Facebook ảnh hưởng tới việt nam như thế nào

Dạo một vòng quanh đường phố Việt Nam, không khó để thấy hình ảnh các bạn trẻ dán mắt vào màn hình điện thoại di động. Đây không phải là một hiện tượng riêng của giới trẻ Việt Nam, nhưng so với những quốc gia khác trên thế giới, nhiều khả năng họ đang tương tác với nhau qua mạng xã hội Facebook.

Thống kê cho thấy Việt Nam là nước có số lượng người dùng Facebook lớn thứ 7 trên thế giới, với khoảng 64 triệu tài khoản cho một quốc gia với 93 triệu người. Chỉ Indonesia và Philippines có nhiều người dùng hơn trong khu vực Đông Nam Á. Mạng chia sẻ video YouTube cũng là một địa chỉ ưa thích của cộng đồng mạng Việt Nam. Điều này có nghĩa là hàng triệu người dùng mạng ở Việt Nam đang cập nhật tin tức mà không cần qua các kênh thông tin truyền thống (dù vậy các báo điện tử như VnExpress hay Tuổi Trẻ vẫn có một lượng độc giả đông đảo.)

Những tin tức thời sự gần đây đã cho thấy sự khác biệt rõ nét về hướng biên tập giữa báo chí trong nước và nước ngoài. Vào tháng 8/2017, Trịnh Xuân Thanh, một cựu viên chức nhà nước xin tị nạn ở CHLB Đức, bị bắt cóc bởi đặc vụ Việt Nam ở trung tâm Berlin và đưa về Hà Nội chờ xét xử với tội danh tham nhũng. Báo chí chính thống đưa tin về cáo buộc từ phía CHLB Đức, nhưng nhấn mạnh quan điểm của Bộ Ngoại giao rằng Thanh tự đầu thú thay vì là bị bắt cóc. Nếu đây là thời tiền Facebook, rất ít người ở Việt Nam sẽ đặt dấu hỏi về thông tin từ báo chí chính thống. Tuy nhiên, Facebook đã giúp cộng đồng mạng Việt Nam tiếp cận với nhiều bài viết chi tiết về vụ việc từ những kênh tin tức nổi tiếng như The New York Times hay Reuters.

Nhận thức được sự đe dọa từ truyền thông ngoài nước, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền dư luận và có những chính sách nhằm hạn chế hoạt động mạng xã hội. Tháng 11 vừa qua, Bộ Công an trình Quốc hội Dự Luật An ninh mạng, yêu cầu các công ty công nghệ nước ngoài như Facebook và Google lắp đặt server tại Việt Nam – trên lý thuyết sẽ cho phép Chính phủ giám sát luồng thông tin trên các trang điện tử này và theo dõi người dùng mạng. Dự luật cuối cùng bị Quốc hội bãi bỏ, tuy vậy các công ty công nghệ, đặc biệt là Google, vẫn chịu áp lực từ nhà nước phải thành lập công ty trong nước để chính quyền có thể dễ dàng liên hệ và giám sát.

Cụm từ này “quan điểm sai trái” bao gồm các vấn đề từ việc ủng hộ dân chủ cho đến việc chỉ trích các chính sách kinh tế nhà nước

Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông, cũng đã bày tỏ sự thất vọng với việc Facebook không hợp tác hủy bỏ các thông tin trên mạng xã hội mà nhà nước cho là “độc hại”. Facebook một tháng sau trả lời bằng việc xóa hủy 159 tài khoản chống nhà nước. Trong khi đó, trong toàn năm 2017, Google đã xóa 6,423 trong tổng số 7,140 video trên Youtube bị nhà nước phản ánh.

Một trong những quyết định nổi bật nhất về internet ở Việt Nam – bị tổ chức Freedom House đánh giá là ‘Thiếu tự do’ – là việc triển khai Lực lượng 47 vào tháng 12. Với hơn 10,000 người, lực lượng này có nhiệm vụ đấu tranh chống các “quan điểm sai trái” trên mạng. Tuy vậy, những quyền hành và phạm vi hoạt động của lực lượng này vẫn chưa rõ ràng.

Theo Reuters, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo ở TP.HCM: “Chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái.” Cụm từ “quan điểm sai trái” bao gồm các vấn đề từ việc thúc đẩy dân chủ cho đến việc chỉ trích các chính sách kinh tế nhà nước.

Tin đồn trên Facebook không phải là mới, nhưng việc nhà nước thắt chặt quản lý là rất mới

Không quá khó để tìm thấy trên Facebook hay Twitter Việt Nam những bài đăng chỉ trích chính quyền và chế độ cộng sản về những vấn đề kinh tế xã hội. Tuy nhiên, với những chính sách an ninh mạng hiện thời, sẽ rất khó để cộng đồng mạng có thể tiếp tục bày tỏ những bức xúc của mình.

Một số người dùng Facebook đã bị “thổi còi” vì những bài đăng tưởng chừng như vô hại, ví như một người cho rằng anh ta thấy tuyết rơi ở một thị xã chưa từng có tuyết, hoặc là một chủ cửa hàng điện thoại so sánh cổng đèn nghệ thuật ở Cần Thơ với hình nội y phụ nữ. Tin đồn trên Facebook không phải là mới, nhưng việc nhà nước thắt chặt quản lý là rất mới.

Những diễn biến trên đều được cả báo chí tiếng Việt và tiếng Anh tường thuật, tuy vậy, dư luận vẫn tương đối thờ ơ và im lặng.

“Tôi không lo lắng lắm,” chị Diep Nguyen, chủ nhiều cửa hàng online trên Facebook và Instagram ở TP.HCM cho biết. “Tôi nghĩ những quy định rồi sẽ thay đổi, nhưng nếu không chúng tôi vẫn có nhiều cách khác để sử dụng mạng xã hội. Với những thời điểm nhạy cảm và Facebook hoặc Instagram bị cấm, mình vẫn có thể dùng VPN.”

Chính quyền Việt Nam đã cho thấy cả khả năng và cương quyết ngăn chặn hoạt động mạng xã hội. Sau xì-căng-đan công ty Nhựa Formosa của Đài Loan xả thải ở ngoài khơi Bắc Trung bộ vào tháng 4 năm 2016 — một thảm họa khiến nhiều tỉnh nghèo miền Trung bị thiệt hại nặng khi chất độc từ nhà máy của Formosa gây chết cá — người dân khắp cả nước xuống đường biểu tình phản đối và đòi xử phạt Formosa. Chính phủ ban đầu cho phép biểu tình, nhưng sau đó, khi người biểu tình chuyển sang chỉ trích sự yếu kém của nhà nước, chính quyền đã ra tay đàn áp.

Giới trẻ dán mắt vào điện thoại tại một công viên ở Hà Nội. Credit: Shutterstock.com

Facebook, YouTube và Instagram bị chặn trong vài tuần sau đó và chỉ Twitter, một kênh mạng xã hội không quá phổ biến ở Việt Nam, là không bị chặn. Khi biểu tình kết thúc, các trang mạng xã hội lại được ngưng chặn. Đây là lần đầu tiên nhiều mạng xã hội bị chặn cùng một thời điểm trong những năm gần đây.

Thinh Pham, một doanh nhân ở TP.HCM, nhận định rằng những diễn biến này là một lời cảnh báo từ nhà nước. “Tôi không nghĩ nhiều về việc này, nhưng nhà nước hoàn toàn có thể [thắt chặt mạng xã hội]”, anh Thịnh cho biết. “Tôi nói chuyện với một vài người và họ nói “Không cách nào mà nhà nước làm được!”, nhưng thực tế là họ có thể.”

Tuy chính quyền đã cho thấy khả năng ngăn chặn các mạng xã hội như Facebook vào giữa năm 2016, thực tế vẫn rất khó để họ có thể có những chính sách ngăn chặn dài hạn về vấn đề này.

“Người Việt xem tin tức từ những nguồn trên Internet mà chính quyền không kiểm soát được,” giáo sự Zachary Abuza tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Quốc Gia (National War College) ở Washington D.C. chuyên về an ninh – chính trị ở Đông Nam Á cho hay. “Nhà nước hiểu rõ rằng việc ngăn chặn hoàn toàn như mô hình Internet đóng của Trung Quốc sẽ tạo nên những làn sóng phẫn nộ cực kỳ lớn trong người dân.”

Zalo, một phần mềm nhắn tin trên điện thoại tư, là nền tảng mạng xã hội duy nhất được tạo ở Việt Nam mà có lượng người dùng đông đảo. Tuy vậy, Zalo vẫn không thể so sánh được với những mạng xã hội nước ngoài. “Ở Việt Nam mình có app Zalo, nhưng mình cũng không dùng nhiều.” chị Diep cho biết. “Có lẽ vì đây là một app chỉ dùng ở Việt Nam, và nó cũng quá giống WeChat của Trung Quốc.”

Những nhà hoạt động xã hội trên mạng

Cuốc chiến mạng căng thẳng nhất trong năm nay sẽ là giữa chính quyền Việt Nam và các nhà hoạt động xã hội trên Facebook và các mạng xã hội khác về những vấn đề nổi cộm như tham nhũng hay là ô nhiễm môi trường.

Với các nhà hoạt động như anh Phong*, việc có thể truy cập vào mạng xã hội là tối quan trọng, và anh tin rằng quá trễ để chính quyền có thể ngăn chặn một internet tự do.

“Tôi không lo lắm,” anh cho biết. “Việc cấm rồi ngưng cấm internet đã xảy ra ở Trung Quốc nhiều năm về trước, và chính quyền họ… mạnh hơn và có tầm nhìn xa hơn Việt Nam nhiều. Khi họ thấy không quản lý được Facebook, họ tạo một mạng xã hội khác là Weibo … và họ bắt người dân chỉ được phép dùng Weibo.”

Chính quyền Việt Nam đã từng thử áp dụng phương pháp của Trung Quốc, một phần để hạn chế Facebook ở Việt Nam khi nó vẫn còn khá mới mẻ, với mục đích là tạo dựng một mạng xã hội khác. “Họ thử làm vào khoảng năm 2008, 2009, và họ thất bại nặng nề,” Abuza cho hay. “Nhà nước đầu tư hàng chục triệu đô vào dự án này, nhưng không ai dùng bởi họ biết chính quyền đứng đằng sau nó.”

Sau thất bại đó, chính quyền Việt Nam phải chịu chứng kiến số người dùng Facebook tăng mạnh trong những năm vừa qua. “Kể từ lúc đó, tôi biết nhà nước đã “bó tay” trong việc quản lý mạng xã hôi,” Phong cho biết. Facebook nhanh chóng trở thành địa chỉ mặc định cho tất cả mọi hoạt động màng, từ việc giữ liên lạc với người thân, mua sắm hoặc là đọc tin tức từ BBC.

Về thảm họa Formosa năm 2016, Phong cho biết, “Đó là một thời gian khó khăn cho tôi, bạn bè và gia đình. Họ [nhà nước] chặn vì Formosa, nhưng nó ảnh hưởng hàng triệu người dùng mạng khác. Thế giới của chúng tôi bị đóng lại hoàn toàn.”

Họ không thể cản người dùng tiếp cận với thông tin, và sự thật vẫn là sự thật

Nhiều người, anh Phong giải thích, không tham gia hay liên quan đến biểu tình nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi việc ngưng chặn mạng xã hội. Họ bày tỏ sự bức xúc qua những giao tiếp cá nhân hằng ngày, và việc ngăn cấm chỉ dừng lại trong vòng một vài tuần cho thấy nhà chính quyền biết người dân bức xúc, và sẽ càng bức xúc hơn nếu như mạng xã hội bị cấm lâu hơn.

“Với tôi và nhiều bạn bè, những người rất quan tâm đến thảm họa Formosa, vào lúc ấy chúng tôi chỉ có thể nói chuyện trực tiếp với nhau,” Phong cho biết.  “Chúng tôi muốn trao đổi và chia sẻ quan điểm của mình, và chúng tôi muốn nhà nước lắng nghe giới trẻ.”

Phong bị tạm giam khi biểu tình cùng với hàng trăm người khác trong vòng 8 giờ trước khi bị cảnh sát áp giải. Anh bị tra khảo trong vòng 2 giờ, và anh cho biết anh được đối xử khá tử tế, và sau đó được trả tự do. Tuy vậy, trang Facebook của anh vẫn bị chính quyền giám sát, và anh vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn từ cảnh sát yêu cầu xóa bài đăng.

Nhưng dù Phong hợp tác với chính quyền và xóa bài, những tin tức ‘lề trái’ vẫn hiện diện qua báo chí quốc tế. “Họ không thể cản người dùng tiếp cận với thông tin, và sự thật vẫn là sự thật,” anh cho hay.

Ranh giới chiến trận

Trong năm nay, cuộc chiến giữa mạng xã hội và chính phủ Việt Nam được dự đoán sẽ rất căng thẳng. Chính phủ sẽ tiếp tục cố gắng can thiệp sâu vào mạng xã hội nhằm thiết lập trật tự cho khu vực công cộng này.

“Chính phủ có thể sẽ yêu cầu Facebook mở công ty ở Việt Nam và bắt Facebook chịu trách nhiệm nhiều hơn trước pháp luật.” Abuza cho biết. “Trung Quốc đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, và gần đây Indonesia đã buộc Telegram phải mở công ty ở đấy để bắt họ chịu trách nhiệm với pháp luật sở tại.”

Dù những người trẻ Việt Nam được phỏng vấn vẫn lạc quan rằng Facebook sẽ không bị ngăn chặn, giới lãnh đạo bảo thủ của Việt Nam tiếp tục củng cố quyền lực với cuộc thanh trừng nội bộ diễn ra dưới danh nghĩa chống tham nhũng và với thông tin bị giấu nhẹm với công chúng.

Cộng đồng mạng đông đảo của Việt Nam vẫn ở cơ trên trong thời điểm hiện tại, nhưng năm 2018 có thể sẽ là năm bước ngoặt cho lịch sử mạng của quốc này.

* Không phải tên thật, vì lí do bảo vệ an toàn cho người được phỏng vấn.

Nếu bạn thích bài viết này và muốn tham gia với chúng tôi để tạo dựng một không gian nghiên cứu, bảo tồn và hành động ở Đông Nam Á, hãy trở thành thành viên của New Naratif chỉ với US$52/năm (US$1/tuần)!