Hội thoại trong nhà hàng bằng tiếng Hàn

Một trong những khó khăn điển hình nhất của những người học ngoại ngữ nói chung cũng như tiếng Hàn nói riêng, bất kể là ở giai đoạn mới bước đầu làm quen hay đã học tiếng lâu năm đó là thiếu môi trường giao tiếp thực tế dẫn đến kỹ năng nghe - nói bị hạn chế về nhiều mặt. Làm thế nào để rèn được phản xạ nói nhanh nhạy cũng như tự tin trong việc xử lý các tình huống giao tiếp, biết cách vận dụng ngữ pháp và từ vựng đã học để hình thành câu hoàn chỉnh trong đó không chỉ đảm bảo tính chính xác về mặt diễn dạt ngữ nghĩa mà ngữ điệu nói ra cũng thật tự nhiên như người bản xứ ? - từ chính những câu hỏi còn bỏ ngỏ này mà chúng mình tiếp tục cho ra mắt series mới trong chuyên mục “HỌC TIẾNG HÀN” mang tên TIẾNG HÀN GIAO TIẾP CÙNG K.I.O.S với mong muốn dựa trên những chủ đề thực tế được lựa chọn qua mỗi số blog có thể giúp ích phần nào cho bạn đọc trong quá trình xóa bỏ nỗi sợ giao tiếp, từng bước làm chủ ngôn ngữ mình yêu thích. Và mở đầu cho series lần này hãy cùng chúng mình tìm hiểu về chủ đề “Nhà hàng/ quán ăn” , cụ thể hơn khi ở vị trí của một khách hàng chúng mình có thể áp dụng những từ vựng, ngữ pháp cũng như biểu hiện tiếng Hàn nào để truyền tải suy nghĩ mong muốn của bản thân nhé ~

TỪ VỰNG

MỘT SỐ MẪU CÂU GIAO TIẾP

1. Khi mới đến

- Trước hết để xác nhận xem nhà hàng liệu còn đủ chỗ cho khách mới vào không bạn có thể sử dụng một trong số các mẫu câu sau:

  • (Số người - Số thuần Hàn) 명이 앉을 만한 자리가 있을까요? : Có chỗ nào đủ cho ..... người ngồi không ạ?

  • 빈 테이블이 있나요? : Còn bàn trống không ạ?

  • (Số người – Số thuần Hàn)명 테이블이 필요해요 : Tôi cần bàn cho ....... người.

- Ngoài ra tùy vào nhu cầu/ sở thích cá nhân của mỗi người chúng mình có thể thêm những yêu cầu nhỏ khác liên quan đến vị trí chỗ ngồi mà mình mong muốn như :

  • chỗ ngồi nhìn ra view đẹp (뷰가 좋은 자리)

  • chỗ ngồi hướng về cửa sổ (창가 쪽에 자리)

  • chỗ ngồi ở ngoài trời (바깥 테이블/야외 테이블에 앉는 자리 )

  • chỗ ngồi yên tĩnh (조용한 자리)

  • chỗ ngồi hướng về khu vực bếp/quầy bar (với một số nhà hàng khu vực bếp được thiết kế dưới dạng như một quầy bar thu nhỏ giúp cho khách vừa quan sát được quy trình làm đồ ăn vừa thưởng thức món ăn ngay tại chỗ - /주방쪽 테이블에 앉는 자리)

  • chỗ trong góc (구석에 있는 자리) vv...vv...

- Còn trong trường hợp nhân viên nhà hàng chủ động hỏi bạn về vị trí chỗ ngồi và bạn không có bất cứ yêu cầu nào đặc biệt thì khi trả lời bạn có thể áp dụng :

  • N(vị trí)에 앉아도 상관없어요: Tôi ngồi ở ..... cũng được

  • N(vị trí)에 앉는 자리도 괜찮아요 : Vị trí..... cũng không sao.

- Nếu bạn ngồi vào vị trí mà các vị khách trước đó chỉ vừa mới dời đi và nhân viên vẫn chưa kịp thu dọn bàn ăn thì hãy chủ động nói cho họ biết :

  • 테이블 정리해 주세요. Xin hãy dọn bàn hộ tôi.

2. Trước khi gọi món

- Thông thường tại Hàn với những nhà hàng quy mô nhỏ và vừa thực đơn có thể được gắn ngay trên tường hoặc đặt sẵn trên mỗi bàn ăn, nhưng cũng có nơi nhân viên sẽ mang đợi bạn ổn định chỗ ngồi mới mang thực đơn đến cho bạn. Với trường hợp menu không có sẵn tại bàn hoặc khi bạn cần gọi thêm đồ nhưng không nhớ chính xác menu có những gì thì có thể vận dụng mẫu câu sau :

  • 메뉴판 갖다 주세요 : Mang giúp tôi thực đơn (menu) với ạ.

  • 메뉴판 있을까요? : Tôi có thể xem thực đơn được chứ ạ?

- Nếu đó là lần đầu tiên bạn đến nhà hàng, thực đơn toàn những món bạn chưa từng thử qua và bạn muốn nhờ nhân viên phục vụ gợi ý một số món phù hợp :

  • 여기에 처음 왔는데 뭘 주문해야 할 지 모르겠어요. 추천좀 해주시겠어요? Tôi mới lần đầu đến đây nên không rõ phải gọi món gì. Bạn có thể giới thiệu món cho tôi được chứ?

  • 여기 뭐가 맛있어요? Ở đây có món gì ngon?

  • 뭐가 제일 잘 나가나요? : Có món gì bán chạy nhất?

  • 사람들이 가장 많이 좋아하는 것이 뭐예요? : Món gì được mọi người yêu thích nhất?

- Nếu bạn thích sự gợi ý của nhân viên và muốn thử món ăn như lời đề xuất của họ thì có thể dùng mẫu câu sau để đáp lại :

  • 좋아요. 그 걸로 주세요: Được đó, tôi sẽ ăn thử cái món bạn đã giới thiệu.

- Còn trong trường hợp bạn đã là khách hàng quen thuộc của nhà hàng đó và mỗi lần đến đó chỉ thường gọi đi gọi lại một món ăn thì bạn có thể chủ động nói với nhân viên phục vụ rằng :

  • 먹던 걸로 주세요. Hãy cho tôi như mọi lần.

- Đôi khi nếu chỉ nhìn tên gọi món ăn bạn không thể biết chắc chắn nguyên liệu bên trong món ăn đó có những gì thì hãy chủ động hỏi nhân viên nhà hàng bằng cách :

  • 이 안에 뭐가 들어 있어요? Trong món này có những gì vậy ạ?

Và nếu trong món ăn bạn gọi có thành phần/nguyên liệu nào bạn không ăn được cũng có thể nhờ nhà hàng loại bỏ nó hộ bạn:

  • (Tên nguyên liệu)을/를 빼 주세요. : Hãy bỏ …. ra hộ tôi.

- Ở một số nhà hàng Hàn Quốc họ sẽ ghi rõ từng lượng khác nhau trong cùng một món như (suất nhỏ dành cho 1-2 người ăn), (suất trung dành cho 3-4 người), (suất đại dành cho 5 người trở lên) ngay trên menu quán, nhưng trong trường hợp quán bạn đến không có và bạn không thực sự chắc chắn về lượng thức ăn cho mỗi một suất mình gọi là đủ hay thiếu thì có thể áp dụng câu hỏi dưới đây :

  • 이거 (Số người) 명/사람이 먹기에 충분한가요? : Cái này có đủ cho ..... người ăn không ạ?

3. Cách gọi món

  • 여기요/ 저기요. 주문할게요 : Bạn ơi, cho tôi gọi món với ạ.

  • (Tên món) (Số lượng) (danh từ đơn vị tương ứng) 주세요.

  • 주세요 : Hãy cho tôi thêm ……….

  • (…) 1 인분/ 하나 추가해 주세요. : Cho tôi thêm 1 phần/suất …

4. Một số yêu cầu riêng trong quá trình dùng bữa

  • 불판 좀 갈아 주세요. : Hãy thay hộ tôi vỉ nướng với ạ .

  • 고기 좀 얇게 (두껍게/ 먹기 좋게) 잘라 주세요: Cắt thịt mỏng (dày/ vừa ăn) giúp tôi với ạ.

  • 빈 그릇 좀 치워 주세요.: Hãy dọn bớt hộ tôi bát không với ạ.

  • 남은 거 포장해 주세요. : Hãy đóng gói phần còn thừa này giúp tôi.

  • 이거 포장으로 가져갈 수 있나요? /포장해 갈 수 있을까요?: Bạn có thể gói nó lại để tôi mang đi được chứ ạ?

*Có thể thay động từ “포장하다” bằng “싸다” với ý nghĩa và cách dùng tương tự.

5. Cách thanh toán

Một số mẫu câu bạn có vận dụng khi cần yêu cầu thanh toán là :

  • 계산해 주세요 : Hãy thanh toán cho tôi.

  • 계산서 갖다 주시겠어요? / 계산서 가져다 주실 있나요? : Bạn có thể/ Làm ơn mang hóa đơn cho tôi với ạ.

  • 우리 따로따로 내고 싶어요. : Chúng tôi muốn trả tiền riêng.

  • 따로 계산해 주세요. : Hãy thanh toán riêng cho chúng tôi.

  • 우리 각자 있을까요? : Chúng tôi có thể trả riêng từng người được chứ?

  • 카드로 계산해도 되나요? : Tôi có thể thanh toán bằng thẻ được không ạ?

  • 신용 카트/현금 (으)로 계산할게요. : Tôi sẽ thanh toán bằng thẻ/tiền mặt.

6. Tình huống phát sinh

- Nếu nhân viên nhà hàng mang nhầm món ăn so với thực đơn mà bạn đã gọi trước đó :

  • 죄송하지만 이거 제가 시킨 아닌데요. Xin lỗi nhưng đây không phải cái tôi đã order.

  • (Tên món ăn) 아니라 (tên món ăn)을/를 시켰어요. Tôi đã gọi món .... chứ không phải ....

- Trường hợp đã phải chờ đợi quá lâu nhưng mà đồ ăn vẫn chưa được mang ra bạn có thể xác nhận lại với nhà hàng bằng cách :

  • 저기요. 우리가 시킨 음식이 아직 나왔어요. 얼마나 걸리는지 확인해 있나요? Bạn ơi, món chúng tôi đặt vẫn chưa có. Bạn có thể xác nhận lại xem mất khoảng bao lâu nữa được không ạ?

  • 제가 (.....)분 전에 주문했는데 이렇게 오래 걸리나요? 우리 주문 상태를 획인해 주시겠어요? Tôi đã đặt món .....phút trước đó nhưng sao mãi chưa ra vậy ạ? Xin hãy xác nhận lại tình trạng order của chúng tôi được không ạ?

  • 다음으로 주문한 다른 손님들은 벌써 음식 받은 걸 봤어요.: Tôi thấy những vị khách khác order sau tôi đều đã nhận được hết đồ rồi.

VÍ DỤ/TÌNH HUỐNG MINH HỌA

GÓC VĂN HÓA - CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT?

- Một điểm khác biệt nho nhỏ khi bạn đến dùng bữa ở các quán thịt nướng dù quy mô nhỏ hay lớn tại Hàn Quốc là thường ghế ngồi của khách được tận dụng làm “hòm đựng quần áo” (trong tiếng Hàn có nhiều cách gọi khác nhau đối với loại ghế này như : 깡통 의자/ 수납식 의자/ 드럼 스툴) với thiết kế rỗng bên trong đủ sức chứa cả một chiếc áo khoác phao đại hàn mùa đông, giúp bảo vệ đồ của khách hàng khỏi bị ám mùi nướng. Hoặc một số nơi có thể dùng bao nhựa ni lông (비닐봉지) hoặc tạp dề (앞치마) như phương án thay thế. Chưa kể ngay trước cửa ra vào của các nhà hàng thịt nướng cũng thường đặt các chai xịt khử mùi với thương hiệu được ưa chuộng là 페브리즈 (Febreze) để khách tiện sử dụng sau khi dùng bữa xong mà không lo mùi thức ăn có thể “đeo bám” bạn suốt cả quãng đường về.

(Nguồn video : KOKONUT KOREAN 코코넛 코리안)

(Thông thường các quán ăn ở Hàn không hay để sẵn tạp dề ở ngoài bàn cho khách nên nếu cần sử dụng bạn nên chủ động hỏi nhân viên phục vụ - Nguồn video : 에이 스토리

A STORY)

(Tùy thuộc vào nhu cầu cũng như những đặc điểm về mặt không gian của từng nhà hàng mà ghế ngồi ở mỗi nơi lại mang “muôn hình muôn vẻ” - Nguồn ảnh : Internet )

- Nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc chúng mình càng không lạ gì với sự xuất hiện của các món panchan (반찬) đầy hương vị và màu sắc phải không nào? Thông thường tùy vào từng nhà hàng khác nhau thì các loại panchan ăn kèm cũng có sự khác biệt , số lượng có thể dao động từ 4- 9 món nhưng chung quy lại thường sẽ có kim chi, củ cải muối, giá đỗ muối, các loại nước sốt đủ vị chua cay để chấm thức ăn, các loại rau như xà lách, lá vừng vv....vv.....Thậm chí vượt khỏi phạm vi những loại rau củ muối chua ngâm tương thông thường thì ngày nay panchan còn có mặt cả thịt, cá, đồ chiên xào hay canh . Điểm đặc biệt là tất cả đều miễn phí và thực khách hoàn toàn có thể gọi bao nhiêu tùy thích. Panchan thường được bày lên đầu tiên trên bàn ăn trong khi đợi nhà hàng chuẩn bị món chính, và ở nhiều nơi việc thực khách bắt gặp những mâm đựng panchan xếp lần lượt thành một hàng dài trước khu vực quầy bếp cũng dần trở thành một hình ảnh quen thuộc hơn bao giờ hết. Dù gọi tên panchan là đồ ăn phụ đi kèm nhưng chúng hoàn toàn có thể làm nên tên tuổi riêng của nhà hàng đó cũng như được xem như một bí quyết đặc biệt nhằm “giữ chân” cả những thực khách khó tính nhất.

(Ngay cả khi bạn chỉ gọi một món ăn duy nhất thì panchan vẫn được phục vụ đầy đủ như các thực khách khác - Nguồn video :에이 스토리 A STORY)

(28 loại panchan trong một nhà hàng chuyên món김치찌개 (canh kim chi) nằm ở chợ Sagajeong qua một cảnh quay trích từ chương trình “골목식당” của đài SBS – Nguồn ảnh : SBS)

(Nếu chỉ tính sơ qua số lượng món có thể làm panchan thì con số có thể lên đến hơn 500 loại khác nhau, và ở Hàn Quốc cũng có những cơ sở sản xuất chỉ chuyên làm panchan để bán cho cả người dân địa phương hay những nhà hàng quán ăn khác cùng khu vực - Nguồn video : TVCHOSUN)

- Một điểm cộng nữa trong chất lượng dịch vụ của các nhà hàng Hàn Quốc là luôn miễn phí nước + khăn ướt(물수건) cho thực khách. Mỗi khi bước vào quán ăn nhân viên phục vụ sẽ thường mang sẵn ra một chai nước lạnh, cốc uống kèm theo menu (tùy nơi) và hỏi thực khách về món ăn họ muốn order, trong khi đa số nhà hàng ở Việt Nam các loại đồ uống bạn gọi đều bị mất phí kể cả là nước lọc đóng chai. Và nếu bạn đã từng là khách hàng quen thuộc ở các quán ăn lớn nhỏ của Hàn thì cũng không lạ gì với loại cốc thường được người Hàn ưa chuộng sử dụng là 스텐컵/ 스텐물컵 (cốc làm từ chất liệu thép không rỉ, 스텐 là dạng viết tắt của cụm 스테인리스) với ưu điểm chính là đem lại cảm giác thật về hương vị đồ uống, tránh nước bị chảy ra vòm miệng khi uống cũng như dễ dàng gỡ bằng tay khi xếp chồng nhiều cái lên nhau hơn so với những loại cốc khác.

(Nguồn ảnh : Coupang)

- “Cơm nén – cơm tơi” Nếu chỉ đọc lướt qua hai cụm từ này thôi bạn có hình dung được phần nào về điểm khác biệt tiếp theo mình muốn nhắc đến trong văn hóa ăn uống của người Hàn Quốc không? Thông thường ở mọi nhà hàng cơm trắng (공기밥) đều được nén đầy trong những chiếc bát inox các hạt cơm luôn kết dính thành một nắm, trong khi người Việt chúng mình lại có thói quen đảo tơi phần cơm chín ngay từ trong nồi và khi sới vào từng bát riêng cũng tránh nén vón cơm thành cục. Vì theo phong tục nước mình cơm nén chỉ để dùng trong trường hợp cúng ông bà gia tiên mà thôi. Một khác biệt tưởng chừng rất nhỏ trong thói quen ăn uống thường ngày thôi nhưng nếu không cẩn thận có thể làm bạn mất điểm trong mắt đối phương ngay lập tức đấy.

(Liệu có bao giờ bạn nghĩ đằng sau tên gọi 공기밥 còn có cả câu chuyện lịch sử phát triển đầy thú vị? – Nguồn video : 스브스 뉴스)

___________________________

Trên đây là những gợi ý của Korea in our stories dành cho bạn đọc về chủ đề “Nhà hàng/ quán ăn” , hy vọng thông qua những mẫu câu giao tiếp thực tế cùng phần văn hóa mở rộng không chỉ giúp bạn có thêm vốn từ biểu hiện hay để vận dụng vào trong hoàn cảnh giao tiếp tương ứng mà qua đó còn hiểu hơn về những nét đặc trưng trong văn hóa của người Hàn Quốc. Nếu yêu thích chủ đề này hãy tiếp tục đón chờ các phần nội dung tiếp theo cùng chúng mình nhé. Cảm ơn và hẹn sớm gặp lại mọi người ở số blog tuần tới~

Video liên quan

Chủ đề