Những bài toán tiểu học gây tranh cãi năm 2024

Bài toán tiểu học vốn rất đơn giản nhưng đã gây ra làn sóng tranh luận khắp nơi trên thế giới, thậm chí khiến nhiều người hoài nghi về kiến thức của mình.

Vào năm 2019, tài khoản Twitter @pjmdoll đã đặt ra một bài toán thuộc cấp độ tiểu học: 8:2(2 + 2) = ?. Phép toán tưởng chừng vô cùng đơn giản này đã tạo ra cuộc tranh luận khắp các mạng xã hội thế giới.

Dòng tweet ban đầu thách đố người dùng mạng giải bài toán đã thu hút tới 13 triệu lượt thích cùng hàng trăm nghìn bình luận chỉ sau 1 tháng đăng tải. Đến hiện tại, mỗi khi bài toán này được đưa ra lại, kết quả vẫn khiến không ít người bất ngờ.

Bài toán tiểu học tưởng đơn giản nhưng khiến dân mạng tranh cãi gay gắt.

Có 2 luồng ý kiến về đáp án bài toán, người tính ra đáp án là 1 khuyên những người theo phe 16 phổ cập lại kiến thức đáng quan ngại của mình. Trong khi đó, người tính ra đáp án là 16 lại cho rằng phe 1 nên xin lỗi giáo viên tiểu học.

Phe tính ra đáp án là 1 dường như chiếm ưu thế trong một cuộc thăm dò trực tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế, 16 mới là đáp án chính xác. Rất nhiều người đều mắc chung một “cái bẫy” đơn giản đến không ngờ.

Phép toán nói trên được viết đầy đủ là 8 : 2 x (2 + 2). Toán học quy định các phép toán sẽ được tính theo quy tắc từ trái qua phải, nhân chia trước, cộng trừ sau, ưu tiên các phép tính trong ngoặc.

Theo thứ tự ưu tiên, ta sẽ có phép toán 8 : 2 x (4). Sau đó, ta phải tính phép chia 8 : 2 trước rồi mới đem kết quả nhân với 4 để ra đáp án là 16.

Do cách viết 2(2+2), nhiều người mặc định đây là cụm được ưu tiên nên tính trước, sau đó lấy 8 chia cho kết quả này và đáp án là 1. Tuy nhiên, nếu muốn đáp án ra là 1, bài toán cần phải được viết như sau: 8 : (2(2 + 2)).

Nhà toán học Mỹ Presh Talwalkar đến từ Đại học Stanford cho rằng không quá lạ khi có nhiều người tính ra đáp án là 1. Nếu quay lại thời điểm cách đây 100 năm, đây vẫn được coi là đáp án đúng.

Lúc đó, thứ tự ưu tiên trong toán học được áp dụng theo quy ước tên BODMAS nên việc nhân 2 luôn với kết quả trong ngoặc là chính xác. Thế nhưng, chúng ta hiện đã áp dụng quy ước mới là PEMDAS, không còn chấp nhận thứ tự tính như vậy nữa.

Một bài toán dành cho học sinh lớp 3 ở Bình Dương, thoạt nhìn trông đơn giản, có thể hoàn thành trong 1 nốt nhạc nhưng đang trở thành tâm điểm tranh luận trên một diễn đàn.

Mới đây, một phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học ở TP. Dĩ An, Bình Dương đã đăng bài toán của con lên mạng xã hội, nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ giải thích giúp vì sao bài giải của con lại bị giáo viên chấm sai, trong khi xem qua thì thấy có vẻ đúng. Bài Toán này nằm trong đề kiểm tra cuối tháng của bé.

Đề bài cho: "Hằng ngày, cô Ba lái đò chở các bạn qua sông đi học. Sáng nay cô Ba chở 6 chuyến đò, mỗi chuyến có 4 bạn. Hỏi sáng nay cô Ba chở bao nhiêu bạn qua sông?" Học sinh đưa ra đáp án: Sáng nay cô Ba chở số bạn nhỏ qua sông là: 6 x 4 = 24 (bạn nhỏ). Tuy nhiên câu trả lời này bị đánh dấu SAI khiến phụ huynh không khỏi hoang mang. Nhiều cư dân mạng cũng tỏ ra khó hiểu, khẳng định cô giáo đã nhầm lẫn vì kết quả này không thể sai.

Sau đó, phụ huynh này đã có cuộc trao đổi riêng với giáo viên tại trường để được giải thích rõ vấn đề. Chị chia sẻ: "Đáp số đúng được giáo viên trả lời là 24 bạn nhỏ. Giải thích về điều này, giáo viên thông tin: Bài toán hỏi số bạn nhỏ nên phải lấy số bạn nhỏ x số chuyến đò. Phép tính đúng phải làm là 4 x 6 = 24 chứ không phải 6 x 4 = 24. Bài giải của em học sinh trong hình làm ra 24 là kết quả đúng nhưng bản chất và cách làm sai nên bị chấm sai". Đồng thời cho rằng vì quá nóng vội nên đã đưa câu chuyện lên mạng xã hội, gây ra những tranh cãi không đáng có.

Bài Toán gây tranh cãi.

Nhiều ý kiến đồng tình với giáo viên, cho rằng câu trả lời này là chính xác bởi đây là bài Toán lớp 3. Ở lớp 3, phép nhân dù có tính giao hoán nhưng trong trường hợp giải Toán có lời văn thì không, viết phép tính sai nghĩa là không hiểu rõ bài muốn hỏi gì. Học sinh cần hiểu rõ để sau này còn áp dụng vào các bài Toán khác nữa.

Trên thực tế, đây không phải là trường hợp gây tranh cãi đầu tiên. Theo đó, một phụ huynh từng ra câu hỏi nhờ tư vấn. Người này cho biết mình đang tranh luận với một bạn đại học: "Đề bài là "Mỗi một con trâu có 4 chân. Hỏi 6 con trâu có bao nhiêu chân". Mình trả lời là 4 x 6 mà bạn đó cứ bảo là 6 x 4 cũng đúng. Mình cũng có đưa ra cách giải là: "Muốn tìm giá trị của một số nhóm ta lấy giá trị của một nhóm nhân với số nhóm" thì bạn đó không đồng ý công thức này. Mình cũng có giải thích là 4 x 6 là 6 lần số 4 (4+4+4+4+4+4) tức là mỗi con trâu có 4 chân. Còn 6 x 4 là 4 lần con số 6 (6+6+6+6) nó không đúng với đề bài".

Với bài Toán như trên, có hai luồng ý kiến khác nhau được đưa ra. Một bên cho rằng, 4x6 hay 6 x 4 đều cho kết quả giống nhau và đều đúng vì phép nhân có tính chất giao hoán: "4×6 và 6 x 4 không sai vì các cô cũng dạy mở rộng, khi đổi chỗ các thừa số thì tích không thay đổi". Tuy nhiên, hầu hết đều nhận định, phép tính đúng phải là 4 x 6. Dù đảo các thừa số cũng cho kết quả như nhau nhưng lại sai về bản chất bởi hoán vị chỉ sử dụng cho lớp 4 trở lên. Còn lớp 3 trở xuống dữ liệu nào cho trước phải đặt trước.

Giáo viên nói gì? Nói về bài Toán tìm số bạn nhỏ qua sông gây tranh cãi ở trên, Th.S Nguyễn Thị Hiền - cựu giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất, một tiktoker nổi tiếng cho rằng: "Tôi không biết những ý kiến cho rằng học sinh trả lời 6 x 4 là câu trả lời sai họ đang tư duy thế nào? Họ đang cố gắng cho rằng "bạn học sinh đó đã có bước 1 tư duy là 4+4+4+4+4+4" rồi sau đó mới bước 2 là "4+4+4+4+4+4 = 6 x4! Vậy là sai. Liệu có đúng là bạn học sinh đó nghĩ thế không? Chỉ có bạn đó biết!

Bản chất bài Toán đưa ra ở cấp độ "vận dụng" vậy nên bạn đó chỉ đưa ra phép tính 6 x 4 = 24 bạn! Xét về góc độ vận dụng của một học sinh lớp 3 chưa học tính chất giao hoán thì đây là một sự sáng tạo, rất đáng để chúng ta trân trọng.

Học sinh học Toán để làm gì? Học Toán là để vận dụng vào thực tế đời sống của mỗi người. Có bao nhiêu % học sinh nhớ bản chất 4+4+4+4+4+4 = 4 x 6 chứ không phải là 6 x 4? Và chỉ sau 1 thời gian rất ngắn thì ai cũng biết 4 x 6 = 6 x 4 - đây mới là điều đọng lại cho học sinh và giáo viên phải dạy cho học sinh.

Đổi mới chương trình GDPT 2018 nhấn mạnh mục tiêu "học để làm được gì", vậy em học sinh biết vận dụng sau khi học xong phép nhân và tính đúng số người một cách hợp lý, chính xác thì chúng ta cần tuyên dương. Bạn nghĩ sao khi đòi hỏi ở một đứa trẻ lớp 3 phải ghi nhớ "Bản chất của phép nhân"? Bạn nghĩ sao khi chỉ cần đến lớp 4 thì chẳng cần nhớ "bản chất" đó nữa mà vẫn vận dụng chính xác vào cuộc sống của chúng ta?

Tóm lại, trong hoàn cảnh đề bài đưa ra là một bài Toán vận dụng thực tế (sau khi đã học xong phép nhân) thì bài làm của học sinh là đúng!".

Hiện bài Toán vẫn thu hút sự quan tâm và tranh luận trên mạng xã hội.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc //phunuvietnam.vn/bai-toan-tieu-hoc-6-x-4-24-o-binh-duong-bi-cham-sai-khien-phu-huynh-tranh-cai-20221202213646588.htm

Chủ đề