Công chúa thuốc lào chữa bệnh là ai

Đã có rất nhiều bệnh nhân ở khắp các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An tìm về để nhờ "công chúa thuốc lào" chữa bệnh. Với các động tác bẻ, kéo, vặn tay, giẫm chân, vật lộn, và sau mỗi một lần chữa trị như thế, người phụ nữ lại hút một điếu thuốc lào. Khi clip của "công chúa thuốc lào" được phát đi, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Trước vấn đề này, UBND xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP Hà Nội đã đến kiểm tra giấy tờ nhưng người phụ nữ có biệt danh "công chúa thuốc lào" không xuất trình được giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh. Cô này khi khám bệnh đã dùng nhiều hình thức quảng cáo trên Facebook, zalo để mời gọi bệnh nhân.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê cho biết: "Nhóm này đến địa phương chúng tôi 2 ngày, bằng các hình thức quảng cáo, đã có nhiều người dân từ xa cũng tìm về chữa bệnh. Nhóm này làm thế chỉ để đánh bóng tên tuổi chứ không thể chữa khỏi được bệnh. Chúng tôi đã lập biên bản và không cho phép chữa trị nữa".

Sau khi bị UBND xã Nguyên Khê yêu cầu dừng hoạt động, nhóm "công chúa thuốc lào" lại di chuyển đến những địa phương khác, tiếp tục dùng chiêu thức quảng cáo trên mạng xã hội, mời gọi người bệnh đến khám, chữa. Bởi lòng tin, hi vọng có thể khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân khác lại tiếp tục trở thành nạn nhân của "công chúa thuốc lào". Việc chữa bệnh như vậy có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường về sau này.

Cách chữa bệnh không có cơ sở khoa học, người dân tìm đến với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" khiến không ít người từ hi vọng rồi lại thất vọng.

PV (ANTV)

Dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm đến thông tin sự việc "Công chúa thuốc lào" đến xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) để chữa bệnh cho người dân địa phương, với những hành động kỳ lạ như bẻ, kéo tay, vặn, dẫm chân… Thỉnh thoảng cô gái này lại châm điếu cày, hút thuốc lào một cách điêu luyện.

Nhằm làm rõ những thông tin liên quan, sáng ngày 8/12, PV Kiến Thức tìm về xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) để tìm hiểu thực hư sự việc.

Công chúa thuốc lào chữa bệnh là ai
Thôn Cán Khê (xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội).

Không có người dân địa phương nào được chữa bệnh

Theo những người dân thôn Cán Khê (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh), cô gái tên Nhung mệnh danh là “Công chúa thuốc lào” đã về thôn này 4 lần. Tuy nhiên khi đến đây Nhung chỉ tìm vào gia đình của bà H. - người dân Cán Khê bởi thông qua mạng xã hội họ quen biết nhau từ trước.

Đáng nói, cả 4 lần “Công chúa thuốc lào” về Cán Khê không có người dân nào trong thôn được chữa bệnh mà chỉ có những người bệnh nói rằng ở tỉnh xa như: Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Sài Gòn.

“Họ (Công chúa thuốc lào- PV) đến đây đông lắm. Có người được cô ấy móc tay vào miệng một cái là đếm được 1, 2, 3, 4 gì đó, nhưng cũng có người không chữa được. Nếu cô ấy không chữa được thì rút ra cho mỗi người 5 triệu đồng, không biết thật hay giả”, một người dân thôn Cán Khê kể lại.

Mời độc giả xem video người dân thôn Cán Khê nói về "Công chúa thuốc lào":

Một người dân khác sinh sống gần nhà bà H., khẳng định: “Lần 1, 2 Nhung về chữa có rất ít người. Đến lần thứ 3, rơi đúng ngày rằm mọi người mới tập trung nhau xem đông. Lần thứ 4, thì họ tổ chức luôn ở ngoài sân Nhà văn hóa thôn để chữa bệnh. Thật ra cô này không chữa được đâu, ở làng làm gì có ai được chữa…”.

Thứ 7 tuần trước là lần thứ 4 “Công chúa thuốc lào” về địa phương. Do lượng người dân tập trung nhau đến rất đông nên khắp các ngả đường di chuyển vào Nhà văn hóa thôn Cán Khê đều bị tắc nghẽn không di chuyển được. Những chiếc xe taxi, ô tô con…, nối đuôi nhau xếp hàng dài khắp các ngả đường rất hoành tráng. Mọi người chỉ giải tán khi các lực lượng chức năng đến yêu cầu giải tán và đưa “Cô gái thuốc lào” và những người liên quan đến trụ sở UBND xã Nguyên Khê làm việc.

Trước đó, trao đổi thông tin với PV, một lãnh đạo UBND xã Nguyên Khê khẳng định: Người phụ nữ tự nhận là “công chúa thuốc lào” – “nữ thần y” nói đi chữa bệnh từ thiện. Thời điểm lực lượng chức năng xã kiểm tra cô gái này không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến nghề.

Công chúa thuốc lào chữa bệnh là ai
Nhà văn hóa thôn Cán Khê, nơi "Công chúa thuốc lào" tổ chức chữa bệnh trái phép trước đó.

"Đấy là trò bịp bợm"

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội) khẳng định: “Chị Nhung không chữa được bệnh. Đây chỉ là trò bịp bợm”.

Công chúa thuốc lào chữa bệnh là ai
"Công chúa thuốc lào" khám bệnh chỉ là trò bịp bợm. Ảnh cắt từ clip.

Theo lãnh đạo UBND xã Nguyên Khê: Khi xã xuống mời chị Nhung về trụ sở làm việc, chị này cho biết nhà ở Gia Lâm, trước đây làm nghề buôn bán cát sỏi. UBND xã Nguyên Khê tiến hành lập biên bản nhưng chị này không ký và nói rằng: “Còn ít bánh mỳ ra chia nốt cho người dân rồi đi khỏi địa phương ngay”.

Bên cạnh đó UBND xã Nguyên Khê cũng tiến hành lập biên bản đối với thôn Cán Khê, chủ nhà là bà H., yêu cầu kiểm soát tình hình, nghiêm cấm xảy ra việc tương tự, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

“Đội này kéo nhau đến xã nói là chữa bệnh rất đông. Họ chữa miễn phí như vậy có thể ban đầu nhằm đánh bóng tên tuổi để sau này có uy tín rồi, thông qua cò mồi để xin hoặc lấy tiền của người bệnh”, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê nhận định.

Công chúa thuốc lào chữa bệnh là ai
Người phụ nữ áo đó tìm đến nhà bà H. với mong muốn tìm được "Công chúa thuốc lào".

Ghi nhận của PVtrưa 8/12, tại nhà bà H. ở thôn Cán Khê (người phụ nữ dẫn “Công chúa thuốc lào” về thôn Cán Khê – PV) vẫn có một số người dân ở xa tìm đến với mong muốn thông qua bà H. để gặp hoặc xin lịch trình chữa bệnh “Công chúa thuốc lào”. Từ đó đưa người thân đến chữa bệnh. Tuy nhiên họ đều không gặp được bà H. vì cửa nhà đã khóa chặt từ bên ngoài.

“Công chúa thuốc lào” lên tiếng!

Trao đổi báo chí “Công chúa thuốc lào” – Nguyễn Thị Hồng Nhung thừa nhận, bản thân làm nghề buôn bán cát sỏi. Cô này cho biết, đã làm “thầy” 15 năm nay và phương pháp chữa bệnh này bắt đầu từ năm 2008. Tuy nhiên khi hỏi về cách chữa bệnh kỳ lạ thì “Công chúa thuốc lào” không thể lý giải được “Mục đích của tôi là nắn bóp, kéo chân tay để từ từ phục hồi chức năng”, Nhung nói.

Theo “Công chúa thuốc lào” thì biệt danh này của cô được mọi người biết đến từ thời điểm cô "hầu đồng”.

Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, hành vi khám chữa bệnh của Nhung có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Tới đây, Sở Y tế Hà Nội sẽ theo dõi sát sao trường hợp này và yêu cầu ngừng ngay nếu tiếp tục khám chữa trên địa bàn Hà Nội.

Hưng Bùi

Công chúa thuốc lào chữa bệnh là ai

“Công chúa thuốc lào” Nguyễn Thị Nhung lần đầu tiên trả lời báo chí về cách chữa bệnh kỳ lạ của mình. Ảnh: PV

Người bệnh tìm đến qua clip trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội “sốt xình xịch” khi liên tục xuất hiện những clip về người phụ nữ trẻ tuổi, xinh đẹp được gọi là “công chúa thuốc lào” có khả năng chữa bệnh thiên tài. Theo đó, các clip phát trực tiếp này ghi lại cảnh một người tự xưng “cô” Nhung đang khám chữa bệnh cho người dân bằng cách bẻ, kéo, vặn tay, dẫm chân, vật lộn… cho những người mắc bệnh liệt nửa người sau tai biến, tai nạn, bại liệt, câm điếc…

Khoảng 1 tuần trước, tại thôn Cán Khê, Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội), nữ “thần y” này đã đến khám chữa bệnh cho người dân khiến không ít người từ các tỉnh thành như Bắc Giang, Hà Nam, Bắc Ninh… đã tìm về với hy vọng phương pháp kỳ diệu của “cô” Nhung sẽ chữa được bệnh cho họ.

Hàng trăm bệnh nhân cùng người nhà đứng ngồi la liệt bao quanh nhà văn hóa thôn Cán Khê chờ đến lượt được “thần y” chữa bệnh. Các bệnh nhân tìm đến đây có đủ lứa tuổi từ trẻ con đến các cụ già, các bệnh nhân câm, điếc, khoèo, liệt, tự kỷ…. Trong clip này cho thấy, các bệnh nhân được “cô” Nhung chữa bệnh phục hồi một cách “thần kỳ”, người bệnh có thể tự đứng, đi được vài bước dù trước đó bại liệt hoàn toàn, phải ngồi xe lăn không thể tự di chuyển. Bên cạnh đó là những tiếng hò reo vui mừng và những tràng pháo tay “tán thưởng” dành cho cả người bệnh và “nữ thần y” này.

Khi clip được phát tán trực tiếp trên mạng xã hội, không ít người coi nữ “thần y” tên Nhung như “vị thánh sống”.

Theo quan sát, với bệnh nhân câm hay chậm nói, “cô” Nhung và cộng sự có cùng một cách chữa: Vuốt dọc hầu họng và dùng tay lót khăn để kéo, lắc phải, lắc trái lưỡi của bệnh nhân câm. Còn với bệnh nhân điếc, liên tục được cô vỗ “ù” tai, và vuốt dọc từ cổ lên sát dái tai. Sau bài chữa này, có người bập bẹ thốt ra vài từ không rõ tiếng như “chị ơi, mẹ ơi”, có người không nói tiếng nào.

Tìm về thôn Cán Khê, chúng tôi đã gặp gần chục gia đình từ các tỉnh lân cận tìm đến đây sau khi theo dõi clip chữa bệnh của “cô” Nhung. Do chỉ được xem qua clip, không thể liên lạc được với “cô” Nhung cũng như địa chỉ liên lạc nên hầu hết người bệnh đành chấp nhận vượt đường xá xa xôi đến với hi vọng sẽ gặp nữ “thần y”. Tuy nhiên, tất cả đều thất vọng ra về bởi hay tin “cô” Nhung chỉ tổ chức khám chữa bệnh vào ngày cuối tuần.

Bác Liên (Sóc Sơn, Hà Nội) có con gái gần 20 tuổi bị câm điếc bẩm sinh cho biết: “Không biết bao lần đưa con đi chữa trị, Đông Tây y đủ cả, thậm chí cả đi thầy cúng… thế nhưng bệnh của con vẫn không suy chuyển. Cháu gái tôi xem clip trên mạng nên gọi điện về bảo có người chữa được cả câm điếc, nên cô đưa con sang đây, nếu hợp thầy hợp thuốc thì tốt quá”.

Còn mẹ con anh Hùng (xã Liên Hà, Đông Anh) cũng vì theo dõi thấy clip “trực tiếp” nên bỏ cả ngủ trưa để tìm đến. Mẹ anh Hùng đi khám được bác sĩ chẩn đoán do bị chèn ép dây thần kinh nên nửa người bại, đau. Mặc dù tỏ ý nghi ngại cách thức chữa bệnh của “cô” Nhung nhưng mẹ anh Hùng vẫn nằng nặc đòi anh đưa sang vì cho rằng “người nặng thế còn khỏi”.

Khá thất vọng vì đến không đúng ngày “cô” Nhung khám bệnh, anh Nam (Phủ Lý, Hà Nam) bế con lên taxi chia sẻ: “Sau vụ tai nạn giao thông, con tôi nằm liệt một chỗ. Chạy chữa gần năm rồi, đủ cách mà không đỡ. Khi được chia sẻ clip là gia đình ngay lập tức thuê xe đưa con lên đây chữa bệnh. Ai ngờ không đúng ngày, nhưng chắc chắn cuối tuần sẽ quay lại”. Chiếc xe taxi chở gia đình anh Nam lại vội vã lăn bánh quay về Hà Nam cho kịp trước khi trời tối.

Không giấy phép hành nghề

Công chúa thuốc lào chữa bệnh là ai

Mỗi khi nghe tin “công chúa thuốc lào” có mặt ở đâu, rất đông người dân từ khắp nơi lại kéo đến xin chữa bệnh.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hồng (Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê, Đông Ạnh, Hà Nội) cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin có nhóm người đến chữa bệnh tại địa phương, UBND xã đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra sự việc.

Qua buổi kiểm tra, nhóm đối tượng trên không có giấy phép hành nghề, không đủ điều kiện đề hành nghề khám chữa bệnh cho người dân nên chính quyền địa phương yêu cầu nhóm người này dừng ngay mọi hoạt động. “Chúng tôi đã lập biên bản sự việc, tuy nhiên “cô” Nhung (người chữa bệnh) không ký vào biên bản và xin dừng mọi hoạt động không khám chữa bệnh tại địa phương nữa và đã ra về”, ông Hồng thông tin.

“Dù là chữa bệnh không lấy tiền, nhưng việc khám chữa bệnh tùy tiện, không có giấy phép hành nghề, không chính thống dễ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, xã hội. Một số người trong làng đã chữa nhưng khẳng định không giải quyết được việc gì. Dù là chữa bệnh không mất tiền nhưng chi phí đi lại của một người bệnh kéo theo 3-4 người phục vụ cũng vô cùng tốn kém. Do vậy, chúng tôi kiên quyết ngăn chặn kịp thời”, ông Hồng cho hay.

“Công chúa thuốc lào” lần đầu lên tiếng

Theo những thông tin chúng tôi có được, “thần y” nói trên tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nhung, hiện đã lấy chồng và có con, sinh sống tại Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội. Một người thân gia đình chồng “cô” Nhung cho hay, trước đây, “cô” có hành nghề bói toán, lập điện thờ tại gia, khoảng gần tháng nay nghe nói “cô” còn khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người này cũng cho biết chỉ nghe nói thế, chứ chưa từng chứng kiến “cô” Nhung khám, chữa bệnh cho ai. Khi được hỏi về việc “cô” Nhung chữa được bệnh cho người liệt, câm điếc… nhiều người hàng xóm khá ngỡ ngàng. Mọi người vẫn chỉ biết đến “cô” Nhung thường hay lên đồng, ca hát rất hay.

Sau nhiều nỗ lực tìm gặp, lần đầu tiên “công chúa thuốc lào” đồng ý tiếp chuyện phóng viên. Người phụ nữ này tự nhận công việc chính của mình là bán cát sỏi và từ chối cung cấp tuổi thật của mình. “Tôi làm “thầy” đã 15 năm nay. Từ năm 2008, tôi bắt đầu chữa bệnh bằng phương pháp này. Tôi cũng không hiểu sao trên mạng xã hội lại lan truyền nhiều thông tin về tôi như vậy vì mục đích của tôi là chữa bệnh miễn phí, giúp đỡ bệnh nhân cơ mà?”, bà Nhung nói.

Mặc dù được ví như là vị “thần y”, nhưng người phụ nữ này thừa nhận mình không hề có tài năng kỳ lạ nào. Bà Nhung kể: “Cách đây 5 năm, tôi có chữa bệnh cho một người bị liệt 4 năm không đi lại được, đến bệnh viện còn trả về. Sau đó, người này bỗng nhiên đi lại được khiến mọi người và cả bản thân tôi cũng vô cùng ngạc nhiên”.

Khi được hỏi về cách chữa bệnh kỳ lạ của mình, bà Nhung cũng không thể lý giải được. Người phụ nữ này nói: “Mục đích của tôi là nắn bóp, kéo chân tay để từ từ phục hồi chức năng”. Về biệt danh là “công chúa thuốc lào”, bà Nhung cho hay: “Tôi hút thuốc lào từ khi hầu đồng. Giờ càng ngày hút càng nhiều nên không thể bỏ được”. Dứt lời, người phụ nữ này cầm điếu vê thuốc lào và rít mạnh một hơi.

Trước những thông tin phản ánh về việc bà chữa bệnh bằng cách rút lưỡi khiến người câm điếc bị chảy máu, bà Nhung tỏ ra gay gắt: “Đây là những thông tin hoàn toàn không có căn cứ, tôi chưa từng thực hiện trường hợp rút lưỡi nào khiến bệnh nhân đau đớn cả, có chăng chỉ là đau nhẹ rồi thôi. Tôi không quan tâm những thông tin trên mạng xã hội và sẽ tiếp tục có những hoạt động khám chữa bệnh cứu người”, người phụ nữ này nói thêm.

Sẽ theo sát “công chúa thuốc lào”

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, bà Nhung hành nghề khám chữa bệnh không phép và dù không thu tiền thì đây cũng là dịch vụ có điều kiện và có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Trong trường hợp bà Nhung dùng phương pháp chữa bệnh mới cũng phải tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn là Cục Quản lý khám chữa bệnh hoặc Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế. “Chúng tôi sẽ theo dõi sát trường hợp này và sẽ yêu cầu ngừng ngay nếu bà Nhung tiếp tục khám chữa bệnh ở Hà Nội”, ông Cường khẳng định.

Nhóm Phóng Viên