Mùa xuân là tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân nghĩa là gì

Giải thích câu thơ:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

“Khi nghĩ về một đời người

Tôi thường nhớ về rừng cây

Khi nghĩ về một rừng cây

Tôi thường nhớ về nhiều người”

(Trần Long Ẩn)

Chuyện của rừng cây đâu chỉ là chuyện của đại ngàn núi đá mà còn là chuyện con người. Việc trồng cây hôm nay đâu chỉ đem bóng mát cho thế hệ hôm mà còn là việc của muôn đời. Thế nên vị lãnh tụ vĩ đại, người chiến sĩ cách mạng kiên trung còn là một hiền nhân sống chan hoà với thiên nhiên – Hồ Chí Minh –  đã đặt lợi ích lâu dài của đất nước vào việc trồng cây. Người khuyên toàn dân trồng cây để giữ mãi màu xanh tươi trên mảnh đất hình chữ S thân thương.

“Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

          Sinh thời Hồ Chí Minh luôn quan niệm văn chương là vũ khí đắc lực để chiến đấu và dựng xây đất nước. Cái ý và tình trong thơ Bác vừa dứt khoát, khảng khái, có mục đích rõ ràng lại vừa gần gũi, mộc mạc khi hướng đến đại quần chúng lao động. Vậy nên câu thơ không cầu kỳ, bóng bẩy mà vẫn giàu hình tượng, sức biểu cảm. Đúng như cách nhận xét của nhà thơ Hoàng Trung Thông:

“Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

          Ai cũng biết mùa xuân là mùa khởi đầu một năm, theo vòng tuần hoàn xuân như nàng tiên cả với chiếc áo đẹp nhất, tươi trẻ và sức sống cũng căng tràn nhất. Xuân không có cái nắng gay gắt của hạ, không lạnh cái lạnh của đông, cũng không man mát nỗi buồn của thu, xuân tươi mới qua sắc trời trong xanh và khí hậu ôn hoà. Từ lâu xuân trở thành mùa của chồi non, lộc biếc, mùa của sự sống. Chính vì vậy mùa xuân là thời điểm thích hợp nhất để trồng cây. Trong không khí xuân năm 1960, Bác đã phát động phong trào trồng cây đầu tiên nhân 30 năm thành lập Đảng. Ngày 1/1/1960, Bác đã cùng cán bộ và nhân dân trồng cây tại công viên Hồ Bảy Mẫu (công viên Thống Nhất ngày nay). Theo tinh thần và nguyện vọng của người, mùa xuân từ đấy đã trở thành ngày truyền thống trồng cây của đất nước mình.

Không chỉ có mốc thời gian “mùa xuân”, câu thơ còn có hình ảnh so sánh “mùa xuân là Tết trồng cây”. Cách so sánh này đầy sáng tạo bởi lẽ Tết là khoảng thời gian tưng bừng, nhộn nhịp nhất trong mùa xuân, là niềm háo hức, hạnh phúc sum vầy cũng là truyền thống ngàn đời mà nhân dân toàn quốc chờ đợi trong một năm. Bác ví von “mùa xuân là Tết trồng cây là mong muốn không khí trồng cây xanh cũng rộn ràng như Tết, cần như thế và nên như thế. Việc trồng cây phải là việc của mọi người, mọi nhà, là việc diễn ra trong niềm hy vọng ngập tràn. Đặc biệt Bác mong muốn trồng cây trở thành truyền thống lao động trong đầu năm mới và lan tỏa trong suốt một mùa xuân.

Câu bát tiếp theo đã giải thích vì sao cần phải trồng cây và đưa công việc này trở thành một lễ hội nô nức như ngày Tết. Chỉ có trồng cây mới làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. “Xuân” trong câu thơ này được lặp lại hai lần như sự nhấn mạnh sắc xuân ngập tràn khắp mọi nơi, xuân trên những tán cây xanh, trên chồi non, trên gương mặt rạng rỡ của từng người và xuân còn ẩn mình trong sức sống dẻo dai của bao thế hệ. Hiểu như thế để thấy “xuân” không riêng chỉ mùa xuân mà còn hoán dụ cho sức sống của dân tộc, cho niềm vui ngập tràn sau khi đất nước đã sạch bóng quân thù, toàn thể nhân dân sống trong cuộc đời mới làm chủ đất trời. Xuân còn là khát vọng đưa Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu, trường tồn trong trái tim bao thế hệ.

Thế nên câu thơ là lời động viên, giải thích hàm xúc về vai trò, ý nghĩa của việc trồng cây không chỉ tô điểm mùa xuân thiên nhiên thêm xanh tươi, ngập tràn sức sống mà còn tạo cơ sở cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Trong chuỗi sinh học tự nhiên thì cây xanh, thực vật chính là khởi nguồn cho những sự sống tiếp nối phía sau mà sự sống cao nhất là xã hội loài người. Bao đời nay thiên nhiên nói chung và cây xanh nói riêng đã dâng hết cuộc đời mình cho con người. Cây xanh tạo thành những tán rừng, những dải rừng liền kề chính là cái nôi của mọi sự sinh tồn. Vai trò quan trọng đầu tiên của cây xanh chính là lá phổi xanh cung cấp oxy duy trì sự sống cho con người và toàn thể sinh vật trên trái đất. Cây xanh điều hoà khí hậu, thanh lọc không khí, hạn chế bụi bẩn, chống tiếng ồn nơi đô thị. Những tán rừng xanh tươi là chỗ ở cho hàng nghìn loài động vật quý hiếm, là nơi sản sinh ra những loại thảo dược chữa bệnh. Cây còn cho gỗ làm nhà, cho trái ngon, hoa thơm. Chiếc rễ cây bám chặt giữ đất, giữ đồi, chống xói mòn, sạt lở. Cây xanh trồng ven biển còn là tấm lá chắn vững chắc để cát và nước mặn không xâm nhập vào đất liền. Rừng cây còn hạn chế lũ lụt, tạo mạch nước ngầm, tạo cảnh quan môi trường đáng sống cho con người.

“Ai trồng cây

Người đó có tiếng hát

Trên vòm cây

Chim hót lời mê say

Ai trồng cây

Người đó có ngọn gió

Rung cành cây

Hoa lá đùa lay lay

Ai trồng cây

Người đó có bóng mát

Trong vòm cây

Quên nắng xa đường dài”

(Bế Kiến Quốc)

          Nhắc đến trồng cây, Bác còn muốn nói đến vai trò những tán rừng trong suốt chặng đường đấu tranh chống ngoại xâm. Khi cách mạng chúng ta còn non yếu phải hoạt động bí mật thì rừng trở thành nơi che chở quân dân, rừng vây lấy quân thù cản bước tiến công của chúng. Dưới tán rừng, bộ đội ta ngày đêm phục kích để từng bước xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh. Thế nên trồng cây gây rừng là việc cần làm để tạo thành trì vững chắc trong quân sự, dựa vào điểm mạnh của thiên nhiên mà đánh giặc. Trồng cây còn là hành động góp vào sự nghiệp giải phóng nước nhà, thống nhất non sông.

          Trong hoàn cảnh đất nước năm 1960, miền Bắc đã hoà bình và đang trên bước đường dựng xây xã hội chủ nghĩa, miền Nam vẫn tiếp tục đấu tranh chống Mỹ. Ước nguyện lớn lao của Bác là hai miền thống nhất, nhân dân về chung một nhà. Thời gian này miền Bắc phải hoàn thành hai nhiệm vụ: chữa lành vết thương chiến tranh, lao động sản xuất để cải thiện đời sống nhân dân và trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam. Thế nên toàn thể nhân dân phải ra sức lao động, tăng gia sản xuất. Việc trồng cây trong mùa xuân còn là lời động viên, nhắc nhở tinh thần kiến tạo, xây dựng lại mọi cơ sở vật chất để chuẩn bị tốt nhất cho một cuộc đoàn tụ lớn trong tương lai và thế đứng vững chãi của Việt Nam mai này.

          Ngày nay, đứng trước sự biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, băng tan và hệ luỵ không hề nhỏ đối với sự sống của con người thì lời dạy bảo của Bác càng cho thấy giá trị bền vững và đi trước thời đại. Trồng cây, trồng rừng là trọng điểm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sống đồng thời có ý nghĩa then chốt trong lược toàn cầu về bảo vệ trái đất. Từ mùa xuân đó đến nay cũng đã hơn 60 năm, toàn Đảng, toàn dân cùng nhau trồng cây trong mùa xuân, trồng cây ở khắp nông thôn lẫn thành thị, phủ xanh đồi trọc. Nhờ thế mà đất nước ta thêm hàng triệu cây xanh tỏa bóng mát khắp phố phường, thôn xóm. Trồng cây còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ đi trước dành cho thế hệ mai sau. Đó là những người gánh vác phần người đi trước để lại và là “kẻ trồng cây” để lại thành quả cho đời sau thừa hưởng.

          Trồng cây trong mùa xuân là một tập quán tốt đẹp cần phát huy hơn nữa. Ấy vậy mà có không ít kẻ chỉ biết phá hoại mà không xây dựng. Họ chỉ nghĩ đến túi tiền của bản thân mà vơ vét lâm sản tuỳ tiện, chặt cây rừng vô tội vạ. Họ khai thác rừng trái phép dẫn đến nguồn tài nguyên rừng bị đe doạ. Nhiều người vô ý thức làm cháy rừng, phá huỷ hệ sinh thái thiên nhiên, ảnh hưởng đến hệ động thực vật khác. Đâu chỉ là chuyện phá rừng, chặt cây. Vẫn có nhiều kẻ chỉ biết hưởng thụ mà không biết gieo trồng. Chỉ biết đòi hỏi xã hội đem đến cho mình những trái ngọt trong khi bản thân chưa bao giờ biết vun phân, tưới nước để góp cho cây đời mãi mãi xanh tươi. Những kẻ ấy cần phải được lên án, đấu tranh để loại trừ.

          Trồng cây là việc của tất cả mọi người và đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta hôm nay. Thế hệ gánh vác trọng trách đất nước tương lai cần chú tâm vào bảo vệ môi trường sống, tạo cảnh quan thiên nhiên bằng việc trồng cây. Hãy trồng cây ở khắp mọi nơi từ sân trường, vỉa hè đến sân nhà bạn. Bảo vệ, chăm sóc cây đừng bẻ cành, cắt ngọn hãy xem cây xanh như những người bạn tốt, người dạy cho chúng ta bài học về tính nhẫn nại và sự sống kỳ diệu của thiên nhiên. Cùng vận động bạn bè, người thân tham gia vào ngày Tết trồng cây của địa phương mình. Đồng thời lên án những kẻ phá hoại thiên nhiên, đi ngược lại lời dạy bảo của Bác Hồ. Bác cũng đã từng nhắc nhở “Vì lợi ích mười năm thì trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì trồng người”. Điều này muốn nói với chúng ta rằng “trồng cây” còn là quá trình ”trồng người” nghĩa là nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ trong một điều kiện tốt nhất để hoàn thiện về trí tuệ lẫn nhân cách. Nhân tố con người sẽ là nhân tố hàng đầu quyết định vị thế đất nước mình trong tương lai. Vậy nên thế hệ trẻ chúng ta cần ý thức được nhiệm vụ học tập, xây dựng ước mơ, có bản lĩnh để đương đầu với khó khăn mới xứng đáng là thế hệ mầm non đất nước.

          Câu thơ đã đi vào lòng người, đi vào truyền thống của dân tộc mình và cũng trở thành ngày lễ hội trong đầu năm mới. Tết trồng cây thật sự ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ nguồn sống. Hãy tự mình trồng những cây xanh từ ngày chúng còn bé để quan sát sự phát triển từng ngày của cây để thấy yêu thiên nhiên và học được những bài học quý từ thiên nhiên.

“Ai trồng cây

Người đó có hạnh phúc

Mong chờ cây

Mau lớn theo từng ngày”