Bút toán sửa báo cáo tài chính 421

1. Về chi thu nhập tăng thêm cho CBCC và trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập tại cơ quan quản lý nhà nước:

Căn cứ quy định tại Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính:

- Khoản chi thu nhập tăng thêm cho CBCC từ nguồn tiết kiệm chi tại cơ quan quản lý hành chính nhà nước (áp dụng cơ chế tài chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ) được phân phối từ nguồn thặng dư của đơn vị, không phản ánh vào tài khoản 611 - Chi phí hoạt động. Cụ thể ghi:

Nợ TK 421 - Thặng dư (thâm hụt) lũy kế

Có TK 111, 112, …

- Cuối năm, trường hợp số kinh phí tiết kiệm chi vẫn chưa sử dụng hết, đơn vị được trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập theo cơ chế tài chính hiện hành theo bút toán: Nợ TK 421/Có TK 431 (4315), không phản ánh vào TK 611 - Chi phí hoạt động.

2. Về nội dung phản ánh trên Báo cáo kết quả hoạt động (Mẫu B02/BCTC):

Căn cứ hướng dẫn lập Báo cáo kết quả hoạt động tại Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính:

* Chỉ tiêu “Sử dụng kinh phí tiết kiệm của đơn vị hành chính” (Mã số 51): phản ảnh số đã phân phối từ nguồn kinh phí tiết kiệm của đơn vị hành chính theo quy định của cơ chế tài chính, bao gồm chi bổ sung thu nhập cho cán bộ công chức và người lao động, chi khen thưởng, chi cho các hoạt động phúc lợi

tập thể. Số liệu ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số phát sinh chi tiết bên Nợ của TK 421 “Thặng dư/thâm hụt lũy kế”.

* Chỉ tiêu “Phân phối cho các Quỹ” (Mã số 52):phản ánh số phân phối từ chênh lệch thu - chi thường xuyên cho các quỹ theo quy định của chế độ tài chính. Số liệu ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số lũy kế phát sinh chi tiết bên Có của tài khoản 431 - Các quỹ và tài khoản 353 - Các quỹ đặc thù (phần được trích từ chênh lệch thu - chi trong năm của đơn vị).

Căn cứ quy định nêu trên, đối với đơn vị quản lý hành chính nhà nước, số liệu phản ánh trên chỉ tiêu 51 là số tiền kinh phí tiết kiệm đã chi bổ sung thu nhập cho CBCC, phản ánh chi tiết bên Nợ của TK 421; Số liệu phản ánh trên chỉ tiêu 52 là số tiền kinh phí tiết kiệm đơn vị đã chi trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

Nội dung thư độc giả hỏi về hạch toán điều chỉnh đối với sai sót trên sổ kế toán của năm 2019, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về xử lý sai sót của năm trước:

Qua nội dung thư hỏi, trên sổ kế toán năm 2019, đơn vị đã hạch toán bút toán sai là Nợ TK 154/Có TK 112 thay vì bút toán đúng là Nợ TK 3388/Có TK 112. Việc hạch toán như vậy dẫn đến ảnh hưởng đến các khoản Phải trả khác, Thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thặng dư (thâm hụt) lũy kế năm 2019.

Tại khoản 3 Điều 27 Luật Kế toán quy định: “Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót sau khi báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa chữa này.”.

Theo đó, đơn vị cần thực hiện điều chỉnh các tài khoản bị ảnh hưởng trên sổ kế toán năm 2022 và thuyết minh về việc điều chỉnh này trên báo cáo tài chính năm 2022. Đồng thời, phải xử lý phần Thặng dư (thâm hụt) của năm 2019 theo quy định của cơ chế tài chính.

2. Về việc áp dụng Chuẩn mực kế toán số 29 và Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp:

Tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Trường hợp đơn vị nhóm 1 xây dựng đề án quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp”.

Theo đó, chỉ có đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 đáp ứng quy định nêu trên mới thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp và Chuẩn mực kế toán số 29 “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.