Liên hệ thực tiễn cải cách thủ tục hành chính

 1. Quy định hiện hành về đánh giá tác động TTHC trong xây dựng văn bản QPPL Đánh giá tác động TTHC được quy định tại các văn bản QPPL sau: - Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung): tại các Điều: 34, 37, 58, 85, 87, 93, 97, 99, 102, 103, 112, 114, 128; - Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL: Điều 6; - Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 về kiểm soát TTHC (đã được sửa đổi, bổ sung):  Điều 8;

- Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của TTHC và rà soát, đánh giá TTHC: tại các Điều: 4, 5, 6, 7, 8, 9 và các biểu mẫu kèm theo.

Trên cơ sở các văn bản QPPL nêu trên, các quy định về đánh giá tác động TTHC được thể hiện như sau:

- Khái niệm: Đánh giá tác động của TTHC là việc nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp của TTHC cũng như tính các chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi thực hiện TTHC dự kiến ban hành để cân nhắc, lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC.
- Mục tiêu của việc đánh giá tác động TTHC: Bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành hoặc duy trì các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất.

- Tác dụng của việc đánh giá tác động TTHC: Tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan lập đề nghị xây dựng chính sách, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo; định hướng việc quy định TTHC theo hướng tối ưu; nâng cao chất lượng các quy định về TTHC và bảo đảm tính khả thi trong thực tế. - Trách nhiệm của các cơ quan trong việc đánh giá tác động TTHC: + Việc đánh giá tác động TTHC do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội thực hiện ở giai đoạn xây dựng chính sách (lập đề nghị) và xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC. Việc đánh giá tác động TTHC phải hoàn thành trước khi gửi Cơ quan thẩm định đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL. + Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế thuộc Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan chủ trì soạn thảo cùng cấp trong việc sử dụng biểu mẫu đánh giá tác động của TTHC. + Cơ quan thẩm định văn bản QPPL (Bộ Tư pháp; tổ chức pháp chế của Bộ, ngành; Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có trách nhiệm thẩm định quy định về TTHC. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiến hành đánh giá tác động độc lập các quy định về TTHC; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động và các tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện nội dung thẩm định quy định về TTHC trong Báo cáo thẩm định.

- Nội dung đánh giá tác động TTHC:

Đánh giá tác động TTHC là việc nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và chi phí tuân thủ của TTHC. Đánh giá sự cần thiết của TTHC là việc đánh giá sự cần thiết của việc quy định thủ tục đó thông qua việc trả lời 18 câu hỏi được nêu trong Biểu mẫu 01A/ĐG-KSTT về Sự cần thiết ban hành TTHC. Theo đó, một TTHC là cần thiết khi nó đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực nhất định; bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và là biện pháp tối ưu trong các biện pháp có thể được thực hiện để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước và bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, nó cũng cho thấy được quan hệ biện chứng giữa chính sách và quy định TTHC (chính sách là tiền đề để ban hành TTHC và TTHC là công cụ để triển khai thực hiện chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống), thủ tục nhằm giải quyết vấn đề nào về mặt chính sách; với nội dung gì? phục vụ đối tượng nào? có giải pháp khác có thể thay thế việc quy định TTHC để giải quyết vấn đề trên... Trên cơ sở đó, người có “ý tưởng lập pháp” về TTHC phải chứng minh được rằng TTHC thực sự cần thiết không chỉ để cho các cơ quan nhà nước vận hành chính sách vào cuộc sống mà còn là công cụ để giúp người dân, tổ chức thực hiện quyền, lợi ích chính đáng của mình. Đánh giá tính hợp lý của TTHC là việc đánh giá tính hợp lý của quy định về TTHC đối với từng nội dung cụ thể: tên, cách thức thực hiện, trình tự thực hiện, cơ quan thực hiện, đối tượng thực hiện, thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện…Để thực hiện công đoạn này, cơ quan soạn thảo phải trả lời 13 câu hỏi trong Biểu mẫu Biểu mẫu 01A/ĐG-KSTT về Tính hợp lý của quy định TTHC. Nội dung các câu hỏi chủ yếu nhằm tạo ra một TTHC sẽ được ban hành bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và thân thiện của từng nội dung quy định thủ tục; tính khả thi, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng như từng địa bàn địa phương nói riêng (trong trường hợp TTHC quy định mang đặc thù của địa phương), để đảm bảo TTHC khi ban hành dễ dàng đi vào cuộc sống. Đánh giá về tính hợp pháp là việc xem xét, đánh giá về mặt thẩm quyền ban hành, nội dung, hình thức quy định, tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Tính toán chi phí tuân thủ TTHC là việc lượng hóa các chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi thực hiện TTHC dự kiến ban hành. Quá trình thiết kế từng nội dung của TTHC phải kết hợp với việc tính toán chi phí tuân thủ để xem xét tính hiệu quả của thủ tục khi thực hiện và giải quyết. Cơ quan, tổ chức sử dụng Biểu mẫu tính chi phí tuân thủ TTHC và Hướng dẫn tính chi phí tuân thủ (Biểu mẫu 03/SCM-KSTT) tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư pháp để tính chi phí tuân thủ TTHC. Theo đó, TTHC có chi phí phù hợp khi tổng chi phí của TTHC đó trong một năm là thấp nhất.

- Tổng hợp kết quả đánh giá tác động TTHC:

Ở giai đoạn xây dựng chính sách (lập đề nghị), hồ sơ đánh giá tác động TTHC là một phần của Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và các biểu mẫu kèm theo. Ở giai đoạn xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ đánh giá tác động TTHC ở giai đoạn là Bản đánh giá tác động TTHC (gồm Báo cáo đánh giá tác động TTHC và các biểu mẫu kèm theo).

Như vậy, đánh giá tác động TTHC được quy định khá đầy đủ, từ tầm luật đến nghị định và thông tư hướng dẫn đảm bảo tính hiệu lực trong quá trình thực hiện. Với những hướng dẫn chi tiết cụ thể về đánh giá TTHC trên các tiêu chí về: sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ TTHC, tạo ra “tấm thảo lọc” mang tính khoa học để giúp cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quy định TTHC có chất lượng, đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chỉ ban hành TTHC khi cần thiết và phải hợp lý, hợp pháp với chi phí tuân thủ thấp nhất” nhằm giảm gánh nặng hành chính và duy trì tính công khai, minh bạch của TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; từng bước cải thiện quan hệ giữa nhân dân với chính quyền, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực xã hội và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2. Thực trạng công tác đánh giá tác động TTHC trong xây dựng văn bản QPPL tại bộ, ngành, địa phương

2.1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, công tác đánh giá tác động TTHC trong xây dựng văn bản QPPL tại Bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả nhất định như sau: 
- Về Công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ: Quản lý nhà nước về đánh giá tác động TTHC có sự thay đổi giữa các cơ quan nhà nước. Từ ngày 14/10/2010 – 14/10/2013, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đánh giá tác động TTHC được giao cho Văn phòng Chính phủ. Từ ngày 15/10/2013 đến nay, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đánh giá tác động TTHC được giao cho Bộ Tư pháp. Dù có sự thay đổi về cơ quan quản lý nhà nước xong công tác đánh giá tác động TTHC được các cơ quan kịp thời triển khai. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản QPPL quy định về đánh giá tác động TTHC như Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung), Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ (đã sửa đổi, bổ sung), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ; Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư pháp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để việc quản lý công tác đánh giá tác động TTHC đạt hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cũng đã tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát TTHC nói chung và đánh giá tác động TTHC nói riêng trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở các văn bản QPPL, văn bản hành chính của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai công tác này tại Bộ, ngành, địa phương như các Kế hoạch công tác hàng năm, Kế hoạch kiểm soát TTHC hàng năm…. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức và kỹ năng đánh giá tác động TTHC cho công chức xây dựng văn bản QPPL, kiểm soát TTHC tại các Bộ, ngành, địa phương thì hàng năm Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đều tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm soát TTHC, Hội nghị tập huấn về nghiệp vụ kiểm soát TTHC và ban hành Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát TTHC, trong đó có nội dung về đánh giá tác động TTHC và trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ về đánh giá tác động TTHC khi có yêu cầu.

- Về kết quả việc thực hiện công tác đánh giá tác động TTHC tại Bộ, ngành, địa phương: Công tác đánh giá tác động TTHC trong xây dựng văn bản QPPL tại các Bộ, ngành, địa phương đã có chuyển biến và đi vào nề nếp, hầu hết các hồ sơ lập đề nghị và hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC đã được các cơ quan, đơn vị soạn thảo thực hiện đánh giá tác động TTHC theo quy định. Cụ thể như sau:

Năm

Đánh giá tác động TTHC tại Bộ, ngành

Đánh giá tác động tại
UBND cấp tỉnh

Tổng số văn bản QPPL

Tổng số TTHC

Tổng số văn bản QPPL

Tổng số TTHC

2018

168

1.589

28

245

2019

86

537

35

123

Qua bảng số liệu nêu trên cho thấy, việc ban hành văn bản TTHC có quy định TTHC và ban hành TTHC có chiều hướng giảm qua hai năm. Cho thấy, nỗ lực của Bộ, ngành, địa phương trong việc cắt giảm TTHC và nâng cao chất lượng TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp như kế hoạch và đầu tư, ngân hàng, tài chính, tài nguyên và môi trường…

Việc thực hiện đánh giá tác động TTHC trong xây dựng văn bản QPPL đã góp phần nâng cao chất lượng quy định TTHC, bảo đảm chỉ ban hành các TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất.
           2.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác đánh giá tác động TTHC trong xây dựng văn bản QPPL cũng còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
Thứ nhất, công tác đánh giá tác động TTHC đã được thực hiện, song chưa thực sự chủ động và nghiêm túc. Một số cơ quan, đơn vị không thực hiện việc đánh giá tác động TTHC trong quá trình lập đề nghị, xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ gửi cơ quan thẩm định của bộ, ngành, địa phương không có Bản đánh giá TTHC theo quy định dẫn đến bị trả lại hồ sơ, yêu cầu bổ sung Bản đánh giá tác động TTHC theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan thẩm định vẫn tiến hành thẩm định khi chưa có Bản đánh giá tác động TTHC trong hồ sơ. Hệ quả của vấn đề này là không tạo ra được thói quen, thay đổi cách làm việc, tạo sự nghiêm túc, kỷ luật trọng hoạt động đánh giá tác động TTHC của các cơ quan chủ trì soạn thảo.

Thứ hai, hầu hết các hồ sơ lập đề nghị và hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC đã được các cơ quan, đơn vị soạn thảo thực hiện đánh giá tác động TTHC theo quy định, tuy nhiên đa số Bản đánh giá tác động TTHC còn hình thức, sơ sài, chất lượng chưa đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của TTHC và rà soát, đánh giá TTHC.

Từ những tồn tại, hạn chế đó dẫn đến nhiều quy định TTHC tại đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan thẩm định yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Chẳng hạn, năm 2019, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 324 TTHC tại 45 dự thảo văn bản QPPL; Văn phòng Chính phủ đã thực hiện thẩm tra đối với 280 TTHC tại 52 dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC, trong đó, đề nghị không quy định 42 TTHC, sửa đổi, bổ sung 161 TTHC không cần thiết, không hợp lý, chiếm 72,5% số TTHC quy định trong dự thảo văn bản QPPL. Thêm nữa, tuy đã được kiểm soát nhưng một số quy định TTHC tại một số văn bản QPPL vẫn chưa thực sự được đơn giản hóa, thậm chí rườm rà, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

Thứ ba, theo quy định của Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động đánh giá tác động TTHC trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, việc theo dõi công tác đánh giá tác động TTHC của Bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện hiệu quả, hàng năm Bộ Tư pháp chưa nắm số liệu việc Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động đối với bao nhiêu dự thảo văn bản QPPL, bao nhiêu TTHC (chỉ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ có số liệu này). Từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này.

2.3. Nguyên nhân

Thứ nhất, về nguyên nhân chủ quan:

- Cải cách TTHC, trong đó có nhiệm vụ đánh giá tác động TTHC được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chú trọng, đây được coi là khâu đột phá của cải cách hành chính. Nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của  cải cách TTHC của các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người thực thi công vụ và cả người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ mới nên có lúc có nơi chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức của Thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan đơn vị. Thậm chí, do chưa hiểu rõ bản chất và mục tiêu của việc đánh giá tác động nên một số cơ quan, đơn vị có ý kiến cho rằng việc đánh giá tác động TTHC làm tăng thêm thủ tục cho các cơ quan soạn thảo văn bản. Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ khó, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của một số nhóm đối tượng chịu tác động của văn bản QPPL đã tác động nhất định đến chất lượng của nội dung đánh giá tác động TTHC.           - Kỹ năng đánh giá tác động TTHC của công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC, công chức pháp chế, công chức xây dựng văn bản QPPL của bộ, ngành, địa phương chưa được nâng cao do thường xuyên có sự biến động; việc tập huấn nghiệp vụ đánh giá tác động chuyên sâu chưa được thực hiện thường xuyên.

          Thứ hai, về nguyên nhân khách quan:

- Đánh giá tác động TTHC được quy định từ tầm luật, nghị định và thông tư hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động này. Tuy nhiên, các quy định về hướng dẫn đánh giá tác động TTHC tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP còn một số khó khăn, vướng mắc cụ thể là:
+ Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ thì việc đánh giá tác động TTHC được thực hiện ở cả hai giai đoạn: xây dựng chính sách (lập đề nghị) và xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC. Tuy nhiên, Thông tư số 07/2014/TT-BTP chưa có hướng dẫn cụ thể về đánh giá tác động TTHC trong quá trình xây dựng chính sách (lập đề nghị), từ đó dẫn đến lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện.

+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) đã mở rộng thẩm quyền ban hành TTHC cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để thực hiện khoản 4 Điều 27 của Luật. Tuy nhiên, Thông tư số 07/2014/TT-BTP chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc đánh giá tác động của TTHC trong dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh nên việc triển khai thực hiện ở địa phương còn nhiều lúng túng.

+ Một số quy định của Thông tư số 07/2014/TT-BTP và các biểu mẫu đánh giá tác động TTHC, biểu mẫu tính toán chi phí tuân thủ TTHC kèm theo Thông tư còn chưa phù hợp, rườm rà, khó thực hiện như: Chưa có quy định mẫu Báo cáo đánh giá tác động TTHC với các nội dung cơ bản cần thể hiện; ….

- Thông tư số 12/2019/TT-BTP ngày 31/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp chưa có quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc cung cấp số liệu báo cáo đánh giá tác động TTHC. Từ đó dẫn đến việc Bộ Tư pháp chưa nắm rõ được các số liệu liên quan đến đánh giá tác động TTHC trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ, ngành, địa phương hàng năm.

- Kinh phí cho hoạt động đánh giá tác động TTHC còn rất hạn hẹp. Thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10/10/2012 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC không có kinh phí cho hoạt động đánh giá tác động TTHC; Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật không có quy định chi cho Bản đánh giá tác động TTHC.

- Để thực hiện việc đánh giá tác động TTHC và tính toán chi phí tuân thủ chính xác cần có sự nghiên cứu, khảo sát, phân tích, tổng hợp mang tính khoa học, logic, toán học. Tuy nhiên, thực tế cơ quan soạn thảo không có đủ thời gian, nhân lực và tài chính làm công việc này dẫn đến việc người điền biểu tự ước lượng, tự điền theo cảm quan dẫn đến việc đánh giá tác động TTHC sơ sài, mang tính hình thức.

3. Một số đề xuất, giải pháp

3.1. Hoàn thiện quy định của pháp luật về đánh giá tác động TTHC

- Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTP theo hướng:
+ Bổ sung các quy định pháp luật về phương pháp đánh giá tác động TTHC trong giai đoạn lập đề nghị.

+ Hoàn thiện các nội dung biểu mẫu đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý, tính toán chi phí tuân thủ TTHC trong cả 2 giai đoạn xây dựng chính sách và dự thảo văn bản QPPL theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC ngay từ khâu dự thảo đảm bảo tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp của TTHC, đảm bảo TTHC được ban hành có chi phí tuân thủ thấp nhất, góp phần tạo điều kiện cho đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

+ Bổ sung mẫu báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá TTHC để đảm bảo việc xây dựng báo cáo được thống nhất giữa các cơ quan/đơn vị. + Nghiên cứu, bổ sung quy định thống nhất trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi ban hành văn bản QPPL có quy định TTHC, nội dung phối hợp giữa cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát TTHC với các cơ quan chuyên môn về xây dựng văn bản QPPL trong quá trình tham gia ý kiến dự thảo có quy định TTHC trong mọi giai đoạn lập đề nghị, soạn thảo dự án, dự thảo văn bản QPPL.

- Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2019/TT-BTP ngày 31/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp theo hướng bổ sung quy định liên quan đến chế độ báo cáo về đánh giá tác động TTHC của Bộ, ngành, địa phương với các biểu mẫu thống kê kèm theo để phục vụ hoạt động quản lý trong lĩnh vực này.

- Phối hợp Bộ Tài chính tham mưu sửa đổi, bổ sung thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10/10/2012 quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC và Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó quy định rõ mức chi cho hoạt động đánh giá tác động TTHC, nhất là mức chi cho việc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động TTHC và khảo sát, lấy ý kiến đối tượng tuân thủ TTHC để tạo sự khích lệ cho cơ quan soạn thảo.

3.2. Nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ làm công tác kiểm soát TTHC, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ, ngành, địa phương

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cơ quan kiểm soát TTHC, cơ quan soạn thảo văn bản QPPL, cơ quan thẩm định văn bản QPPL về vị trí, vai trò của việc đánh giá tác động TTHC trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL có quy định TTHC thông qua các cuộc Hội nghị giới thiệu các quy định của pháp luật về đánh giá tác động TTHC, Hội nghị triển trai công tác, Hội nghị chuyên đề, cuộc họp giao ban cơ quan, đơn vị…. - Có chế độ đãi ngộ hợp lý, tiếp tục thực hiện chế độ đối với cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC tại bộ, ngành, địa phương theo quy định hiện hành, tạo môi trường làm việc lành mạnh, cơ hội học tập, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác thẩm định văn bản QPPL để họ gắn bó hơn với công việc xây dựng văn bản.

- Tiếp tục tổ chức tập huấn chuyên sâu về đánh giá tác động TTHC cho đội ngũ công chức kiểm soát TTHC, công tác xây dựng văn bản QPPL, công tác thẩm định văn bản QPPL một cách thường xuyên, với hình thức đa dạng, tập trung nhiều vào các bài tập thực hành thay vì chỉ tập huấn về lý thuyết. Tăng cường vai trò hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động TTHC của cơ quan pháp chế, cơ quan kiểm soát TTHC với các cơ quan, đơn vị trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về đánh giá tác động TTHC theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ xây dựng văn bản QPPL vận dụng ngay trong quá trình đánh giá tác động TTHC.

3.3. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc nhằm kịp thời tuyên dương, khen thưởng hoặc chấn chỉnh, đề xuất xử lý các vi phạm  

- Trong quá trình thẩm định đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Bộ Tư pháp, pháp chế của các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các tình, thành phố trực thuộc Trung ương kiên quyết trả lại hồ sơ thẩm định khi trong hồ sơ không có báo cáo đánh giá tác động TTHC đối với hồ sơ đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC và đề xuất hoàn thiện Bản đánh giá tác động TTHC không đạt yêu cầu theo quy định trước khi trình hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành văn bản QPPL

- Bộ Tư pháp cần thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra liên nghành về công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác đánh giá tác động TTHC nói riêng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những mặt yếu kém, tồn tại, hạn chế và đề xuất tuyên dương, khen thưởng đối với Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác này. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo để nâng cao chất lượng các quy định TTHC, nhằm mục tiêu cải cách TTHC ngay trong quá trình xây dựng thể chế.

- Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2019/TT-BTP ngày 31/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp theo hướng bổ sung quy định liên quan đến chế độ báo cáo về đánh giá tác động TTHC của Bộ, ngành, địa phương với các biểu mẫu thống kê kèm theo để phục vụ hoạt động quản lý trong lĩnh vực này.

- Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10/10/2012 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC và Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bổ sung quy định về chi cho hoạt động xây dựng Báo cáo đánh giá tác động TTHC.

Đánh giá tác động TTHC có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách và xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luậtcó quy định TTHC. Đây như là một “tấm thảm lọc” mang tính khoa học, thực tiễn để đảm bảo nguyên tắc chỉ ban hành hoặc duy trì các TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giảm gánh nặng hành chính và duy trì tính công khai, minh bạch của TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực xã hội và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nguyễn Trà My, Vụ VĐCXDPL

Nguồn: https://xdpl.moj.gov.vn/