Dạ đài cách mặt khuất lời rưới xin giọt nước cho người thác oan

           Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, ông từng phiêu bạt, sống gian khổ ở nhiều nơi khác nhau nên đã chứng kiến những bất công ngang trái của cuộc đời đặc biệt là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Qua trang đời của người con gái tài hoa bạc mệnh - Thúy Kiều, Nguyễn Du đã phải thốt lên: "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Trao duyên là nốt nhạc buồn khởi đầu cho cung đàn bạc mệnh suốt mười lăm năm của Thúy Kiều. Nếu như ở 12 câu đầu Thúy Kiều nhờ cậy em gái Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng thì ở 14 câu tiếp Thúy Kiều đầy xót xa đau đớn mà trao kỉ vật cho Thúy Vân và nhờ cậy em truyện mai sau.
 

           Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, ông từng phiêu bạt, sống gian khổ ở nhiều nơi khác nhau nên đã chứng kiến những bất công ngang trái của cuộc đời đặc biệt là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Qua trang đời của người con gái tài hoa bạc mệnh - Thúy Kiều, Nguyễn Du đã phải thốt lên: "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Trao duyên là nốt nhạc buồn khởi đầu cho cung đàn bạc mệnh suốt mười lăm năm của Thúy Kiều. Nếu như ở 12 câu đầu Thúy Kiều nhờ cậy em gái Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng thì ở 14 câu tiếp Thúy Kiều đầy xót xa đau đớn mà trao kỉ vật cho Thúy Vân và nhờ cậy em truyện mai sau.
          Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như hiệu là Thanh Hiên, quê tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình vô cùng danh giá, cha làm quan lớn trong triều Lê, anh trai cùng cha khác mẹ cũng làm tới quan Tham tụng trong triều. Tuổi thơ ông đầy biến động, cha mẹ mất sớm, phải tha hương nhiều nơi lúc thì về quê cha, khi về quê mẹ và có một thời gian phải phiêu dạt tận quê vợ ở Thái Bình. Có thể nói chính cuộc sống chìm nổi cùng với thời thế đầy biến động, phiêu bạt nhiều nơi đã tạo nên một Nguyễn Du có học vấn sâu rộng, trái tim chất chứa yêu thương và cảm thông sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Nguyễn Du được coi là một người có thiên phú văn học từ nhỏ, bậc thầy trong việc sử dụng tiếng Việt, là ngôi sao sáng chói trên bầu trời văn học Việt Nam. Ông để lại cho đời cả một kho tàng văn học phong phú với khoảng hơn ngàn tác phẩm bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, trong đó không thể không kể đến Truyện Kiều. Đó là một kiệt tác viết bằng chữ Nôm dựa trên cốt truyện tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân, tuy nhiên đã được sáng tạo tài tình cải biến để phù hợp với xã hội Việt Nam. Câu truyện được kể bằng 3254 câu thơ, đoạn trích Trao duyên bắt đầu từ câu 723 đến 756.

     Sau khi nhờ cậy Vân trả nghĩa cho Kim Trọng, Thúy Kiều trao kỉ vật tình yêu lại cho Vân:

"Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung"

     "Chiếc vành", "tờ mây" là những kỉ vật minh chứng cho tình yêu cũng là lời thề ước của Kim Trọng và Thúy Kiều. Kỉ vật của một mối tình đẹp mà Kiều không nỡ rời xa nay đành gửi gắm tất cả lại cho Vân. Đồ vật thì có thể trao lại cho người khác, nhưng còn tình cảm thì làm sao gửi gắm được, tình yêu giữa hai người đâu phải muốn cho ai là cho. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng giữa Kiều và chàng Kim, không thể có người thứ ba xen vào. “Duyên này thì giữ” là trao kỉ vật nhưng không thể quên được kỉ niệm điều đó chứng tỏ tình yêu sâu đậm, nồng nàn của  Kim - Kiều. “Của chung” là vật từng là của riêng Kim và Kiều, nay là của chung Kim, Kiều, Vân, nó gợi được sự đau đớn và tiếc nuối. Nguyễn Du có lẽ đang oán cái chế độ xã hội tàn bạo, cổ hủ khiến cho một tình yêu thiêng liêng, mặn nồng như thế phải tan vỡ. 

     Kỉ vật đã trao lại cho em, Kiều nhắc nhở Vân những lúc hạnh phúc ở bên người yêu thì đừng quên chị:

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa"

     Trao kỉ vật lại cho em cũng nhằm để cho em nhớ đến mình, nàng tự coi mình là “mệnh bạc” để người khác xót xa thay cho thân phận mình. Sợi tơ duyên đẹp đẽ ngày nào đã mất đi thì sống trên đời cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Kiều chỉ mong rằng Thúy Vân còn giữ kỉ vật cũng như nhớ về người chị “mệnh bạc” này. Chút níu giữ đó là vật làm tin nay cũng trao đi rồi, còn "phím đàn” ở lại như để mỗi khi ai đó đánh lên sẽ nhớ tới nàng. Bốn câu thơ tiếp theo chính là những dự cảm về cái chết mà Kiều đã sẵn sàng đón nhận:

"Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về"

     Tác giả sử dụng từ ngữ mang tính giả định "mai này", "dù có" để thấy được tưởng tượng của Kiều về cảnh ngộ của mình trong tương lai, Thúy Kiều đã mất niềm tin vào tương lai phía trước. Một người đương tuổi xuân phơi phới nhưng luôn nghĩ về cái chết. Nàng chỉ mong ước duy nhất đó là mai sau Thúy Vân hãy nhớ tới linh hồn của mình để nàng đỡ lẻ loi, hiu quạnh. Khi đàn, khi đốt hương hay khi trông ra ngọn cỏ thì hãy nhớ đến người chị này. Kiều mất niềm tin vào cuộc sống, cho dù chết cũng chỉ biết nương nhờ cỏ cây, vật vờ nơi lá cây ngọn cỏ chứ chẳng biết bám víu vào đâu.

     ​​​​​​​Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rưới xin giọt nước cho người thác oan"

     Hình ảnh "hồn", "thân bồ liễu", "ghì trúc mai",  "dạ đài", "giọt nước", "thác oan" gợi ra cuộc sống cõi âm, đầy tâm linh, ma mị. Lời thề, lời hẹn ước mặc dù đã được trao cho em thay mình trả nhưng không có nghĩa là cô đã hoàn toàn trút bỏ, lãng quên. Thậm chí kể cả khi đã chết thì vẫn “mang nặng lời thề”. Nàng tự ví mình như “bồ liễu”, “trúc mai” tuy mảnh mai, yếu đuối nhưng lại thanh cao. Mong muốn được rửa oan khuất khi bị tước mất quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc.

          Bằng nghệ thuật khắc họa, miêu tả nội tâm nhân vật, ngôn ngữ độc thoại sinh động, sử dụng ngôn từ điêu luyện tác giả đã cho người đọc thấy được tâm trạng vật vã, đau đớn rồi ngất đi trong tiếng kêu thảng thốt, ai oán của Thúy Kiều. Đó là tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Kiều khi phải nhường lại tình yêu của mình và Kim Trọng. Qua đó thấy được bi kịch mà người phụ nữ xưa phải chịu rất nghiệt ngã. Thời gian trôi qua đã hàng trăm năm nhưng đoạnn trích Trao duyên nói riêng và kiệt tác Truyện Kiều nói chung vẫn còn nguyên giá trị bởi tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao. 

Phân tích 14 câu thơ giữa của đoạn trích Trao duyên (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn..” (Phạm Quỳnh) Thật không ngoa khi khẳng định Truyện Kiều là một kết tinh cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Khi mà “trải qua những cuộc bể dâu” Truyện Kiều vẫn là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất dẫn dắt tâm hồn dân tộc tìm về chân, thiện, mỹ ở đời. Vượt ra ngoài thành công của nghệ thuật ngôn từ, Truyện Kiều trở nên vĩ đại là bởi tấm lòng nhân đạo của cụ Nguyễn Du thấm đẫm từng trang thơ, xuyên suốt 15 năm lưu lạc trong cuộc đời đầy thăng trầm của nàng Kiều mà đoạn trích Trao duyên chính là căn nguyên đầu tiên của bản đoạn trường. Trước lúc rời xa người thân bắt đầu dấn thân vào sương gió, Kiều đã trao lại mối duyên tình cho Thuý Vân. Khi đã dùng mọi lời thuyết phục Vân đồng ý trong 12 câu thơ đầu đoạn trích, Kiều đứt ruột mà trao lại từng tín vật cho Vân ở 14 câu thơ tiếp theo.

Nhận xét về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Mộng Liên Đường chủ nhân từng nói “con mắt trông thấu cả sáu cõi, có tấm lòng suốt cả nghìn đời”. Có thể thấy, con mắt ấy là con mắt của một người đã trải qua nhiều thăng trầm, đời cũng lắm truân chuyên khi sống trong xã hội đầy biến động. Các tập đoàn phong kiến Lê Trịnh chỉ tranh giành quyền lực mà mặc kệ đời sống nhân dân. Bọn quan tham nhũng nhiễu, đồng tiền giữ cán cân công lý… Tất cả mặt trái của xã hội phong kiến thối nát chi phối thế giới quan của Nguyễn Du cùng với quãng đời lưu lạc, Nguyễn Du có hiểu biết phong phú, nhiều chiều, kiến thức sâu rộng đặc biệt là am hiểu tình đời, lòng người. Sự am hiểu này tác động đến tâm hồn “ưu thời mẫn thế” khiến nhà thơ trải lòng mình thương cảm cho những số kiếp hẩm hiu. Kiều từ đấy là ra đời cùng với tấm lòng nhân đạo cao cả ở Nguyễn Du.

Thuý Kiều là một trang tuyệt sắc giai nhân có cuộc đời bình lặng cùng với gia đình. Nàng gặp gỡ và đính ước thề nguyền cùng chàng Kim Trọng, nguyện suốt đời khắc cốt ghi tâm mối duyên tình. Ngờ đâu cũng vì bọn quan sai tham tài mà đẩy gia đình nàng rơi vào cơn nguy biến. Để cứu cha và em, Kiều đành bán thân để tròn chữ hiếu còn chữ tình thì đứt đoạn. Sau một đêm khóc thương cho phận mình, Kiều đã trao lại duyên tình cho Thuý Vân. Đoạn trích Trao duyên trích từ câu 723 đến câu 756 đã làm rõ bi kịch trong tình yêu và bi kịch thân phận của Thuý Kiều.

Nếu ở 12 câu thơ trước đó là một cuộc tranh đấu giữa lý trí và tình cảm khi Kiều thuyết phục em chịu lời thì 14 câu thơ này Nguyễn Du đã tập trung khắc hoạ tâm trạng giằng xé của nàng Kiều thể hiện rõ qua cách sắp xếp lời nói và hành động khi Kiều trao tín vật lại cho Vân.

“Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

Trao duyên đâu chỉ là trao lại lời cậy nhờ Thuý Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Để thể hiện tấm chân tình của mình, Kiều đem cả những tín vật hẹn thề giữa hai người để trao lại cho em. Việc làm này không phải là bước cuối cùng để hoàn thành thủ tục trao duyên mà là sự tiếp nối dẫn đến cao trào của tâm trạng hoang mang, đau đớn khi lý trí bảo rằng phải làm như thế mà con tim thì từng hồi quặn thắt. Bởi thế mà Kiều không thể một lần trao hết kỉ vật cho Vân. Nàng đưa vật trước rồi sau đó là những lời than thở. Mỗi lần kỉ vật rời tay nàng là mỗi lần nàng chìm vào trong mối tơ vò.

“Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này em giữ, vật này của chung”

“Chiếc vành”, “bức tờ mây” được Kiều đưa đầu tiên cho Vân. Chuyện trao tín vật không phải lạ lùng nhưng khác thường ở chỗ cách mà nàng Kiều định danh cho kỉ vật. “Chiếc vành” và “bức tờ mây” thì đúng là “vật này” nhưng “duyên này” lại là cách nói mơ hồ. Hãy nhớ rằng hai vật này đã in dấu mối tình tưởng như bền chặt trăm năm của Kim Kiều. Ngày đầu xuân năm nào cũng là lần đầu tiên gặp gỡ, Kiều đã cố tâm để quên trên cành đào chiếc kim thoa (chiếc vành) để rồi Kim Trọng mượn lý do trao lại cùng chiếc khăn hồng. Chiếc vành là duyên gặp gỡ, duyên tao ngộ cũng vầy duyên đôi lứa. Còn “bức tờ mây” không gì khác ngoài bức tiên thề hai người đã soạn ra cùng với tóc mây hai mảnh chia đôi trong đêm trăng sáng chứng giám cho lời thề hẹn. Nếu tách câu thơ ra sẽ nhìn thấy được sự sắp xếp tinh tế trong lời nói của Kiều. “Chiếc vành” là “duyên này”, “bức tờ mây” là vật này. Nếu nhìn ở góc độ ấy ta sẽ hiểu được ý ngầm của nàng Kiều “thông minh vốn sẵn tính trời”. “Chiếc vành” suy cho cùng là của riêng Kiều nên Kiều có thể trao lại cho em nhưng “bức tờ mây” là lời ký thác của hai người Kim – Kiều cũng là tấm chân tình mà chàng Kim trao cho Kiều nên Kiều không thể tự mình trao cho Vân tất cả. Thế nên “chiếc vành” Vân có thể thay chị “giữ”, tạm gọi là của riêng Vân chứ “bức tờ mây” thì là “của chung”.

Biết rằng trao vật là trao duyên và nghĩa là mình sắp không còn gì nữa nên nàng Kiều đã hoang mang mà đánh mất đi một phần lý trí. Diễn biến tâm trạng của Kiều từ đây về sau đoạn trích đều theo hướng thiếu dần sự sáng suốt, bình tâm. Vì thiếu bình tâm nên lời nói có phần mâu thuẫn. Duyên đã trao cho em, cả kỉ vật cũng trao vậy mà Kiều lại dùng từ “giữ” và “của chung”. “Giữ” chỉ là Vân thay chị bảo tồn, giữ gìn chứ không hẳn là sở hữu. Vậy hoá ra cái phần duyên mà Kiều trao em chỉ là phần xác, là lý thuyết còn cái cốt lõi, cái thiêng liêng thì thuộc về “của chung”. Có nhiều cách hiểu “của chung” là gì. Nếu hiểu của chung là mối duyên tình của cả ba người Kim, Kiều và Vân thì chưa thỏa đáng. Bởi lẽ hơn ai hết Kiều hiểu rằng cuộc tình trọn vẹn không thể có người thứ ba. Vậy “của chung” thực ra tồn tại trong vô thức của nàng Kiều đó chính là của hai người Kim Trọng và nàng. Tuy có phần vô lý nhưng không phải Kiều lòng dạ hẹp hòi đã trao duyên cho em lại còn muốn lưu giữ tình cho riêng mình. Mọi nguồn cơn cũng do tình cảm đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của lý trí. Kiều là người nặng tình, trao duyên cho em nhưng tình thì đâu dễ trao.

Trong cảnh tình ấy hẳn Kiều đã cầm lên kỉ vật mà nâng niu, mà đầm đìa nước mắt. Cứ trao một vật là buông lời thở than. Nàng mong muốn em nên vợ nên chồng thì lại khẩn cầu “xót người bạc mệnh”, khi trao “mảnh hương nguyền” thì lại nghĩ đến viễn cảnh sống tức tưởi ở bên kia thế giới. “Người bạc mệnh” chính là cách nói ẩn dụ cho số phận nàng Kiều mỏng manh, bạc bẽo. Cái hồng nhan giữa cơn vẫn vũ đã không giữ được lời thề lại còn phải đứt ruột mà trao tình cho em. Thử hỏi với người con gái nặng nghĩa sâu tình thì có phải số mệnh cũng đứt đoạn từ đây. Dù người đã mất thì vẫn còn “của tin”. Trong giờ phút ấy, Thuý Kiều hiểu rằng lòng chàng Kim và cả Thuý Vân dù có vầy duyên đôi lứa vẫn không thể quên mình. Đã vậy thì người mất chứ tình vẫn còn. Từ “của chung” sẽ dẫn đến “của tin”.

Nói là trao cho Vân “phím đàn với mảnh hương nguyền” nhưng thực sự vật này đâu phải vật cầm trao. Nếu cho “phím đàn” là cách gọi của cung đàn mà Kiều đã so dây dạo cho Kim Trọng nghe trong lần gặp gỡ thì đúng là kỷ vật này chỉ mang phần xác. Dù vẫn là cây đàn cũ, phím tơ đã từng vang lên cung thương cung oán nhưng không có người xưa nhẹ nhàng nâng phím thì đàn có khác chi một vật vô tri. Điều mà Nguyễn Du muốn nói là dư âm còn đọng lại, là phần linh hồn có muốn cũng không thể trao. Cả “mảnh hương nguyền” cũng thế. Mảnh hương còn sót lại trong buổi “đốt lò hương ấy so tơ phím này” hay chỉ là một ký ức đeo đẳng không rời. Nếu đã thuộc về linh hồn, ký ức thì đúng là khó mà trao.

Đoạn thơ còn có sự góp mặt của phép điệp “dù” được lặp lại ba lần: “chị dù thịt nát xương mòn”, “dù em nên vợ nên chồng”, “mai sao dù có bao giờ”. Ở cả ba lần xuất hiện “dù” hàm ý suy đoán một khả năng trong giả định có thể xảy ra ở tương lai. Nhìn một cách tổng thể để thấy Kiều muốn nói rằng: sau này, chị dù có “thịt nát xương mòn” thì cũng ngậm cười nơi chín suối. Em dù có nên duyên chồng vợ với Kim Trọng thì cũng đừng quên người bạc mệnh là chị đây. Và hơn thế nữa, lúc nào đó em cùng chàng đốt mảnh hương, so lại phím xưa thì đâu đó hồn chị đã trở về. Thế nên điệp khúc “dù” đã vẽ ra viễn cảnh thảm thương cứ mãi ám ảnh Kiều.

Cái hay của Nguyễn Du là trong phần chung vẫn tinh tế tìm ra được nét riêng của mỗi trường hợp từ “dù” xuất hiện. “Chị dù thịt nát xương mòn” là lời thuyết phục tối hậu Kiều buộc Vân đồng ý nên sắc thái khẳng định. Câu thơ còn mang cả sức nặng khi Kiều lấy cái chết để tăng ý nghĩa thiêng liêng. Câu “dù em nên vợ nên chồng” sắc thái khẳng định đã mất đi phần nào, câu thơ mang âm điệu dè dặt, chút lo âu và không dứt khoát. Không thể bỏ qua vai trò của từ “ắt” trong câu “xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên” đã góp thêm một tiếng nói e dè, chần chừ khi nhắc đến chuyện Vân và chàng Kim vầy duyên đôi lứa.

Riêng câu “Mai sau dù có bao giờ” thì ngoài ý nghĩa của “dù” câu thơ còn đặc biệt khi nhịp ngắt 2/2/2 từng lời ngập ngừng, ngắt quãng như bẻ đôi ra. Đó mới đúng là tâm trạng uất nghẹn, đau đớn của Kiều. Sau câu thơ này là Kiều nghĩ về cái chết. Một cái chết tức tưởi, oan khuất mà hồn phách còn vất vưởng nặng nợ trần gian.

“Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rưới xin giọt nước cho người thác oan.”

“Dù có bao giờ” không còn là ý nghĩa giả định những chuyện có hoặc không có khả năng xảy ra ở tương lai mà vẽ ra một viễn cảnh thê lương với khả năng trở thành hiện thực rất lớn đến mức người nghe bị ám ảnh bởi sự âm u, tiếng than ai oán. Bầu không khí thì phảng phất hồn ma bóng quế vừa mơ hồ lại vừa huyễn hoặc. Một người con gái đa sầu đa cảm đã tự soạn cho mình khúc Bạc mệnh não nhân, đã từng thổn thức trước số phận hẩm hiu của nàng Đạm Tiên chắc hẳn đã dự cảm những sóng gió mà nàng sắp sửa trải qua. Bán mình làm vợ lẽ không là con đường chết nhưng khi đã trao tất cả duyên tình thì Kiều nghĩ linh hồn của mình đã không còn trong thể xác. Linh hồn ấy sẽ theo lò hương, phím đàn mà trở về chứng kiến hạnh phúc của em mình.

Đoạn thơ sử dụng nhiều hình ảnh mơ hồ từ thời gian không xác định “mai sau”, “bao giờ” đến từ ngữ chỉ cái chết “hồn”, “hiu hiu gió thì hay chị về”, “nát thân bồ liễu” “dạ đài”, “thác oan” như được lấy ra từ một bài văn chiều hồn viết cho chính người còn sống. Ở đó “thân bồ liễu” là cách nói ẩn dụ khi Nguyễn Du mượn đặc điểm của loài cây dương liễu sống gần mặt nước, dù cây vẫn còn sống nhưng cành lá đã tiêu điều để chỉ sự sống yếu ớt, mỏng manh. “Bồ liễu” là phận má đào vốn đã dễ khổ đau nay lại phải đối diện trước duyên số hẩm hiu thì tấm thân dù có nát tan thì vẫn xin giữ vẹn nghĩa tình “đền nghì trúc mai”. Thêm một cách ước lệ tượng trưng được sử dụng “trúc mai” chỉ người quân tử cũng là chỉ tấm lòng son sắt thuỷ chung của Kiều đối với Kim Trọng.

Người còn ở dương gian mà nỗi lo sợ của nàng đã xuống “dạ đài”. Thế nên nàng nghĩ đến chuyện sau này giữa nàng và chàng Kim “cách mặt khuất lời”. Hai kẻ hai nơi xa biệt, không nhìn thấy mặt nhau cũng chẳng thể nghe tiếng nói. Còn chăng chỉ là chút lòng nghĩ về nhau để mà thương cảm cho kẻ đã “thác oan”. Kiều vẫn còn sống nhưng thể xác đã rệu rã không còn đủ sức gọi hồn vía trở về. Trong giây phút ấy, Kiều nghĩ mình đã chết, nói đúng là hơn chết oan khuất nên linh hồn không siêu tán. Nghĩ rằng mình “thác oan” là Nguyễn Du đang mượn lời Kiều để tỏ thái độ phản kháng với sự suy đồi của thời cuộc, công lý và nhân nghĩa đi đâu vắng chỉ để kẻ buôn người, những tên quan tham lộng hành. “Thác oan” cũng là vì sự bất công của xã hội thối nát đã bắt một người con gái trung trinh, son sắt phải sống trong nỗi đau số phận bị vùi dập. Có thể nói đến lúc này đây Thuý Kiều đang chính thức nghĩ đến bi kịch cuộc đời mình. Bi kịch duyên tình không trọn vẹn, bi kịch sinh ra là kiếp nhan hồng mà tạo hoá tỵ hờn khiến cho má đào tan nát và phải chăng tấn bi kịch còn mãi về sau là sống mà như đã thác, vật lộn với bùn nhơ để cố giữ chút trinh nguyên trong tâm hồn. Thế nên Kiều xin em mình “rưới xin chén nước” không phải để hưởng chút lộc của người sống dành cho người chết mà chén nước ở đây là loại nước tinh khiết để giải oan. Theo quan điểm của người xưa, chỉ có người sống mới có thể giải mối oan tình cho người đã khuất thế nên dù hiểu lòng mình trong sạch nhưng Vũ Nương cũng mong chàng Trương lập đàn giải oan nghiệt đã gieo.

Tóm lại, ở 14 câu thơ giữa của đoạn trích Trao duyên, Nguyễn Du đã thực sự chứng tỏ mình là bậc thầy của ngôn ngữ đồng thời cũng là người có tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Nhiều từ ngữ tinh tế, đa sắc thái kết hợp xen kẽ các chi tiết miêu tả lời nói, hành động…Tất cả diễn biến theo mạch tâm lý của một cô gái thông minh, nhạy cảm đối diện với bi kịch đời mình.

Đoạn thơ rất thành công khi thể hiện sự xung đột giữa lý trí và tình cảm. Ban đầu là lý trí dẫn đường nhưng càng về sau tình cảm càng thắng thế. Đấy mới đúng là tâm lý của nàng Kiều, một con người có số phận đặc biệt có tính cách đặc biệt và cũng sống động, đau thương như nỗi đau của người phụ nữ tài hoa sống trong giai đoạn xã hội tăm tối.

“Mặt ngọc nỡ sao vùi đáy nước

Lòng trinh không thẹn với Kim Lang

Đoạn trường mộng tỉnh duyên đà đứt

Bạc mệnh đàn ngưng hận vẫn vương…”

(Phạm Quý Thích)