 

Tôi biết bạn cũng vậy mà! Chúng ta lo cho bọn trẻ còn nhiều hơn là bản thân chúng ta, trước cơn dịch ác quái, cùng những tin tức và những số liệu ngày càng xấu đi. Chúng ta lo cho mẹ già “như chuối chín cây”, trước cơn gió đại dịch đang ào ào ngoài kia. Mẹ làm sao có thể chống chọi đây? Chúng ta lo cho những người thân yêu còn hơn bản thân chúng ta.

Rồi trái tim của một người cha trong tôi cũng tan thành từng mảnh khi có người cha kia đã cố hết sức để chở bình oxy qua chốt kiểm dịch mà cũng không cứu được con trai mình. Và lòng tôi như quặn đau từng khúc ruột, khi người con ấy không thể cứu được mẹ già. 

 Một tác phẩm trong bộ tranh ký họa sinh hoạt, tình cảm của người Sài Gòn giữa đại dịch của họa sĩ Lê Sa Long.

Có những đêm chưa khuya, trăng chưa khuyết, nhìn xuống con phố đìu hiu một cách lạ thường, tôi chợt nhớ đến một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Khi bước chân ta về đêm khuya nhìn đường phố. Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình...”.

Ôi! Cái thành phố thương yêu mà tôi đang sống, đã thật sự hoang vu, không phải qua một cuộc tình, mà là cơn đại dịch lịch sử. Đâu rồi những gánh hàng rong, những lời rao đêm, những hàng quán tấp nập đông vui. Tôi chợt nhận ra có một thứ tình yêu khác nữa. Tôi yêu xiết bao những con đường, những cảnh đời, những phận người nơi mảnh đất tôi đang sống. Bạn gọi đó là quê hương, nhưng bạn đâu có biết cái cảm giác khi quê hương đang đau, đang bệnh nó như thế nào. Cho đến khi tôi và bạn nhìn xuống những con đường vắng ngắt không một bóng người, dù không một tiếng súng, tiếng bom rơi.

Đại dịch thật sự cho ta cái cảm giác thật kỳ lạ: đối diện với nỗi sợ hãi trong thinh lặng nhưng cũng từ đó, những giá trị bình thường nhất chợt trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Và tình yêu chợt hiện ra, rõ mồn một như ánh trăng rằm mà ta chưa bao giờ cảm nhận được: ta yêu những người thân của ta hơn ngàn lần mức bình thường. Ta yêu đồng bào, đồng loại. Ta như đau cùng nỗi đau của một người cha mất con, một người con mất mẹ, một người vợ mất chồng…Ta yêu những con đường, yêu những gánh hàng rong, phố xá nhộn nhịp đông vui một ngày bỗng nhiên cô quạnh. Yêu hơn ngàn lần lúc bình thường.

Rồi bỗng nhiên ta nhớ... hớt tóc gốc me kinh khủng.

Trận đại dịch này không chỉ nhắc lại cho tôi bài học vốn chưa bao giờ xưa cũ: đời người thật mong manh như ngọn nến trong gió, mà nó còn giáng cho tôi một “cú tát” trời giáng, buộc tôi phải nhìn nhận lại: chớ coi thường những cái bình thường, vì có lúc nào đó nó sẽ trở thành... phi thường.

Thật phi thường nếu như lúc ấy ai tìm cho tôi một... tiệm hớt tóc gốc me. Khi mà đã hơn ba tháng, cái đầu tóc của tôi chẳng khác nào của gã thổ dân Amazon. Vậy mà trước đại dịch, khi ngang qua ông già hớt tóc gốc me, tôi không thèm để ý. Một cụ già sống bình thản dưới một gốc me xanh. Bình thản và chấp nhận, mặc cho dòng đời cuồn cuộn ngoài kia.Tôi còn lâu lắm mới được như cụ...

Thật là phi thường nếu như lúc ấy, ai đặt online siêu thị cho tôi một... ký khoai lang! Những ngày giãn cách dài lê thê, bỗng dưng thèm khoai lang, nhưng lần nào cũng được báo là... tạm hết hàng! Những củ khoai lang ấy, trước kia đi siêu thị tôi nào có để ý.

Thời bao cấp, những củ khoai lang mẹ mới luộc khói thơm nghi ngút. Tôi nhớ vị ngọt của một thời khó khăn nhưng đầy tình người.

Trong cơn bão tố đại dịch ấy, lần đầu tiên tôi biết sự cao quý, đức hy sinh và hình ảnh rõ nét nhất của thứ tình yêu cao vợi mà tôi thường hay nghe hay đọc trong những quyển sách của các vị thầy: yêu kẻ khác như yêu chính bản thân mình.

Đại dịch đã khiến cho chiếc xe tham vọng chậm lại. Như con tàu đã tả tơi những cánh buồm, buộc phải dừng nơi khúc sông tĩnh lặng. Tôi nhớ một thời tuổi thơ được ông lão hớt tóc dưới gốc me, râm ran tiếng ve mùa hè. Tôi nhớ những củ khoai lang một thời gian khó nhưng ngọt ngào một tình yêu khó quên.

Chúng ta đang sống trong một thời đại siêu công nghệ và đầy những tham vọng cùng vật chất bủa vây. Và rồi khi con virus xuất hiện, ta được học lại bài học tình yêu là gì, một danh từ mà trong cuộc sống hối hả và tất bật hiện tại, nó chỉ là một khái niệm như hàng trăm khái niệm khác mà chúng ta không đủ thời gian để kịp biết nó là gì.

Một đứa trẻ cần tình yêu để lớn. Tình yêu với chúng là nhu cầu. Tuổi trẻ khao khát tình yêu. Họ trao tình yêu chỉ để nhận lại. Và khi tình yêu được cho đi mà không có nhu cầu nhận lại: bạn đã thực sự trưởng thành. Đó là đỉnh cao của tình yêu.

Trong cơn bão tố đại dịch ấy, lần đầu tiên tôi biết sự cao quý, đức hy sinh và hình ảnh rõ nét nhất của thứ tình yêu cao vợi mà tôi thường hay nghe hay đọc trong những quyển sách của các vị thầy: yêu kẻ khác như yêu chính bản thân mình. Đó là đội ngũ những y bác sĩ, điều dưỡng của các trung tâm điều trị và cấp cứu tại các bệnh viện, các trung tâm y tế. Họ thật sự là những thiên thần không cánh giữa đời thực. Có đọc ngàn lần lời thề Hippocrates cũng không bằng sự trải nghiệm mà họ đã có được trong những tháng ngày vừa qua. 

Khi bạn biết một thứ tình yêu vô điều kiện, tình yêu cho đi mà không có nhu cầu nhận lại, bạn đã bước lên được một nấc thang cao vời của tình yêu. 

Nhưng hãy còn một nấc thang cuối cùng: đó là sự thương cảm một kẻ xa lạ khác như yêu chính bản thân bạn. Bằng cách nào? Bằng cách hãy làm cho niềm hạnh phúc và những đứa con ngoan hiền, thành đạt của bạn vô hình trên mạng xã hội. Vì điều đó sẽ làm cho những người mẹ không may mắn sẽ thôi bớt đau khổ, những người cha đau buồn sẽ bớt buồn đau, những người con mất mẹ sẽ vơi đi niềm thương nhớ…

Tình yêu là gì ư?  Không đơn giản là bạn yêu thương những người thân của bạn: người yêu, người vợ, những đứa con, cha mẹ già của bạn... mà bạn phải còn nhìn khắp chung quanh bạn với niềm thấu cảm và chia sẻ với những người không được may mắn như bạn nữa, bằng sự chiến thắng nỗi khao khát được người khác chiêm ngưỡng sự thành công và hạnh phúc của bạn. 

Lúc đó, xin chúc mừng! Bạn đã đạt được cái từ bi mà Đức Thích Ca, Chúa Jesus và những vị thầy đi qua địa cầu này từng nói đến: Phật Tánh - Thượng Đế - Chúa Trời ngự bên trong bạn vậy. 

NS. Võ Thiện Thanh 

Chủ đề