Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi chuyện kể rằng em, cô gái mở đường

 Đọc kĩ đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: 

 Chuyện kể rằng : em, cô gái mở đường  

Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương  

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận  

Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa 

 Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy những luồng bom…  

Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn 

 Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái  

Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá  

Tình yêu thương bồi đắp cao lên…  

(Trích Khoảng trời, hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ) 

 Câu 1: (0,5đ) Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt. 

 Câu 2: (1đ) Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên  

 Câu 3: (1đ) Từ đoạn thơ em có cảm nghĩ gì về con người về dân tộc Việt Nam? 

 Câu 4 (0.5 đ) Đoạn trích gợi em nghĩ tới những tác phẩm nào trong chương trình Ngữ văn lớp 9? 

Phần II. Tập làm văn (7,0 điểm) 

 Câu 1(2,0điểm) 

  Từ nội dung của đoạn thơ phần đọc hiểu hãy viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về lòng yêu nước? 

Câu 2 (5,0điểm) 

Hình ảnh những chiếc xe không kính và người lính lái xe trong đoạn thơ sau: 

Không có kính không phải vì xe không có kính 

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi 

Ung dung buồng lái ta ngồi, 

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. 

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng 

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim 

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 

Như sa, như ùa vào buồng lái 

Không có kính, ừ thì có bụi, 

Bụi phun tóc trắng như người già 

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc 

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha. 

Không có kính, ừ thì ướt áo 

Mưa tuôn, mưa xối như ngòai trời 

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa 

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi. 

 (Trích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật)

I. Kiểm tra đọc thành tiếng (3 điểm)

II. Kiểm tra đọc hiểu - kiến thức Tiếng Việt: (7 điểm).

Đọc bài văn sau:

Cho và nhận

   Một cô giáo đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.

   Khi thấy tôi cầm sách trong giờ tập đọc, cô đã nhận thấy có gì không bình thường, cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. Cô không đưa tôi đến bệnh viện, mà dẫn tôi đến bác sĩ nhãn khoa riêng của cô. Ít hôm sau, như với một người bạn, cô đưa cho tôi một cặp kính.

    Em không thể nhận được! Em không có tiền trả đâu thưa cô! – Tôi nói, cảm thấy ngượng ngùng vì nhà mình nghèo.

   Thấy vậy, cô liền kể một câu chuyện cho tôi nghe. Chuyện kể rằng: “ Hồi cô còn nhỏ, một người hàng xóm đã mua kính cho cô. Bà ấy bảo, một ngày kia cô sẽ trả cho cặp kính đó bằng cách tặng cho một cô bé khác. Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời”. Thế rồi, cô nói với tôi những lời nồng hậu nhất, mà chưa ai khác từng nói với tôi: “Một ngày nào đó, em sẽ mua kính cho một cô bé khác”.

   Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm cho tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống. Tôi bước ra khỏi phòng, tay giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa được nhận món quà, mà như người chuyển tiếp món quà cho người khác với tấm lòng tận tụy.

    Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy ghi lại chữ cái trước ý trả lời đúng hoặc viết câu trả lời vào giấy kiểm tra.

Câu 1: Vì sao cô giáo lại dẫn bạn học sinh đi khám mắt? (0,5 điểm)

a. Vì bạn ấy bị đau mắt b. Vì bạn ấy không có tiền c. Vì bạn ấy không biết chỗ khám mắt

d. Vì cô đã thấy bạn ấy cầm sách đọc một cách không bình thường.

Câu 2: Cô giáo đã làm gì để bạn học sinh vui vẻ nhận kính? (0,5 điểm)

a. Nói rằng đó là cặp kính rẻ tiền, không đáng là bao nên bạn không phải bận tâm. b. Nói rằng có ai đó nhờ cô mua tặng bạn. c. Kể cho bạn nghe một câu chuyện để bạn hiểu rằng bạn không phải là người được nhận quà mà chỉ là người chuyền tiếp món quà cho người khác.

d. Vì lời ngọt ngào, dễ thương của cô .

Câu 3: Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì? (0,5 điểm)

- Em không thể nhận được ! Em không có tiền trả đâu thưa cô!

a. Đánh dấu những ý liệt kê. b. Đánh dấu bộ phận giải thích. c. Đánh dấu những từ đứng sau nó là lời nói trực tiếp của nhân vật.

d. Báo hiệu đó là các ý đối thoại trong đoạn văn.

Câu 4: Việc cô thuyết phục bạn học sinh nhận kính của mình cho thấy cô là người thế nào? (0,5 điểm)

a. Cô là người thường dùng phần thưởng để khuyến khích học sinh. b. Cô là người hiểu rất rõ ý nghĩa của việc cho và nhận. c. Cô là người luôn sống vì người khác.

d. Cô là người biết làm cho người khác vui lòng.

Câu 5: Câu chuyện muốn nói với em điều gì? (1 điểm)

Câu 6: Qua câu chuyện trên em học được điều gì ở các nhân vật? (1 điểm)

Câu 7: Từ nào dưới đây trái nghĩa với từ in đậm trong câu sau: “Một cô giáo đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.” (0,5 điểm)

a. đơn giản b. đơn điệu c. đơn sơ

d. đơn thuần

Câu 8: Câu nào sau đây là câu ghép. (0,5 điểm)

a. Một cô giáo đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận. b. Khi thấy tôi cầm sách trong giờ tập đọc, cô đã nhận thấy có gì không bình thường, cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. c. Thấy vậy, cô liền kể một câu chuyện cho tôi nghe.

d. Bà ấy bảo, một ngày kia cô sẽ trả cho cặp kính đó bằng cách tặng cho một cô bé khác.

Câu 9: Xác định bộ phận trạng ngữ, chủ ngữ và vị ngữ trong câu sau: (1 điểm)

Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời.

Câu 10: Điền cặp từ hô ứng vào các chỗ trống cho thích hợp và viết lại câu văn đó ? (1 điểm)

Tôi … cầm sách để đọc, cô giáo… nhận ra là mắt tôi không bình thường.

Xuất bản ngày 15/06/2020 - Tác giả: Huyền Chu

Tổng hợp các đề đọc hiểu Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ đã có trong các đề thi, đề kiểm tra với nội dung Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường.

Đọc hiểu Khoảng trời hố bom là một trong đề đọc hiểu xoay quanh những câu chuyện "cô gái mở đường" - người con gái xung phong anh dũng, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh - là đề tài được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.

Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số câu hỏi sau:

Tổng hợp đề đọc hiểu Khoảng trời hố bom

Đề số 1

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương Cho đoàn xe kịp giờ ra trận Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom...

Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá

Tình yêu thương bồi đắp cao lên...

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ Ðất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau

Em nằm dưới đất sâu Như khoảng trời đã nằm yên trong đất Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng Những vì sao ngời chói, lung linh Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong Ðã hoá thành những làn mây trắng? Và ban ngày khoảng trời ngập nắng Ði qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực Soi cho tôi

Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?

Tên con đường là tên em gửi lại Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái

Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!

Trường Sơn, 10-1972

Bài thơ: Khoảng trời, hố bom -  Lâm Thị Mỹ Dạ

Nguồn: Văn chương một thời để nhớ, NXB Văn học, 2006

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Nhân vật trữ tình em trong bài thơ là ai?

Câu 3. Nêu giá trị nghệ thuật của chuỗi hình ảnh mang tính biểu trưng: ngọn lửa - vì sao ngời chói lung linh - vầng mây trắng - vầng dương - mặt trời.

Câu 4. Nêu cảm nhận về hai dòng thơ cuối: "Gương mặt em bạn bè tôi không biết / Nên mỗi người có gương mặt em riêng."

Đáp án đọc hiểu Khoảng trời hố bom số 1

Câu 1

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2

Nhân vật trữ tình em trong bài thơ là một nữ thanh niên xung phong.

Câu 3

- Ngọn lửa - vì sao ngời chói lung linh - vầng mây trắng - vầng dương - mặt trời đều là những hình ảnh của thiên nhiên, vũ trụ, mang ý nghĩa vĩnh hằng.

- Với chuỗi hình ảnh đó, Lâm Thị Mỹ Dạ đã bất tử hóa cái chết của em. Sự hi sinh của em chính là sự hóa thân vào cuộc đời vĩnh cửu, vào vũ trụ bao la, lung linh, rực rỡ, mênh mông, hằng tồn.

Câu 4

Các em nêu được cảm nhận về hai dòng thơ cuối: sự ghi nhớ, tri ân của những con người đang sống trước "em". Không ai biết gương mặt của "em" song trong mỗi người, "em" luôn hiện hữu, luôn sống mãi trong tình yêu thương, lòng biết ơn, ngưỡng mộ, mến phục…

Ví dụ tham khảo: Cái chết thiêng liêng nhưng cũng rất là giản dị. Sự hy sinh thầm lặng của em đã đi vào con tim của những người còn sống. Mỗi người mang trong tim một gương mặt riêng, em đã hóa thân thành bao gương mặt và trở thành một hình tượng lý tưởng mà mọi người mang theo bên mình. Chính vì thế, em - cô gái mở đường Trường Sơn đã vượt lên trên cái chết, trở thành bất tử đi theo đồng đội mình  bước tiếp con đường chiến đấu. (Cô Nguyễn Thị Bích)

Đề số 2

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương Cho đoàn xe kịp giờ ra trận. Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa Đánh lạc hướng thù, hứng lấy làn bom… […] Em nằm dưới đất sâu Như khoảng trời đã nằm yên trong đất Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh

Có phải làn da em mềm mại trắng trong Đã hóa thành những làn mây trắng Và ban ngày khoảng trời ngập nắng Đi qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực Soi cho tôi

Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài.

(Khoảng trời hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ)

Câu 1. Câu thơ nào gợi lên sự hy sinh anh dũng của cô gái mở đường trong đoạn thơ trên?

Câu 2. Dấu (…) ở cuối câu thơ “Đánh lạc hướng thù, hứng lấy làn bom..nói lên điều gì?

Câu 3. Chỉ ra những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ và tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 4. Đoạn thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về nhan đề bài thơ?

Đáp án đọc hiểu Khoảng trời hố bom số 2

Câu 1. Câu thơ gợi lên sự hy sinh anh dũng của cô gái mở đường:

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù hứng lấy làn bom…

Câu 2. Dấu (…) tạo nên khoảng trống chứa đựng nỗi đau, nỗi tiếc thương của tác giả trước sự hi sinh anh dũng của cô gái mở đường.

Câu 3.

- Biện pháp nói giảm, nói tránh, so sánh: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất: Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh; Trái tim em là mặt trời, vầng dương. (Tác dụng: Biểu thị nỗi tiếc thương của tác giả và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn cũng như sự bất tử của cô gái).

- Biện pháp ẩn dụ: trái tim em trong ngực soi cho tôi bước tiếp quãng đường dài (tinh thần yêu nước, lòng quả cảm của cô gái đã thành vầng sáng soi đường, tiếp thêm sức mạnh cho nhân vật trữ tình).

- Hình ảnh liên tưởng: Làn da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng; Tác dụng: Gợi lên vẻ đẹp trắng trong, thanh khiết, cao cả và sự bất tử của người con gái mở đường cho xe đi.

Câu 4. Nhan đề nhắc đến hai hình ảnh tương phản: khoảng trời và hố bom. Hố bom là hiện thực chiến tranh khốc liệt, là đau thương, mất mát. Khoảng trời trước hết gợi tâm hồn thanh khiết, cao cả của người con gái đã hi sinh, còn là biểu tượng của bình yên, của hòa bình. Vì hòa bình của dân tộc, người con gái ấy đã hi sinh. Cho nên chọn hai hình ảnh này đặt tên bài thơ, tác giả đã gợi ra một tứ thơ đẹp.

Tác phẩm liên quan: Hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi

Đề số 3

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

"Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường

Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom..."

(Trích "Khoảng trời hố bom"- Lâm Thị Mỹ Dạ)

Câu 1. Em hãy tìm một biện pháp tu từ đặc sắc được sử dụng trong hai câu thơ đầu.

Câu 2. Những cô gái mở đường trong đoạn thơ trên đã lấy tình yêu Tổ quốc “thắp lên ngọn lửa”. Theo em ngọn lửa ấy thể hiện điều gì?

Câu 3. Em hãy kể tên một nhân vật tiêu biểu mà em đã được học ở lớp 9 cũng là một “cô gái mở đường”. Nhân vật đó xuất hiện trong tác phẩm nào.

Câu 4. Tình yêu Tổ quốc của những cô gái mở đường được thể hiện qua những hành động nào? Viết đoạn văn ngắn (10-15 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa và vẻ đẹp của những hành động ấy, qua đó hãy rút ra bài học và nhận thức của bản thân về tình yêu Tổ quốc trong xã hội mới. (1,5 điểm)

Đáp án đọc hiểu Khoảng trời hố bom số 3

Câu 1. Phép tu từ đặc sắc trong hai câu thơ đầu: Nhân hóa (“cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương”).

Câu 2. Những cô gái mở đường trong đoạn thơ trên đã lấy tình yêu Tổ quốc “thắp lên ngọn lửa”. Theo em ngọn lửa ấy thể hiện

(Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu lên được tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình vì Tổ quốc,… của người con gái mở đường qua hình ảnh ngọn lửa trong đoạn thơ.)

Gợi ý:

- Ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, niềm tin vào kháng chiến nhất định thắng lợi.

- Tình yêu Tổ quốc cao cả đã trở thành ngọn lửa cháy sáng trong trái tim còn căng đầy nhựa sống.

- Ngọn lửa tuổi thanh xuân dẻo dai

Câu 3. Tên nhân vật: Phương Định.

Tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi.

Câu 4. Học sinh cần trình bày một số ý sao:

- Tình yêu Tổ quốc thể hiện qua những hành động nào? (“đánh lạc hướng thù”, “hứng lấy luồng bom”,…)

- Ý nghĩa và vẻ đẹp của những hành động quả cảm ấy.

- Bài học và nhận thức của cá nhân về tình yêu Tổ quốc trong xã hội mới.

* Lưu ý: GK cho điểm linh hoạt. Chỉ cho điểm tối đa khi bài viết có kết cấu đoạn văn hoàn chỉnh; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả; có thái độ chân thành, nghiêm túc khi bày tỏ ý kiến.

-/-

Trên đây là một số đề đọc hiểu Khoảng trời hố bom đã được ra trong các đề thi, đề kiểm tra mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà! Đừng quên còn rất nhiều tài liệu văn 12 đang đợi các em khám phá nhé!