Cộng đồng Kinh tế châu Âu ra đời năm bao nhiêu?

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Bộ Hiệp ước Rome (25-3-1957 - 25-3-2007) -  đánh dấu sự ra đời của Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ được các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên tổ chức trọng thể tại thủ đô Berlin, CHLB Ðức, vào ngày mai.

Nhìn lại nửa thế kỷ hình thành và phát triển, EU đã đạt những thành tựu đáng tự hào, song đang phải đối mặt nhiều thách thức. Sự khẳng định một quyết tâm chính trị chung có ý nghĩa quan trọng đối với EU trong bối cảnh hiện nay.

Bộ Hiệp ước lịch sử

Là chảo lửa của cả hai cuộc chiến tranh thế giới, hơn ai hết, người dân châu Âu hiểu rõ sự sống còn phải xây dựng một nền hòa bình, ổn định và phát triển bền vững giữa các quốc gia trong châu lục. Nỗi ám ảnh về những tội ác khủng khiếp và bối cảnh sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với "bức màn sắt" chia cắt châu Âu, "chiến tranh lạnh" chia hai phần thế giới cùng nhiều cuộc xung đột cục bộ, nguy cơ nảy sinh một cuộc chiến mới toàn cầu,... khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải tìm kiếm một sự hợp tác.

Ý tưởng đầu tiên về việc đặt than và thép (hai nguồn nguyên liệu chủ yếu của nền kinh tế lúc đó và của mọi cuộc chiến) dưới một cơ quan quản lý chung của châu Âu, được Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schuman đưa ra trong Tuyên bố ngày 9-5-1950, đã dẫn tới sự hình thành Cộng đồng than, thép châu Âu (ECSC) theo Hiệp ước Paris năm 1951. Ngày 9-5 được chọn là Ngày châu Âu.

Sáu nước thành viên sáng lập ECSC gồm Pháp, Ðức, Italy, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg còn dự định thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (EDC) vào năm 1954, nhưng thất bại do không thống nhất và chưa đủ lực lượng độc lập. Không lập được liên minh chính trị, quân sự, "các kiến trúc sư châu Âu" quyết định tập trung mọi nỗ lực xây dựng liên minh kinh tế, với hy vọng hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng sẽ giúp châu Âu tránh được mọi nguy cơ xung đột, không còn cảnh chiến tranh tàn phá và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân nữa.

Ngày 25-3-1957, tại thủ đô Rome của Italy, sáu sáng lập viên ECSC đã ký hai hiệp ước lịch sử, gọi là Bộ Hiệp ước Rome, về thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (EURATOM), trong đó EEC là sự hợp tác kinh tế toàn diện, trở thành tiền thân của EU ngày nay. Lời mở đầu của Hiệp ước thành lập EEC khẳng định rằng, các quốc gia tham gia ký kết "thể hiện rõ quyết tâm thiết lập nền móng cho một liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết của các dân tộc tại châu Âu". Bộ Hiệp ước Rome đã được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn sau đó và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-1958.

Những thành tựu đáng tự hào

Dựa trên nền tảng Bộ Hiệp ước Rome, EEC dần hình thành các thể chế như Ủy ban châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng châu Âu, Nghị viện châu Âu và Tòa án châu Âu, đảm nhiệm các chức năng chuyên biệt theo một loạt các hiệp định và hiệp ước mới. EEC bắt đầu vận hành như một liên minh thuế quan và một thị trường chung giữa các nước.

Các nước thành viên EEC nhất trí bãi bỏ các hàng rào thuế quan trong giai đoạn chuyển tiếp 12 năm nhưng trước những thành tựu kinh tế do thương mại tự do đem lại, thời kỳ này đã được rút ngắn. Tháng 7-1968, toàn bộ các hàng rào thuế quan trong EEC được bãi bỏ hoàn toàn; đồng thời, một hàng rào thuế quan chung được áp dụng cho tất cả sản phẩm đến từ các nước thứ ba.

Khối thị trường chung dần phát triển thành "thị trường duy nhất", với sự lưu thông tự do của không chỉ các loại hàng hóa mà cả dịch vụ, con người và tiền tệ, không bị giới hạn bởi biên giới của các nước thành viên. Việc thành lập EU theo Hiệp ước Ma-xtơ-rích năm 1992 đánh dấu sự chuyển tiếp từ một cộng đồng kinh tế sang một liên minh chính trị với các giá trị chung. EU xây dựng được ngân sách chung và chính sách nông nghiệp chung (CAP), hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản trong khối, trở thành một trong nhiều lợi thế cạnh tranh của kinh tế EU.

Sau 30 năm đề xướng và thảo luận, ý tưởng thành lập khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu trở thành hiện thực. Ngày 1-1-2002, đồng euro chính thức được lưu hành và đến nay, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) quy tụ 13 nước, trong đó Slovenia mới gia nhập từ ngày 1-1-2007. Ðồng euro được coi là một thành quả cụ thể nhất của tiến trình nhất thể hóa kinh tế trong EU từ 50 năm qua.

Qua sáu đợt mở rộng, EU đã phát triển lên 15 nước thành viên vào năm 1995, rồi 25 nước vào năm 2004 (với việc kết nạp mười nước Ðông và Trung Âu) và 27 nước, sau sự gia nhập của Bulgaria và Romania ngày 1-1 vừa qua. Số dân EU giờ đây lên tới hơn 483 triệu người.

Bên cạnh việc trở thành một "siêu cường thương mại toàn cầu" và một "yếu tố gây ảnh hưởng" trong chính trị quốc tế, EU đang nỗ lực xây dựng các giá trị và nguyên tắc chung: Ðề cao phẩm giá con người, quyền sống, hủy bỏ án tử hình, tự do ngôn luận và tôn giáo,...

"Công trường xây dựng" còn ngổn ngang

Mặc dù đạt những thành tựu vượt bậc trong quá trình xây dựng EU một cách vững chắc và hiện thực từ nửa thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo EU phải thừa nhận rằng liên minh này vẫn đang là một "công trường" và bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, ngay trong những lĩnh vực tưởng chừng đã thành công.

Nếu như liên minh kinh tế, tiền tệ EU (EMU) hay eurozone được đánh giá là kết quả hợp tác lớn nhất, hiện vẫn còn ba nước trong số 15 thành viên cũ (EU-15) chưa gia nhập, dù đủ điều kiện, gồm: Anh, Thụy Ðiển, Ðan Mạch (do "chủ nghĩa hoài nghi châu Âu" và luôn tin tưởng đồng nội tệ). Các nước thành viên mới phải trải qua giai đoạn tối thiểu hai năm trong Cơ chế tỷ giá hối đoái thứ hai (ERM II), một "phòng chờ" trước khi đáp ứng đủ các tiêu chí gia nhập khắt khe theo Hiệp ước Maastricht.

Trong khi tự do đi lại là một trong các quyền cơ bản theo luật cộng đồng châu Âu và là một yếu tố chính của chế độ công dân châu Âu, việc mở cửa thị trường lao động tự do EU vẫn bị hạn chế và phân biệt đối xử. Ðến nay mới có tám nước thuộc EU-15 chấp nhận lao động đến từ 10 nước thành viên mới, không tính Bulgaria và Romania.

Tiến trình mở rộng EU với việc khởi động đàm phán gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10-2005 hoàn toàn bế tắc.

Trong khi các nhà lãnh đạo EU bất đồng giữa việc xây dựng mô hình kinh tế xã hội hóa và nền kinh tế thị trường tự do, đông đảo người dân EU phàn nàn rằng, liên minh này quá chú trọng phát triển kinh tế mà quên mất "phương diện xã hội" trong các chính sách, các chương trình nghị sự, thậm chí trong cả văn kiện mới và quan trọng nhất của EU, đó là Hiệp ước thành lập Hiến pháp châu Âu (TEC).

Sau khi các cử tri Pháp và Hà Lan (hai nước đồng sáng lập EU) phản đối TEC qua trưng cầu ý dân giữa năm 2005, quá trình phê chuẩn Hiến pháp châu Âu tại các nước thành viên EU bế tắc, trở thành trở ngại lớn nhất trong quá trình nhất thể hóa châu lục. Ðến nay mới có 17 nước phê chuẩn văn kiện này.

Theo kết quả thăm dò dư luận tại nhiều nước EU đăng trên Thời báo Tài chính (Anh) ngày 19-3 vừa qua, 44% số người được hỏi cho rằng cuộc sống của họ "khó khăn hơn" sau khi gia nhập EU, 22% đề nghị rút khỏi tổ chức này.

Khẳng định quyết tâm chính trị

Dù sao đi nữa, con tàu nhất thể hóa EU đang trên đà không thể dừng bánh. Trong Tuyên bố Berlin được các nhà lãnh đạo EU thông qua ngày mai, các giá trị chung và mục tiêu xây dựng một châu Âu thống nhất, hòa bình, ổn định và thịnh vượng một lần nữa được khẳng định sau nửa thế kỷ. Sau khi dành "thời gian suy ngẫm" hai năm qua cho quá trình phê chuẩn Hiến pháp, số phận văn kiện này sẽ được quyết định tại Hội nghị cấp cao EU vào tháng 6 tới, với mục tiêu hoàn tất và áp dụng vào năm 2009, năm bầu cử các thể chế EU.

Tuyên bố Berlin nhấn mạnh các thách thức trong tương lai mà EU bắt đầu từng bước đối phó trong thời gian qua, đó là mặt trái của toàn cầu hóa, an ninh năng lượng và thay đổi khí hậu. Những cam kết tại Hội nghị Hội đồng châu Âu ở Brussels (Bỉ) đầu tháng 3 này chứng tỏ vai trò đầu tàu của EU trong việc thúc đẩy các vấn đề toàn cầu như tăng cường sử dụng năng lượng tái sinh, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn khí hậu Trái đất nóng lên,...

Trong tương lai, EU sẽ mở rộng đến đâu khi điều này đồng nghĩa với việc gia tăng trách nhiệm? Quyết tâm xây dựng một liên minh hợp tác toàn diện của các quốc gia và dân tộc châu Âu là không thể đảo ngược nhưng đòi hỏi phải vạch ra những giới hạn nhất định về không gian và thời gian, trong đó, công dân EU phải được bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng.