Nhóm nguy cơ về tổ chức tồn tại ngoài nhà nước phí quốc gia có ảnh hưởng như thế nào

QPTD -Thứ Tư, 18/03/2020, 15:30 (GMT+7)

“Lợi ích nhóm” – lực cản lớn trong xây dựng, phát triển đất nước

Những năm gần đây, vấn đề “lợi ích nhóm” được đề cập nhiều trong các văn kiện của Đảng và là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, lên án. Đây là loại lợi ích mang hàm nghĩa không thuận, họ lợi dụng quyền lực, quan hệ để móc nối, kiếm lợi bất chính cho nhóm mình.

Hệ lụy của “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích”, cản trở sự phát triển đất nước để lại hậu quả nặng nề trên những nội dung cơ bản sau:

Gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và xã hội

“Lợi ích nhóm” - bản chất là hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Mối quan hệ này được hình thành bởi sự cấu kết giữa những người có quyền lực trong hệ thống chính trị với những cá nhân, doanh nghiệp hay một nhóm người bên ngoài, nhằm tạo ra các quyết định hoặc tìm cách tác động vào chính sách để đạt được lợi ích riêng của nhóm họ. Nó làm cho một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước bị méo mó, sai lệch ngay từ khi phôi thai xây dựng và hoạch định, thậm chí nó có thể làm thay đổi các quy định của pháp luật để phục vụ cho lợi ích của nhóm người đó.

Nhóm lợi ích luôn tìm cách tác động đến việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, nhân danh lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, họ tìm mọi cách “lách luật” để các nhà lãnh đạo, quản lý đưa ra các quyết định mà lợi ích của nó chỉ đem lại cho nhóm của họ, chứ không phải đại diện cho lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đảng ta chỉ rõ: “Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, phân cấp đầu tư chưa phù hợp; có nơi, có lúc còn bị chi phối bởi tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm”1. Thực tiễn những năm qua, ở một số địa phương, một số ngành đã diễn ra thực trạng đầu tư, phát triển tràn lan trong nhiều lĩnh vực mà không có quy hoạch, dẫn đến tình trạng ế thừa hoặc nơi thừa, nơi thiếu; thậm chí vì “lợi ích nhóm” mà người ta có thể bất chấp, bỏ qua các vấn đề luật định, như môi trường, dân sinh,… để lại hậu quả rất nghiêm trọng mà Nhà nước và người dân phải gánh chịu, làm lãng phí các nguồn lực của đất nước, thiệt hại lớn về kinh tế, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, nó làm cho năng suất lao động giảm sút, giá thành sản phẩm tăng cao, tạo thế độc quyền, phá vỡ môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế; hạn chế nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài, cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế, v.v. Đây là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế và làm chậm quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng

Bằng các thủ đoạn khác nhau nhóm lợi ích tìm cách mua chuộc, lôi kéo những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước tham gia hoạt động trái với chủ trương, đường lối của Đảng, vì “lợi ích nhóm”, dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, bè phái trong các tổ chức đảng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Do thói xấu tự tư, tự lợi mà nội bộ mất đoàn kết, cán bộ kéo bè, kéo cánh chèn ép lẫn nhau, đả kích lẫn nhau, tranh nhau quyền lợi và địa vị...”2. Khi tổ chức đảng bị “lợi ích nhóm” thao túng, sẽ mất đi vai trò hạt nhân lãnh đạo và trở nên tê liệt; hạ thấp, xa rời các nguyên tắc của Đảng; làm vô hiệu hóa hoặc chấp hành không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy tự phê bình và phê bình trở thành bình phong cho những kẻ tham nhũng, “lợi ích nhóm”; làm cho nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật trở thành khẩu hiệu sáo rỗng, v.v. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên cương quyết, dưới nhu nhược”,… ở một số tổ chức đảng, địa phương trong thời gian qua là những biểu hiện của sự chi phối bởi yếu tố “lợi ích nhóm”.

Trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ là nội dung quan trọng, khâu then chốt; tuy nhiên, hiện nay, ở một số tổ chức đảng, “lợi ích nhóm” đã tác động vào tất cả các khâu, các bước trong quy trình hoạt động của công tác này. Đã có tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ trái với quy định chung của Đảng, Nhà nước, như: nới lỏng hơn các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương, chuyển ngạch, điều kiện tiếp nhận, luân chuyển, bố trí công tác, hoặc đi đào tạo ở nước ngoài,… để người thân hoặc những người trong “lợi ích nhóm” đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đó, nhằm mục đích trục lợi cho cá nhân, người thân. Vì “lợi ích nhóm” mà họ đã đưa những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chí vào các vị trí lãnh đạo; bố trí cán bộ không vì năng lực, vì công việc mà vì thân quen, cánh hẩu; khi bị phát hiện, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì biện minh rằng: đó là trách nhiệm của tập thể cấp ủy và được tiến hành một cách “dân chủ”, “đúng quy trình”, “đúng nguyên tắc”, v.v. Thực chất đó là sự lợi dụng danh nghĩa tập thể, lợi dụng kẽ hở trong quy trình và nguyên tắc của công tác cán bộ để áp đặt ý kiến cá nhân. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình, nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại sai?

Làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm đảo lộn những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội

“Lợi ích nhóm” tấn công vào đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các hành động hối lộ, quà biếu, quà tặng,… làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên mất vai trò tiên phong gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu, trở thành kẻ đồng lõa làm trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, dẫn đến thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, sống thiếu lý tưởng, thờ ơ trước đời sống chính trị và vô cảm trước những khó khăn, thiếu thốn của nhân dân. Khi đã sa vào tham nhũng, “lợi ích nhóm”, những cán bộ, đảng viên này dễ dàng chuyển hóa về tư tưởng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. “Lợi ích nhóm” hoạt động càng mạnh, càng làm gia tăng và đẩy nhanh sự suy thoái tư tưởng chính trị - nguyên nhân chính của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Làm cho lối sống cơ hội, thực dụng, giả dối, chạy theo đồng tiền gia tăng; biến các hiện tượng tiêu cực ăn sâu vào trong tiềm thức và trở thành việc làm bình thường, quen thuộc trong cán bộ, đảng viên; biến cán bộ, đảng viên trở thành trung gian, cầu nối cho các tệ nạn chạy chức, chạy quyền hoặc thực hiện các hành vi mờ ám, vi phạm pháp luật.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống dưới sự tác động của “lợi ích nhóm” nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó sẽ vô cùng nguy hiểm. Nếu như trước kia, sự suy thoái, tham ô, tham nhũng của mỗi đảng viên là sự hư hỏng của một con người, chỉ là thiểu số, diễn ra đơn lẻ; thì hiện nay, khi cá nhân đảng viên sa vào “lợi ích nhóm” sẽ kéo theo sự suy thoái của một nhóm người, tập thể người, sức tàn phá của nó sẽ rất lớn. Trong thời bao cấp, các vụ án tham nhũng chỉ có cá nhân phạm tội hay một số ít người phạm tội; thì ngày nay, cả một tập thể người, nhóm người phạm tội. “Lợi ích nhóm” đã chuyển thành nhóm phạm pháp, là nơi dung dưỡng, bảo kê cho tham nhũng hoành hành; từ đó, “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”3.

Gây bất bình trong quần chúng nhân dân, tạo cơ hội để các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta

Công bằng xã hội là mục tiêu cao cả và tiêu chí quan trọng nhất phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hướng tới. Tuy nhiên, hiện nay “lợi ích nhóm” đang gây ra hiện tượng bất công, bất bình đẳng, mất dân chủ nghiêm trọng trong đời sống xã hội, làm cho việc phân phối sản phẩm xã hội không còn công bằng, tạo ra sự phân hóa giàu nghèo một cách bất hợp lý và không chính đáng. Sự phân hóa đó không xuất phát từ tài năng, đóng góp chính đáng, mà do tham nhũng, do sự cấu kết của một nhóm người với nhau để hưởng lợi một cách bất hợp pháp từ những chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Sự bất công xã hội do “lợi ích nhóm” gây nên là rất nguy hiểm, tạo ra sự phẫn lộ, bất bình trong quần chúng nhân dân.

Sự tồn tại của nhóm lợi ích hay “lợi ích nhóm” là khách quan, song vấn đề cần phải nghiên cứu, ứng xử như thế nào với các hành vi của “nhóm lợi ích” để làm cho hành vi đó không vì lợi ích của nhóm mà ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác, nhóm xã hội khác hay đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm” là công việc khó khăn, phức tạp và là vấn đề hệ trọng của xã hội, vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái trắng đen lẫn lộn, trong “nó” có “ta” và trong “ta” có “nó”, vừa là “ta” lại vừa là “nó”. Vì vậy, để đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm” hiện nay có hiệu quả, cần phải có dũng khí và bản lĩnh chính trị, dám bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh, ngăn ngừa cái sai và phải đặt nó trong tổng thể chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ hạn chế, tiến tới loại bỏ các tác động tiêu cực, rào cản của “lợi ích nhóm” ra khỏi đời sống xã hội, làm trong sạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng
_______________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Nxb CTQG, H. 2012, tr. 86.

2 - Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 203.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 23.