Đế minh là ai

Theo cách gọi của người dân làng Á Lữ, Bắc Ninh, Thủy tổ Kinh Dương Vương chính là “ông nội” của Vua Hùng. Sự thật có phải như vậy? Tại sao lại chọn ngày giỗ Hùng Vương làm ngày Quốc giỗ mà không lấy ngày giỗ của Kinh Dương Vương?

“Ông nội” của Vua Hùng là ai?

Khu Lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương nằm ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây được coi là nơi duy nhất ở Việt Nam còn nguyên dấu tích Kinh Dương Vương. Lăng mộ này không rõ được xây dựng từ bao giờ, hiện chỉ còn bia đá đề bốn chữ Hán: Kinh Dương Vương Lăng, thể hiện được trùng tu thời Minh Mạng nhà Nguyễn năm 1840. Trên lăng có hai chữ Hán: Bất Vong (không bao giờ mất).

Cách lăng mộ chừng 300 m là đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đền thờ hiện lưu giữ nhiều đạo sắc phong có niên đại từ năm 1810 - 1924 và một bức đại tự có chữ Đại Nam tổ miếu.

Tại Lăng Kinh Dương Vương có ghi: Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, là bậc thánh trí có tư chất thông minh, tài đức hơn người, sức khỏe phi thường. Kinh Dương Vương hình thành Nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên), đặt Quốc hiệu là Xích Quỷ (tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ), đóng đô ở Hồng Lĩnh (nay là Ngàn Hống, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Sau đó dời đô ra Ao Việt (Việt Trì). Kinh Dương Vương lấy Thần Long sinh ra Lạc Long Quân (húy là Sùng Lãm). Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra 100 người con. Con cả là Hùng Quốc Vương. Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18/1 (không ghi năm - PV) tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay).

Cũng có cuốn sách ghi, vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông. Đế Minh truyền ngôi cho 2 con trai là Đế Nghi và Lộc Tục. Đế Nghi làm Vua phương Bắc, Lộc Tục làm Vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, lấy Quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi và xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và đẻ ra 100 người con. Lạc Long Quân phong cho con trai cả làm Vua và đóng đô ở đất Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), lấy hiệu là Hùng Vương.

Như vậy, chỉ có một điểm tương đối thống nhất về Kinh Dương Vương, đó là xét về mặt thứ bậc, Ngài là “ông nội” của Vua Hùng”.

Chính vì theo truyền thuyết ấy, ngày nay, người dân Á Lữ, Bắc Ninh thường gọi Kinh Dương Vương là “ông nội” của Vua Hùng. Nếu tính cho đến năm nay, Á Lữ đã tổ chức lễ hội kỷ niệm 4.895 năm Đức Thủy Tổ mở nước, một dấu ấn huy hoàng của lịch sử nước nhà.

Không nên hiểu theo phả hệ của dòng họ

PGS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật VN, một trong những người tham gia khảo sát và xây dựng bộ hồ sơ về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trình lên UNESCO đã giải thích vì sao ngày giỗ Tổ lại chọn giỗ Vua Hùng chứ không phải chọn ngày giỗ Kinh Dương Vương?

“Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là người thuộc dòng dõi Thần Nông ở phương Bắc (trong đất Bách Việt) sinh ra, sau đó truyền ngôi cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai. Người con trưởng Hùng Vương được lên ngôi, lập ra Nhà nước Văn Lang đầu tiên của chúng ta, đóng đô ở Nghĩa Lĩnh - Việt Trì. Bởi vậy, người có công đầu tiên lập ra Nhà nước chính thống đó đã được cộng đồng tôn vinh là cội nguồn quốc gia, suy tôn là Quốc tổ, lấy ngày mất tương truyền làm ngày Quốc lễ - Quốc giỗ. Do vậy, không nên hiểu giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ của vị tổ đầu tiên của người Việt, của dân tộc Việt Nam”, ông nói.

Cũng theo PGS.TS. Bùi Quang Thanh, lịch sử bất cứ nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết. Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ đến những nhân vật này là sự tưởng niệm đến nguồn gốc xa xưa của tổ tiên, của cội nguồn dân tộc. Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng đều là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hóa.

“Trong Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã xếp vào phần ngoại kỷ chứ không phải lịch sử chính thống. Vì đây là những nhân vật thần thoại chứ không phải nhân vật lịch sử, kể ra mang tính biểu tượng, để giải thích ra cuội nguồn dân tộc. Chính vì thế, chúng ta không nên hiểu như phả hệ của một dòng họ”, PGS.TS. Bùi Quang Thanh nói.

Trước câu hỏi, Kinh Dương Vương có phải là “ông nội” của Hùng Vương hay không, PGS.TS. Phạm Văn Khoái, Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, Đại học KHXH&NV Hà Nội cho biết, tất cả nhân vật như Vua Hùng, Kinh Dương Vương đều là những nhân vật huyền thoại để nói về cội nguồn của dân tộc và khi đã là huyền thoại thì không thể giải thích bằng logic ý chí. “Kinh Dương Vương là nhân vật huyền thoại, không có thật.

Đến thế kỉ XV, lần đầu tiên được Ngô Sĩ Liên đưa vào Ngoại kỷ của Đại Việt sử kí toàn thư. Gọi Kinh Dương Vương là “ông nội” của Vua Hùng, đây là tư duy logic của thời bây giờ. Tuy nhiên, chúng ta không lấy tư duy hiện đại để áp vào lịch sử. Không nên gọi Kinh Dương Vương là “ông nội” của Vua Hùng”.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện nay có một số địa phương phát huy lễ giỗ Thủy tổ Kinh Dương Vương và đó là tập tục của địa phương. Tuy nhiên, quan điểm của ông chỉ dừng lại thời Vua Hùng, không nên tìm hiểu sâu về chuyện “ông nội” của Vua Hùng. Ông Quốc cho là không cần thiết. “Nếu lần ngược lên không biết đi đến đâu cả”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay.

Tục truyền rằng vua đầu nước ta hiệu Kinh Dương Vương và vua đầu Bắc quốc hiệu Đế Nghi là hai anh em, con ngài Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông. Viêm Đế Thần Nông là vị thần coi về trồng trọt ngũ cốc cho loài người.

Một hôm Ngọc Hoàng thượng đế trông xuống cõi trời Nam, thấy trên mặt đất phần lớn là hoa quả, ít ngũ cốc, mới bảo Thần Nông rằng:
- Ta sắc chỉ sai nhà ngươi xuống trần gian giúp cho giống người da vàng trồng lúa làm lương ăn.
Thần Nông bèn hội họp con cháu kể lại sắc chỉ của Ngọc Hoàng. Đế Minh là cháu ba đời nói rằng:
- Công việc mùa màng ở hạ giới rất vất vả. Vậy cháu xin đi thay.
Thần Nông khen Đế Minh là hiếu thảo, đưa cho hai hạt thóc, một để ăn, một để làm giống đem đi.
Đế Minh và vợ đáp mây lành xuống ở núi Nghĩa Lĩnh. Hàng ngày hai vợ chồng cậy một hạt thóc lấy bột gạo ăn, còn chiếc vỏ trấu để lại, sau dân thờ làm trấu thần.
Lại nói việc dạy dân trồng lúa. Vùng cao thì ông bà dậy họ phát nương đốt trà, chọc lỗ tra hạt (đao canh), vùng thấp thì đợi nước sông rút cạn, ruộng bãi đã thối ngấu cây cỏ, lấy trang cào mà đẩy cho sục bùn, đều phẳng, rồi gieo giống (thuỷ nậu). Lại dạy dân bỏ gạo vào ống tre đốt làm cơm mà ăn, bắt tôm cua làm mắm dùng gừng giềng làm gia vị, chưng cốt gạo lấy rượu uống, bắc gỗ làm nhà sàn tránh hổ sói, cưới xin thì lấy gói đất làm đầu, giết trâu dê làm đồ lễ, nấu cơm nếp nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm. Khi có người chết thì giã cối làm hiệu để bản làng đến cứu giúp.
Đế Minh sinh được hai con trai, anh là Lộc Tục, em là Lộc Linh. Một hôm có sứ của Ngọc Hoàng xuống triệu Đế Minh về trời. Ông gọi hai con đến bảo:
- Ngọc Hoàng sai ta xuống hạ giới có kỳ hạn, nay đã làm xong công việc. Trước khi về trời ta phong cho Lộc Tục cai quản phương Bắc. Lộc Linh cai quản phương Nam.
Lộc Tục cố nhường cho em phương Bắc, còn mình ở phương Nam. Đế Minh nghĩ “Lộc Tục thông minh hơn cho đất rộng hơn, chẳng ngờ lại từ tạ”, bất đắc dĩ cũng bằng lòng.
Lộc Linh nhận phương Bắc xưng là Đế Nghi.
Lộc Tục nhận phương Nam xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương có tài đi lại dưới nước, gặp Thần Long Nữ con gái vua Động Đình Hồ nhan sắc đẹp tươi, bèn lấy làm vợ. Thần Long Nữ sinh ra một người con trai mình đầy vảy rồng, đặt tên là Sùng Lăm. Sùng Lãm nối ngôi cha xưng hiệu là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân đi tuần thú tới động Lăng Xương gặp Tiên nữ Âu Cơ hái dâu bên bờ sông Đà, bèn lấy làm vợ đưa về ở núi Nghĩa Lĩnh.
Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày, đến giờ ngọ ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý chuyển dạ sinh ra một bọc trăm trứng. Hôm ấy trời xanh nắng ấm, mây lành ấp núi, hương thơm ngan ngát đầy phòng.
Long Quân cho triệu triều thần đến lập đàn tế cáo trời đất. Các loài sơn cầm thuỷ tộc đều đến chầu mừng. Ngày 15 tháng Giêng năm ất sửu trăm quả trứng nở thành trăm con trai. Những người con này không bú mớm, chỉ ăn hoa quả, không nói năng, mỗi ngày cười 3 lần. Bỗng một hôm tất cả đều hô vang "Trời sinh vua trị nước, thiên hạ thái bình". Vợ chồng Âu Cơ rất mừng rỡ, nhưng không biết làm thế nào để phân biệt được đàn con đông đúc ấy, bèn đem lễ vật mời ông Tiên ngồi câu cá ở bến Việt Trì lên đặt tên cho từng người. Tiên ông đặt tên người con cả là Lân Lang, chín mươi chín người em cũng đều gọi là Lang như Xích Lang, Quynh Lang, Mật Lang...
Long Quân bảo Âu Cơ rằng:
- Ta là giống Rồng đứng đầu thuỷ tộc. Nàng là giống Tiên sống ở trên núi. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly, ta đem 50 con về miền bể chia trị các xứ, cho 50 con theo nàng lên núi, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên. Trước khi đi, Long Quân phong cho người con trưởng làm vua và bảo các con rằng: "Giống sơn nam và giống thủy tộc thường ghét nhau. Hãy lấy mực săm mình cho giống giao long thì lội xuống nước mới không bị hại”. Lại dặn: "Khi nào có nguy cấp thì gọi to: “Bố ơi về cứu con”, "ta sẽ đến ngay”.
Lân Lang bèn xưng là Hùng Quốc Vương, đóng đô ở Việt Trì, đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ, sai các em đi trấn giữ. Kể từ đây các vua nối đều lấy hiệu là Hùng Vương, truyền được 18 đời (Đầu là Kinh Dương Vương, cuối là Hùng Duệ Vương).

Video liên quan

Chủ đề