Điều chỉnh chiến lược là gì

Trong gần 10 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự đổi thay của môi trường chiến lược toàn cầu. Trong đó, trật tự đơn cực đang bị phá vỡ, trật tự đa cực đang chuyển từ định hướng sang định hình. Sự phục hồi vị thế của Nga, trỗi dậy của Trung Quốc,… buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu, nhằm đón nhận thời cơ và đối phó với thách thức mới.

Theo đánh giá của chính giới Mỹ, mặc dù nước này đang đứng trước một loạt nguy cơ, từ khu vực Trung Đông (đang hết sức rối loạn bởi tác động của nội chiến và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan) đến sự nổi lên của các cường quốc, như: Nga, Trung quốc, Ấn Độ,… nhưng Oa-sinh-tơn vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới và là siêu cường số 1. Tuy nhiên, Mỹ cũng phải thừa nhận không thể tự mình đối phó với các thách thức xuyên quốc gia, mà phải gắn với lợi ích và an ninh của cộng đồng quốc tế. Điều đó được thể hiện khá rõ khi Mỹ tuy vẫn bảo lưu quyền hành động đơn phương trong những trường hợp cần thiết, nhưng đã nhấn mạnh hơn vào sử dụng các biện pháp “sức mạnh mềm”, “quyền lực thông minh”, tăng cường ngoại giao đa phương và can dự để giải quyết các vấn đề an ninh của chính mình. Về phần mình, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma chủ trương tiếp tục xây dựng hình ảnh một nước Mỹ “thân thiện và ít đáng sợ hơn” so với chính sách “đánh đòn phủ đầu” của người tiền nhiệm. Đây có thể là những định hướng chung, mở đầu cho sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ, khi mà môi trường chiến lược quốc tế đã thay đổi và được thể hiện trên các bình diện sau:

Hướng tới châu Á - Thái Bình Dương

Với ý tưởng: “một phần quan trọng của lịch sử thế giới trong thế kỷ XXI sẽ được viết lên ở châu Á”, Mỹ quyết định chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương. Để thực hiện ý tưởng này, những năm gần đây, Oa-sinh-tơn chủ trương chuyển thêm các nguồn lực sang châu Á, thông qua tăng cường triển khai các lĩnh vực chủ chốt, như: gia tăng các chuyến thăm ngoại giao cấp cao tới khu vực; tăng cường triển khai lực lượng quân sự và các cuộc tập trận; thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), v.v. Phát biểu trước báo giới nước ngoài, Ngoại trưởng Mỹ G. Ke-ry tuyên bố, chính quyền Mỹ đã có quyết định khôn ngoan và mang tính chiến lược khi cam kết “tái cân bằng lợi ích và đầu tư của Mỹ vào châu Á”, rằng “nước Mỹ có nhiều mục tiêu ở châu Á cả về kinh tế và an ninh”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Át-tơn Ca-tơ cũng khẳng định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục nắm giữ “vai trò chủ đạo” tại châu Á - Thái Bình Dương, giữ gìn “hòa bình và phồn thịnh” trong khu vực, tạo không gian cho phép “mỗi quốc gia đều có thể trở nên mạnh mẽ hơn”.

Trong sự chuyển hướng này, Mỹ đặc biệt quan tâm tới các nước ASEAN và coi đó là một trong những nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu. Theo đó, Oa-sinh-tơn cam kết sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện tích cực và lâu dài tại khu vực với các mục tiêu nhất quán, như: không cho phép nước nào bá chủ tại khu vực; không để bị loại ra khỏi Đông Nam Á bởi một cường quốc hoặc một liên minh; bảo đảm tự do lưu thông trên các tuyến hải vận; bảo vệ quyền lợi mậu dịch và đầu tư của Mỹ; ủng hộ đồng minh và các nước bạn bè; truyền bá dân chủ, nhân quyền và tự do tín ngưỡng; không để khu vực trở thành căn cứ của chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, Mỹ còn xúc tiến một loạt biện pháp nâng cao quan hệ với ASEAN, nhất là thực hiện đối thoại cấp cao, đẩy mạnh đầu tư và hợp tác về kinh tế, quốc phòng. Đặc biệt, Mỹ chủ trương dành ưu tiên cho Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương triển khai quân ở “tuyến trước”; thúc đẩy quan hệ đồng minh ổn định với Thái Lan, Phi-líp-pin; làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Xin-ga-po; phát triển các mối quan hệ chiến lược mới hoặc toàn diện với In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, v.v.

Với Trung Quốc, Mỹ điều chỉnh quan hệ theo hướng: vừa “can dự tích cực”, vừa tìm cách kiềm chế Bắc Kinh. Song, sự nghi kị và thiếu lòng tin giữa hai bên vẫn là nhân tố có thể gây mất ổn định. Trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh đối đầu, giữ ổn định quan hệ nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược của mỗi bên. Tuy nhiên, gần đây, trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của Mỹ đã có sự thay đổi đáng kể, từ chỗ tuyên bố không đứng về bên tranh chấp nào, nay chuyển sang phê phán Trung Quốc và coi những hành động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông là “mối đe dọa đối với an ninh khu vực và tự do hàng hải quốc tế”. Chính giới Mỹ cho rằng, nhìn chung, chính sách của chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma đối với Trung Quốc trong những năm qua, tuy có điều chỉnh nhưng không mang lại hiệu quả, làm giảm vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.

Ngoài ra, chính sách của Mỹ đối với các nước: Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản,… cũng được điều chỉnh ngày càng rõ nét hơn. Trong đó, định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật Bản (năm 2015) không chỉ củng cố liên minh hai nước, mà còn là sự thỏa hiệp để Nhật Bản sửa đổi hiến pháp, nhằm gia tăng vai trò toàn cầu về quân sự của nước này.

Tiến thoái lưỡng nan ở châu Âu

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở U-crai-na phần nào cho thấy, Oa-sinh-tơn vẫn xúc tiến điều chỉnh chiến lược theo hướng gia tăng kiềm chế Nga, khống chế châu Âu, dưới ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện Crưm sáp nhập vào Nga đã đẩy Chính quyền B. Ô-ba-ma vào thế tiến thoái lưỡng nan; nghĩa là vừa muốn “xoay trục” sang châu Á, vừa muốn bảo trợ an ninh cho châu Âu. Theo giới phân tích, chính cách thức mà Nga đối phó với Mỹ và phương Tây đã buộc Nhà Trắng phải hoạch định lại chính sách theo hướng: dành sự quan tâm nhiều hơn cho châu Âu, nhất là tăng cường sức mạnh cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm đối phó với Nga. Hơn nữa, việc chiến lược An ninh quốc gia (năm 2015) của Mỹ xác định Nga là một nguy cơ đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ và đồng minh đã minh chứng cho xu thế này. Theo đó, Mỹ và phương Tây sẽ củng cố thế đứng chân ở U-crai-na; thúc đẩy thực hiện Hiệp định liên kết giữa U-crai-na, Gru-di-a và Môn-đô-va với EU; mở rộng hoạt động và vai trò của NATO ở châu Âu nhằm siết chặt vòng vây đối với Mát-xcơ-va. Các nhà quan sát cho rằng, chính cuộc khủng hoảng ở U-crai-na là cái cớ để Mỹ và phương Tây cân nhắc việc tăng ngân sách quốc phòng cũng như đóng quân vĩnh viễn và triển khai thêm các hệ thống vũ khí hạng nặng tại một số nước Đông Âu.

Tiếp tục đẩy nhanh chiến lược “Đại Trung Đông”

Nội dung cơ bản trong điều chỉnh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông là chuyển từ chấp nhận nguyên trạng sang tích cực can dự dưới chiêu bài: “thúc đẩy kinh tế thị trường tự do và dân chủ, nhân quyền”. Theo đó, Oa-sinh-tơn đã khai thác triệt để tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và bất bình đẳng về chênh lệch giàu - nghèo ở các nước, hòng lật đổ các thể chế chính trị lâu năm nhưng không nghe theo sự “chỉ đạo” của Mỹ. Để thực hiện chủ trương đó, Mỹ đã sử dụng mọi biện pháp (kể cả lợi dụng khủng bố) đẩy nhiều quốc gia vào các cuộc xung đột, nội chiến sắc tộc, tôn giáo, nhất là xung đột giữa người Hồi giáo dòng Xi-ai và Xăn-ni. Với các khẩu hiệu: “Đừng bao giờ ngừng chiến”, “Trung Đông có thể tốt hơn”, Mỹ muốn chia nhỏ các quốc gia nơi đây thành các khu vực của bộ lạc thời nguyên thủy để dễ bề quản lý và “Mùa xuân A-rập” được coi là một trong những bước đi của sự điều chỉnh chiến lược này. Cùng với đó, Mỹ ra sức thúc đẩy đạt được thỏa thuận cuối cùng, toàn diện giữa nhóm P5 + 1 với I-ran về chương trình hạt nhân của Tê- hê-ran. Với thỏa thuận này, Mỹ không những tránh được một cuộc chiến tranh với I-ran, mà còn có thể can dự “hợp pháp” vào bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Trước mắt, Mỹ đã có thể sử dụng căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Xy-ri, trong đó có cả việc hỗ trợ phe đối lập chống lại chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát.

Quan hệ bình đẳng với khu vực Mỹ La-tinh

Ngay trong diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu (năm 2009), Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố: “Đã đến lúc nước Mỹ phải phát triển mối quan hệ bình đẳng với Mỹ La-tinh” thay vì tự cho mình có quyền được can thiệp. Đây là sự điều chỉnh chiến lược có tính bước ngoặt đối với khu vực được coi là sân sau của Mỹ. Và bước ngoặt đó đã thực sự diễn ra khi ngày 17-12-2014, lãnh đạo Mỹ và Cu-ba tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, sở dĩ Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ với Cu-ba là nhằm cải thiện mối quan hệ với khu vực Mỹ La-tinh - khu vực mà ảnh hưởng của Mỹ đang bị thách thức bởi các thế lực bên ngoài, nhất là Nga và Trung Quốc. Với quyết định đó, Oa-sinh-tơn đã thoát khỏi tình trạng bế tắc về ngoại giao vì việc bao vây, cấm vận đối với Cu-ba đã tạo rào cản lớn trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước Mỹ La-tinh. Theo Uây-nơ Xmít, cựu Trưởng Văn phòng đại diện quyền lợi Mỹ tại Cu-ba, Mỹ đã nhận ra một thực tế là, họ đang ở thế bị cô lập và phải lắng nghe những tuyên bố của các nước Mỹ La-tinh, rằng chính sách của Mỹ đã lỗi thời và cần phải thay đổi.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc Mỹ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Cu-ba còn nhằm làm thay đổi cách tiếp cận và chuyển hóa nước này theo quỹ đạo của Mỹ. Điều này được thể hiện khi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã không ngần ngại khi nói rằng: “những thay đổi công bố ngày hôm nay không nhanh chóng dẫn tới sự thay đổi trong xã hội Cu-ba, nhưng thông qua chính sách can dự, chúng ta không chỉ bảo vệ được các giá trị của Mỹ một cách hiệu quả hơn, mà còn thắp lên ánh sáng của tự do, giúp người dân Cu-ba tự giúp mình khi họ tiến vào thế kỷ XXI”.

Ngoài ra, chính sách đối với châu Phi cũng được Oa-sinh-tơn hết sức quan tâm. Lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã đích thân chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi với hơn 50 nguyên thủ quốc gia tham gia vào năm 2014. Đây là sự điều chỉnh chiến lược đầy tham vọng, mang tính đột phá của Mỹ đối với châu lục giàu tài nguyên và có thị trường lao động, thương mại đầy tiềm năng này. Theo đó, Mỹ đã cam kết đến năm 2018 sẽ đầu tư vào khu vực châu Phi khoảng 33 tỷ USD; trong đó có 12 tỷ USD của Chính phủ Mỹ bổ sung cho sáng kiến “Pao-ơ Át-ri-ca” mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đề xuất năm 2013.

Như vậy, trước bối cảnh môi trường chiến lược toàn cầu đang có bước chuyển quan trọng, xuất phát từ tham vọng và lợi ích quốc gia, Chính quyền Mỹ đã, đang có những điều chỉnh chiến lược toàn cầu, dẫn tới bùng nổ mâu thuẫn và xung đột lợi ích với các quốc gia khác, nhất là với các nước lớn. Mặt khác, là siêu cường số 1 thế giới, sự điều chỉnh chiến lược của Oa-sinh-tơn tất yếu buộc các đối tác tương tác của Mỹ phải có sự điều chỉnh chiến lược tương ứng để thích nghi hoặc đối phó; trong đó, do có mâu thuẫn tiềm tàng, nhưng bị ràng buộc về kinh tế nên không loại trừ các nước lớn có thể thỏa hiệp “trên lưng” các nước nhỏ. Dư luận cho rằng, sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ trước hết là vì lợi ích của nước này, nhưng cũng có thể là nhu cầu khách quan tại thời điểm mà cấu trúc an ninh toàn cầu đang có bước chuyển quan trọng. Vì thế, sự điều chỉnh đó có góp phần vào xây dựng nền hòa bình, ổn định ở từng khu vực và trên thế giới hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đại tá, PGS, TS. AN TUẤN VIỆT, Phó Viện trưởng Viện B70, Tổng cục II