Nguyễn văn thương là ai

Nguyễn Văn Thương (1919 - 2002) là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của những ca khúc tiền chiến bất hủ như Đêm đông, Trên sông Hương và những ca khúc kháng chiến như Bình Trị Thiên khói lửa. Ông còn có nhiều tác phẩm khí nhạc khác.

Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5 năm 1919 tại Thừa Thiên-Huế. Năm 9 tuổi, ông học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách của Pháp. Năm 1936, tốt nghiệp Quốc học Huế, ông viết bài Trên sông Hương, cũng là một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở Huế.

Năm 1939, Nguyễn Văn Thương ra Hà Nội học. Trong đêm giao thừa năm đó, vì không có tiền để về Huế, ông đi lang thang trên những con phố của Hà Nội và sáng tác nhạc phẩm Đêm đông bất hủ.

Năm 1942, Nguyễn Văn Thương vào làm việc ở Trung tâm Bưu điện Sài Gòn viết Bướm hoa ở đó. Trong Kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền ở mặt trận Bình Trị Thiên. Bài hát Bình Trị Thiên khói lửa của ông ra đời và gây được ấn tượng mạnh mẽ. Hoà bình lập lại, ông tập kết ra Bắc và là một trong những nhạc sĩ đầu tiên soạn nhạc cho các điệu múa chuyên nghiệp như thơ múa Chim gâu, kịch múa Tấm Cám, Múa ô, Chàm rông... Sau Bài ca trên núi viết cho phim Vợ chồng A Phủ, Nguyễn Văn Thương viết nhiều tác phẩm về đề tài Kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm những ca khúc, hợp xướng gây ấn tượng như: Bài ca Việt - Lào, Dâng Người tiếng hát mùa xuân, Gửi Huế giải phóng, hợp xướng Dân ta đánh giặc anh hùng, Tiến lên toàn thắng ắt về ta... Trong thời kỳ đó, Nguyễn Văn Thương từng là trưởng đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật của hầu hết các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đi biểu diễn ở nước ngoài.

Ông còn nổi tiếng với những tác phẩm khí nhạc như Lý hoài nam (độc tấu sáo trúc, cùng Ngọc Phan), Buôn làng vào hội, Quê hương (cùng Hoàng Dương). Sau khi đi học ở Cộng hoà Dân chủ Đức, Nguyễn Văn Thương viết nhiều tác phẩm khí nhạc khác như Ngày hội non sôngđộc tấu sáo trúc và bộ gõRhapsodie số 2 cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởngTrở về đất mẹ cho violoncelle và piano... đặc biệt là giao hưởng thơ Đồng khởi của ông đã từng được trình diễn lần đầu tại Leipzig, Cộng hoà Dân chủ Đức năm 1971. Sau năm 1975, Nguyễn Văn Thương vẫn tiếp tục sáng tác các tác phẩm như Adagio Bên dòng sông Thương cho violoncelle và piano, ca khúc Thu Hà Nội, mùa thu tuyệt vời. Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho nhiều bộ phim như Vợ chồng A Phủ, Dòng sông âm vang, Hai Bà mẹ, Bình minh xôn xao, Sao Tháng Tám, Ngày ấy bên bờ sông Lam, Thành phố lúc rạng đông... và tác phẩm múa như Tấm Cám, Múa ô, Chàm rông, Thiếu nữ bên hồ, Dưới trăng.

Nguyễn Văn Thương cũng từng giữ chức Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, ông đã đưa hệ Trung cấp Âm nhạc cổ truyền lên hệ Đại học. Ông cũng viết nhiều cuốn sách về âm nhạc như Tuyển tập piano, Tuyển tập 16 bài dân ca và dân xã Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có một số tác phẩm sân khấu như Mệ lệnh, Cải tô.

Ông mất ngày 5 tháng 12 2002 tại Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh và được an táng tại nghĩa trang thành phố.

Theo wikipedia.org

(QK7 Online) - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Thương sinh năm 1938 tại xã Lộc Hưng, Trảng Bảng, Tây Ninh. Má ông là Lê Thị Tân, một nữ đảng viên tham gia cách mạng từ sớm và hy sinh tại ngục nhà tù Côn Đảo năm 1947. Cha ông là Nguyễn Văn Chắc, một chiến sĩ quân báo, bị địch bắt và hy sinh trong nhà tù ở Tây Ninh năm 1959. Mồ côi từ nhỏ, gia tài lớn nhất mà cha mẹ để lại cho ông là dòng máu cách mạng, nó vẫn luôn chảy mãnh liệt để ông bước tiếp vào con đường đó.
Từ nhỏ, ông được gửi vào trường Đạo đức học đường thuộc phạm vi quản lý của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Tháng 5 năm 1959, Nguyễn Văn Thương tham gia cách mạng. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là mang thư từ, điện báo từ Tây Ninh xuống Long Khánh (Đồng Nai) và rải truyền đơn trong đồn điền cao su.

Nguyễn văn thương là ai

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Thương

Năm 1961, sau một thời gian đi học nghiệp vụ sĩ quan, ông được chọn làm vệ sĩ cho đồng chí Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định). Khi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt, Trung ương Đảng chủ trương thành lập Cục tình báo miền Nam. Nguyễn Văn Thương được tin tưởng chọn sang hoạt động tình báo, đặt dưới sự quản lý trực tiếp và huấn luyện của đồng chí Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn – Chợ Lớn). Trong vai người bán bánh mì Tư Hiếu (bí danh của Nguyễn Văn Thương), ông hoạt động tình báo ở khu vực miền Đông Nam Bộ, từ Tây Ninh tới Bình Long (Bình Phước), Long Khánh (Đồng Nai) và Sài Gòn. Ông tham gia các mũi giao thông của Cụm tình báo A18, A20, A22 và A36. Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển về tin tức từ các điệp viên mà ta cài cắm sâu trong chính quyền Sài Gòn của ông Ba Quốc (Thiếu tướng, AHLLVTND Đặng Trần Đức), Hai Nhạ (Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ), Hai Trung (Thiếu tướng, AHLLVTND Phạm Xuân Ẩn),… về Trung ương Cục miền Nam. Suốt thời gian hoạt động, ông đã chuyển 900 tin tình báo về chiến khu an toàn, từ đó, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng có những sách lược, chủ trương kịp thời đánh địch.  Ngày 10/2/1969, trong lần chuyển tài liệu từ Sài Gòn ra căn cứ, ông gặp phải một tốp địch đang đi càn. Vũ khí duy nhất là khẩu súng ngắn K54, ông giấu tài liệu vào chỗ bí mật và kiên quyết chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nhưng lực lượng quá chênh lệch, Nguyễn Văn Thương bị địch bắt. CIA (Cơ quan tình báo Hoa Kỳ) quyết khai thác ông bằng mọi cách để tìm ra đường dây liên lạc tình báo và các điệp viên của ta trong hàng ngũ địch. Chúng tra tấn dã man, dùng tiền, địa vị,… hòng mua chuộc. Khi không khuất phục được ý chí của người chiến sĩ tình báo, chúng ra lệnh cưa chân ông tới sáu lần khiến cả hai chân cụt gần đến háng nhưng ông vẫn không khai nửa lời. Tinh thần bất khuất, kiên trung của Nguyễn Văn Thương đã trở thành tấm gương sáng cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Ngày 14/2/1973, Nguyễn Văn Thương được trở về theo quy định của Hiệp định Paris. Lúc này ông mới biết các tài liệu mật mà mình cất giấu trước khi bị địch bắt đã được tổ chức của ta tìm lại ngay sau đó. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại giúp cơ quan tình báo nhận diện những tên mật vụ, gián điệp của Mỹ - ngụy còn ẩn tích, góp phần không nhỏ vào an ninh của đất nước thời hậu chiến. Đến nay, dù đôi chân cụt cùng hàng trăm vết thương do địch tra tấn khiến ông đau nhức nhưng đôi mắt ông vẫn sáng ngời tình yêu Tổ quốc. Ông thường xuyên tham dự các buổi giao lưu, nói chuyện truyền thống, truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ của đất nước.

Với những đóng góp của mình, ông được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3, 14 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 2 lần là Chiến sĩ Thi đua, 24 lần được tặng Bằng, Giấy khen. Ngày 6/11/1978, Chuẩn úy Nguyễn Văn Thương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

L.H

Nguyễn văn thương là ai
Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương

(Thanhuytphcm.vn) - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương - người bị CIA cưa chân 6 lần – vừa về nơi an nghỉ cuối cùng. Kẻ thù gọi ông là “sinh vật bằng thép”, “thỏi sắt hình người” nhưng với chúng ta ông mãi là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, biểu tượng cho ý chí kiên định, tinh thần bất khuất của một người Việt Nam yêu nước.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Lộc Hưng - Trảng Bàng - Tây Ninh, cả cha và mẹ đều là liệt sĩ, Nguyễn Văn Thương (thường gọi là Hai Thương) đã lớn lên trong vòng tay những người đồng chí, đồng đội của ba mẹ cũng như nung nấu ý chí nối tiếp con đường cách mạng cứu dân, cứu nước mà bậc sinh thành đã dấn thân. Năm 1959, khi cha là một chiến sĩ quân báo bị bắt và xử theo Luật 10/59, Hai Thương cũng lên đường nhập ngũ. Năm 1961, được chuyển về đơn vị trinh sát, giữ nhiệm vụ bảo vệ cho đồng chí Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành ủy T4 Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ), rồi được giới thiệu sang ngành tình báo dưới sự huấn luyện trực tiếp của Đại tá Nguyễn Nho Quý (Trưởng Ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn).

Có mặt từ những ngày đầu xây dựng Phòng tình báo Miền, được cấp trên tin cẩn đưa đi nhiều cụm tình báo, đến năm 1967 về làm mũi trưởng giao liên Cụm tình báo A36 chuyên chuyển thông tin quan trọng từ các điệp viên đã “luồn sâu, leo cao” vào hàng ngũ địch về Trung ương Cục (R). Trong gần 10 năm, đến trước khi bị bắt vào ngày 10/2/1969, Hai Thương đã lăn lộn ngang dọc khắp Suối Sâu (Trảng Bàng) đến Phú Hoà Đông, Bình Mỹ (Củ Chi), các xã Nam Bến Cát, dọc Quốc lộ 13… nhận tài liệu từ nội đô đem về căn cứ.

Khác với nguyên tắc luôn đơn tuyến, ngăn cách của ngành tình báo, Hai Thương lại nắm được tất cả các mạng lưới tình báo quan trọng. Ngay cả 2 bản tài liệu mà anh kịp bảo vệ không để rơi vào tay giặc - đến lúc trở về mới biết được - chính là tài liệu của 2 anh hùng tình báo: Ba Quốc (Thiếu tướng Đặng Trần Đức) và Hai Trung (Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn). Nguy cơ tổn thất nặng nề cho cách mạng nếu những Ba Quốc (đã nhập vai sĩ quan cao cấp của CIA suốt 24 năm), Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)… bị lộ một khi Nguyễn Văn Thương không chịu nổi tra tấn của kẻ thù mà cung khai.

Thế nhưng người chiến sĩ Nguyễn Văn Thương đã đứng vững và chiến thắng giữa sào huyệt kẻ thù dù là trước những “viên đạn bọc đường” hay lưỡi cưa thép. Trước khi chịu những cực hình man rợ như thời trung cổ, Hai Thương đã trải qua 100 ngày đấu tranh nội tâm dữ dội trước những “cạm bẫy ngọt ngào” của kẻ thù: cuộc sống được cung phụng đầy đủ bên trong một biệt thự hoa lệ, tấm séc ký sẵn trị giá 100.000 USD (thời điểm 1969), bộ quân phục 2 bông mai cấp trung tá, tấm vé máy bay đến bất cứ quốc gia đồng minh nào của Mỹ cùng một người đẹp luôn ở bên ân cần chăm sóc.

Lúc sinh thời, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương cũng từng thừa nhận lúc ấy không có đủ ý chí và quyết tâm thì “thua chắc”. Điều tiếp thêm sức mạnh ý chí cho Hai Thương chính là hình ảnh người vợ hiền, đứa con vẫn còn thơ dại và đồng đội mà nhiều người đã gục ngã ngay trước mắt mình. Những hình ảnh như cuốn phim quay chậm cứ tua trong đầu đã giúp Nguyễn Văn Thương vẫn bình thản trước những cám dỗ có thể đánh gục bất cứ ai.

Biết được vai trò quan trọng của Nguyễn Văn Thương, quân Mỹ bằng mọi giá phải có được lời khai của người tù binh đặc biệt này. Mua chuộc không được thì cực hình tra tấn. Chúng lần lượt bẻ gãy 10 ngón chân rồi đập nát 2 bàn chân người chiến sĩ tình báo. Và đỉnh điểm của sự man rợ là 6 lần cưa chân trong 3 tháng, mỗi lần cưa 1 đoạn, chữa trị gần lành vết thương lại cưa tiếp với những lời dọa dẫm lẫn dụ dỗ.

Lần cuối cùng nhìn lại, đôi chân người chiến sĩ tình báo từng lặn lội khắp nơi mang tin tức quan trọng về cho cách mạng đã không còn, một chân cụt lên tới bẹn. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương chia sẻ không thể diễn tả được nỗi đau thể xác lúc đó, cứ như chết đi sống lại, nhưng: “Nếu mình không có niềm tin là mất tất cả. Có niềm tin mình sẽ thắng!”. Và Nguyễn Văn Thương đã chiến thắng thực sự khi qua 7 tháng giở mọi thủ đoạn khai thác, câu trả lời kẻ thù nhận được vẫn vỏn vẹn: “Tên là Nguyễn Trường Hân, là thanh niên trốn lính”. Và chúng không hề biết rằng cái tên “Trường Hân” đó bật ra khi người tù binh hình dung đến trùng trùng đoàn quân vượt Trường Sơn với không khí hân hoan vào giải phóng miền Nam.

Ở tuổi 81, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, chú Hai Thương, ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội và bao người yêu kính, ngưỡng mộ người anh hùng với những chiến công thầm lặng, mà câu chuyện bị giặc cưa chân 6 lần chỉ là một nốt trầm hùng trong sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ tình báo.

Nhà văn Mã Thiện Đồng, người chấp bút quyển sách Người bị CIA cưa chân sáu lần (NXB Tổng hợp phát hành) - được xem như hồi ký của Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, từng chia sẻ rằng nếu là một người nước ngoài, không hiểu biết về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, thậm chí nhiều người trẻ hôm nay lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa rất khó mà tin được câu chuyện về sức chịu đựng phi thường của người anh hùng, huống chi là vài thế hệ nữa. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải kể tiếp câu chuyện trên, phải giữ được ngọn lửa truyền thống cách mạng mà thế hệ những Nguyễn Văn Thương đã dùng máu xương của mình để thắp sáng.

Ngọc Tuyết

Tin liên quan