Đánh giá sử tác động tích cực của Luật ATVSLĐ

Sau thời gian dài nỗ lực trong công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đến nay, hầu hết doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) có nhiều chuyển biến tích cực về công tác này. Điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong công tác ATVSLĐ, mà đây chính là cách mà các doanh nghiệp tự bảo vệ tài sản của mình và tính mạng người lao động trong quá trình sản xuất.

Đoàn kiểm tra ATVSLĐ tỉnh đang kiểm tra công tác an toàn tại một số công ty

Ý thức hơn về ATVSLĐ

Công ty Concept Eye Wear Việt Nam, KCN Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa), có 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất kính mắt xuất khẩu. Hiện công ty có hơn 100 cán bộ, công nhân làm việc. Tại phân xưởng, không khí luôn thoáng mát, công nhân chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN).

Với những yêu cầu nghiêm ngặt về công tác ATVSLĐ, PCCN trong sản xuất, ý thức của người lao động đóng vai trò hết sức quan trọng. Anh Nguyễn Bảo Quyền, người có 6 năm gắn bó với bộ phận sản xuất và thường xuyên làm việc với những thiết bị điện có công suất lớn, tỏa nhiệt cao, cho biết: “Công ty luôn đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Hàng năm, công ty đều trang bị bảo hộ lao động, nút chống ồn, bao tay… cho công nhân nên chúng tôi rất yên tâm khi làm việc ở đây”.

Công ty TNHH Trang trí nội thất Thái Thịnh, KCN Đông Bắc Sông Cầu (TX Sông Cầu) chuyên cung ứng hàng nội thất gỗ sang các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Mỗi tháng, công ty này xuất từ 40-60 container hàng cho các đối tác, giải quyết một lực lượng lao động lớn, chủ yếu là lao động nữ tại địa phương.

Công tác ATVSLĐ, PCCN luôn được doanh nghiệp quan tâm, kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, nhất là mùa cao điểm nắng nóng hiện nay, bảo đảm an toàn cho người lao động. Công ty thực hiện nghiêm việc đăng ký, kiểm định hàng chục loại máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với cơ quan chức năng.

Ông Đỗ Huy Vũ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trang trí nội thất Thái Thịnh, cho biết: “Công ty xác định công tác ATVSLĐ là rất quan trọng, chính vì thế ban giám đốc bố trí nhân sự hình thành bộ phận tư vấn, kiểm tra máy móc, quy trình sản xuất để công việc được đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đầu tư cho công tác vệ sinh, sắp xếp các loại thiết bị máy móc khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo ATVSLĐ”.

An toàn, ổn định cho người lao động

Tại 3 KCN trong tỉnh hiện có 65 doanh nghiệp tham gia sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 6.500 công nhân. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sau một thời gian dài nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, ý thức chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp hiện nay có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo môi trường làm việc an toàn, ổn định cho người lao động.

Anh Phạm Thanh Nhị, công nhân Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Bảo Châu (KCN Đông Bắc Sông Cầu), cho hay: Chúng tôi làm việc trong môi trường nặng nhọc, với nhiều loại máy móc có yêu cầu thiết bị nghiêm ngặt nên công đoàn cũng như lãnh đạo nhà máy luôn tổ chức các lớp tập huấn, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để chúng tôi yên tâm làm việc trong môi trường an toàn.

Ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, cho biết: Để đảm bảo ATVSLĐ tại các KCN, hàng năm, tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra về công tác này tại các công ty, xí nghiệp.

Qua kiểm tra, nếu phát hiện các sai phạm không đảm bảo ATVSLĐ chúng tôi nhắc nhở, những trường hợp nặng thì có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Năm nay, nhân Tháng Hành động ATVSLĐ đang diễn ra, tỉnh đã có công văn yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã... rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ đối với các loại máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Thực hiện kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định của pháp luật. Con người được chăm sóc về sức khỏe và được đảm bảo an toàn về tính mạng đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong sự phát triển hài hòa, tiến bộ và bền vững của xã hội cũng như của mỗi doanh nghiệp.

Tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2020, trung bình hàng năm, giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất).

Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp được phổ biến, được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường.

Trung bình hàng năm tăng thêm 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ; bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện, cấp xã và trong Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về công tác ATVSLĐ.

Trên 80% số người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; 80% người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác y tế; 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh được huấn luyện về ATVSLĐ. Trên 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện cập nhật về sơ cứu, cấp cứu. Trên 80% số làng nghề; 70% số hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ.

100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật. 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý đúng theo pháp luật.

Nguồn: baophuyen.com.vn

(HBĐT) - Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc sản xuất an toàn với những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, gắn liền với bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động (NLĐ) là yêu cầu tất yếu của sự phát triển kinh tế bền vững và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. 

Tuy vậy, công tác bảo hiểm lao động nói chung và an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nói riêng ở tỉnh ta còn nhiều khó khăn, tồn tại cần giải quyết. Nhiều doanh nghiệp mới quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, thu lợi nhuận mà thiếu sự đầu tư tương xứng để cải thiện điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ. Vì vậy đã xảy ra những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) gây thương vong đối với NLĐ, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp. Nguyên nhân chính trong các vụ TNLĐ là do chủ sử dụng lao động thiếu quan tâm cải thiện điều kiện làm việc an toàn, mặt khác do ý thức tự giác chấp hành nội quy, quy chế làm việc bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) của NLĐ chưa cao; thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan thanh tra Nhà nước về ATLĐ. Từ thực trạng đó, ngày 25/12/2013, BTV Tỉnh ủy đã Ban hành Kế hoạch số 78-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.

Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đăng Ninh đánh giá: Sau 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 78-KH/TU, các cấp ủy, chính quyền, địa phương, MTTQ và các đoàn thể CT-XH trên toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý của các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo, tập huấn và công tác thanh tra, kiểm tra, nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và NLĐ về công tác ATVSLĐ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, yếu kém như: Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm dẫn đến vi phạm các quy định pháp luật về ATVSLĐ; hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; chưa thực hiện đúng quy định về khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tình trạng mất ATVSLĐ trong các cơ quan, doanh nghiệp, khu vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề xảy ra khá phổ biến; TNLĐ, người bị tai nạn và mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng. Trong đó có những vụ nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho NLĐ và xã hội.


Công ty CP Lạc Thủy (Tổng công ty CP may Đức Giang) đầu tư phát triển sản xuất gắn với cải thiện điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH, từ năm2014 - 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ TNLĐ có khai báo, làm 48 người chết và 66 người bị thương. Trong đó, năm 2014 xảy ra 4 vụ, năm 2015 xảy ra 9 vụ, năm 2016 xảy ra 12 vụ, năm 2017 xảy ra 20 vụ, 6 tháng đầu năm 2018 xảy ra 10 vụ. Các vụ TNLĐ tập trung chủ yếu trong ngành khai thác khoáng sản và xây dựng. Đặc biệt, năm 2015 xảy ra 1 vụ tại nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết thuộc Công ty TNHH Tân Sơn trong khi thăm dò khai thác than tại xã Lỗ Sơn (Tân Lạc). Gần đây nhất vào ngày 4/11/2018, 2 phu vàng đã tử vong do bị đất, đá vùi lấp tại điểm khai thác vàng sa khoáng trái phép tại hang Cột Cờ, thôn Lộng, xã Thanh Nông (Lạc Thủy). Sau 11 ngày nỗ lực, lực lượng cứu hộ, cứu nạn mới tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2.

Số vụ TNLĐ năm sau cao hơn năm trước, nguyên nhân chính được xác định là doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Việc chấp hành các quy định pháp luật của một số doanh nghiệp chưa tốt, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trình độ chuyên môn, ý thức tác phong công nghiệp và việc chấp hành các quy định của pháp luật ATVSLĐ của NLĐ còn hạn chế, không ít trường hợp chủ quan, vi phạm quy trình, quy định an toàn dẫn đến TNLĐ. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm về ATLĐ. Cũng từ đầu năm 2014 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 107 vụ cháy làm 5 người chết, 33 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá 11,36 tỷ đồng và 14,75 ha rừng. Nguyên nhân được xác định 35 vụ do bất cẩn; 55 vụ do chập điện; 6 vụ do sự cố kỹ thuật, 7 vụ do đốt nương, làm rẫy và 4 vụ do nguyên nhân khác.


Công ty Điện lực Hòa Bình trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ đảm bảo an toàn cho công nhân lao động khi lắp đặt, vận hành hệ thống truyền tải điện.

Theo đồng chí Lê Trọng Long, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, 5 năm qua, lực lượng Thanh tra và các ngành chức năng trong tỉnh đã kiểm tra 1.165 doanh nghiệp, cơ sở SX-KD về ATVSLĐ, kiểm tra 33.050 cơ sở về công tác PCCC. Qua đó đã phát hiện và nhắc nhở 2.743 doanh nghiệp, cơ sở SX-KD chưa làm tốt công tác ATVSLĐ, công tác y tế; kiến nghị các đơn vị, cơ sở khắc phục 5.839 thiếu sót không đảm bảo ATVSLĐ, phòng - chống cháy, nổ. Riêng năm 2017, theo đề xuất của Tổ công tác liên ngành, UBND tỉnh đã ra Quyết định đình chỉ hoạt động và xử lý vi phạm hành chính đối với 47 doanh nghiệp vi phạm về thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, an toàn và môi trường.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, để tạo sự chuyển biến tích cực về công tác ATVSLĐ cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước đối với công tác ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về công tác ATVSLĐ. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục; nghiêm túc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ trên địa bàn, nhất là tại các doanh nghiệp. Quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa ATVSLĐ trong doanh nghiệp, các cơ sở SX-KD nhằm góp phần đáp ứng các yêu cầu thực hiện nghiêm túc Bộ luật Lao động, Luật ATVSLĐ, Luật PCCC, các văn bản chỉ đạo, các yêu cầu quy định từng ngành; áp dụng thành thạo các kỹ năng lao động, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ.

                                                                                           Đức Phượng

Đồng bộ giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế về an toàn vệ sinh lao động

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế về ATVSLĐ, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó nhiệm vụ hàng đầu là quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về pháp luật bảo hộ lao động và chỉ đạo khảo sát thực trạng về tình hình ATVSLĐ ở các doanh nghiệp để có kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp.

Đồng thời, ngành chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho chủ sử dụng lao động, người lao động. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo hiểm lao động ở các doanh nghiệp. Thông tin kịp thời về các vụ tai nạn lao động, nguy cơ tai nạn lao động, có biện pháp phòng ngừa, xử lý mạnh tay những đơn vị vi phạm quy định Luật ATVSLĐ và các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đầu tư kinh phí thỏa đáng, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ kỹ năng nắm bắt kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng nghiên cứu khoa học VSATLĐ. Nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và mở rộng tham gia của các đối tác xã hội khác với nhiều phương thức và mô hình linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm xã hội trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách ATVSLĐ nhằm hiện thực hoá các biện pháp phòng ngừa, khắc phục giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, duy trì khả năng lao động cho người lao động.

                                                            Bùi Văn Mựn (Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Sơn)

* Thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động

Các hành vi vi phạm quy định về ATVSLĐ phổ biến ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh là không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, chưa khám sức khỏe định kỳ, trang bị phương tiện bảo hộ lao động và không khai báo khi xảy ra tai nạn lao động.

Nguyên nhân là do việc chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe, phòng - chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động chưa được lãnh đạo các ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Nhận thức của người sử dụng lao động về vệ sinh lao động, phòng - chống bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều lao động chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp... Vì vậy cần có chế tài xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra. Chỉ có xử lý nghiêm minh, mạnh tay mới có tác dụng răn đe, đẩy lùi tình trạng coi thường pháp luật về ATVSLĐ.

                                                          Hà Tuấn Nghĩa, Phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình)

*Chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Thực tế cho thấy, quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã phát sinh những yếu tố nguy hiểm, độc hại và người lao động phải làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ mất an toàn.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng do việc tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động của phần lớn các doanh nghiệp yếu kém, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động của doanh nghiệp còn rất hạn hẹp. Cá biệt, có những doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động; không thực hiện quan trắc môi trường, đo lường các yếu tố gây hại tại nơi làm việc … Vì vậy cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn chính sách, đồng thời xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về an toàn vệ sinh lao động một cách kịp thời, đầy đủ; bổ sung các chế tài với hành vi vi phạm mới nhằm bảo đảm tính tuân thủ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường biên chế cho hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh lao động; tăng thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền so với quy định hiện hành...

                                                     Trần Anh Tuấn 

                                            Thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn)


Video liên quan

Chủ đề