Những nhiệm vụ của người sinh viên trong việc đảm bảo đạo đức khoa học

Vai trò của nhà trường trong giáo dục đạo đức cho sinh viên
Giai đoạn đại học là giai đoạn có nhiều biến đổi to lớn cả về tâm sinh lý cũng như khẳng định sự tích lũy tri thức và vốn sống. Sinh viên phải tự chủ động đưa ra các quyết định về thái độ, hành động và chịu trách nhiệm về bản thân thay vì nhận được sự chỉ bảo, bao bọc thường xuyên của gia đình. Sinh viên sẽ tiếp thu và tích lũy tri thức chuyên ngành, đồng thời mở rộng cơ hội, khả năng sáng tạo và phát huy những tiềm lực tri thức của mình, sống một cuộc sống mới chủ động hơn, xác lập các mối quan hệ xã hội, tham gia vào quá trình xã hội hoá… Do đó, ngay từ đầu việc giáo dục nhân sinh quan cho sinh viên là công tác rất quan trọng. Sứ mệnh này thuộc về nhà trường nhằm giúp cho sinh viên nhanh chóng thích ứng với cuộc sống mới ở môi trường đại học, từ đó tạo ra các tiền đề, nền tảng lành mạnh trong sự phát triển của họ sau này.

Nhà trường là chủ thể chính trong giáo dục nghĩa vụ đạo đức cho sinh viên. Việc bắt buộc phải thực hiện kỷ cương, nề nếp trong dạy và học lúc đầu có thể là yếu tố khách quan chi phối hành vi, thái độ của sinh viên nhưng dần về sau chúng sẽ trở thành nguyên tắc sống.

Những nội dung giáo dục đạo đức cho sinh viên trong nhà trường hiện nay

Do những hoạt động của sinh viên thường gắn liền với nhà trường nên các trường đại học có vai trò chủ đạo nhất trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Mỗi chủ trương, hoạt động của nhà trường đều có tác động trực tiếp đến việc hình thành thế giới quan và nhân sinh quan mới cho sinh viên bởi những tri thức mà họ thu nhận được trước đó còn chưa đầy đủ. Mỗi sinh viên đều có nhu cầu khám phá tri thức mới, cuộc sống mới, các giá trị mới nên nhà trường càng có vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng cho họ. Ngay từ những buổi đầu tiên của sinh viên năm thứ nhất, các trường đại học và cao đẳng đã tiến hành kì học chính trị nhằm bồi dưỡng cho sinh viên lý tưởng, bản lĩnh, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khơi dậy niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn. Nhờ khóa học này mà mỗi sinh viên thu nhận thêm tri thức về lĩnh vực chính trị, xã hội. Nhiều sinh viên đã thể hiện mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng để có thể rèn luyện, trưởng thành và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. Kì học này cũng có ý nghĩa lớn trong việc giúp sinh viên nhận thức về tình hình đất nước, những sự kiện xảy ra trên thế giới để họ có thể xác định quan điểm, thái độ, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Ngoài công tác giáo dục lý tưởng, nhà trường cũng chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống cho sinh viên như: truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học, truyền thống hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn…nhằm giáo dục cho sinh viên sự hiểu biết và trân trọng, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc.

Việc giáo dục đạo đức cho sinh viên cũng được gắn liền với việc giáo dục pháp luật. Sinh viên ngoài việc nắm bắt những nội qui, qui chế nhà trường còn cần có những hiểu biết cơ bản về pháp luật, về an toàn giao thông, phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội… Giáo dục cho sinh viên đạo đức và pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giúp họ vừa có ý thức tự giác, chủ động vừa nhận thức được những giới hạn cụ thể trong thái độ và hành vi của mình.

Giáo dục đạo đức cho sinh viên không thể chỉ ở việc tuân thủ thực hiện những qui tắc, chuẩn mực cứng nhắc. Nhà trường cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, giáo dục những kỹ năng “mềm” để sinh viên có thể xử lý các tình huống nảy sinh trong cuộc sống một cách tích cực nhất. Để có thể đạt được mục tiêu như vậy thì nhà trường phải tạo môi trường cho sinh viên sinh hoạt, rèn luyện, phát triển toàn diện, có sức khoẻ tốt và đời sống tinh thần phong phú lành mạnh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng bồi dưỡng thể lực tạo tiền đề vật chất để sinh viên có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ khác như học tập, nghiên cứu và tham gia các hoạt động xã hội.

Như vậy, có thể thấy rằng vai trò giáo dục đạo đức của nhà trường đối với sinh viên là rất quan trọng. Giáo dục đạo đức từ nhà trường là bước gắn kết giữa giáo dục đạo đức gia đình và giáo dục đạo đức xã hội.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học

Mặc dù có nhiều thành tích đáng kể song hiện nay công tác giáo dục đạo đức ở các trường cao đẳng, đại học vẫn chỉ đang dừng lại ở các hoạt động, phong trào bề nổi, điều này đã dẫn đến nhiều hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên trong nhà trường. Để nâng cao hiệu quả, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, mỗi nhà trường cần bổ sung thêm một số nguyên tắc cơ bản về đạo đức trong ứng xử của sinh viên và hình thức xử lý đối với những sinh viên vi phạm ở những cấp độ khác nhau. Bước đầu, có thể tiến hành điều tra xã hội học nhằm thu nhận ý kiến từ cả hai phía sinh viên và giảng viên nhằm đưa ra được bộ qui tắc vừa phù hợp, mềm dẻo và có tác dụng tích cực nhất.

Thứ hai, để đạt được hiệu quả cao trong giáo dục đạo đức cho sinh viên thì bản thân mỗi giảng viên phải là tấm gương về đạo đức. Những bài học đạo đức chỉ thực sự có giá trị, có tính thuyết phục khi người thuyết giảng bài học đó là tấm gương mẫu mực. Mỗi giảng viên cần nêu cao lòng yêu nghề, thái độ công bằng, tinh thần trách nhiệm…nhằm tạo được niềm tin cho sinh viên. Thầy cô ngoài việc truyền đạt tri thức còn phải định hướng và kịp thời uốn nắn hành vi, thái độ của sinh viên, tạo cho sinh viên có điều kiện thuận lợi nhất để rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống và tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị văn hóa mới.

Thứ ba, nhà trường cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn và Hội trong giáo dục đạo đức cho sinh viên, phải phát huy hơn nữa tính chủ động tích cực của mình, đặc biệt là trong việc tổ chức nhiều các hoạt động tập thể với hình thức phong phú, đa dạng thu hút được nhiều sinh viên tham gia nhằm làm cho họ có nhiều điều kiện tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào các hoạt động, tổ chức xã hội tạo sự gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng.

 Để phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn, Hội trong việc giáo dục nghĩa vụ đạo đức cho sinh viên, cần có sự phối hợp với các tổ chức xã hội khác như Hội liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động, nhà trường…để tạo sự thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác xây dựng và giáo dục nghĩa vụ đạo đức mới cho sinh viên.

Bên cạnh những hoạt động tập thể, Đoàn và Hội cũng cần có những chủ trương hỗ trợ cho sinh viên trong học tập, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên tìm hiểu thực tế, vừa mang tính giải trí, vừa là sự học hỏi lẫn nhau…giúp sinh viên ngày càng gắn bó, sống tình cảm và có trách nhiệm với mọi người hơn trong cuộc sống.

 Thứ tư là cần gắn kết ba chủ thể gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Gia đình chính là môi trường hình thành nhân cách bởi từ gia đình con người có những định hướng giá trị đầu tiên về cuộc sống. Đây cũng là nơi gắn bó suốt cuộc đời nên môi trường gia đình có ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tình cảm, nếp sống của mỗi người.

 Để đạt được hiệu quả trong việc phối hợp giữa 3 chủ thể giáo dục, chúng ta cần phải thường xuyên có sự tổng kết, rút kinh nghiệm; chính sách cho thanh niên phải có sự đóng góp tiếng nói của thanh niên, có sự góp ý, phản hồi; các chủ trương phải được phổ biến rộng rãi. Có như vậy, công tác giáo dục nghĩa vụ đạo đức cho sinh viên từ phía gia đình, nhà trường và xã hội mới đạt được sự thống nhất và hiệu quả thiết thực.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Thương
Học viện Quản lý giáo dục (Tạp chí Dân tộc số 167, tháng 11/2014)[NNL: DH]
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã dạy “Người cán bộ nói chung, trong ngành giáo dục nói riêng: có tài phải có đức, có tài mà không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho đất nước, có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Trong nhà trường, nếu giáo viên thiếu đi nhân cách, đạo đức thì hậu quả thật nguy hại. Do vậy, giáo dục phẩm chất đạo đức của nhà giáo tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một yêu cầu quan trọng.

Người thầy không chỉ đơn giản tham gia vào việc rèn luyện các cá nhân, mà người thầy còn tham gia vào việc hình thành đời sống xã hội. Nhà giáo, với vai trò và trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ, chuẩn bị lực lượng lao động, đào tạo nhân tài cho đất nước. Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, nhưng giáo viên là những người có vai trò vô cùng quan trọng, tham gia vào sự nghiệp đó bằng nghề nghiệp chuyên môn của mình; là những người giúp đỡ gia đình, xã hội và các đoàn thể quần chúng làm công tác giáo dục thế hệ trẻ.

Nghề dạy học là nghề cao quý và sáng tạo. Để hoạt động sư phạm có kết quả, giáo viên phải có phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của nhà giáo, chuyên môn khoa học và nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, việc xây dựng và bồi đắp chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên các trường sư phạm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một yêu cầu không thể thiếu.

Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội với triết lý giáo dục nhân bản và khai phóng, hướng đến mục tiêu giáo dục: đào tạo người học có nhân cách trưởng thành, vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; có tinh thần, thái độ tận tâm và sự sáng tạo trong công việc.

Năm học 2019 - 2020, nhà trường chính thức đưa học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục vào chương trình đào tạo bậc cử nhân. Thông qua học phần sinh viên sẽ hiểu và nắm vững các hệ giá trị, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục; hệ thống hóa các văn bản luật, chuẩn, hướng dẫn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp đối với nhà giáo dục (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ tham vấn và nghiên cứu giáo dục); thực hành và làm mẫu được cách thức xử lý các tình huống thực tiễn cũng như giả định trong các điều kiện hoàn cảnh khác nhau trong hoạt động nghề nghiệp; yêu, tôn trọng và hạnh phúc với nghề nghiệp; trách nhiệm, khoan dung với người học; trung thực và hợp tác với đồng nghiệp, phụ huynh học sinh.

Từ đó sinh viên – những nhà “giáo dục” tương lai nhận thức được trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội.

Trong học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, các chuẩn đầu ra được cụ thể hóa thành 18 KPI (Key Performance Indicator – các hành vi xác định mà người học cần thực hiện trong một thời gian, bối cảnh, điều kiện nhất định), thuộc 4 lĩnh vực: (1) ý thức chấp hành nội quy, quy chế và tham gia các hoạt động chính trị xã hội, đoàn thể; (2) ý thức và kết quả học tập; (3) lối sống tác phong; (4) mối quan hệ với các đối tượng.

Học phần được triển khai trong suốt 4 năm học (tương ứng với 8 học kỳ) của sinh viên và được tổ chức theo hình thức học tập kết hợp (Blended Learning), với mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom), được quản lý trên nền tảng quản lý hoạt động học tập LMS (Learning Management System) Moodle của trường Đại học Giáo dục.

Với mỗi học kỳ, sinh viên sẽ hoàn thành một số KPI nhất định, tương ứng với đặc điểm nhận thức và chương trình học tập. Sinh viên được có cơ hội được rèn luyện các giá trị và kỹ năng sống, hướng tới hình thành phẩm chất chuẩn mực của nhà gáo dục.

Một điểm mới trong cách thức kiểm tra đánh giá học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục là sự phối kết hợp giữa đánh giá định mức (hoàn thành các đầu mục KPI) và đánh giá định tính – ranking (là sự phối kết hợp giữa các hình thức tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng - ranking và đánh giá của giảng viên), đảm bảo được sự công bằng, minh bạch cho quá trình đánh giá.

Cách thức đánh giá định mức và định tính – ranking của học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục

Tài liệu tham khảo phong phú, đa dạng của học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục.

Giáo dục và tự giáo dục bản thân về phẩm chất đạo đức nói chung và phẩm chất đạo đức đối với nhà giáo nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết trong đào tạo sư phạm, đáp ứng bối cảnh và yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 29 (11/2013). Hiệu quả của công tác này phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng là công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường và hoạt động tự giáo dục, tự rèn luyện của sinh viên. Trong đó, tự giáo dục, tự rèn luyện là nội lực giữ vai trò quyết định. Sự tôi rèn đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và kiến thức chuyên môn hôm nay sẽ là nhân tố hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực cho các nhà giáo mai sau.

Năm 2021, trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (mã trường: QHS) tuyển sinh 1000 chỉ tiêu cho 15 ngành/chương trình đào tạo. Trường tuyển sinh thông qua 5 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Xét tuyển theo kết quả bài thi Đánh giá năng lực năm 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường đào tạo các nhóm ngành Sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên (mã nhóm ngành: GD1), gồm các ngành: Sư phạm Toán học; Sư phạm Vật lý; Sư phạm Hóa học; Sư phạm Sinh học; Sư phạm Khoa học tự nhiên.

Nhóm ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý (mã nhóm ngành: GD2), gồm các ngành: Sư phạm Ngữ văn; Sư phạm Lịch sử; Sư phạm Lịch sử và Địa lý.

Nhóm ngành Khoa học giáo dục và khác (mã nhóm ngành: GD3), gồm các ngành: Quản trị trường học; Quản trị chất lượng giáo dục; Khoa học giáo dục; Quản trị công nghệ giáo dục; Tham vấn học đường.

Ngành Giáo dục Tiểu học (mã nhóm ngành: GD4).

Ngành Giáo dục Mầm non (mã nhóm ngành: GD5).

Nhi Nhi