Thuốc điều trị biến chứng thần kinh tiểu đường

Bệnh thần kinh tiểu đường khá phổ biến ở những người có bệnh sử tiểu đường. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần được theo dõi và kiểm soát để phòng giảm nguy cơ gây ra biến chứng.

1. Bệnh thần kinh tiểu đường là gì?

Bệnh thần kinh tiểu đường còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Với những người bị tiểu đường, lượng đường trong máu cao sẽ khiến các dây thần kinh bị tổn thương, đặc biệt là những dây thần kinh ở chi trên và chi dưới. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau, tê ở bộ phận này.

Bệnh được chia thành hai nhóm chính:

  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên: gây ra những ảnh hưởng đến dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể như: thần kinh ở tay, chân, thần kinh sọ não.

  • Bệnh lý thần kinh tự chủ: là thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quan như dạ dày, ruột, tim mạch, hệ tiết niệu.

Bệnh thần kinh tiểu đường phổ biến ở những người có bệnh sử tiểu đường

2. Nguyên nhân gây bệnh thần kinh tiểu đường

Nguyên nhân chính

Bệnh thần kinh tiểu đường do nhiều nguyên nhân, trong đó, lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao, không được kiểm soát trong thời gian dài khiến các dây thần kinh bị tổn thương được cho là nguyên nhân chính.

Cụ thể, khi lượng đường trong máu cao thì các thành mao mạch (mạch máu nhỏ) bị suy yếu, quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh bị cản trở và thuyên giảm, gây ra tổn thương nặng nề cho những dây thần kinh này.

Một vài nguyên nhân khác

Ngoài lượng đường huyết cao như nói trên, một số yếu tố dưới đây cũng là nguyên nhân gây ra bệnh:

  • Hệ thống miễn dịch “nghi ngờ” những dây thần kinh là vật thể lạ và tự xảy ra các phản ứng để bảo vệ cơ thể. Hậu quả là gây viêm dây thần kinh.

  • Sử dụng bia, rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác. Đây được cho là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, không loại trừ bệnh thần kinh tiểu đường.

  • Những người bị thừa cân, béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI > 24) hoặc mắc các bệnh về thận. Bởi khi thận bị tổn thương thì các chất độc sẽ không được đào thải ra khỏi cơ thể mà nhiễm ngược vào máu, ảnh hưởng nặng nề đến các dây thần kinh.

  • Các yếu tố di truyền, không liên quan đến bệnh tiểu đường.

  • Thời gian bị bệnh đái tháo đường: bị bệnh càng lâu (nhất là khi glucose huyết không được ổn định tốt) càng tăng nguy cơ bị bệnh thần kinh.

  • Bệnh thận mạn.

Bệnh thần kinh tiểu đường do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá

3. Những biến chứng của bệnh thần kinh tiểu đường

Mất ngón chân, bàn chân hoặc chân

Đây là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh thần kinh tiểu đường. Theo đó, các dây thần kinh bị tổn thương sẽ gây mất cảm giác ở chân, vì thế mà những vết hở, vết cắt hay vết lở dù rất nhỏ cũng sẽ không gây đau đớn. Và vô tình điều này khiến bạn bỏ qua những vết thương này, “tạo điều kiện” để chúng nhiễm trùng và lở loét.

Nếu không được chữa lành, những vết loét sẽ nhiễm trùng nặng, lan đến xương, làm chết mô. Và hậu quả là phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hay nghiêm trọng hơn là phần chân dưới.

Tổn thương khớp

Song song với tê chân, bạn sẽ cảm thấy chân bị mất cảm giác và sưng lên hoặc bị biến dạng. Lúc này, rất có thể những dây thần kinh đã bị tổn thương nặng nề và gây ra bệnh khớp Charcot ở các khớp nhỏ của bàn chân. Để ngăn ngừa các khớp bị tổn thương nặng hơn, cần được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh thần kinh tiểu đường gây tổn thương khớp ngón chân nặng nề

Hạ đường huyết, tụt huyết áp

Các biểu hiện cho thấy cơ thể đang bị tụt đường huyết là đổ mồ hôi, tim mạch nhanh, run,... Tuy nhiên, bệnh thần kinh tiểu đường có thể làm mất các dấu hiệu này, khiến bạn không thể nhận ra. Lúc này, huyết áp giảm mạnh, nếu không được can thiệp y tế sẽ rất nguy hiểm (ngất xỉu, hôn mê,…).

Tăng hoặc giảm mồ hôi

Khi các dây thần kinh bị tổn thương thì các tuyến mồ hôi cũng sẽ bị ảnh hưởng với các dấu hiệu như toát mồ hôi quá nhiều (nhất là vào ban đêm hoặc khi đang ăn) hay thuyên giảm hoạt động tiết mồ hôi. Dù là tình trạng nào thì cũng gây khó chịu cho người bệnh, thậm chí là nguy hiểm bởi cơ thể không thể kiểm soát được nhiệt độ.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Trường hợp các dây thần kinh kiểm soát bàng quang bị tổn thương sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hệ tiết niệu. Người bệnh sẽ cảm thấy đau tức bụng hoặc rát buốt mỗi khi đi tiểu. Đó là do vi khuẩn và chất độc không được bàng quang đào thải ra ngoài mà tích tụ lại, gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bên cạnh đó, dây thần kinh tổn thương còn khiến các cơ giải phóng nước tiểu bị mất kiểm soát, dẫn đến hiện tượng rò rỉ nước tiểu, đi tiểu không tự chủ, gây mất vệ sinh cũng như bất tiện cho người bệnh.

Đau bụng, rát buốt hay đi tiểu không tự chủ cũng là biến chứng của bệnh

Hệ tiêu hóa gặp vấn đề

Một số biến chứng mà bệnh thần kinh liên quan đến tiểu đường có thể gây ra với hệ tiêu hóa đó là buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy,… hay nghiêm trọng hơn là liệt dạ dày.

Rối loạn chức năng tình dục

Các dây thần kinh liên quan đến cơ quan sinh dục bị tổn thương có thể gây ra những rối loạn trong hoạt động tình dục như rối loạn cương dương ở nam giới, giảm ham muốn ở nữ giới do gặp khó khăn trong việc bôi trơn và kích thích âm đạo.

Có thể thấy bệnh thần kinh tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng. Có những biến chứng gây khó chịu và bất tiện cho người bệnh, nhưng cũng có những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.

Vì thế, người bệnh - nhất là những người có bệnh sử tiểu đường hay cao huyết áp cần theo dõi và kiểm soát huyết áp chặt chẽ. Cùng với đó là xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các chất kích thích và ăn uống, luyện tập theo chế độ khoa học để ngăn ngừa các biến chứng.

Đặc biệt, khi thấy xuất hiện một trong các dấu hiệu như tê đau ngón chân hoặc bàn chân, vết thương ở chân khó lành, thói quen tiểu tiện và nhu cầu tình dục thay đổi,… cần đến bệnh viện để khám và có biện pháp điều trị phù hợp. Bởi dù có phải là bệnh thần kinh tiểu đường hay không thì việc điều trị sớm bao giờ cũng có lợi, giúp ngăn ngừa kịp thời các nguy hiểm với sức khỏe.

Người bị tiểu đường không kiểm soát đường huyết tốt có nguy cơ cao bị bệnh thần kinh đái tháo đường, gây ra biến chứng nghiêm trọng như: Cụt chi, liệt dạ dày, bàng quang thần kinh, hạ huyết áp tư thế,… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ CKI Phan Thị Thùy Dung, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết bệnh thần kinh đái tháo đường là biến chứng phổ biến ở đái tháo đường type 1 và type 2. Khi lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể. (1)

Tùy thuộc vào vị trí dây thần kinh bị tổn thương, bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Phần lớn người bị tiểu đường bị tổn thương dây thần kinh ở chân, các triệu chứng bao gồm: Đau và tê, dị cảm, cảm giác châm chích, kiến bò,… ở chân, bàn chân. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ cao bị cụt chi. Thần kinh đái tháo đường còn gây tổn thương đến các cơ quan khác như tiêu hóa, tim, mạch máu, tiết niệu,…

Bệnh thần kinh đái tháo đường ảnh hưởng đến 50% số người mắc bệnh tiểu đường nhưng có thể ngăn ngừa hoặc làm bệnh chậm tiến triển bằng cách kiểm soát tốt lượng đường huyết. 

Bác sĩ Dung cho biết: Nguyên nhân gây bệnh thần kinh đái tháo đường vẫn chưa được biết rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài không kiểm soát sẽ làm tổn thương dây thần kinh. Lượng đường trong máu cao còn làm tổn thương các mạch máu nhỏ có nhiệm vụ nuôi dưỡng các dây thần kinh, làm mất hoặc giảm chức năng cung cấp oxy và dưỡng chất cho dây thần kinh từ đó làm tổn thương các dây thần kinh và gây nên bệnh thần kinh do đái tháo đường.

Bệnh thần kinh đái tháo đường có 4 loại, mỗi loại sẽ gây tổn thương ở vị trí nhất định và có các triệu chứng khác nhau bao gồm: (2)

  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Thường ảnh hưởng đến dây thần kinh bàn chân và cẳng chân, và thỉnh thoảng có thể ảnh hưởng đến thần kinh ở bàn tay và cẳng tay. Các triệu chứng khi bị thần kinh ngoại vi bao gồm: Ngứa ran, tê, cảm giác châm chích, kiến bò, đau bàn chân, mất cảm giác bàn chân, đi rớt dép không biết,… Khoảng ⅓ đến ½ bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thần kinh ngoại biên và đây là dạng bệnh thần kinh thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Bệnh thần kinh tự chủ: Bệnh gây ảnh hưởng đến thần kinh tự chủ của hệ tiêu hóa, tim mạch, hệ tiết niệu và cơ quan sinh dục, tuyến mồ hôi, mắt, mất khả năng nhận biết các dấu hiệu hạ đường huyết
    • Bệnh thần kinh tự chủ ở hệ tiêu hóa có thể tác động lên bất cứ phần nào của hệ tiêu hóa như rối loạn vận động thực quản gây khó nuốt, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng liệt dạ dày như chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu, buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu lỏng, đi tiêu không tự chủ. 
    • Bệnh thần kinh tự chủ hệ tim mạch sẽ có các triệu chứng như: Chóng mặt khi thay đổi tư thế, nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ huyết áp tư thế,…
    • Tổn thương dây thần kinh tự chủ ở hệ sinh dục sẽ có các triệu chứng như rối loạn cương dương, xuất tinh ngược dòng ở nam giới. Ở nữ giới xuất hiện các triệu chứng như giảm ham muốn, giảm tiết dịch nhờn, khô âm đạo, đau tăng trong khi giao hợp.
    • Tổn thương dây thần kinh tự chủ ở hệ tiết niệu gây bệnh bàng quang thần kinh do đái tháo đường, người bệnh có các triệu chứng như tiểu không kiểm soát, tiểu đêm nhiều, tiểu lắt nhắt, tiểu gấp hoặc bí tiểu, dòng nước tiểu yếu.
    • Bệnh tăng tiết hoặc giảm tiết mồ hôi bất thường.
    • Biến chứng nguy hiểm là người bệnh mất khả năng nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết, dẫn đến hôn mê hạ đường huyết.
  • Bệnh đơn dây thần kinh: Là tình trạng tổn thương các dây thần kinh đơn lẻ, có thể gặp tổn thương thần kinh ở tay, đầu, thân mình hoặc chân. Thường gặp nhất là các tổn thương chèn ép dây thần kinh như hội chứng ống cổ tay gây đau, tê, teo cơ bàn tay…Các dạng tổn thương thần kinh khu trú khác ít gặp. Các bệnh lý thần kinh sọ não biểu hiện cấp tính và hiếm gặp, chủ yếu liên quan đến các dây sọ III, IV, VI và VII, thường tự khỏi trong vài tháng.
  • Bệnh đám rối – rễ thần kinh: Teo cơ do đái tháo đường hoặc bệnh đa dây thần kinh thường liên quan đến đám rối thắt lưng cùng. Bệnh thường biểu hiện đau một bên đùi và sụt cân, sau đó là yếu vận động. Các rối loạn này thường tự giới hạn và cải thiện dần theo thời gian với điều trị và vật lí trị liệu.

Theo bác sĩ Dung, bệnh thần kinh đái tháo đường gây ra một số biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

  • Hạ đường huyết không nhận biết: Người bệnh có nồng độ đường trong máu giảm thấp nhưng không nhân biết được và có thể dẫn đến hôn mê hạ đường huyết.
  • Đoạn chi là biến chứng nặng nề, để lại di chứng suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh mất cảm giác ở bàn chân, đi rớt dép không biết làm tăng nguy cơ loét chân và đoạn chi
  • Bàng quang thần kinh gây tiểu không kiểm soát hoặc bí tiểu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu
  • Tụt huyết áp tư thế gây chóng mặt, choáng khi thay đổi tư thế có thể dẫn đến té ngã 
  • Các vấn đề về tiêu hóa như khó nuốt, đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn, nôn, tiêu không tự chủ, tiêu chảy hoặc táo bón gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
  • Rối loạn chức năng tình dục ở nam giới và nữ giới ảnh hưởng đến đời sống tình dục.

Chẩn đoán bệnh thần kinh do đái tháo đường là một chẩn đoán sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác như nghiện rượu, thiếu vitamin B12, suy giáp, bệnh thận,… Người bệnh cần được tầm soát bệnh thần kinh đái tháo đường ngay khi mới chẩn đoán đái tháo đường type 2 và 5 năm sau khi được chẩn đoán đái tháo đường type 1 và sau đó ít nhất mỗi năm 1 lần. Người bệnh sẽ được khai thác các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh thần kinh đái tháo đường và được thăm khám bằng các dụng cụ chuyên biệt để chẩn đoán bệnh. (3)

Bác sĩ Phan Thị Thùy Dung cho biết: Điều trị bệnh thần kinh do đái tháo đường tập trung vào các vấn đề sau đây:

  • Làm chậm diễn tiến bệnh: để làm chậm diễn tiến bệnh cần kiểm soát tốt mức đường huyết, duy trì mức đường huyết ở mức trung bình có thể làm giảm nguy cơ diễn tiến bệnh khoảng 60%. Mục tiêu đường huyết cần đạt được bao gồm:
    • Đường huyết khi đói hoặc trước ăn: 70 – 130 mg/dL.
    • Đường huyết sau 2 giờ ăn: < 180 mg/dL.
    • HbA1c nhỏ hơn 7%.
    • Ngoài ra người bệnh cần chăm sóc kỹ bàn chân để tránh bị tổn thương gây loét. 
    • Kiểm soát huyết áp.
    • Ăn uống điều độ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
    • Tập luyện thể dục thường xuyên.
    • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
    • Không hút thuốc lá.
    • Không uống rượu bia. 
  • Dùng các thuốc giảm triệu chứng theo toa bác sĩ.
  • Điều trị các biến chứng và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân có bệnh bàng quang thần kinh, đoạn chi,…

Các đối tượng nguy cơ mắc bệnh thần kinh do đái tháo đường bao gồm: Thừa cân, có tăng huyết áp và mỡ máu, bệnh thận tiến triển, uống nhiều thức uống chứa cồn và thuốc lá. Do đó để phòng ngừa biến chứng thần kinh đái tháo đường, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết, thường xuyên theo dõi đường huyết và huyết áp, ăn uống điều độ theo chỉ dẫn của bác sĩ, tập luyện thể dục thường xuyên và chăm sóc bàn chân, ngưng thuốc lá, hạn chế thức uống chứa cồn, khám sức khỏe đúng định kỳ.

Bệnh thần kinh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân lớn gây ra các biến chứng cho bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh không được chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe, đo đường huyết hằng ngày. Nếu nhận thấy những bất thường về sức khỏe cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng.

Video liên quan

Chủ đề