Bán thuốc theo đơn gặp khó khăn gì

Người dân muốn mua thuốc nhanh chóng, không muốn phiền hà, mất thời gian đi khám bệnh để được bác sĩ kê đơn, người bán thì vì lợi nhuận nên bỏ qua mọi quy định. Điều này dẫn đến việc mua bán thuốc không theo đơn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.

Thông tư số 07/2017/TT-BYT, ngày 30/5/2017 quy định rõ hai danh mục thuốc được bán tại các nhà thuốc đó là các loại thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sĩ vàc các loại thuốc bán không cần đơn thuốc. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách công khai, dễ dàng, không cần bất kỳ đơn thuốc nào. Đây là vấn đề nan giải trong cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng.

Điều mà bất kỳ ai cũng dễ nhận thấy nhất là thuốc được mua, bán chủ yếu dựa theo cảm quan và nhu cầu của người mua. Phần đông, người dân khi mắc bệnh lặt vặt hoặc có biểu hiện như ho, sổ mũi, cảm cúm, tiêu chảy… đều tự tìm đến các quầy thuốc tây để nhờ tư vấn và lấy thuốc trị bệnh chứ không đi khám bệnh để được chẩn đoán bệnh, kê đơn đúng loại thuốc và liều lượng cần thiết.

Tìm hiểu tại một số quầy bán thuốc tư nhân trên địa bàn thành phố Kon Tum, chúng tôi ghi nhận việc mua, bán thuốc diễn ra rất dễ dàng như thể trao đổi một món hàng thông thường. Hầu hết, người đến mua chỉ cần nói các chứng bệnh, các nhân viên bán thuốc sẽ hỏi “muốn uống trong mấy ngày”; nếu người bán nào có tâm lắm thì hỏi thêm “có bị đau dạ dày hay không”, sau đó thì lấy thuốc mà không cần bất cứ một loại giấy tờ nào liên quan đến chỉ định của bác sĩ. Ngay cả những loại thuốc kháng sinh như penicillin, cephalexin, amoxicillin… hay các loại thuốc giảm đau, biệt dược cũng được bán một cách thoải mái, tùy tiện.

Theo một người bán thuốc tiết lộ, thỉnh thoảng mới có một vài người mang theo đơn đi mua thuốc, còn chủ yếu là theo nhu cầu. Vẫn biết, có nhiều loại thuốc phải bán theo đơn nhưng nếu cứ yêu cầu người mua phải có đơn mới bán thì sẽ rất khó, người ta sẽ đi chỗ khác để mua. Muốn làm được điều này thì tất cả các nhà thuốc đều phải tuân thủ chứ cứ chỗ làm, chỗ không thì chắc chắn sẽ không thể thực hiện được.

Bán thuốc theo đơn gặp khó khăn gì
Một điểm bán thuốc Tây trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ảnh: TH

Ông Hoàng Văn Bích - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế) chia sẻ: “Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Hệ lụy từ việc dùng thuốc vô tội vạ, nhất là kháng sinh rất rõ, đó là không những không trị được bệnh mà tạo điều kiện cho các vi khuẩn có khả năng kháng thuốc (hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh) gây nguy hiểm cho người bệnh. Ngoài ra, sử dụng thuốc không đúng còn gây ra các tác dụng phụ, phản ứng phụ như gây suy gan, suy thận, các rối loạn khác trong cơ thể…”.

Nguy hiểm là vậy, nhưng dường như cả người bán lẫn người mua thuốc đều đang phớt lờ, bỏ qua mọi yêu cầu cần thiết. Nguyên nhân là nhiều người dân có tâm lý ngại đi khám bệnh, thiếu hiểu biết về việc dùng thuốc thế nào cho khoa học nên cứ ốm là tự tìm đến các quầy thuốc để nhờ tư vấn hoặc dựa theo thông tin quảng cáo, kinh nghiệm rồi mua thuốc uống. Người bán thì vì lợi nhuận mà thờ ơ, dửng dưng với sức khỏe người bệnh, cố tình “xé rào” để bán thuốc bất chấp các quy định. Mặt khác, chế tài xử lý đối với hành vi bán thuốc theo danh mục phải kê đơn mà không có đơn thuốc chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này tràn lan - ông Hoàng Văn Bích cho biết.

Toàn tỉnh hiện có 37 nhà thuốc và 257 quầy bán lẻ thuốc phủ kín từ thành phố đến các vùng nông thôn. Với mạng lưới cơ sở bán thuốc nhiều như thế này giúp đáp ứng tốt nhu cầu mua và sử dụng thuốc của người dân, thế nhưng, điều đó cũng dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, nhất là việc bán thuốc theo đơn.

Theo ngành Y tế, vi phạm quy định bán thuốc theo đơn của nhiều cửa hàng, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh thấy rõ. Tuy nhiên, để “bắt tận tay” hành vi sai phạm thì lại không hề dễ dàng. Bởi, các nhà thuốc có rất nhiều “mánh khoé” để qua mặt lực lượng chức năng như khi kiểm tra họ sẽ dừng ngay việc bán thuốc không theo đơn, nhưng sau đó thì mọi việc lại vẫn đâu hoàn đó.

Để chấn chỉnh việc bán thuốc không theo đơn thuốc, từ năm 2018, Sở Y tế đã triển khai thực hiện “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là bắt buộc các nhà thuốc thực hiện kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia nhằm góp phần giúp người dân tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng; đồng thời, nâng cao hơn hiệu quả quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý… Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định bán thuốc theo đơn thuốc của các chủ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như hiểu biết của người dân về việc sử dụng thuốc. Mặc dù những việc làm này đã tạo được chuyển biến bước đầu, nhưng vẫn chưa thực sự rõ nét và thực trạng bán thuốc không theo đơn vẫn đang diễn ra tràn lan.

Có thể thấy, việc mua và dùng một cách tùy tiện, nhất là các loại thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc để chấn chỉnh hoạt động bán thuốc của ngành chức năng thì mỗi người dân cần tự ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình, chỉ nên sử dụng thuốc khi có đơn chỉ định của thầy thuốc.   

Thiên Hương

.

Cập nhật lúc: 04:54, 13/01/2021 (GMT+7)

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 933 cơ sở hành nghề dược được thanh, kiểm tra bởi các lực lượng chức năng. Qua đó phát hiện 86 cơ sở vi phạm, trong đó tiến hành nhắc nhở 48 cơ sở, xử phạt số tiền hơn 1,2 tỷ đồng đối với 38 cơ sở.

Bán thuốc theo đơn gặp khó khăn gì
Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế kiểm tra đột xuất tại một nhà thuốc ở TP.Biên Hòa vào tháng 3-2020

Theo lãnh đạo Sở Y tế, do địa bàn rộng, dân cư đông trong khi lực lượng làm nhiệm vụ mỏng nên công tác quản lý các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

* Thu hồi 719 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược

Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) Nguyễn Duy Văn cho hay, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất dược phẩm, 31 cơ sở bán buôn dược phẩm (trong đó có 5 chi nhánh của các công ty ngoài tỉnh đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai), 2.850 cơ sở bán lẻ thuốc (gồm 674 nhà thuốc, còn lại là quầy thuốc). Trong 2 năm qua, toàn tỉnh có 719 cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược (bao gồm 535 cơ sở tự nguyện đề xuất ngưng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả, chủ nhà lấy lại mặt bằng hoặc chuyển địa điểm kinh doanh và 184 cơ sở ngưng hoạt động do tới lộ trình thực hiện ngưng hoạt động của quầy thuốc ở các phường, đối với địa bàn phường chỉ có phép nhà thuốc hoạt động).

Để được hành nghề kinh doanh dược, đại diện Sở Y tế cho hay, cơ sở bán lẻ thuốc phải đáp ứng được các yêu cầu cần thiết về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Cụ thể, chủ cơ sở kinh doanh bán lẻ thuốc phải có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn, trình độ chuyên môn phù hợp với từng loại hình kinh doanh: dược sĩ đại học dược đối với loại hình nhà thuốc, dược sĩ trung học trở lên đối với quầy thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở bán lẻ thuốc phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.

* Nhiều lỗi vi phạm

Kết quả thanh, kiểm tra thời gian qua của các cơ quan chức năng tại các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh cho thấy, các lỗi sai phạm chủ yếu của các nhà thuốc, quầy thuốc gồm: bán thuốc phi mậu dịch, không thực hiện mở sổ sách, kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán lẻ thuốc hết hạn sử dụng, không thực hiện việc công khai, niêm yết giá bán thuốc, kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì, hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dược.

Bà Đỗ Thị Hòa Bình, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho biết, cuối năm 2020, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội đã đi giám sát ngẫu nhiên tại 5 nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom. Qua giám sát, đoàn giám sát phát hiện các nhà thuốc, quầy thuốc vi phạm các lỗi sau: giấy đăng ký kinh doanh hết hạn, một vài cơ sở bán một số thuốc không có hóa đơn, chứng từ và không công khai niêm yết giá bán theo quy định; bảng giá thuốc chưa thường xuyên cập nhật; bán thuốc không có đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, đa số các cơ sở sắp xếp, bố trí thuốc không đúng quy định, còn để lẫn lộn, không gắn biển hiệu khu vực ghi rõ “Sản phẩm này không phải là thuốc” đối với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế nên có cơ sở không quản lý được hạn dùng của thuốc. Có cơ sở đã trang bị phần mềm quản lý nhà thuốc nhưng chưa thường xuyên cập nhật dữ liệu và có cơ sở không sử dụng. Do đó, vẫn còn tình trạng nhà thuốc bán giá cao hơn giá quy định; không trang bị máy đo nhiệt độ tự ghi theo quy định; phụ trách chuyên môn vắng mặt nhưng không có giấy ủy quyền; bán buôn thuốc không đúng với giấy phép được cấp, trong giấy phép ghi là cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền nhưng trên thực tế lại bán tân dược.

Chị Nguyễn Thanh Hiền (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bộc bạch, chị thường xuyên đi mua thuốc cho bản thân và người thân trong gia đình liên quan đến một số bệnh như cảm cúm, đau đầu, mất ngủ… Khi chị đến nhà thuốc mua thuốc, chỉ cần nói với người bán thuốc bị bệnh gì, muốn lấy mấy ngày thuốc, người bán thuốc sẽ cắt thuốc và bán cho khách hàng theo mong muốn của khách hàng, không cần hỏi đơn thuốc của bác sĩ hay vấn đề gì khác.

Giải thích về điều này, một dược sĩ tại một nhà thuốc trên địa bàn P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay nhà thuốc “mọc” lên như “nấm”. Chỉ trên một đoạn đường ngắn có đến 5-7 nhà thuốc. Nếu khách hàng đến nhà thuốc muốn mua thuốc mà người bán thuốc yêu cầu phải có đơn thuốc mới bán trong khi khách hàng không có thì họ sẽ bỏ đi và mua ở nhà thuốc kế bên. Khi đó, nhà thuốc sẽ mất khách.

Đầu tháng 12-2020, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động Công an tỉnh tiến hành kiểm tra 3 cơ sở bán thuốc của hệ thống nhà thuốc Sĩ Mẫn, Sơn Minh ở TP.Biên Hòa. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã niêm phong, tạm giữ 220 thùng thuốc tây, thực phẩm chức năng và nhiều loại dụng cụ y tế.

Nói rõ về việc huy động một lực lượng lớn cảnh sát cơ động, cảnh sát kinh tế, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực tham gia công tác khám xét 3 nhà thuốc Sơn Minh, Sĩ Mẫn mà không có lực lượng y tế, quản lý thị trường cùng tham gia, đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh phát hiện một xe vận chuyển hàng hóa của nhà thuốc Sơn Minh và Sĩ Mẫn không có hóa đơn, chứng từ xuất xứ nguồn gốc chứng minh hàng hóa hợp pháp. Do đó, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra hành chính, khám xét hành chính. Qua khám xét tại 3 nhà thuốc trên, công an đã phát hiện rất nhiều hàng hóa là thuốc và thực phẩm chức năng không có nguồn gốc hóa đơn, giấy tờ nên đã thu giữ.

“Hiện tại, Công an tỉnh đang tiến hành xác minh, phối hợp với lực lượng chức năng để xác minh các tài liệu, thuốc, thực phẩm chức năng đã thu giữ được” - đại tá Nhân nói.

* Còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, công tác quản lý các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Bán thuốc theo đơn gặp khó khăn gì
Người dân mua thuốc tây tại một nhà thuốc trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh:H. Dung

Trước hết, nhân lực làm công tác dược tại Sở Y tế ít trong khi địa bàn rộng, số cơ sở hành nghề dược nhiều, lại phải tham gia công tác đấu thầu cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế tập trung. Do vậy, số lượng các cơ sở được kiểm tra trong năm chưa nhiều.

Công cụ để kiểm soát được việc hành nghề dược của một cá nhân trên phạm vi cả nước (phần mềm quản lý dữ liệu hành nghề và kinh doanh dược của Cục Quản lý dược) chưa được các Sở Y tế cập nhật dữ liệu đầy đủ, kịp thời. Do đó, nhiều trường hợp phải tiến hành xác minh thông tin hành nghề với các sở y tế khác, tốn khá nhiều thời gian. Phần mềm quản lý của Cục Quản lý dược cho phép tra cứu thông tin của người hành nghề theo số chứng minh nhân dân nhưng nếu người hành nghề đã đổi số chứng minh nhân dân mới hoặc thẻ căn cước công dân thì khó để tra cứu được người này đã hành nghề ở đâu hay chưa.

Bên cạnh đó, việc triển khai dự án công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn do trình độ công nghệ thông tin của nhân viên các cơ sở bán lẻ thuốc còn hạn chế. Các cơ sở phải trang bị thêm trang thiết bị và đường truyền internet làm tăng chi phí nên vẫn còn nhiều cơ sở chậm triển khai. Việc tra cứu tài khoản kết nối hệ thống Cơ sở dữ liệu dược quốc gia của cơ sở kinh doanh dược chỉ có thể tra cứu tài khoản theo tên cơ sở, số đăng ký kinh doanh, mã cơ sở, không tra cứu được theo họ tên hoặc số chứng minh nhân dân của dược sĩ quản lý chuyên môn.

“Mặc dù khó nhưng ngành Y tế sẽ cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng được giao để quản lý tốt hơn nữa các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân” - TS-BS Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.

Hạnh Dung