Quy định về chuẩn hóa trình độ trung cấp y

Chi tiết câu hỏi

Thông tư số 03/2022/TT-BYT có quy định về việc chuyển xếp lương viên chức hạng IV có trình độ cao đẳng đối với viên chức hiện giữ chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược, dinh dưỡng, dân số. Tuy nhiên, tôi không thấy đề cập đến chức danh y sĩ hạng IV. Tôi xin hỏi, tại sao chức danh y sĩ hạng IV lại không được chuyển xếp lương theo Thông tư số 03/2022/TT-BYT?

Trả lời

Bộ Y tế trả lời vấn đề này như sau:

Lộ trình chuẩn hoá trình độ cao đẳng vào ngày 1/1/2015 áp dụng đối với các chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV, hộ sinh hạng IV, kỹ thuật y hạng IV tại các cơ sở y tế công lập quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

Đối với chức danh y sĩ, Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ, yêu cầu trình độ đào tạo đối với chức danh y sĩ (hạng IV) là tốt nghiệp y sĩ trình độ trung cấp và không quy định chuẩn hoá trình độ cao đẳng.

Căn cứ lộ trình chuẩn hoá trình độ cao đẳng nêu trên, ngày 26/4/2022, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Thông tư đã quy định tiêu chuẩn trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp viên chức điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y hạng IV là cao đẳng, do đó dẫn đến thay đổi về việc xếp lương. Chức danh y sĩ không quy định trình độ đào tạo cao đẳng nên không đổi về xếp lương viên chức loại A0.

Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho biết: Theo thống kê, ngành y tế hiện quản lý hơn 430 nghìn cán bộ, nhân viên, trong đó có hơn 126 nghìn người (gần 30%) trình độ trung cấp. Đáng chú ý, số cán bộ có trình độ trung cấp là điều dưỡng, nữ hộ sinh đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất (49,8%), giảm dần qua các bệnh viện tuyến quận, huyện (29,1%); bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (12,2%), các bệnh viện ngoài công lập (8%) và thấp nhất tại các bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành khác (0,9%). Đáng chú ý, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trình độ điều dưỡng, hộ sinh phải từ cao đẳng trở lên, thì tại Việt Nam, điều dưỡng, nữ hộ sinh trình độ trung cấp chiếm phần lớn (74,6%), vẫn còn 1,6% số điều dưỡng, nữ hộ sinh trình độ sơ cấp… Như vậy, có thể khẳng định, nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh của Việt Nam hiện nay không chỉ thiếu về số lượng, mà trình độ chuyên môn chưa phù hợp để được đăng ký hành nghề và công nhận là điều dưỡng giữa các quốc gia trong khu vực.

Để chuẩn hóa cán bộ, cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập trong khối ASEAN và các nước trên thế giới, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ phối hợp xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế, trong đó có Thông tư số 26/2015/TTLT-BYT-BNV (Thông tư số 26) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Theo đó, đến ngày 1-1-2021, ngành y tế chỉ tuyển nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên, đối với điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật y và dược; từ ngày 1-1-2025, số viên chức đã được tuyển có trình độ trung cấp phải chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng, đến thời điểm đó sẽ không còn chức danh trình độ trung cấp.

Tuy nhiên, số cán bộ có trình độ trung cấp đang làm việc tại các cơ sở y tế ở nước ta hiện nay là rất lớn, chiếm gần 30% tổng số cán bộ của toàn ngành. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các đơn vị sử dụng cần chủ động xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong việc đào tạo chuẩn hóa đội ngũ viên chức đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định của chức danh nghề nghiệp, nhất là đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược.

Được biết, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng cơ chế đặc thù riêng trong việc đào tạo liên thông nói riêng và kể cả trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế nói chung. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế trong cả nước lấy nguồn kinh phí từ quỹ hỗ trợ đào tạo của đơn vị mình để hỗ trợ người đi học (những người có trình độ trung cấp) nâng cao trình độ; đồng thời cần phải ưu tiên cho từng đối tượng cụ thể, cũng như sắp xếp hợp lý nguồn nhân lực để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Đối với các cơ sở đào tạo hệ trung cấp thuộc công lập, hoặc dân lập, nếu có điều kiện và đủ năng lực thì sớm xây dựng đề án phát triển thành trường cao đẳng, không thì phải quay về trung tâm đào tạo liên tục (do các cấp có thẩm quyền quyết định). Tuy nhiên, tiêu chí để phát triển thành trường cao đẳng là hết sức nghiêm ngặt, cho nên các trường muốn phát triển lên thành trường cao đẳng, cần phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy; phải đào tạo theo đúng các chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã ban hành. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng đào tạo ồ ạt “bình mới, rượu cũ” làm giảm chất lượng, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực và mỗi cán bộ y tế chủ động kế hoạch học tập nâng cao trình độ chuyên môn của mình…

Phó Cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi cho biết: Cả nước hiện có 40 trường đại học, 68 trường cao đẳng và 89 trường trung cấp đào tạo chuyên ngành y, dược. Theo lộ trình đến năm 2018, các trường này phải dừng đào tạo trình độ trung cấp. Tuy nhiên, ngay từ năm 2012, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 816/QĐ-BYT phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020", với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nâng cấp các trường trung cấp lên trường cao đẳng nếu có điều kiện. Nhưng thực tế cho thấy, thời gian qua, để đáp ứng nguồn nhân lực cũng như chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo về y tế, đã có nhiều trường trung cấp đa ngành, hoặc liên ngành tham gia đào tạo nhân lực y tế và quy mô đào tạo trung cấp là rất lớn…

Khi Thông tư số 26 có hiệu lực, các cơ sở đào tạo hệ trung cấp cần phải có kế hoạch nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng để dừng đào tạo từ năm 2018. Bộ Y tế khuyến cáo các trường trung cấp, các cơ sở đào tạo trong và ngoài công lập nếu có đủ điều kiện thì sớm xây dựng đề án để lên cao đẳng, hoặc quay lại trung tâm đào tạo liên tục (nếu các cấp có thẩm quyền cho phép). Bên cạnh đó, hiện nay nhiều nước trong khu vực đang có nhu cầu lớn lực lượng điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi tại các trung tâm, viện dưỡng lão. Cho nên, những trường chưa đủ điều kiện nâng cấp lên cao đẳng, cần tiếp cận các chương trình hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực. Đây được coi là cơ hội để các trường trung cấp, cơ sở đào tạo tồn tại và phát triển.