Cách hạch toán hợp đồng cộng tác viên

Ngày hỏi: 29/11/2019

Chào Ban biên tập. Tôi có nội dung thắc mắc như sau: Đối với công tác viên thì khi công ty trả lương cho đối tượng này thì có được đưa vào chi phí hợp lý khi hạch toán để khấu trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp hay không? Chân thành cảm ơn!

  • Cách hạch toán hợp đồng cộng tác viên
  • Hiện nay, Bộ luật lao động cũng như các văn bản luật liên quan chưa quy định cụ thể về hợp đồng công tác viên.

    Vì vậy, việc xem xét đưa tiền lương của công tác viên vào chi phí hợp lý - chi phí được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp hay không cần xem xét các yêu tố sau:

    Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

    Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    - Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

    - Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

    - Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

    => Theo đó, để được khấu trừ chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp cần đáp ứng 3 điều kiện nêu trên.

    Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:...

    2.5. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

- Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

- Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

+...

+ Trường hợp hợp đồng lao động của doanh nghiệp ký với người lao động có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công, không trái với các quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
...

=> Căn cứ theo quy định trên thì tất cả các khoản tiền lương tiền công trả cho người lao động phát sinh trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, có hóa đơn chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật được tính vào chi phí khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên thì không được đưa vào khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nhgiệp.

Nhận thấy tiền lương cho công tác viên là chi phí phát sinh trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp sử dụng các lao động này vào các bộ phận sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và quản lý, bán hàng, và có trả lương cho họ.

Tiền lương cộng tác viên có bản chất tiền lương và phù hợp với định nghĩa Tiền lương theo Điều 90 Bộ luật lao động 2012: Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Ngoài ra, hợp đồng cộng tác viên cần phân ra 2 trường hợp:

+ Hợp đồng dịch vụ: như môi giới kinh doanh, gia công sản phẩm... => Đối với loại hợp đồng này không mang bản chất của hợp đồng lao động

+ Hợp đồng lao động: Nếu công ty giao kết với người lao động hợp đồng cộng tác viên để thực hiện công việc lao động tại công ty. Hợp đồng này có bản chất của hợp đồng lao động theo công việc, hợp đồng thời vụ hoặc hợp đồng lao động không trọn thời gian (Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần theo quy định tại Điều 34 Bộ luật lao động 2012).

Như vậy, tiền lương cộng tác viên được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi:

- Thứ nhất: Chi phí phát sinh từ hợp đồng cộng tác viên là chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ của công ty.

- Thứ hai: Chi phí này nếu đáp ứng được các điều kiện về hóa đơn chứng từ: Hợp đồng dịch vụ, giấy xác nhận kết thúc hoạt động cung cấp dịch vụ/ bảng chấm công; đề nghị thanh toán, phiếu chi, phiếu thu thuế thu nhập cá nhân (trong trường hợp khấu trừ thuế trước khi trả thu nhập)

- Thứ ba: Không thuộc trường hợp chi phí không được trừ quy định tại khoản 2 Điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC.

Trên đây là nội dung hỗ trợ.

Trân trọng!

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email:


HỢP ĐỒNG CTV CÓ PHẢI ĐÓNG BHXH, THUẾ TNCN HAY KHÔNG?

• Bản chất của hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ cho nên bên cung ứng dịch vụ không phải là người lao động và như vậy không áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

• Nhưng cũng chính vì thế có nhiều bạn kế toán cho rằng cứ Hợp Đồng Dịch Vụ là ok không phải đóng bảo hiểm, còn nội dung thì không quan trọng.

• Và đó cũng là 1 lỗi cực kỳ nghiêm trọng và là cơ hội của BHXH họ truy thu.

• Bởi vì nếu trong hợp đồng cộng tác viên mà bạn giao kết theo những quy định pháp luật trong bộ luật lao động về mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người LĐ như: Thời gian làm việc, quyền và nghĩa vụ của người lao động,…

• Khi đó, công ty của bạn sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ như: tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

• Nếu không muốn truy thu BHXH thì bạn cần thể hiện trên hợp đồng dịch vụ rằng:

• "Người làm việc cho bạn cung cấp một dịch vụ làm việc bán thời gian hưởng lương dựa trên doanh số mình bán ra, không chịu sự quản lý về thời gian làm việc, quyền và nghĩa vụ,… trong bộ luật lao động mà được quy định tại chương 9 trong bộ luật dân sự."

Còn đối với Thuế TNCN của hợp đồng cộng tác viên thì sao?

• Căn cứ theo Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì hợp đồng cộng tác viên có thu nhập hàng tháng công ty trả cho bạn từ 2.000.000 đồng trở lên thì bạn sẽ bị khấu trừ 10% thu nhập, nếu trả dưới 2.000.000 đồng thì bạn sẽ không bị khấu trừ 10% thu nhập.

• Nếu trong thời gian làm cộng tác viên tại công ty này bạn chỉ có thu nhập duy nhất tại công ty thì bạn có thể làm cam kết (theo mẫu 02/CK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

• Điều kiện làm cam kết 02/CK-TNCN đối với hợp đồng cộng tác viên?

• Bạn cần đáp ứng 3 điều kiện sau:

• Phải có MST cá nhân tại thời điểm làm cam kết 02/CK-TNCN.

• Có thu nhập duy nhất tại 1 nơi. (Nếu có thu nhập tại 2 nơi thì không được làm cam kết 02/CK-TNCN mà phải khấu trừ 10%)

• Và ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế.

Nguồn: sưu tầm

Cách hạch toán hợp đồng cộng tác viên

Ông Lê Minh Hiếu (Hà Nội) hỏi, công ty tôi muốn thuê 1 người lao động làm công việc kế toán trong thời gian 6 năm bằng hợp đồng cộng tác viên có được hay không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Lê Minh Hiếu như sau:

Khái niệm cộng tác được hiểu là quá trình trao đổi, trợ giúp, phối hợp, cùng làm chung giữa một nhóm người nhằm đạt được một mục tiêu chung. Cộng tác viên là cá nhân làm việc theo chế độ cộng tác với một tổ chức và không thuộc biên chế của tổ chức đó.

Hợp đồng với cộng tác viên thường được áp dụng đối với cá nhân thuộc một tổ chức này cộng tác làm một công việc cụ thể ở một tổ chức khác; hoặc cá nhân có chuyên môn khoa học công nghệ cộng tác với một tổ chức để nghiên cứu một đề tài khoa học công nghệ; hoặc cá nhân có chuyên môn nghiệp vụ ở một lĩnh vực cụ thể cộng tác với cơ quan, đơn vị báo chí để viết, cung cấp tin, bài, ảnh liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ đó…

Cộng tác viên được trả thù lao theo từng công việc hoàn thành, hoặc theo tiến độ thực hiện công việc. Thời hạn thực hiện hợp đồng cộng tác viên do các bên thỏa thuận, phù hợp với công việc và tiến độ thực hiện công việc.

Trên thực tế, có một số tổ chức, doanh nghiệp sử dụng văn bản có tên gọi là hợp đồng cộng tác viên để áp dụng cho quan hệ lao động (là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động), là trái với quy định của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc, không bảo đảm quyền lợi của người lao động khi tham gia quan hệ lao động.

Trường hợp công ty của ông Lê Minh Hiếu cần thuê, sử dụng lao động làm công việc kế toán trong thời gian 6 năm, không nên giả cách hình thức hợp đồng cộng tác viên.

Để phù hợp với quy định của pháp luật, công ty có thể lựa chọn, ký kết, thực hiện hợp đồng theo một trong hai phương án sau:

1. Phương án thứ nhất ký kết hợp động lao động với người lao động:

Đại diện theo pháp luật của công ty ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm (quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 22 Bộ luật Lao động) với người lao động có đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán, quy định tại Khoản 1, Điều 51 Luật Kế toán, Điều 21 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán. Khi hết hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm (lần thứ nhất), người sử dụng lao động và người lao động ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm (lần thứ hai), cho đủ 6 năm. Quyền và nghĩa vụ của hai bên giao kết hợp đồng lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.

Người lao động theo hợp đồng lao động làm kế toán có quyền và trách nhiệm theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 51 Luật Kế toán. Người lao động theo hợp đồng lao động làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán có quyền và trách nhiệm của kế toán trưởng quy định tại Điều 55 Luật Kế toán.

2. Phương án thứ hai ký kết hợp đồng dịch vụ kế toán với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán:

Căn cứ quy định về hợp đồng dịch vụ tại Mục 9 (Điều 513 đến Điều 523) Bộ luật Dân sự và quy định về thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán tại Điều 22 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, công ty ký kết hợp đồng dịch vụ kế toán với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán. Thời hạn thực hiện hợp đồng dịch vụ do hai bên thỏa thuận.

Đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán có trách nhiệm cử người làm dịch vụ kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán cho khách hàng bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 51, Điều 56, Điều 58 Luật Kế toán và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán hoặc không được cung cấp dịch vụ kế toán quy định tại Điều 19 và Điều 25 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP.

Người được thuê làm dịch vụ kế toán có quyền và trách nhiệm của người làm kế toán quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 51 Luật kế toán. Người được thuê dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán có quyền và trách nhiệm của kế toán trưởng quy định tại Điều 55 Luật Kế toán.

*Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.