Bài tập tích cực hóa vốn từ là gì

     Từ sau nghị quyết XI của Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Bộ Giáo dục và đào tạo cùng một lúc chuẩn bị 2 đề án trình Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Một là Đề án Đổi mới căn bản – toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam và hai là Đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Chương trình GDPT sẽ được đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực, lấy việc hình thành và phát triển năng lực cho người học làm mục tiêu trực tiếp; không lấy nội dung, chạy theo nội dung là chính như chương trình giáo dục trước. Chương trình theo năng lực chú trọng việc HS làm được, thực hành được; biết vận dụng những gì đã học vào phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Trong các năng lực (năng lực chung và năng lực chuyên biệt) cần hình thành và phát triển cho mọi HS năng lực giao tiếp ngôn ngữ - một năng lực mang tính công cụ hết sức quan trọng và không thể thiếu. Bên cạnh đó là năng lực xúc cảm con người (homan emotion) để HS biết thông cảm, chia sẻ, tương thân, tương ái; biết trân trọng những tình cảm và hành vi nhân văn, cao đẹp; biết xúc động, biết yêu thương, căm giận. Cả hai năng lực này Tiếng Việt đều đóng một vai trò hết sức quan trọng. Mục tiêu của việc đổi mới chương trình phổ thông là xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại  hóa đất nước, phù hợp với thực tiễn truyền thống Việt Nam, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Mục tiêu giáo dục phát triển đã chuyển từ chỗ chủ yếu là trang bị kiến thức cho học sinh sang trang bị những năng lực cần thiết cho các em, đặc biệt là năng lực hành động, năng lực thực tiễn. Mục tiêu giáo dục của Việt Nam thể hiện mục tiêu giáo dục của thế kỉ XXI: Học để biết; Học để làm; Học để tự khẳng định và Học để cùng  chung sống ( Delor, 1996 ).

     Sau khi xác định mục tiêu giáo dục trên, cô giáo Vũ Lan Hương đã nghiên cứu, học tập mạnh áp dụng trong giảng dạy phân môn Luyện từ và câu ở lớp 4. Đó chính là lí do cô giáo chọn đề tài “Một số biện pháp mở rộng vốn từ cho học sinh lớp 4 qua phân môn Luyện từ và câu theo hướng phát triển năng lực”.

PHẦN I. MỞ ĐẦU

     1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

     Cấp học Tiểu học là cấp học nền tảng, là cơ sở giúp học sinh học tốt các cấp học cao hơn. Mỗi một môn học đều góp phần vào việc hình thành và phát triển những cơ sở ban đầu rất quan trọng của nhân cách của con người Việt Nam. Cùng các môn học khác, môn Tiếng Việt trong đó có phân môn Luyện  từ và câu có vị trí quan trọng trong quá trình giáo dục học sinh một cách toàn diện. Học môn Tiếng Việt là học sinh học về tiếng mẹ đẻ mà “Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người” (Lê nin), “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng” (Mác), ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện tâm trạng, tình cảm. Chức năng quan trọng của ngôn ngữ đã quy định sự cần thiết của việc dạy tiếng mẹ đẻ trong nhà trường. “Trẻ em đi vào đời sống tinh thần của mọi người xung quanh nó, duy nhất thông qua phương tiện tiếng mẹ đẻ và ngược lại, thế giới bao quanh đứa trẻ được phản ánh trong nó chỉ thông qua chính công cụ này” (K.A Usinxki). Tiếng  mẹ đẻ đóng vai trò to lớn trong việc hình thành những phẩm chất quan trọng nhất của con người và trong việc thực hiện những nhiệm vụ của hệ thống giáo dục quốc dân. Nắm ngôn ngữ, lời nói là điều kiện thiết yếu của việc hình thành tính tích cực xã hội của nhân cách. Không có một khoa học nào mà người học sinh sẽ nghiên cứu trong tương lai, không có một phạm vi hoạt động xã hội nào mà không đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về tiếng mẹ đẻ. Trình độ trau dồi ngôn ngữ của một người nào đó là tấm gương phản chiếu trình độ nuôi dưỡng tâm hồn của anh ta. Chính vì vậy Tiếng Việt trong đó có phân môn Luyện từ và câu là môn học trung tâm ở trường tiểu học. Phân môn này có mục đích, yêu cầu là: Mở rộng, hệ thống hóa vốn từ, trang bị cho học sinh một số hiểu biết sơ giản về từ và câu; Rèn luyện cho học sinh các kĩ năng dùng từ đặt câu và sử dụng dấu câu; Bồi dưỡng cho học sinh thói quen dùng từ đúng, nói và viết thành câu; có ý thức sử dụng Tiếng việt văn hóa trong giao tiếp. Việc mở rộng và hệ thống hóa từ ngữ trong phân môn Luyện từ và câu rất quan trọng với học sinh, bởi từ có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ, từ là đơn vị trung tâm của ngôn ngữ. Vai trò của từ trong hệ thống ngôn ngữ quy định tầm quan trọng của việc dạy Luyện từ và câu ở tiểu học. Nếu học sinh không có một vốn từ đầy đủ thì không thể thể nắm ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp. Việc học từ ở tiểu học sẽ tạo cho học sinh năng lực từ ngữ, giúp học sinh nắm tiếng mẹ đẻ, tạo điều kiện để học tập tiếp theo và phát triển toàn diện. Vốn từ của học sinh càng giàu bao nhiêu thì khả năng lựa chọn từ càng lớn, càng chính xác, sự trình bày tư tưởng, tình cảm càng rõ ràng, đặc sắc bấy nhiêu. Vì vậy, số lượng từ,  tính đa dạng, tính năng động của từ được xem là điều kiện quan trọng hàng đầu để phát triển ngôn ngữ. Cũng chính vì vậy việc dạy luyện từ và câu, nhất là phần mở rộng vốn từ được dạy trong tất cả các giờ học của các môn học. Khi đến trường, học sinh lần đầu tiên biết đến “chuẩn mực ngôn ngữ” không phải là dạng thuật ngữ mà lần đầu tiên các em ý thức được rằng không phải ai muốn nói thế nào cũng được mà phải phân biệt cái gì “có thể”, cái gì là “không thể” khi sử dụng ngôn ngữ. Đồng thời với ý thức về chuẩn mực ngôn ngữ, giáo viên cần chú ý giáo dục học sinh về “chuẩn văn hóa” của lời nói. Các em không những cần biết cái gì là có thể, không thể khi nói năng mà cần hiểu rằng có những lời nói là hay, là đẹp và có những lời nói không hay không đẹp. Các em cần ý thức được về cái gì là nên, cái gì không nên, cái gì là tốt, cái gì không tốt trên bình diện sử dụng ngôn ngữ.

      Dạy Luyện từ và câu gồm hai phần việc liên quan chặt chẽ với nhau:

     Trang bị cho học sinh một số khái niệm lý thuyết về từ vựng học cơ bản như một số vấn đề về cấu tạo từ, nghĩa của từ và các lớp từ. Những khái niệm cơ bàn này sẽ giúp học sinh nắm nghĩa từ một cách sâu sắc và biết hệ thống hóa vốn từ một cách có ý thức.

     Đây là nhiệm vụ chính yếu, cuối cùng của việc dạy Luyện từ và câu ở tiểu học. Dạy thực hành từ chính là dạy theo quan điểm giao tiếp, dạy trên bình diện phát triển lời nói. Đó chính là công việc làm giàu vốn từ cho học sinh.

     Các bài học mở rộng và hệ thống hóa vốn từ đều được thể hiện dưới hình thức các bài tập thực hành. Những kiểu bài tập thực hành chủ yếu là: Tìm từ ngữ theo nghĩa và hình thức cấu tạo đã cho; Xác định nghĩa của từ và các yếu tố cấu tạo từ; Xác định nghĩa của thành ngữ, tục ngữ; Phân loại từ ngữ và các yếu tố cấu tạo từ; Đặt câu với từ ngữ đã cho; xác định tình huống sử dụng thành ngữ, tục ngữ.

     Chính vì vậy không chỉ riêng tôi mà tất cả các giáo viên luôn trăn trở làm thế nào để giúp các em mở rộng vốn từ nhằm trang bị cho các em phương tiện giao tiếp để vận dụng linh hoạt trong học tập và cuộc sống hàng ngày. Trong hai năm học qua tôi đã nghiên cứu và thực nghiệm một số biện pháp mở rộng vốn từ cho học sinh ở lớp 4 qua phân môn Luyện từ và câu được ban thi đua nhà trường và đồng nghiệp ghi nhận.

     2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

     2.1. Mục đích nghiên cứu:

     Môn Tiếng Việt là môn trung tâm của bậc tiểu học vì môn Tiếng Việt dạy học sinh (HS) biêt cách sử dụng tiếng mẹ để một cách đúng đắn, có văn hóa, có nghệ thuật trong giao tiếp. Môn học này vừa là đối tượng để HS nghiên cứu vừa là công cụ để HS học tập tất cả các môn học khác. Thông qua môn học này HS được cung cấp và rèn luyện các kĩ năng: nghe, đọc, nói, viết đó là chìa khóa của nhận thức, của học vấn, của phát triển trí tuệ đúng đắn. Nếu thiếu ngôn ngữ, các em không thể tham gia vào cuộc sống xã hội hiện đại, vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật.

     Việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học là sự chuyển đổi cơ bản từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực. Nói một cách đơn giản đó là phải hướng tới việc người học làm được gì chứ không phải là người học biết làm gì. Đây là năng lực chung - năng lực Tiếng Việt vì mục tiêu cuối cùng của môn học này là làm cho người học sử dụng được và sử dụng hiệu quả Tiếng Việt  như một công cụ giao tiếp quan trọng nhất trong đời sống. Về cơ bản có thể hình dung về năng lực Tiếng Việt gồm: năng lực nói, năng lực nghe, năng lực đọc, năng lực viết. Để giúp HS học tốt môn Tiếng Việt - môn học trung tâm của tiểu học, một trong những nhiệm vụ quan trọng là dạy tốt Luyện từ và câu. Tức là giúp HS mở rộng vốn từ và nắm được cách sử dụng nó để đặt câu, viết văn. Vì vậy từ và câu có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ. Từ là đơn vị trung tâm của ngôn ngữ. Câu là đơn vị nhỏ nhất có thể thực hiện chức năng giao tiếp. Việc dạy từ và câu nhằm mở rộng, hệ thống hóa làm phong phú vốn từ của HS, cung cấp cho HS những hiểu biết sơ giản về từ và câu, rèn cho HS kĩ năng dùng từ đặt câu và sử dụng các kiểu câu để thể  hiện tư tưởng, tình cảm của mình, đồng thời có khả năng hiểu và sử dụng kiểu câu của người khác nói ra trong hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Qua phân môn Luyện từ và câu, khi học phần mở rộng vốn từ (MRVT) HS cần nắm được vốn từ theo chủ điểm, hiểu nghĩa và nhớ được những từ ngữ cần ghi nhớ ở các chủ điểm. HS mở rộng được vốn từ theo chủ điểm. Đó là hình thành ở HS những hiểu biết ban đầu về một số kiểu ý nghĩa giữa các từ trong một chủ điểm như: từ cùng nghĩa (là những từ dùng để chỉ cùng một sự vật, cùng một đặc điểm, cùng một hành động), từ gần nghĩa (là những sự vật, những đặc điểm, những hành động gần giống nhau), từ trái nghĩa (là từ dùng để để chỉ những đặc điểm hoặc  hành động trái ngược nhau). Là giúp HS được phát triển vốn từ trên cơ sở những quan hệ nghĩa đã nêu ở trên. Bước tiếp theo là HS sử dụng được từ. Tức là HS biết lựa chọn, sử dụng những từ ngữ đã học, đã biết để điền vào chỗ trống trong câu văn, đoạn văn sao cho hợp nghĩa, đặt được câu đơn giản với những từ đã cho. Nhận ra từ dùng sai và biết sửa cho đúng. Ở lớp 4, qua phần MRVT, HS cần nắm được các từ ngữ theo chủ điểm và sử dụng được các từ đã học để viết đoạn văn; HS hiểu nghĩa của một số từ gốc Hán đã học và tìm được một số từ Hán Việt có các tiếng trên.

      Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng dạy - học Luyện từ và câu, tôi đã thực hiện tốt các biện pháp sau: khảo sát, phân nhóm HS; thực hiện tốt việc chuẩn bị cho việc dạy và học Luyện từ và câu; làm cho HS nắm được nghĩa từ; HS biết hệ thống hóa vốn từ; HS biết tích cực hóa vốn từ, văn hóa vốn từ; gắn việc hiểu nghĩa từ với việc dùng từ đặt câu,  viết đoạn văn và sửa lỗi dùng từ. Đó là những biện pháp nhằm MRVT - làm giàu vốn từ và phát triển năng lực dùng từ đặt câu cho HS.

     2.2. Đối tượng nghiên cứu

     - Thực trạng mở rộng vốn từ, các biện pháp nhằm mở rộng vốn từ - làm giàu vốn từ và phát triển năng lực dùng từ đặt câu cho HS.

     - HS lớp 4 ở trường Tiểu học.

     2.3. Phạm vi nghiên cứu

     Việc mở rộng vốn từ cho HS lớp 4 ở trường Tiểu học.

PHẦN II. NỘI DUNG

     1. CƠ SỞ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC MỞ RỘNG VỐN TỪ CHO HS QUA PHÂN MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU - LỚP 4 THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

     1.1. Thế nào là năng lực và đánh giá theo năng lực?

     Năng lực là tổ hợp những thuộc tính tâm lí phù hợp với yêu cầu một loại hoạt động nhằm làm cho hoạt động đó đạt được kết quả. Các thuộc tính tâm lí bao gồm: thuộc tính cơ sở, thuộc tính chủ đạo, thuộc tính bổ trợ. Chúng tồn tại song song và quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau, thống nhất với nhau. Khi xét đến kết quả hoạt động của một cá nhân chính là xét đến năng lực của chính họ, thế nhưng trong những điều kiện bên ngoài như nhau thì những người khác nhau có thể tiếp thu tri thức, thể hiện kĩ năng khác nhau. Do đó, đánh giá năng lực của một cá nhân cần thiết xem xét khả năng cá nhân biết vận dụng và liên kết một cách có hiệu quả các thuộc tính mà họ có. Chỉ có trong hoạt động và thông qua hoạt động, cá nhân mới được hình thành, rèn luyện và bộc lộ năng lực. Hoạt động của cá nhân phải gắn với tập thể thì năng lực mới được phát triển và phát triển toàn diện.

     Nói đến năng lực là phải nói đến khả năng thực hiện, là phải “biết làm” (know-how), chứ không chỉ “biết và hiểu” (know-what). “Biết làm” cần được hiểu bao gồm hệ thống những tri thức - kĩ năng - thái độ mà người học thực hiện trong các hoạt động cụ thể và giải quyết những tình huống do cuộc sống đặt ra. Năng lực được phân thành hai loại chính: năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Năng lực chung được hình thành và phát triển từ nhiều môn học, liên quan đến nhiều môn học. Trong khi đó, năng lực chuyên biệt được hình thành và phát triển từ một môn học riêng biệt, mang nét đặc trưng của một môn học cụ thể. Sự phân chia này có ý nghĩa đối với việc đánh giá năng lực của HS, giúp người đánh giá xác định các tiêu chí đánh giá. Trong đó, có các tiêu chí biểu hiện cho năng lực chung mà mọi HS cần có và thể hiện chúng; tiêu chí về năng lực chuyên biệt giúp HS nhìn nhận điểm mạnh của mình, làm cơ sở để phát huy sở trường, năng khiếu. Đánh giá năng lực hành động – tạm quy chiếu vào giáo dục tiểu học là hoạt động học tập và các hoạt động giáo dục khác - có thể dựa vào sự kết hợp các năng lực thành phần: năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể. Có thể nhận thấy, 4 năng lực thành phần này phù hợp với 4 trụ cột giáo dục mà UNESCO đề xuất.

     * Cụ thể các năng lực thành phần được hiểu như sau:

     Năng lực chuyên môn: khả năng thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến một chuyên môn cụ thể, bao gồm cả việc tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bản thân.

     Năng lực phương pháp: khả năng hoạch định, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ. Năng lực này được xem như là kĩ năng giải quyết vấn đề của người học đối với một nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: tiếp nhận thông tin, xử lí thông tin và trình bày vấn đề một cách mạch lạc, tường minh.

     Năng lực xã hội: được xem như là sự biểu hiện của kĩ năng giao tiếp. Người học biết cách đặt vấn đề, biết hợp tác và thể hiện bản thân (quan điểm, suy nghĩ, tình cảm…) với những người khác.

     Năng lực cá thể: khả năng đánh giá toàn diện bản thân, có liên quan đến tình cảm, xúc cảm, những tác động tích cực mà bản thân nhận được thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ.

     * Đánh giá theo năng lực cần thỏa mãn một số tiêu chí sau:

     - Cần thiết phải tổ chức hoạt động để đánh giá năng lực người học. Thông qua hoạt động, người học bộc lộ những tri thức - kĩ năng - thái độ từ nhiều môn học khác nhau. Người học cần biết vận dụng chúng một cách linh hoạt và hài hòa; có cơ hội bộc lộ khả năng chuyên biệt.

     - Các hoạt động càng phản ánh sát với thực tiễn cuộc sống thì người học càng thấy được ích lợi của việc học và công việc đánh giá càng có ý nghĩa hơn.

     - Các hoạt động nên được tổ chức một cách thường xuyên, thông qua nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện cho người học rèn luyện và bộc lộ năng lực một cách thường xuyên.

     - Quan tâm đến quá trình rèn luyện và sự tiến bộ của người học.

     - Chú trọng khả năng “đánh giá” của người học, bao gồm khả năng đánh giá chính mình và đánh giá người khác.

     - Các chỉ số đánh giá nên tường minh, rõ ràng để người đánh giá có thể quan sát và ghi nhận được.

     1.2. Vị trí của phân môn Luyện từ và câu

     Việc dạy Luyện từ và câu nhằm mở rộng, hệ thống hóa làm phong phú vốn từ của HS; rèn cho HS kĩ năng dùng từ đặt câu để thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình, giúp cho HS hiểu câu nói của người khác và biết sử dụng phù hợp trong những tình huống giao tiếp nhất định. Luyện từ và câu có vai trò trong việc hướng dẫn HS trong việc nói, nghe, đọc, viết, phát triển ngôn ngữ và trí tuệ.

     1.3. Nhiệm vụ của phân môn Luyện từ và câu

     1.3.1. Làm giàu vốn từ và phát triển năng lực dùng từ đặt câu.

     Nó bao gồm các nhiệm vụ liên quan mật thiết với nhau như sau:

     a. Dạy nghĩa từ: Tức là làm cho HS nắm nghĩa từ bao gồm việc thêm vào vốn từ của HS những từ mới và những nghĩa mới của từ đã biết, làm cho các em nắm được tính nhiều nghĩa và sự chuyển nghĩa của từ. Dạy MRVT phải hình thành ở HS khả năng phát hiện ra từ mới chưa biết trong văn bản cần tiếp nhận, nắm một số thao tác giải nghĩa từ, phát hiện ra những nghĩa mới của từ đã biết, làm rõ những sắc thái nghĩa khác nhau của từ trong những ngữ cảnh khác nhau. Có thể gọi nhiệm vụ đầu tiên này của việc dạy MRVT là nhiệm vụ chính xác hóa vốn từ.

     b. Hệ thống hóa hay trật tự hóa vốn từ: Nghĩa là dạy cho HS biết cách sắp xếp các từ một cách có hệ thống trong trí nhớ của mình để tích lũy từ được nhanh chóng và  tạo ra tính thường trực của từ, tạo điều kiện cho các từ đi vào hoạt động lời nói được thuận lợi. Công việc này hình thành ở HS kĩ năng đối chiếu từ trong hệ thống hàng dọc của chúng, đặt từ trong hệ thống liên  tưởng cùng chủ đề, đồng nghĩa, gần nghĩa, đồng âm, cùng yếu tố cấu tạo, tức là kĩ năng liên tưởng để huy động vốn từ.

     c. Tích cực hóa vốn từ: Nghĩa là dạy cho HS sử dụng từ, phát triển kĩ năng sử dụng từ trong lời nói và lời viết của HS, đưa từ vào trong vốn từ tích cực của HS, được dùng thường xuyên. Tích cực hóa vốn từ tức là dạy cho HS biết dùng từ ngữ trong nói năng của mình.

     d. Dạy học sinh biết cách đặt câu, sử dụng các kiểu câu đúng mẫu phù hợp hoàn cảnh, mục đích giao tiếp

     e. Văn hóa vốn từ: Nghĩa là đưa ra khỏi vốn từ tích cực của HS những từ ngữ không văn hóa, dạy cho HS biết dùng từ đúng phong cách, làm trong sáng, làm đẹp vốn từ của HS.

     1.3.2. Cung cấp những kiến thức về từ và câu cơ  bản, sơ giản, cần thiết và vừa sức.

     Trên cơ sở vốn ngôn ngữ trước khi đến trường, từ những hiện tượng cụ thể của tiếng mẹ đẻ, phân môn Luyện từ và câu cung cấp cho các em những kiến thức về từ và câu cơ bản, sơ giản, cần thiết và vừa sức với các em. Luyện từ và câu trang bị cho học sinh những kiến thức về cấu tạo từ, nghĩa của từ, các lớp từ, từ loại, các kiến thức về câu như cấu tạo câu, các kiểu câu, dấu câu, các quy tắc dùng từ đặt câu và tạo văn bản để sử dụng trong giao tiếp. Ngoài ra nó còn có nhiệm vụ rèn luyện tư duy và giáo dục thẩm mĩ cho các HS.

      Trong khuôn khổ của bản kinh nghiệm này tôi xin đề cập đến các giải pháp để thực hiện tốt  nhiệm vụ thứ nhất của phân môn Luyện từ và câu.

     1.4.  Nguyên tắc của việc dạy Luyện từ và câu

     1.4.1. Nguyên tắc giao tiếp

     Việc dạy từ, câu nhằm đáp ứng việc dạy tiếng như một công cụ giao tiếp, nhằm thực hiện mục tiêu của chương trình tiểu học mới: “ Hình thành và phát triển ở HS kĩ năng sử dụng tiếng việt để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi.” Việc dạy từ, câu gồm các nguyên tắc sau:

     Thứ nhất: Các kĩ năng tiếng việt phải được hình thành và phát triển thông qua hệ thống bài tập mang tính tình huống phù hợp với những tình huống giao tiếp tự nhiên. Như vậy,  nguyên tắc giao tiếp trong dạy học Luyện từ và câu đòi hỏi phải tiến hành hoạt động ngôn ngữ thường xuyên. Đó là yêu cầu tình huống các bài tập miệng, bài viết trình bày ý nghĩ, tình cảm, đọc, ứng dụng tri thức lí thuyết vào bài tập, vào việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của tập đọc, tập làm văn…Để giúp học HS học Luyện từ và câu người GV phải tạo ra hệ thống nhiệm vụ và hệ thống những câu hỏi nhằm dẫn dắt các em thực hiện.

      Thứ hai: Nguồn cơ bản của dạy từ cần được xem là kinh nghiệm sống cá nhân HS và những quan sát thiên nhiên, con người, xã hội của HS. Việc làm giàu vốn từ, dạy từ phải gắn với đời sống, gắn với việc làm giàu những biểu tượng tư duy,  bằng con đường quan sát trực tiếp và thông qua những mẫu lời nói. Phải thiết lập được quan hệ đúng đắn giữa HS bằng lời (từ ngữ) với những biểu tượng của trẻ về đối tượng. Mọi quy luật cấu trúc và hoạt động của từ và câu chỉ được rút ra trên cơ sở nghiên cứu lời nói sinh động, những kinh nghiệm lời nói và kinh nghiệm sống của các em  đã được bổ sung . Các bài tập luyện từ  và câu được xây dựng dựa trên kinh nghiệm ngôn ngữ của HS.

      Thứ ba: Dạy Luyện từ và câu phải đảm bảo sự thống nhất giữa lí thuyết ngữ pháp và thực hành ngữ pháp với mục đích phát triển các kĩ năng giao tiếp ngôn ngữ: việc phân tích từ, câu là phương tiện để nhận diện các phương tiện ngữ pháp, nắm được chức năng của chúng, từ đó sử dụng chúng trong lời nói. Nội dung SGK đã chọn những giải pháp ngôn ngữ có nhiều lợi thế trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ.

     1.4.2. Nguyên tắc tích hợp

     Nếu HS không có vốn từ phong phú, không hiểu nghĩa và đặc điểm ngữ pháp của từ thì không thể đặt câu đúng. Nếu không nắm vững quy tắc đặt câu thì dù vốn từ có phong phú, dù nắm chắc nghĩa của từ cũng không thể trình bày được ý kiến của mình một cách đúng đắn, mạch lạc, rõ ràng. Vì vậy việc luyện từ và luyện câu không thể tách rời. Việc dạy luyện từ và luyện câu phải được tiến hành mọi lúc, mọi nơi trong tất cả các môn, các giờ học khác của các phân môn Tiếng việt. Qua các hoạt động học tập giáo viên chú ý điều chỉnh kịp thời những cách hiểu từ sai lạc, những cách nói, viết câu không đúng ngữ pháp, kịp thời loại bỏ khỏi vốn từ tích cực của các em những từ không văn hóa. Thực hiện tốt những điều đó giúp mở rộng sự hiểu biết về thế giới, con người, góp phần làm giàu vốn từ và khả năng diễn đạt tình cảm, ý tưởng của HS.

     1.4.3. Nguyên tắc trực quan

     Những hình ảnh cảm tính, những biểu tượng của trẻ em về thế giới xung quanh là một tổ hợp cần thiết cho bất kì việc dạy học nào. Vận dụng trực quan trong dạy từ là một tổ hợp kích thích nghe, nhìn, vận động, cấu âm. Một quy luật tâm lí là càng nhiều cơ quan cảm giác tham gia vào việc tiếp nhận đối tượng (hiện tượng) thì càng ghi nhớ một cách chắc chắn về đối tượng ấy. Có nghĩa là ghi nhớ cả từ mà nó biểu thị, do đó khi giải nghĩa từ, trong phạm vi có thể, cần sử dụng cả phương tiện tác động lên các giác quan. Đồ dùng trực quan là biểu bảng, sơ đồ, vật thật, tranh vẽ và có thể là ngữ liệu (lời nói) trực quan - những bài văn, những câu, những từ. Việc sử dụng đồ dùng trực quan trong từng giai đoạn sẽ có mục đích khác nhau. Ở giai đoạn đầu khi HS tiếp xúc với các dấu hiệu của khái niệm trực quan phải được sử dụng với mục đích truyền đạt rõ ràng những dấu hiệu của hiện tượng nghiên cứu trong sự biểu hiện cụ thể của nó trong lời nói. Phải chọn đồ dùng trực quan thể hiện rõ đặc điểm ngữ pháp của hiện tượng được nghiên cứu. Như vậy HS sẽ có khái niệm trừu tượng hóa dấu hiệu của khái niệm, nhận diện hiện tượng nghiên cứu. Sau khi HS nắm được khái niệm, trực quan sẽ giúp HS củng cố, hệ thống hóa các kiến thức ngữ pháp. Lúc này biểu bảng, sơ đồ giúp GV hệ thống kiến thức, HS nhận ra sự lôgic của vấn đề.

     1.4.4. Nguyên tắc đảm bảo sự hệ thống của từ, câu

      Cần làm cho HS từng bước làm quen với khái niệm nghĩa của từ, tính đa nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa, cấu tạo câu, kiểu câu. Mặt khác, dựa vào kiến thức từ vựng học, người ta xác lập những nguyên tắc để dạy từ theo quan điểm thực hành, hay nói cách khác là làm giàu vốn từ cho HS. Việc luyện từ  phải tính đến đặc điểm của từ trong hệ thống ngôn ngữ, có nghĩa là trong sự tương ứng với những đặc điểm đã nêu của từ. Khi dạy từ cần:

     - Đối chiếu từ với hiện thực (vật hay vật thay thế) trong việc giải nghĩa từ (nguyên tắc ngôn ngữ).

     - Đặt từ trong hệ thống của nó để xem xét, nghĩa là đặt từ trong các lớp từ, trong các mối quan hệ đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa, cùng chủ để (nguyên tắc hệ hình)

     - Đặt từ trong mối quan hệ với các từ khác xung quanh nó trong văn bản với mục đích làm rõ khả năng kết hợp của từ (nguyên tắc cú đoạn).

     - Chỉ ra việc dùng từ trong một phong cách xã hội (nguyên tắc chức năng).

     Hai việc đầu cần thiết cho việc dạy nghĩa từ, hai việc sau cần thiết cho việc sử dụng từ.

     1.4.5. Nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất giữa  nội dung và hình thức ngữ pháp

      Khái niệm ngữ pháp mang tính trừu tượng và khái quát cao. Trong quá trình dạy học phải chỉ ra được nội dung khái niệm - ý nghĩa, chức năng, lí do tồn tại của khái niệm, là lẽ sống còn của nó. Quá trình hình thành khái niệm cũng đồng thời là quá trình HS nắm những thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa và cụ  thể hóa. Trong dạy Luyện từ và câu, lúc nào cũng phải xác lập mối quan hệ giữa ý nghĩa và hình thức ngữ pháp, luôn giúp HS nhận ra ý nghĩa và các dấu hiệu hình thức của hiện tượng ngữ pháp được nghiên cứu và chức năng của nó trong lời nói.

     1.5. Nội dung của dạy học Luyện từ và câu

     1.5.1. Chương trình

     Phân môn Luyện từ và câu có nhiệm vụ làm giàu vốn từ cho HS và trang bị cho các em một số kiến thức về từ, câu. Ở lớp 4,5 các kiến thức lí thuyết được học thành các tiết riêng. Những nội dung học tập được phân bố như sau:

      a. Về lớp từ:

     Nội dung vốn từ cung cấp cho HS ngoài những từ ngữ được dạy qua các  bài tập chính tả, tập viết,…HS còn được củng cố vốn từ một cách có hệ thống trong các bài từ ngữ theo chủ đề. Đó là những từ ngữ thông dụng, tối thiểu về thế giới xung quanh như: công việc ở trường, ở nhà; tình cảm  gia đình, vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước. Chúng làm giàu nhận thức, mở rộng tầm mắt của HS, giúp các em nhận thấy vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người, dạy các em biết yêu, ghét. Ở lớp 4 HS được học thêm khoảng 500-550 từ ngữ (kể cả thành ngữ, tục ngữ và một số yếu tố gốc Hán thông dụng) theo các chủ đề: nhân hậu- đoàn kết, trung thực- tự trọng, ước mơ, ý chí - nghị lực, trò chơi - đồ chơi, tài năng, sức khỏe, cái đẹp, dũng cảm, du lịch - thám hiểm, lạc quan - yêu đời.

     b. Các mạch kiến thức: HS được cung cấp các mạch kiến thức sau:

     - Cấu tạo từ: từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy.

     - Từ loại: danh từ, danh từ chung, danh từ riêng, động từ, tính từ.

     - Các kiểu câu:

     + Câu hỏi, dấu chấm hỏi, dùng câu hỏi với mục đích khác, giữ phép lịch sự khi đặt câu hỏi.

     + Câu kể, câu kể Ai làm gì? Ai thế nào? Ai là gì?. Luyện tập về Ai làm gì? Ai thế nào? Ai là gì?.

     + Câu khiến, cách đặt câu khiến, giữ phép lịch sự khi bày tỏ yêu cầu, đề nghị

     + Câu cảm

     - Dấu câu: dấu hai chấm, dấu ngoặc kép, dấu chấm hỏi, dấu gạch ngang.

     - Ngữ âm - chính tả: cấu tạo tiếng, cách viết tên người, tên địa lí Việt Nam, cách viết tên người, tên địa lí nước ngoài.

     1.5.2. Các kiểu bài học

     Phần lớn các bài học trong SGK được cấu thành một tổ hợp các bài tập. Ngoài ra ở lớp 4,5 còn có bài lý thuyết về từ và câu, các bài học tách thành những bài luyện từ và luyện câu riêng. Các bài học theo mạch kiến thức từ, câu chia thành hai kiểu: bài lý thuyết và bài luyện tập.

     1.5.3. Các nhóm, dạng bài tập

     - Dựa vào nội dung dạy học, các bài tập được chia ra làm hai mảng lớn là bài tập làm giàu vốn từ và mảng bài tập theo các mạch kiến thức, kĩ năng về từ và câu. Bài tập làm giàu vốn từ chia ra làm các nhóm: bài tập dạy nghĩa, bài tập hệ thống hóa vốn từ và bài tập dạy sử dụng từ. Bài tập theo mạch kiến thức, kĩ năng về từ và câu chia làm các nhóm: bài tập luyện từ, bài tập luyện câu.

     - Dựa vào nội dung dạy học các bài tập chia ra làm hai mảng lớn là bài tập luyện từ và bài tập luyện câu. Bài tập luyện từ bao gồm cả bài tập làm giàu vốn từ và bài tập theo các mạch kiến thức, kĩ năng về câu.

      - Dựa vào đặc điểm hoạt động của HS các bài tập chia làm hai mảng lớn là những bài tập mang tính nhận diện, phân loại, phân tích và những bài tập có tính chất xây dựng tổng hợp.

     2. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC MỞ RỘNG VỐN TỪ CHO HỌC SINH QUA PHÂN MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU - LỚP 4

      Nhiều năm qua tôi được nhà trường phân công giảng dạy ở lớp 4, qua thực tế nghiên cứu và giảng dạy phân môn Luyện từ và câu, tôi nhận thấy như sau:

       2.1. Ưu điểm

     - Chương trình, SGK mới có sự sắp xếp các phân môn, các bài học phù hợp với tình hình, mục tiêu giáo dục hiện nay. Với phân môn Luyện từ và câu (LTVC) các bài học được sắp xếp gắn liến với chủ điểm, tuần học. Điều này có tác dụng to lớn trong việc giúp HS vận dụng, huy động vốn từ đã hình thành, tích lũy qua các bài học để học LTVC. Hơn thế HS được học dạng bài lí thuyết về từ nhằm trang bị cho HS khái niệm lí thuyết về từ vựng học cơ bản giúp HS nắm nghĩa của từ một cách sâu sắc và hệ thống hóa vốn từ một cách có ý thức. Từ đó HS vận dụng thực hành sử dụng từ. Đây là nhiệm vụ chính yếu, cuối cùng của việc học LTVC của HS.Có thể nói chương trình, SGK mới đã tạo ra cơ chế và phương pháp dạy học LTVC gắn lí thuyết với thực hành. Với quan điểm thực hành, các tác giả SGK đã chọn những giải pháp ngôn ngữ có nhiều lợi thế nhất trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ.

     - Giáo viên luôn được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện trong giảng dạy như: triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời cập nhật những vấn đề đổi mới đúng hướng, sát sao trong việc bồi dưỡng chuyên môn. Từ đó GV nắm vững, vận dụng linh hoạt các phương pháp cũng như có ý thức sử dụng đồ dùng trong giảng dạy phân môn Luyện từ và câu. Trong các tiết học, HS hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động học tập, tiếp thu và nắm bài tốt.

     - GV có vốn từ phong phú, có kiến thức về cách sử dụng từ, có ý thức trau chuốt ngôn từ trong giao tiếp. Đây cũng là một điểm tích cực có ảnh hưởng tốt đến HS trong lớp chủ nhiệm.

     2.2. Hạn chế

     Qua thực tế dạy và học LTVC vẫn còn một số hạn chế như sau:

     2.2.1. Về phía giáo viên

     Đôi khi GV cung cấp vốn từ cho HS bằng cách đưa ra các từ ngữ, thành  ngữ, tục ngữ theo kiểu truyền khẩu và yêu cầu HS học thuộc chứ không làm cho HS hiểu nghĩa từ, hiểu nội dung các câu thành ngữ, tục ngữ một cách cặn kẽ. Trong các giờ học của các phân môn khác, giờ học khác GV chưa chú ý đến việc tận dụng cơ hội để cung cấp, mở rộng vốn từ, cách sử dụng từ cho HS trong giao tiếp. GV chưa có ý thức đổi mới phương pháp dạy học nên các giờ học diễn ra không sôi nổi, chưa thực sự thu hút được HS.

     2.2.2. Về phía học sinh

     Qua thực tế dạy Luyện từ và câu cho HS lớp 4, qua thực tế việc quan sát quá trình học tập, chữa bài cho HS tôi nhận thấy HS khi học LTVC còn có những hạn chế như sau:

     - HS nắm nghĩa từ chưa chính xác.

     - Khả năng liên tưởng để huy động vốn từ của HS chưa cao.

     - Khả năng dùng từ ngữ trong nói năng của HS còn hạn chế.

     - Việc HS sử dụng từ đặt câu, sử dụng câu chưa phù hợp với hoàn cảnh, mục đích giao tiếp.

     - Đặc biệt khả năng văn hóa vốn từ chưa cao: HS chưa biết sử dụng từ đúng phong cách, chưa biết làm trong sáng,làm đẹp vốn từ, còn sử dụng các từ lóng, pha tạp ngôn ngữ trong giao tiếp.

     Từ những biểu hiện còn hạn chế như đã nêu tôi đã tìm tòi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm đồng nghiệp, đọc tham khảo các chuyên san để tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó tôi luôn vận dụng linh hoạt và đổi mới phương pháp dạy học nhằm khơi dậy sự yêu mến, niềm say mê tiếng mẹ đẻ, giúp HS có ý thức tích cực hóa vốn từ, sử dụng từ đúng, làm trong sáng vốn từ, văn hóa hóa vốn từ của HS, bảo vệ sự trong sáng của Tiếng việt.

     3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP MỞ RỘNG VỐN TỪ CHO HỌC SINH QUA PHÂN MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU – LỚP 4

     3.1. Biện pháp 1 : Khảo sát phân nhóm đối tượng HS

      Môn Tiếng việt, môn học về tiếng mẹ đẻ là trung tâm của bậc tiểu học với nhiệm vụ chính yếu, cuối cùng là giúp HS biết thực hành từ ngữ một cách đúng đắn, hợp lí trong học tập, giao tiếp. Qua thực tế giảng dạy tôi thấy HS dùng từ sai do nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do: không nắm chắc nghĩa của từ, nguyên tắc kết hợp từ, phong cách văn bản; do vốn từ nghèo, khả năng huy động và lựa chọn từ còn hạn chế; học từ theo kiểu truyền khẩu, bắt chước nên không nắm chắc, hiểu kĩ, dẫn đến dùng từ không phù hợp. Chính vì vậy ngay từ đầu năm học tôi đã khảo sát chất lượng HS bằng nhiều cách như xây dựng phiếu bài tập, quan sát việc diễn đạt của HS, việc HS học các môn học khác và phân nhóm đối tượng HS như sau:

     - Nhóm HS mắc lỗi dùng từ sai nghĩa do không hiểu nghĩa, dùng từ gần nghĩa, do dùng từ sai sắc thái biểu cảm

     - Nhóm HS mắc lỗi về kết hợp từ trong việc dùng từ đặt câu, viết văn.

     - Nhóm HS mắc lỗi do lặp từ trong viết văn.

     - Nhóm HS mắc lỗi sử dụng từ sai phong cách như sử dụng từ không hợp văn cảnh, dùng từ không hợp phong cách văn bản.

     Sau khi phân loại đối tượng HS tôi luôn chú ý sửa cho HS không chỉ trong giờ LTVC mà còn ở tất cả các tiết học khác khi HS mắc. Bên cạnh đó trong các giờ học tôi luôn chú ý dạy phân hóa đối tượng HS, hướng dẫn HS tự học, hợp tác học tập với bạn, nhóm bạn nhằm giúp HS hạn chế dần những lỗi đã mắc.

     3.2. Biện pháp 2 : Hướng dẫn HS nắm nghĩa của từ thông qua các bài tập dạy nghĩa

     Giải nghĩa từ là một biện pháp nêu rõ những đặc tính của từ. Trong khi giải nghĩa từ cần tách các dấu hiệu mà HS chú ý cho đến khi làm quen với từ. Ở tiểu học một từ nhiều khi được dạy nghĩa nhiều lần nên lần đầu có thể không khám phá hết nội dung của nó, những lần sau sẽ mở ra tất cả nội dung của từ. Khi dạy nghĩa từ, ngoài việc xác định từ sẽ dạy, biện pháp giải nghĩa chúng GV còn phải xác định sẵn những từ mình sẽ giải nghĩa và từ nào để HS giải nghĩa dưới hình thức thực hiện các bài tập giải nghĩa từ. Việc chọn lựa biện pháp và hình thức bài tập tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nó được quy định bởi nhiệm vụ học tập, đặc điểm của từ, trình độ của HS.Bài tập giải nghĩa từ là những bài tập làm rõ nghĩa của các đơn vị mang nghĩa như: tiếng, từ, cụm từ nhất là các thành ngữ, tục ngữ. Để tăng vốn từ cho HS phải cung cấp những từ mới, do đó công việc đầu tiên của việc dạy từ là làm cho HS hiểu nghĩa của từ. Đây là nhiệm vụ sống còn trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Việc dạy nghĩa từ này được tiến hành trong các giờ học thông qua việc cung cấp từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm. Để dạy nghĩa từ trước hết GV phải hiểu nghĩa từ và biết giải nghĩa từ phù hợp với mục đích dạy học, phù hợp với đối tượng HS. Để thực hiện việc dạy nghĩa từ tôi vận dụng một số biện pháp như sau:

     3.2. 1. Giải nghĩa từ bằng trực quan

     Là biện pháp đưa ra các vật thật, tranh ảnh, sơ đồ, đoạn văn, câu văn, để giải nghĩa từ. Lúc này vật thật, tranh ảnh, biểu bảng, sơ đồ, được dùng để đại diện cho nghĩa của từ. Trực quan chiếm vị trí quan trọng trong việc giải nghĩa từ ở tiểu học vì nó giúp HS hiểu nghĩa từ một cách rõ ràng. Tuy nhiên với đặc thù tâm lí lứa tuổi biện pháp này nên áp dụng ở các lớp 1,2,3 nhưng không phải vì thế không nên áp dụng ở lớp 4. Với bài phù hợp việc sử dụng đồ dùng trực quan mang lại những hiệu quả nhất định trong việc dạy nghĩa từ.

     Đây là dạng bài tập dựa vào tranh tìm từ tương ứng. Ở bài này, các từ cần tìm không được cho sẵn, HS phải dựa vào tranh mà gọi tên sự vật, hoạt động. Khi hướng dẫn HS thực hiện bài tập này tôi yêu cầu HS làm việc trong nhóm 2. Để kiểm tra kết quả làm viêc của HS tôi tổ chức trò chơi Ai nhanh ai đúng ?. GV in màu, phóng to các tranh như trên, mỗi đội sử dụng 3 tranh. Khi chơi một đội sẽ đưa ra một tranh bất kì, yêu cầu đội còn lại nêu tên một trò chơi và đồ chơi của trò chơi đó có trong tranh. Như vậy thông qua bài tập này sẽ giúp HS nhận biết “nghĩa biểu vật” của từ vừa có tác dụng giúp các em mở rộng, phát triển vốn từ về đồ chơi, trò chơi. Bên cạnh đó các em còn biết được nên chơi những trò chơi bổ ích nào và không nên chơi những trò chơi nguy hiểm nào.

     3.2 .2. Giải nghĩa từ bằng ngữ cảnh

     Là cho từ xuất hiện trong một nhóm từ, một câu, một bài để làm rõ nghĩa của từ. Trong trường hợp này, nghĩa của từ được bộc lộ nhờ ngữ cảnh.

     ♣ VD: Bài MRVT: Ước mơ  ( TV 4 – tập 1)

      Bài 1: Ghi lại những từ trong bài tập đọc Trung thu độc lập cùng nghĩa với từ ước mơ

     Để thực hiện bài tập này HS sẽ huy động vốn kiến thức đã học đó là nội dung bài Tập đọc đã học từ đó xác định và tìm đúng các từ cùng nghĩa với từ ước mơ có trong bài đó là: mơ tưởng, mong ước. Khi tôi yêu cầu các em nêu lí do vì sao chọn từ đó các em sẽ nắm được nghĩa của từ ước mơ.

     ♣ VD: Bài MRVT: Lạc quan – Yêu đời ( TV 4 – tập 2)

      Bài 1: Trong mỗi câu dưới đây, từ lạc quan được dùng với nghĩa nào?

Câu

Nghĩa

Tình hình đội tuyển rất lạc quan.

Luôn tin tưởng ở tương lai tốt đẹp

Chú ấy sống rất lạc quan.

Lạc quan là liều thuốc bổ.

Có triển vọng tốt đẹp

       Để thực hiện bài tập HS cần đọc kĩ câu và nghĩa đã cho từ đó nắm được nghĩa của từ lạc quan trong từng văn cảnh cụ thể. Từ lạc quan trong các câu: “Chú ấy sống rất lạc quan.” “Lạc quan là liều thuốc bổ.” có nghĩa là  “Luôn tin tưởng ở tương lai tốt đẹp”. Từ lạc quan trong câu: “Tình hình đội tuyển rất lạc quan.” Có nghĩa là “Có triển vọng tốt đẹp”. Như vậy qua bài tập HS đã nắm được văn cảnh cụ thể nghĩa của từ lạc quan sẽ khác nhau => nắm cách dùng từ lạc quan.

     3.2.3. Giải nghĩa từ bằng cách đối chiếu, so sánh với các từ khác

     Cách giải nghĩa này được xây dựng thành các bài tập mà HS phải hiểu nghĩa của một hay nhiều từ để hiểu nghĩa của các từ khác cùng hay khác loại.

     ♣ VD: Bài Luyện tập về từ ghép, từ láy  (TV 4 – tập 1)

     Bài 2: Viết các từ ghép (được in đậm) trong những câu dưới đây vào ô thích  hợp trong bảng phân loại từ ghép

      a. Từ ngoài vọng vào tiếng chuông xe điện lẫn tiếng chuông xe đạp lanh canh không ngớt, tiếng còi tàu hỏa thét lên, tiếng bánh xe đập trên đường ray và tiếng máy bay gầm rít trên bầu trời.

      b. Dưới ô cửa máy bay hiện ra ruộng đồng, làng xóm, núi non. Những gò đống, bãi bờ với những mảng màu xanh, nâu, vàng, trắng và nhiều hình dạng khác nhau gợi những bức tranh giàu màu sắc.

Từ ghép có nghĩa tổng hợp

M: ruộng đồng

Từ ghép có nghĩa phân loại

M: đường ray

       Với bài tập này, tôi cho HS làm bài cá nhân vào vở, một HS sẽ làm vào bảng phụ để chữa bài. Sau khi nhận xét bài làm của bạn, HS sẽ trao đổi với bạn về nội dung bài tập để HS nắm nghĩa của các từ như:

     - Tại sao bạn xếp từ tàu hỏa vào cột từ ghép có nghĩa phân loại? ( vì tàu hỏa là phương tiện giao thông đường sắt, có nhiều toa, chở được hàng, phân biệt với tàu thủy, tàu bay,…)

     - Tại sao bạn lại xếp từ núi non vào cột từ ghép có nghĩa tổng hợp? ( vì núi non là từ chỉ chung loại địa hình nổi lên cao hơn so với mặt đất)

     - GV sẽ yêu cầu HS tìm từ ghép khác loại để so sánh. Chẳng hạn tìm từ ghép có tiếng ruộng có nghĩa phân loại để phân biệt với ruộng đồng hay tìm từ có tiếng đường có nghĩa tổng hợp.

     Qua cách trao đổi như vậy không những HS được cung cấp các từ ghép theo phân loại nghĩa, nắm được nghĩa của từ, vận dụng xếp vào nhóm thích hợp mà còn rèn cho HS kĩ năng phân tích, vận dụng những kiến thức môn học khác.

     3.2.4. Giải nghĩa bằng các từ cùng nghĩa, trái nghĩa

     Yêu cầu của các bài tập dạng này là dùng những từ cùng nghĩa hoặc có nghĩa trái ngược với nghĩa của từ cần giải nghĩa làm phương tiện để giải nghĩa từ. Những từ đồng nghĩa thường là các từ quen thuộc, gần gũi với HS. Loại bài tập này cũng khơi gọi sự liên tưởng tương đồng và khác biệt để kích thích HS xác lập nghĩa của từ, đồng thời giúp HS mở rộng, phát triển vốn từ cũng như góp phần hình thành khái niệm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Với bài tập dạng này có thể có nhiều đáp án.

     ♣ VD: Bài MRVT: Trung thực – Tự trọng ( TV 4 – tập 1)

      Bài 1: Tìm những từ cùng nghĩa và những từ trái nghĩa với trung thực.

      M:      - Từ cùng nghĩa: thật thà

     - Từ trái nghĩa: gian dối

     Cũng như các tiết khác, trước hết HS phải rõ về chủ điểm mình đang học. Vì vậy sau khi giới thiệu tên bài tôi yêu cầu HS nêu nghĩa của từ trung thực (trung thực là ngay thẳng, thật thà) và đọc kĩ mẫu của bài tập. Từ đó HS có cơ sở tìm các từ đúng yêu cầu của bài. HS làm việc  theo nhóm 2, hệ thống các từ tìm được vào phiếu. Tôi chữa đại diện một nhóm và yêu cầu HS các nhóm khác bổ sung các từ khác với nhóm bạn. Kết quả HS tìm được như sau:

Từ cùng nghĩa với “trung thực”

Từ trái nghĩa với “trung thực”

thẳng thắn, thẳng tính, ngay thẳng, chân thật, thật thà, thật lòng, thật tâm, chính trực, bộc trực, thành thật, thật tình, ngay thật,…

điêu ngoa, gian dối, xảo trá, gian lận, lưu manh, gian manh, gian trá, gian giảo, lừa bịp, lừa lọc, lọc lừa, bịp bợm, gian ngoan,…

     Nếu trong quá trình nêu từ không đúng yêu cầu HS sẽ nhận xét và nêu được lí do tại sao. Chẳng hạn có HS nêu từ trung thành là từ cùng nghĩa với trung thực. HS sẽ dễ dàng nhận ra từ đó không đúng yêu cầu vì trung thành là một lòng một dạ gắn bó với một người hay một tổ chức nào đó.Như vậy qua bài tập HS đã biết hệ thống và nắm được nghĩa của từ cùng nghĩa, trái nghĩa với từ trung thực.

     3.2.5. Giải nghĩa từ bằng cách phân tích từ thành các thành tố (tiếng) và giải nghĩa các thành tố này

     SGK không có nhiều bài tập giải nghĩa theo cách này nhưng vì mục tiêu dạy học từ Hán Việt và ý thức được việc nắm nghĩa của các tiếng sẽ làm tăng nhanh chóng vốn từ hơn là nắm nghĩa tiếng của từng từ nên trong SGK có nhiều bài tập yêu cầu xác định nghĩa tiếng trong từ và dùng nghĩa của tiếng đó làm căn cứ để phân loại từ.

     ♣ VD: Bài MRVT: Nhân hậu – Đoàn kết (TV 4 – tập 1)

     Bài 2: Cho các từ sau: nhân dân, nhân hậu, nhân ái, công nhân, nhân loại, nhân đức, nhân từ, nhân tài. Hãy cho biết:

     a. Trong những từ nào, tiếng nhân có nghĩa là “người” ?

     b. Trong những từ nào, tiếng nhân có nghĩa là “ lòng thương người” ?

     Sau khi HS làm bài cá nhân tôi tổ chức cho HS chữa bài bằng cách tổ chức cho HS chơi trò chơi gắn thẻ từ giữa 2 tổ. Tôi chuẩn bị thẻ từ (gồm các từ trong bài) lần lượt các thành viên trong tổ nối tiếp nhau lên gắn thẻ từ vào các cột trong bảng như sau:

Từ có tiếng “nhân” có nghĩa là “người”

Từ có tiếng “nhân” có nghĩa là “lòng thương người”

Nhân dân, công nhân, nhân loại, nhân tài

Nhân hậu, nhân đức, nhân ái, nhân từ

     Việc HS được tham gia trò chơi như trên giúp các em hứng thú và các từ ngữ được ghi nhớ dễ dàng hơn. Để HS ghi nhớ các từ một cách có hệ thống tôi yêu cầu HS nêu nghĩa của một số từ, GV cung cấp cho HS nghĩa đầy đủ của từ. Bên cạnh đó tôi yêu cầu HS tìm thêm một số từ khác cùng nghĩa với các từ vừa sắp xếp. Kết quả HS tìm được như sau:

     Từ có tiếng nhân có nghĩa là “người”: nhân chứng, nhân công, nhân danh, nhân khẩu, nhân kiệt, nhân quyền, nhân vật, thương nhân, bệnh nhân,…

     Từ có tiếng nhân có nghĩa là “lòng thương người”: nhân nghĩa

     Cái hay của bài tập này ở chỗ HS hiểu nghĩa của các từ cho trước để xếp từ vào nhóm thích hợp theo yêu cầu và tìm thêm được một số từ khác cùng chủ đề.

     3.2.6. Giải nghĩa từ bằng định nghĩa

     Đây là biện pháp giải nghĩa từ phổ biến nhất trong SGK. Là biện pháp giải nghĩa bằng cách nêu nội dung nghĩa (tập hợp các nét nghĩa) bằng một định nghĩa. Giải nghĩa bằng tập hợp các nét nghĩa là cách dạy nghĩa đầy đủ nhất nhưng là một yêu cầu khó đối với HS tiểu học. Vì vậy với dạng bài này thường được xây dựng dưới dạng cho sẵn từ, các định nghĩa của từ, yêu cầu HS xác lập nghĩa tương ứng. Hình thức này có ba dạng bài tập được kể ra theo thứ tự từ dễ đến khó như sau:

     a. Mức thấp nhất: Cho sẵn cả nội dung (nghĩa từ) và tên gọi (từ), chỉ yêu cầu HS phát hiện ra sự tương ứng giữa chúng.

     ♣ VD: Bài MRVT: Trung thực – Tự trọng (TV 4 – tập 1)

      Bài 2: Chọn từ ứng với mỗi nghĩa sau:

                      Nghĩa

      Từ

- Một lòng một dạ gắn bó với lí tưởng, tổ chức hay với một người nào đó.

- Trước sau như một, không gì lay chuyển nổi.

- Một lòng một dạ vì việc nghĩa.

- Ăn ở nhân hậu, thành thật, trước sau như một.

- Ngay thẳng, thật thà.

- trung thành

- trung hậu

- trung kiên

- trung thực

- trung nghĩa

     Tôi tổ chức cho HS thực hiện bài tập này như sau: Trước hết tôi yêu cầu HS đọc kĩ để hiểu ý nghĩa của từng yếu tố ở hai cột sẽ thấy được sự tương ứng của từng cặp. HS sẽ lần lượt lấy một nghĩa ở cột bên trái ghép với một từ ở cột bên phải xem có tương ứng không, nếu có tức là tạo thành một cặp hợp lí. Với bài này làm được như vậy tức là HS đã nắm được nghĩa của từ. Khi chữa bài tôi tổ chức cho HS chơi “ sì điện”. Một em nói đầu tiên sẽ nêu từ hoặc nghĩa của từ và chỉ định em khác nêu nghĩa của từ hoặc từ phù hợp với từ hoặc nghĩa mình nêu. Cứ như vậy cho đến hết các cặp nghĩa và từ trong bài. Như vậy HS sẽ rất hứng thú, các em phải tư duy nhanh để đưa ra đáp án đúng với yêu cầu của bạn.

     b.Mức thứ hai:  Cho sẵn nội dung từ (các nét nghĩa của từ) yêu cầu tìm tên gọi.

          VD: Bài: Danh từ chung và danh từ riêng (TV 4 – tập 1)

          Phần nhận xét:

          1. Tìm các từ có nghĩa như sau:

          a. Dòng nước chảy tương đối lớn, trên đó có thuyền bè đi lại được.

          b. Dòng sông lớn nhất chảy qua nhiều tỉnh phía Nam nước ta.

          c. Người đứng đầu các nhà nước phong kiến.

          d. Vị vua có công đánh đuổi giặc Minh, lập ra nhà Lê ở nước ta.

     Với bài tập này HS phải huy động những kiến thức đã học ở các môn học khác để tìm đúng các từ có những nghĩa như đã nêu. Các từ HS tìm được lần lượt là: a. sông;

     b. sông Cửu Long; c. vua; d. vua Lê Lợi

     c. Mức cao nhất: Cho sẵn từ, yêu cầu xác lập nội dung nghĩa tương ứng. Đây là dạng bài tập tương đối khó với HS tiểu học. Để thực hiện bài tập này HS phải có những kĩ năng định nghĩa. Giải nghĩa bằng định nghĩa sẽ làm cho ngôn ngữ và tư duy của HS trở nên rõ ràng, sâu sắc. Càng dạy cho HS định nghĩa sớm bao nhiêu thì các em biết tư duy chính xác và nói năng đúng đắn sớm bấy nhiêu. Hình thức định nghĩa vừa sức với HS tiểu học là định nghĩa với sự giúp đỡ của các câu hỏi.

          VD: Bài MRVT: Ước mơ ( TV 4 – tập 1)

       Bài 5: Em hiểu các thành ngữ dưới đây như thế nào?

          a. Cầu được ước thấy.

          b. Ước sao được vậy.

          c. Ước của trái mùa.

          d. Đứng núi này trông núi nọ.

     Thực tế đây là bài trong nội dung giảm tải, tuy nhiên tôi thấy đây là một bài tập hay mà đối tượng HS khá giỏi trong lớp có thể thực hiện được. Tôi tổ chức cho HS thảo luận nhóm 2, sau đó trao đổi trước lớp về nghĩa của các thành ngữ. HS lớp tôi dưa ra kết quả như sau:

  1. Cầu được ước thấy là đạt điều mình mơ ước.
  2. Ước sao được vậy là đạt được điều mình mong ước.
  3. Ước của trái mùa là muốn ăn thứ trái mùa.
  4. Đứng núi này trông núi nọ là đứng ở núi này nhìn sang núi kia.

     Như vậy HS mới nêu đúng nghĩa của hai câu a, b còn hai câu c,d HS mới nêu được nghĩa đen mà chưa nêu được nghĩa bóng. Bằng cách gợi ý bằng câu hỏi về các sự vật nêu trong câu HS đã bổ sung nghĩa của câu c, d như sau: Ước của trái mùa là muốn những điều trái với lẽ thường. Đứng núi này trông núi nọ là không bằng lòng với cái hiện đang có, lại mơ tưởng đến cái khác chưa phải là của mình. Để HS thực sự hiểu nội dung các thành ngữ tôi yêu cầu một vài em HS khá giỏi đặt câu với từng thành ngữ. HS trong lớp đã nêu được như sau:

  1. Mẹ tặng em đúng thứ đồ chơi mà em đang ao ước. Thật là cầu được ước thấy.
  2. Đúng là ước sao được vậy, tiết mục văn nghệ lớp em đã lọt vào chung kết.
  3. Chị toàn ước của trái mùa, bây giờ làm gì có loại quả ấy.
  4. Cậu hãy yên tâm học vẽ đi, đừng có đứng núi này trông núi nọ kẻo hỏng hết đấy.

♣ VD: Bài MRVT: Ý chí – Nghị lực ( TV 4 – tập 1)

    Bài 4: Mỗi câu tục dưới đây khuyên chúng ta điều gì?

  1. Lửa thử vàng, gian nan thử sức.
  2. Nước lã mà vã nên hồ

Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan.

Không dưng ai dễ cầm tàn che cho.

          ( - cơ đồ: sự nghiệp

            - ngoan: khôn ngoan, giỏi giang; ngoan cường

      - tàn: đồ dùng để che cho vua chúa, che kiệu trong đám rước, có cán dài, có khung hình tròn bọc một tấm vải nhiễu, xung quanh có tua rủ.)

       Trước hết tôi yêu cầu HS đọc nội dung bài (đọc cả phần chú thích). HS làm việc cá nhân suy nghĩ về lời khuyên trong mỗi câu. Sử dụng giáo án điện tử tôi đưa ra lần lượt nghĩa đen (từ dùng với HS lớp 4) của mỗi câu tục ngữ (có thể GV nêu hoặc HS đọc) HS sẽ dựa vào đó để nêu lời khuyên. Trong quá trình trao đổi trước lớp HS hoặc GV sẽ bổ sung cho đầy đủ mỗi lời khuyên của từng câu. GV sẽ nhận xét và chốt đưa ra đáp án như sau:

Tục ngữ

Nghĩa đen

Lời khuyên

a. Lửa thử vàng, gian nan thử sức.

Vàng phải thử trong lửa mới biết vàng thật hay giả. Người phải thử thách trong gian nan mới biết nghị lực, mới biết tài năng

Đừng sợ vất vả, gian nan. Gian nan, vất vả thử thách con người, giúp con người vững vàng, cứng cỏi hơn.

b.Nước lã mà vã nên hồ 

Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan.

Từ nước lã mà làm thành hồ (bột loãng hoặc vữa xây nhà), từ tay không (không có gì) mà dựng nổi cơ đồ mới thật là tài giỏi, ngoan cường.

Đừng sợ bắt đầu từ  hai bàn tay trắng. Những người từ tay trắng mà làm nên sự nghiệp cáng đáng kính trọng, khâm phục.

c.Có vất vả mới thanh nhàn

Không dưng ai dễ cầm tàn che cho.

Phải vất vả lao động mới gặt hái được thành công. Không thể tự dưng mà thành đạt, được kính trọng, có người hầu hạ, cầm tàn, cầm lọng che cho.

Phải vất vả mới có lúc thanh nhàn, có ngày thành đạt.

     Trong quá trình thực hiện bài tập như trên HS được rèn luyện kĩ năng tư duy, diễn đạt ý kiến của bản thân một cách trôi chảy, rõ ràng.

     Tóm lại, việc chia thành các biện pháp và bài tập giải nghĩa như trên chỉ là tương đối. Trong thực tế, khi giải nghĩa từ hoặc xây dựng bài tập giải nghĩa từ tôi thường kết hợp các biện pháp khác nhau: vừa dùng trực quan, vừa dùng đồng nghĩa, trái nghĩa, vừa dựa vào ngữ cảnh hoặc sử dụng biện pháp định nghĩa trong mỗi bài dạy. Thông qua việc phối hợp nhiều phương pháp giải nghĩa từ như trên GV giúp HS hình thành phát triển năng lực cá thể (huy động vốn từ của bản thân); năng lực chuyên môn - năng lực phương  pháp (biết vận dụng vốn hiểu biết để giải nghĩa từ, biết dùng từ phù hợp hoàn cảnh, sát nghĩa); năng lực xã hội (dùng từ để bộc lộ sắc thái biểu cảm của bản thân trong các tình huống cụ thể - nhận thức cái đẹp – chưa đẹp)

     3.3. Biện pháp 3:   Làm giàu vốn từ cho HS qua bài tập hệ thống hóa vốn từ

     Cơ sở của việc hệ thống hóa vốn từ là quy luật tồn tại của từ trong ý thức của con người. Từ tồn tại trong đầu óc con người không phải là yếu tố rời rạc mà là một hệ thống. Chúng được sắp xếp theo một hệ thống liên tưởng nhất định. Giữa từ này với từ khác có nét chung khiến nó làm ta nhớ đến những từ kia(năng lực chuyên môn). Nhờ điều đó HS tích lũy vốn từ nhanh hơn, đồng thời từ mới có thể được sử dụng trong lời nói(năng lực xã hội). Vì khi sử dụng từ, nhờ hệ thống liên tưởng HS sẽ nhanh chóng huy động, lựa chọn từ phù hợp với yêu cầu giao tiếp (năng lực phương pháp). Để giúp HS nhanh chóng tích lũy vốn từ và sử dụng chúng dễ dàng người ta yêu cầu HS đưa ra các từ hoặc phân loại theo một hệ thống nào đó, đồng thời xây dựng bài tập hệ thống hóa vốn từ (năng lực cá thể). Toàn bộ các bài tập này yêu cầu HS tìm từ hoặc phân loại từ theo một dấu hiệu chung nào đó. Trong SGK Tiếng Việt bài tập dạng này chiếm tỉ lệ cao và được chia thành các nhóm, dạng. Để làm giàu vốn từ cho HS tôi tổ chức thực hiện các nhóm, dạng bài tập này như sau:

     3.3.1. Nhóm bài tập tìm từ

     a. Bài tập tìm từ cùng chủ đề

     Đây là biện pháp phổ biến nhất để làm giàu vốn từ cho HS. Theo chủ đề người ta lựa chọn văn bản cho giờ Tập đọc. Các từ trong bài MRVT cũng được đưa ra theo quy luật liên tưởng chủ đề. Vì từ là hệ thống của các hệ thống, các chủ đề có phạm vi rộng, hẹp khác nhau nên các bài tập hệ thống hóa vốn từ rất đa dạng, phong phú. Có những bài tập yêu cầu tìm những từ có cùng chủ điểm lớn, có khi yêu cầu tìm từ có chung một nét nghĩa, một dấu hiệu nghĩa nào đó, tức là một nhóm từ nhỏ hơn.

      VD: Bài MRVT: Cái đẹp ( TV 4 – tập 2)

      Bài 1: Tìm các từ:

          a. Thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người. M: xinh đẹp

          b. Thể hiện  nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của con người. M: thùy mị

     Bài tập yêu cầu tìm các từ thuộc cùng một chủ điểm từ ngữ hay nói cách khác là cùng nằm trong một hệ thống liên tưởng. Bài tập này ngoài tác dụng giúp HS MRVT còn có tác dụng giúp HS hình thành, phát triển tư duy hệ thống. Khi tổ chức cho HS làm bài tập tôi gợi ý để các em hiểu từ mẫu (từ điểm tựa) để nắm rõ yêu cầu bài tập đồng thời cũng có tác dụng gợi ý, định hướng cho HS tìm từ. HS sẽ làm việc cá nhân sau đó tham gia chữa bài bằng cách tham gia trò chơi Ai nhanh? Ai đúng? Mỗi đội có 3 bạn, nối tiếp lên ghi từ 1 đến 3 từ (không trùng với các từ bạn trong nhóm mình đã viết) theo từng phần. Sau đó tôi yêu cầu HS nhận xét xem nhóm bạn đã nêu đúng từ theo yêu cầu chưa, nếu chưa đúng thì phải chỉ rõ vì sao. Cuối cùng các em sẽ hệ thống các từ đã tìm được vào vở. Kết quả bài làm của HS như sau:

a. Các từ thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người

Đẹp, xinh, xinh đẹp, xinh tươi, xinh xắn, xinh xẻo, xinh xinh, tươi tắn, tươi giòn, rực rỡ, lộng lẫy, thướt tha, tha thướt, yểu điệu,…

b. Các từ thể hiện nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của con người

Thùy mị, dịu dàng, hiền dịu, đằm thắm, đậm đà, đôn hậu, lịch sự, tế nhị, nết na, chân thành, chân thực, chân tình, thẳng thắn, ngay thẳng, bộc trực, cương trực, dũng cảm, quả cảm, khảng khái, khí khái,…

     b. Bài tập tìm từ cùng lớp từ vựng 

     Nhóm bài tập dạng này có số lượng nhiều, chúng không chỉ có trong các bài MRVT mà còn chiếm tỉ lệ lớn trong các mạch kiến thức về từ. Ở bài tập dạng này, bao giờ cũng có từ cho sẵn làm chỗ dựa cho hoạt động liên tưởng tìm từ của HS.

          VD: Bài MRVT: Dũng cảm ( TV 4 – tập 2)

          Bài 1: Tìm những từ cùng nghĩa với từ dũng cảm trong các từ dưới đây:

Gan dạ, thân thiết, hòa thuận, hiếu thảo, anh hùng, anh dũng, chăm chỉ, lễ phép, chuyên cần, can đảm, can trường, gan góc, gan lì, tận tụy, tháo vát, thông minh, bạo gan, quả cảm.

      Đây là bài tập cho sẵn từ, nhiệm vụ của HS là tìm những từ cùng nghĩa với từ dũng cảm. Tôi yêu cầu HS làm việc trong nhóm 2, gạch chân dưới các từ theo yêu cầu và nêu lí do vì sao chọn các từ đó. Khi chữa bài tôi yêu cầu HS đọc bài của nhóm mình, các nhóm khác nghe, đối chiếu và nhận xét. Kết quả bài như sau:

     Các từ cùng nghĩa với từ dũng cảm: gan dạ, anh hùng, anh dũng, can đảm, can trường, gan góc, gan lì, bạo gan, quả cảm.

     Sau khi đối chiếu đáp án đúng với bài của mình, tôi yêu cầu các em trao đổi lí do chọn các từ đó. Các em đã đưa câu hỏi thảo luận như sau:

- Tại sao bạn cho rằng anh hùng, anh dũng là từ cùng nghĩa với dũng cảm?

- Tại sao hòa thuận, hiếu thảo là từ không cùng nghĩa với từ dũng cảm?

- Bạn hiểu can trường là như thế nào?

- Bạn hãy đặt câu với từ gan lì.

     Làm như vậy không những giúp HS hiểu nghĩa từ, hệ thống hóa vốn từ, ghi nhớ vốn từ mà còn rèn cho HS kĩ năng tự tin khi diễn đạt, biết phân tích, dùng từ đặt câu.

    c. Bài tập tìm từ cùng từ loại, tiểu loại

     Dạng bài tập này được sử dụng nhiều trong SGK vì từ loại là tập hợp từ có ý nghĩa khái quát giống nhau nên bài tập hệ thống hóa vốn từ có quan hệ ngữ nghĩa còn bao hàm cả những bài cùng từ loại, tiểu loại của từ. Đó là các bài tìm danh từ, động từ, tính từ và các tiểu loại của danh từ, động từ, tính từ. Thực ra những bài tập này cũng là những bài tập tìm từ cùng chủ đề, yêu cầu HS MRVT theo quan hệ ngữ nghĩa.

          VD: Bài Động từ (TV 4 – tập 1)

          Bài 1: Viết tên các hoạt động em thường làm ở nhà, ở trường. Gạch dưới động từ trong các cụm từ chỉ hoạt động ấy.

          - Hoạt động ở nhà.         M: quét nhà

          - Hoạt động ở trường     M: làm bài

      Với bài tập này tôi yêu cầu HS phân tích mẫu để nắm được cách làm bài. Các em sẽ làm bài trong nhóm 2, lần lượt nêu các hoạt động em thường làm ở trường, ở nhà và gạch chân dưới các động từ. Khi chữa bài tôi chữa đại diện 1-2 nhóm, các nhóm khác sẽ nhận xét và điều chỉnh hay bổ sung nếu chưa hợp lí. Để chốt kiến thức của bài tôi yêu cầu HS nêu thế nào là động từ.  Kết quả bài làm của HS như sau:

Các hoạt động ở nhà

Các hoạt động ở trường

đánh răng, rửa mặt, đánh cốc chén, trông em, quét nhà, tưới cây, tập thể dục, cho gà ăn, nhặt rau, vo gạo, đun nước, gấp quần áo, làm bài, xem tivi, đọc truyện, chơi với em,…

học bài, làm bài, lau bảng, kê bàn ghế, chăm sóc cây, tưới cây, sinh hoạt sao, chào cờ, hát, múa, kể chuyện, tập văn nghệ,  tập thể dục…

      Đây là một bài tập rất thú vị với HS, vì là các việc rất gần gũi nên các em hào hứng thi đua nêu những việc mình đã làm được. Bài tập này không những giúp HS hệ thống vốn từ, biết cách xác định đâu là động từ GV còn giáo dục HS về ý thức lao động tự phục vụ: làm những việc vừa sức với bản thân, từ đó có lòng yêu lao động, thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tích cực tham gia công việc chung,….

     c. Bài tập tìm từ có cùng đặc điểm cấu tạo

     Đây là nhóm bài tập có số lượng lớn trong SGK. Đó là các bài tập yêu cầu tìm từ có tiếng đã cho. Bởi ý thức được vai trò của đơn vị tiếng trong cấu tạo từ và trong ngữ pháp Tiếng Việt nói chung, SGK đã sử dụng tối đa việc dạy HS nắm nghĩa từ, tăng vốn từ bằng cách nắm các yếu tố cấu tạo từ. SGK đã đưa ra rất nhiều bài tập giải nghĩa từ, hệ thống hóa vốn từ theo yếu tố cấu tạo, đặc biệt là các từ Hán Việt. Một trong những đặc điểm của loại bài tập dạng này là các yếu tố cấu tạo từ được nêu trong bài là những yếu tố có khả năng sản sinh tạo từ mạnh, nghĩa là từ những tiếng có sẵn này tạo ra các từ khác.

          ♣VD: Bài MRVT: Nhân hậu – Đoàn kết (TV 4 – tập 1)

          Bài 1: Tìm các từ:

          a. Chứa tiếng hiền                    M: dịu hiền, hiền lành

          b. Chứa tiếng ác                       M: hung ác, ác nghiệt

      Với bài tập này sau khi phân tích mẫu tôi lưu ý HS về chủ đề đang học để các em tìm các từ theo yêu cầu nhưng phải đúng chủ điểm Nhân hậu – Đoàn kết. Bài tập này HS thực hiện trong nhóm 4, nhóm trưởng điều hành các bạn nêu từ, nêu nghĩa từ.         Kết quả bài làm của HS như sau:

a. Các từ chứa tiếng hiền

b. Các từ chứa tiếng ác

hiền dịu, hiền lành, hiền hậu, hiền đức, hiền hòa, hiền thảo, hiền từ, dịu hiền, hiền thục, hiền khô, hiền lương,...

hung ác, ác nghiệt, ác độc, ác ôn, ác hại, ác khẩu, tán ác, ác liệt, ác cảm, ác mộng, tội ác, ác quỷ, ác chiến, ác tâm,..

     Sau khi các nhóm nêu, bổ sung tôi yêu cầu HS nêu nghĩa của một vài từ bằng cách định nghĩa (hiền từ là hiền và giàu lòng thương người; hiền thảo là ăn ở tốt với người trong gia đình như ông bà, bố mẹ), đặt câu với từ vừa tìm được để HS hiểu rõ nghĩa của từ, luyện dùng từ đặt câu.

     3.3.2. Nhóm các bài tập phân loại từ

     Là bài tập cho sẵn các từ, yêu cầu HS phân loại theo một căn cứ nào đó. Bài tập có thể cho sẵn từ rời, cũng có thể là các từ trong câu, đoạn. Căn cứ để phân loại chính là những căn cứ để tìm từ trong nhóm bài tập tìm từ. Các bài tập phân loại từ có thể chia thành bài tập phân loại từ theo chủ đề, theo nhóm nghĩa, phân loại từ theo lớp từ vựng, theo từ loại, tiểu loại của từ, phân loại dựa vào cấu tạo.

     - Dựa vào nghĩa, yêu cầu HS phân nhóm từ như:

♣ VD: Bài MRVT: Đồ chơi – Trò chơi     (  TV 4 – tập 1)

          Bài 1: Viết vào vở bảng phân loại theo mẫu cho dưới đây. Xếp các trò chơi sau vào ô thích hợp trong bảng: nhảy dây, kéo co, ô ăn quan, lò cò, vật, cờ tướng, xếp hình, đá cầu.

Trò chơi rèn luyện sức mạnh

Trò chơi rèn luyện sự khéo léo

Trò chơi rèn luyện trí tuệ

          Để thực hiện được bài tập trước hết HS phải hiểu yêu cầu của bài tập: phân loại các trò chơi theo tác dụng của nó, vì vậy phải nắm được cách chơi của từng trò chơi có tên gọi đã cho từ đó mới có thể xếp vào nhóm thích hợp. Sau khi đại diện 2 nhóm trình bày, HS nhóm khác sẽ nhận xét, bổ sung. Nếu có nhóm xếp sai thì HS sẽ nêu cách chơi và lấy đó làm căn cứ để xếp nhóm lại cho đúng. Chẳng hạn khi có nhóm xếp trò chơi xếp hình vào nhóm rèn luyện sự khéo léo, HS khác nêu được xếp hình là xếp những hình bằng gỗ hoặc giấy có hình dạng khác nhau thành các mô hình như người, máy bay, tranh phong cảnh. Để làm được điều đó đòi hỏi người chơi phải có trí tưởng tượng, tư duy tốt mới tìm và ghép đúng các chi tiết với nhau vì vậy xếp vào nhóm trò chơi rèn luyện trí tuệ.

- Trong nhóm bài tập phân loại dựa vào cấu tạo, những bài tập dựa vào ý nghĩa của tiếng có trong từ để phân loại từ được sử dụng nhiều.

♣ VD: Bài MRVT: Trung thực – Tự trọng   (TV 4 – tập 1)

          Bài 3: Xếp các từ ghép trong ngoặc đơn thành hai nhóm dựa theo nghĩa của tiếng trung ( trung bình, trung thành, trung nghĩa, trung thực, trung thu, trung hậu, trung kiên, trung tâm ).

          a. Trung có nghĩa là “ở giữa”                            M: trung thu

          b. Trung có nghĩa là “ một lòng một dạ”           M: trung thành

      Với bài tập này HS có thể dễ dàng xếp được các từ theo yêu cầu. Bởi qua bài tập 2 các em đã nắm được nghĩa của một số từ có tiếng trung, còn các từ có tiếng trung khác là những từ quen thuộc với HS.Vì vậy tôi yêu cầu HS làm bài cá nhân, một em làm vào bảng phụ. Kết quả bài tập như sau:

a. Trung có nghĩa là “ở giữa”

b. Trung có nghĩa là “ một lòng một dạ”

trung thu, trung tâm, trung bình

 trung thành, trung nghĩa, trung kiên, trung thực, trung hậu

     Tôi thấy các bài tập hệ thống hóa vốn từ vừa sức với HS và các em thực hiện được nó một cách tự nhiên và rất hứng thú. Khi giải các bài tập hệ thống hóa vốn từ theo các cách như trên, HS sẽ xây dựng được những nhóm từ khác nhau. Để hướng dẫn HS làm được các bài tập này tôi nghĩ bản thân GV cần có một vốn từ cần thiết và biết phân loại các từ.

      3.4. Biện pháp 4: Làm giàu vốn từ qua các bài tập sử dụng từ (tích cực hóa vốn từ)

      Mục đích cuối cùng của việc dạy từ là để HS sử dụng được từ trong hoạt động nói năng. Trong thực tế có một số lượng từ rất lớn HS hiểu được nghĩa nhưng chúng không đi vào vốn từ tích cực, không được HS sử dụng trong giao tiếp của bản thân. Chính vì vậy việc sử dụng từ cho HS là rất quan trọng. Nhiệm vụ cơ bản của việc dạy sử dụng từ là chuyển vốn từ tiêu cực thành vốn từ tích cực. Để thực hiện nhiệm vụ này SGK đã xây dựng một hệ thống bài tập sử dụng từ hợp lí. Những bài tập này làm giàu vốn từ cho HS bằng cách hình thành cho HS kĩ năng dùng từ (năng lực chuyên môn). Các bài tập này vận dụng các quan hệ ngôn ngữ, quan hệ liên tưởng và quan hệ hình tuyến để lựa chọn và kết hợp từ (năng lực phương pháp). Các bài tập sử dụng từ sẽ giúp HS nắm được nghĩa và khả năng kết hợp của từ (năng lực cá thể ; năng lực xã hội). Ở tiểu học các bài dạy sử dụng từ được chia thành các dạng bài tập và tôi tổ chức cho HS thực hiện các dạng bài tập này như sau:

      3.4.1. Bài tập điền từ

      Đây là kiểu bài tập được sử dụng nhiều ở tiểu học. Đây là kiểu bài tập tích cực hóa vốn từ yêu cầu tính độc lập và tính sáng tạo của HS ở mức độ thấp, vừa sức với tuổi nhỏ. Loại bài tập này có hai mức độ:

    a. Cho trước các từ, yêu cầu HS tìm trong số những từ đã cho những từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong câu, đoạn cho sẵn.

          VD: Bài MRVT: Ý chí – Nghị lực ( TV 4 – tập 1)

          Bài 3: Em chọn từ nào trong ngoặc đơn (nghị lực, quyết tâm, nản chí, quyết chí, kiên nhẫn, nguyện vọng) để điền vào ô trống?

        Nguyễn Ngọc Ký là một thiếu niên giàu…….Bị liệt cả hai tay, em buồn nhưng không……Ở nhà em từ tập viết bằng chân….của em làm cô giáo cảm động, nhận em vào học. Trong quá trình học tập, cũng có lúc Ký thiếu……, nhưng được cô giáo và các bạn luôn tận tình giúp đỡ, em càng……học hành. Cuối cùng, Ký đã vượt qua mọi khó khăn. Tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, Nguyễn Ngọc Ký đạt…..trở thành thày giáo và được tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú.

       Để thực hiện bài tập này trước hết tôi yêu cầu HS đọc kĩ các từ cho trước để nắm được nghĩa của các từ đã cho và đọc kĩ đoạn văn có những ô trống để nắm được nội dung. Tiếp theo HS đọc lần lượt từng câu của đoạn văn, đến ô trống thì cân nhắc xem có thể điền từ nào để câu văn thể hiện đúng nội dung, phù hợp với cả đoạn. Vì đây là một bài tập yêu cầu tính độc lập và sáng tạo nên tôi yêu cầu HS làm bài cá nhân. Đây là một đoạn văn khá dài nếu chép cả đoạn vào vở rồi gạch chân dưới từ đã điền thì rất mất thời gian vì vậy tôi yêu cầu HS trình bày vào vở thứ tự các từ đã điền ( Thứ tự các từ điền là: nghị lực, nản chí, quyết tâm, kiên nhẫn, quyết chí, nguyện vọng ). Khi chữa bài thì yêu cầu HS đọc cả đoạn văn. Kết quả bài làm của HS như sau:

     Nguyễn Ngọc Ký là một thiếu niên giàu nghị lực. Bị liệt cả  hai tay, em buồn nhưng không nản chí. Ở nhà em từ tập viết bằng chân. Quyết tâm của em làm cô giáo cảm động, nhận em vào học. Trong quá trình học tập, cũng có lúc Ký thiếu kiên nhẫn, nhưng được cô giáo và các bạn luôn tận tình giúp đỡ, em càng quyết chí học hành. Cuối cùng, Ký đã vượt qua mọi khó khăn. Tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, Nguyễn Ngọc Ký đạt nguyện vọng trở thành thày giáo và được tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú.

     Khi thực hiện làm bài tập như trên HS đã hiểu được nghĩa của từ và điền vào chỗ thích hợp. Để HS nắm kĩ về cách sử dụng từ tôi hỏi HS như sau:

     - Có thể đổi vị trí của hai từ quyết tâm quyết chí cho nhau hay không? Tại sao? (không nên đổi vị trí của hai từ này cho nhau. Trong đoạn  câu trước nói đến việc luyện viết bằng chân của Nguyễn Ngọc Kí nên câu sau nên điền là: “ Quyết tâm của em làm cô giáo cảm động, nhận em vào học.” để thể hiện sự gắng sức, quyết chí thực hiện bằng được, bất chấp mọi khó khăn, trở ngại của Nguyễn Ngọc Kí. Còn câu thứ năm nên điền là: “Trong quá trình học tập, cũng có lúc Ký thiếu kiên nhẫn, nhưng được cô giáo và các bạn luôn tận tình giúp đỡ, em càng quyết chí học hành.” Để thể hiện Kí là người có chí, quyết làm bằng được ).

     b. Không cho trước các từ mà để HS tự tìm trong vốn từ của mình điền vào.

          VD: Bài MRVT: Sức khỏe ( TV 4 – tập 2)

          Bài 3: Tìm những từ ngữ thích hợp với mỗi chỗ trống để hoàn chỉnh các thành ngữ sau:

          a. Khỏe như…..          M: khỏe như voi

          b. Nhanh như ….        M: nhanh như cắt

       Trước hết tôi yêu cầu HS nêu cách hiểu 2 thành ngữ mẫu. HS nêu như sau: khỏe như voi có nghĩa là khỏe như con voi; nhanh như cắt có nghĩa ví nhanh như con chim cắt nó bay. GV sẽ bổ sung cho HS về nghĩa của 2 câu thành ngữ như sau: Khỏe như voi là rất khỏe mạnh, sung sức, ví như là sức voi; Nhanh như cắt là rất nhanh, chỉ một thoáng, một khoảnh khắc, ví như nhanh như con chim cắt nó bay. HS nhận ra ở mỗi câu thành ngữ này là một phép so sánh, nên khi điền cần chú ý điền đúng các sự vật so sánh. HS làm việc trong nhóm 2 được kết quả như sau:

a. Khỏe như voi                                                   b. Nhanh như cắt

                    trâu                                                                      chớp

                    hùm                                                                      sóc

                                                                                                           điện

      Để nắm được nghĩa của các thành ngữ và biết cách sử dụng chúng tôi yêu cầu HS đặt câu với một thành ngữ mà em thích. (Anh ấy khỏe như voi, vác bao gạo mà chạy ầm ầm; Đúng là nhanh như sóc, thoáng cái nó đã biến đâu mất rồi.)

     3.4.2. Bài tập thay thế từ

          Là bài tập yêu cầu HS thay thế một từ (một ngữ) bằng một từ (ngữ) khác cho đúng hoặc hay hơn. Các từ cần thay thế cũng có thể được cho sẵn hoặc không cho sẵn như bài tập điền từ. Nhiều khi những bài tập thay thế từ được sử dụng để kết hợp dạy các mạch kiến thức, kĩ năng về từ, về câu.

          VD: Sau khi HS học bài về từ ghép, từ láy, để rèn kĩ năng sử dụng từ tôi cho HS làm thêm một số bài tập trong giờ hướng dẫn học như sau:

          Thay thể các từ đơn hoặc tổ hợp từ được gạch chân trong các câu văn sau thành từ láy để các câu văn trở nên sinh động hơn.

- Gió thổi mạnh, lá cây rơi nhiều, từng đàn cò bay nhanh theo mây.

- Mưa suốt rất to đêm ngày, mưa làm tối mặt mũi.

- Trên nền trời có những cánh cò đang bay.

          Trước hết GV nhấn mạnh yêu cầu của đề bài là phải thay các từ hoặc tổ hợp từ để câu văn sinh động hơn, đọc kĩ từng câu để nắm nội dung câu cần truyền đạt. Muốn làm như vậy các em cần nắm được từ, tổ hợp từ đó nói về đối tượng nào, sự vật nào từ đó mới lựa chọn từ thay thế cho đúng yêu cầu của bài. Kết quả bài của HS như sau:

- Gió thổi ào ào, lá cây rơi lả tả, từng đàn cò bay vun vút theo mây.

- Mưa xối  xả suốt đêm ngày, mưa làm tối tăm mặt mũi.

- Trên nền trời có những cánh cò rập rờn.

      Khi HS thực hiện tốt các bài tập này, các em sẽ hệ thống được vốn từ, hiểu nghĩa từ, sử dụng từ hợp lí. Bên cạnh đó HS còn biết cách dùng các từ láy trong viết văn để câu văn sinh động (tính nghệ thuật).

     3.4.3. Bài tập tạo ngữ

      Bài tập tạo ngữ nhằm luyện cho HS biết cách kết hợp các từ. Bài tập này có hai mức độ.

     a. Mức độ thứ nhất: Cho sẵn hai yếu tố, yêu cầu HS chọn từng yếu tố của dãy này ghép với một hoặc một số yếu tố của dãy kia sao cho thích hợp.

          VD: Bài MRVT: Dũng cảm (TV 4 – tập 2)

          Bài 2: Ghép từ dũng cảm  vào trước hoặc sau từng từ ngữ dưới đây để tạo thành những cụm từ có nghĩa:

          Tinh thần, hành động, xông lên, người chiến sĩ, nữ du kích, em bé liên lạc, nhận khuyết điểm, cứu bạn, chống lại cường quyền, trước kẻ thù, nói lên sự thật.

          Để làm bài tập này tôi hướng dẫn HS thử ghép từ dũng cảm vào trước hoặc sau từng từ ngữ, vận dụng kinh nghiệm nói năng của mình để xem xét cách ghép nào chấp nhận được. HS làm bài cá nhân, HS tiếp nối nêu đáp án theo thứ tự từng từ ngữ trong SGK. Tiếp theo tôi yêu cầu HS nêu nghĩa hay đặt câu với một vài cụm từ như: dũng cảm nói lên sự thật, dũng cảm nhận khuyết điểm để thấy sự hợp lí của trật tự từ trong cụm từ. (Do mải chơi quên không học bài nên bạn Dũng bị điểm kém. Bạn đã dũng cảm nhận khuyết điểm với bố mẹ và cô giáo.)

     b. Mức độ thứ hai: Yêu cầu HS tự tìm thêm từ mới có khả năng kết hợp với từ đã cho.

          VD: Bài Tính từ (tiếp) ( TV 4 - tập 1)

          Bài 3: Hãy tìm những từ ngữ miêu tả mức độ khác nhau của các đặc điểm sau: đỏ, cao, vui.

     Ở bài tập này HS phải tìm thêm từ mới ghép với từ đã cho dựa vào cách miêu tả mức độ khác nhau của đặc điểm, sự vật. HS làm bài theo nhóm, hệ thống các từ tìm được vào phiếu. Khi chữa bài đại diện các nhóm nêu từ của mình và các nhóm khác sẽ nhận xét, bổ sung. Kết quả bài làm của HS như sau:

Đặc điểm

Từ miêu tả mức độ của các đặc điểm

đỏ

- đo đỏ, đỏ rực, đỏ hồng, đỏ chót, đỏ chói, đỏ chon chót, đỏ tím, đỏ sậm, đỏ tía, đỏ thắm, đỏ hon hỏn,…

- rất đỏ, đỏ lắm, đỏ quá, quá đỏ, đỏ cực, đỏ vô cùng,…

- đỏ hơn, đỏ nhất, đỏ như son, đỏ hơn son,…

cao

- cao cao, cao vút, cao chót vót, cap vợi, cao vòi vọi,…

- rất cao, cao quá, cao lắm, quá cao,…

- cao hơn, cao nhất, cao như núi, cao hơn núi,…

vui

- vui vui, vui vẻ, vui sướng, vui mừng, sướng vui, mừng vui,…

- rất vui, vui quá, vui lắm,…

- vui hơn, vui nhất, vui như tết, vui hơn tết,…

      Bước tiếp theo tôi yêu cầu HS nêu các cách tạo từ chỉ mức độ của các đặc điểm. HS dễ dàng nêu được đó là các cách: tạo ra từ ghép, từ láy với các từ chỉ đặc điểm; thêm các từ rất, quá, lắm vào trước hoặc sau các từ chỉ đặc điểm; tạo ra phép so sánh. Như vậy qua bài tập này ngoài việc HS luyện tập về cách tạo ra từ chỉ mức độ của từ chỉ mức độ mà HS còn biết mở rộng, hệ thống hóa vốn từ theo các cách tạo ra từ chỉ mức độ của đặc điểm.

     3.5.Biện pháp 5: Gắn việc hiểu nghĩa từ, làm giàu vốn từ với việc rèn HS, dùng từ đặt câu, viết đoạn văn

     3.5.1.Bài tập dùng từ đặt câu

     Đây là bài tập yêu cầu HS đặt câu với một từ hoặc một số từ cho trước (năng lực cá thể). HS thể hiện sự hiểu biết của mình về nghĩa của từ, cách thức kết hợp từ với nhau (năng lực phương pháp). Những kiểu bài tập này không chỉ có mục đích làm giàu vốn từ cho HS mà còn có mục đích dạy mô hình câu (năng lực chuyên môn; năng lực xã  hội).

          VD: Bài MRVT: Trung thực – Tự trọng ( TV 4 – tập 1)

          Bài 2: Đặt câu với một từ cùng nghĩa với trung thực hoặc một từ trái nghĩa với trung thực

      Để thực hiện yêu cầu của bài tập HS phải hiểu nghĩa của các từ và điều này đã được thực hiện trong bài tập 1. Tiếp theo HS nhớ lại xem mình đã sử dụng từ đó như thế nào trong nói năng hàng ngày và đặt câu với từ đó. Với bài tập này tôi yêu cầu các em đặt một câu với từ cùng nghĩa, một câu với từ trái nghĩa. HS sẽ tiếp nối nêu câu mình đặt được với từ mình chọn, các bạn khác sẽ nhận xét. Trong thực tế nhiều HS trong lớp đặt được câu theo yêu cầu, tuy nhiên còn một số HS khi đặt câu với từ trái nghĩa với từ trung thực chưa thể hiện sự tế nhị khi nói về người khác như: “ Bạn A rất gian dối; Bạn B gian lận trong thi cử”. Điều này đã được HS trong lớp phát hiện và đưa ra ý kiến là không nên nói đến những điều chưa tốt về người khác khi chưa biết chắc chắn hoặc khi đã biết chắc chắn rồi cũng không nên nói như vậy để tránh làm tổn thương người khác. Như vậy qua bài tập này HS đã hiểu nghĩa của từ, biết cách sử dụng từ hợp ngữ cảnh, đúng hoàn cảnh giao tiếp hay cần thể hiện văn hóa trong giao tiếp - năng lực xã hội.

     3.5.2. Bài tập viết đoạn văn

     Đây là bài tập khó với HS tiểu học vì nó đồng thời đưa ra hai yêu cầu: dùng được các từ ngữ đã nêu và viết đoạn văn có nội dung chấp nhận được chứ không phải là các câu rời rạc (năng lực chuyên môn; năng lực phương pháp). HS nhiều khi không thể tự xác định được đoạn văn viết về đề tài gì.

          VD: Bài MRVT: Du lịch – Thám hiểm ( TV 4 – tập 2)

          Bài 3: Hãy viết một đoạn văn nói về hoạt động du lịch hay thám hiểm, trong đó có một số từ ngữ em vừa tìm được ở bài tập 1 hoặc bài tập 2

      Để thực hiện bài tập này, trước hết tôi yêu cầu HS đọc lại các từ đã tìm được ở bài 1 và 2, chọn lựa hoạt động mà mình sẽ viết (viết về du lịch hay thám hiểm). Để giúp HS xác định đúng đề tài để viết cho đúng yêu cầu tôi hướng dẫn HS như sau:

- Con hiểu thế nào là du lịch, thám hiểm? (du lịch là đi chơi xa để nghỉ ngơi, ngắm cảnh; thám hiểm là thăm dò, tìm hiểu những nơi xa lạ, khó khăn có thể nguy hiểm)

- Hãy nêu nội dung con chọn.

- Nếu viết đoạn văn có nội dung nói về hoạt động du lịch hay thám hiểm thì đối tượng nói đến trong đoạn văn có thể là ai? (du lịch: là em, gia đình em,..; thám hiểm: các nhà thám hiểm)

- Để chuẩn bị đi du lịch hay thám hiểm cần chuẩn bị những gì?

- Cần lưu ý gì khi viết đoạn văn?(nội dung về du lịch hoặc thám hiểm, có các từ ở bài tập 1,2)

- HS sẽ làm bài cá nhân, GV chữa mẫu 1-2 bài: HS dựa vào các từ bạn gạch chân để nhận xét bài bạn viết về nội dung nào có đúng yêu cầu không? Trong bài có lỗi nào cần sửa (lỗi chính tả, từ, câu, diễn đạt). Tiếp theo các em sẽ đổi vở trong nhóm, đọc bài của bạn và góp ý cho bạn những điều cần chỉnh sửa (nếu có), hay ghi dấu những điều hay mình đáng học tập. HS viết như sau:

- Mùa hè nào gia đình em cũng đi du lịch. Năm nay bố em quyết định đi du lịch ở Nha Trang - Đà Lạt. Trước khi đi em và mẹ vào siêu thị mua: đồ ăn, nước uống, bông băng, thuốc, quần áo, đồ bơi. Buổi sáng cả nhà đón taxi ra sân bay, sau đó lên máy bay vào Nha  Trang. Đây là chuyến du lịch dài ngày nên có hướng dẫn viên du lịch. Đi đến đâu em cũng được nghe hướng dẫn tỉ mỉ về các danh lam thắng cảnh. Bãi biển ở đây thật sạch, nước biển thì trong xanh. Sau hai ngày tắm biển ở Nha Trang cả gia đình em đi ô tô lên Đà Lạt.  Đây là thành phố thơ mộng trên cao nguyên, là thiên đường của các loài hoa lạ mà lần đầu tiên em thấy. Em rất thích những chuyến du lịch cùng với gia đình.

- Nhân dịp kỉ niệm ngày 26/3 trường em tổ chức cho HS đi tham quan ngoại khóa ở nông trại. Trước khi đi cô giáo yêu cầu chúng em chuẩn bị một số thứ như: thuốc chống say, đồ ăn nhẹ, một bộ quần áo, mũ vải. Tất cả chúng em đều rất háo hức với chuyến đi lần đó. Đúng 7giờ 30 phút xe chúng em xuất phát và 8 giờ 45 phút chúng em có mặt tại nông trại. Đến đây chúng em được tham gia rất nhiều hoạt động bổ ích do các cô chú hướng dẫn viên tổ chức như: trồng rau, bắt cá, tham gia chợ quê Đến khi dời nông trại trên tay đứa nào cũng có một món quà nhỏ đem về. Em rất thích những chuyến tham quan ngoại khóa mà trường tổ chức.

     3.6. Biện pháp 6: Làm giàu vốn từ cho HS qua các bài tập chữa lỗi dùng từ

     Là bài tập đưa ra những từ dùng sai, yêu cầu HS nhận ra và sửa lại cho đúng(năng lực chuyên môn). Ở đâu có hoạt động nói năng của HS thì ở đó có thể sử dụng các bài tập này. Những lỗi dùng từ cần lấy trong chính thực tế hoạt động nói, viết của HS. GV có thể đưa ra các lỗi dự tính mà HS dễ mắc phải, nhiệm vụ của HS là phát hiện ra và chữa lỗi từ này(năng lực cá thể). Bài tập sử dụng từ là bài tập có tính chất từ vựng – ngữ pháp. Để làm được bài tập dạng này, HS không những phải hiểu nghĩa của từ mà còn phải biết kết hợp từ, viết câu đúng ngữ pháp. Mục đích của bài tập dạng này là giúp cho HS sử dụng kiến thức từ ngữ của mình để phát hiện từ dùng sai, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất cách chữa. Đồng thời giúp HS nâng cao, mở rộng những hiểu biết về nghĩa của từ, đặc điểm kết hợp của từ, cách sử dụng từ,…(năng lực phương pháp) Từ tình hình thực tế lớp tôi chia thành các bài tập chữa lỗi dùng từ cho HS như sau:

     3.6.1. Bài tập chữa lỗi dùng từ sai nghĩa

     Đây là bài tập giúp HS hiểu nghĩa từ, không nhầm lẫn từ gần nghĩa, nắm được sắc thái ý nghĩa của từ trong từng văn cảnh để sử dụng từ cho đúng. Việc nắm nghĩa từ sẽ giúp HS tạo lập văn bản (nói, viết) và lĩnh hội ngôn bản (nghe, đọc). Căn cứ vào lỗi thực tế HS hay mắc tôi chia thành các nhóm bài như sau:

* Bài tập chữa từ sai do không hiểu nghĩa

♣ VD: Bài MRVT: Dũng cảm ( TV 4 – tập 2)

          Bài 3: Chọn từ thích hợp trong các từ sau đây để điền vào chỗ trống: anh dũng, dũng cảm, dũng mãnh.

  • …….bênh vực lẽ phải
  • khí thế………..
  • hi sinh………..

Trong lớp có một vài HS mắc lỗi như sau:

  • dũng mãnh bênh vực lẽ phải
  • khí thế anh dũng
  • hi sinh dũng cảm

Để giúp HS hiểu và chữa lại cho đúng tôi yêu cầu HS nêu nghĩa của các từ anh dũng, dũng cảm, dũng mãnh

     -    anh dũng: có tinh thần can đảm khác thường

     -    dũng cảm: gan dạ, không sợ gian khổ, nguy hiểm

     -    dũng mãnh: dũng cảm và mạnh mẽ một cách phi thường

=> Khi HS phân biệt được nghĩa của các từ như nêu trên các em sẽ sửa lại cho đúng như sau: dũng cảm bênh vực lẽ phải; khí thế dũng mãnh; hi sinh anh dũng

* Bài tập chữa lỗi sai do dùng từ gần nghĩa

          ♣ VD: Bài MRVT: Trung thực –Tự trọng (TV 4 – tập 1)

          Bài 3: Đặt câu với từ đã cho ở bài tập 3 ( từ đã cho ở bài tập 3: trung bình, trung thành, trung nghĩa, trung thực, trung thu, trung hậu, trung kiên, trung tâm)

- Có HS đặt câu như sau:

+ Bạn Lan là người trung nghĩa.

+ Phụ nữ Việt Nam rất trung kiên, đảm đang.

- HS phát hiện ra từ chưa hợp lí trong hai câu này là từ “ trung nghĩa, trung kiên” và HS nêu lí do như sau: Trung nghĩa là một là một lòng một dạ vì việc nghĩa nên khi nói “Bạn Lan là người trung nghĩa.”  chưa thể hiện đúng nghĩa của từ. Vậy nên nói “Bạn Lan là người trung thực.” Hay như câu thứ hai nội dung ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nhưng đặt trung kiên cạnh đảm đang không hợp lí nên sửa thành “Phụ nữ Việt Nam rất trung hậu, đảm đang.”. Vì trung hậu là ăn ở, nhân hậu, thành thật, trước sau như một là một trong những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

     * Bài tập dùng từ sai sắc thái biểu cảm

          ♣ VD: Khi HS làm bài văn viết thư với đề bài: Nghe tin gia đình một người thân ở xa có chuyện buồn (có người đau ốm, mới mất hoặc mới gặp tai nạn,….) hãy viết thư thăm hỏi và động viên người thân đó. Hay khi tả một đồ vật gắn với một kỉ  niệm sâu sắc với em.

Có HS viết:

- Khi nghe tin ông chết em đã rất đau buồn. Em viết bức thư này để chia buồn với chị.

- Em còn nhớ mãi ngày chia tay, em đã cho Mai chiếc bút mà mình rất yêu thích.

     Khi chữa bài HS đã chỉ ra được các từ dùng sai trong hai câu trên lần lượt là “chết, cho”. Các em cho rằng từ “chết” không thể hiện được sự kính trọng và chia sẻ với người thân của mình (đây là lỗi dùng từ sai nghĩa biểu thái). Trong câu thứ hai nếu sử dụng từ “cho” sẽ  không thể hiện được sự trân trọng đối với đồ vật cũng như là người bạn của mình. Từ chỗ HS chỉ ra điều không hợp lí sẽ tìm được từ thay thế bằng cách sử dụng các từ cùng nghĩa (cùng nghĩa với chết: mất, ra đi, toi mạng, hy sinh,.. cùng nghĩa với từ cho: tặng, biếu,..) để chọn từ hợp lí nhất. Nên thay từ “chết” bằng từ “ ra đi, mất”; thay từ “cho” bằng từ “tặng” để câu văn bộc lộ được tình cảm của người viết. Điều đó cho thấy HS đã biết phân biệt sắc thái nghĩa rất tinh tế của từ, phân biệt được trong từ đồng nghĩa có đồng nghĩa hoàn toàn, đồng nghĩa không hoàn toàn khác nhau về sắc thái ý nghĩa. Sử dụng đúng các từ phụ thuộc vào đối tượng và ngữ cảnh trong câu văn.

     3.6.2. Bài tập chữa từ sai về kết hợp từ

      Kiểu bài tập này rèn cho HS khả năng sử dụng vốn từ của mình, kết hợp theo những quy tắc nhất định về ngữ nghĩa, ngữ pháp như: kết hợp đúng quan hệ từ, cặp quan hệ từ, phụ từ, thể hiện mối quan hệ của các từ trong câu.

     * Bài tập chữa dùng sai quan hệ từ

          Ở lớp 4 HS chưa được học về quan hệ từ nên chưa có bài tập riêng cho dạng này. Tuy nhiên trong quá trình HS viết văn HS mắc lỗi về dùng sai các từ chỉ quan hệ từ.

          ♣ VD: Khi viết bài văn miêu tả cây cối có HS viết như sau:

- Cây xà cừ rất có ích cho chúng em vui chơi để nó che bóng mát.

- Hè về, hoa phượng nở đỏ rực cả sân trường mà tiếng ve kêu râm ran suốt trưa hè.

HS đã phát hiện bạn dùng sai quan hệ từ trong hai câu trên là “ để, mà”. HS nêu cách sửa như sau:

- Cây xà cừ rất có ích cho chúng em vui chơi  nó che bóng mát.

- Hè về, hoa phượng nở đỏ rực cả sân trường  tiếng ve kêu râm ran suốt trưa hè.

      Trong trường hợp này chỉ yêu cầu nêu từ dùng chưa hợp lí và tìm từ thay thế để khi đọc câu văn ta thấy hợp lí hơn chứ không khai thác kĩ thế nào là quan hệ từ và phải sử dụng các từ chỉ quan hệ như thế nào.

* Bài tập chữa lỗi sai do dùng các từ đã, đang, sẽ dùng sai

♣ VD: Bài Động từ  ( TV 4 - tập 1)

          Bài 3: trong truyện vui sau có nhiều từ chỉ thời gian dùng không đúng. Em hãy chữa lại cho đúng bằng cách thay đổi các từ ấy hoặc bỏ bớt từ.

Đãng trí

          Một nhà bác học đã  làm việc trong phòng. Bỗng người phục vụ đang bước vào, nói nhỏ với ông:

          - Thưa giáo sư, có tên trộm lẻn vào thư viện của ngài.

          Nhà bác học hỏi:

          - Nó sẽ đọc gì thế?

      Tôi yêu cầu HS làm việc trong nhóm hai, thảo luận gạch chân những từ dùng sai và sửa lại cho đúng. Kết quả bài làm của HS như sau:

Đãng trí

          Một nhà bác học (đã)đang  làm việc trong phòng. Bỗng người phục vụ ( bỏ đang) bước vào, nói nhỏ với ông:

          - Thưa giáo sư, có tên trộm lẻn vào thư viện của ngài.

          Nhà bác học hỏi:

          - Nó (bỏ sẽ) đọc gì thế?

          Tiếp theo tôi yêu cầu HS trao đổi với các bạn về lí do tại sao lại chọn cách chữa như vậy. HS trao đổi như sau:

- Tại sao bạn thay “đã” bằng từ “đang” trong câu thứ nhất? (vì nhà bác học đang ngồi làm việc, từ đang cho thấy sự việc đang diễn ra)

- Ở câu thứ hai có cách chữa khác ngoài cách bỏ từ đó đi không? Tại sao?

(Không có cách chữa khác vì nội dung câu chuyện đang diễn ra và hoạt động tiếp theo là hoạt động bước vào của người quản gia)

- Câu cuối có cách sửa nào khác? (thay “sẽ” bằng từ “đang”)

- Bạn thấy câu chuyện buồn cười ở chỗ nào? (nhà bác học này rất đãng trí, ông nghĩ vào thư viện thì chỉ để đọc sách nên ông hỏi người giúp việc là tên trộm đọc sách gì chứ không nghĩ nó sẽ lấy trộm thứ gì quý giá của ông)

     Như vậy qua bài tập này HS nắm được cách sử dụng một số từ bổ sung ý nghĩa thời gian cho động từ và biết vận dụng vào đặt câu, viết văn một cách hợp lí. Không những thế bằng cách làm như trên tôi còn rèn cho HS kĩ năng vận dụng kiến thức phân tích, diễn đạt vấn đề.

     3.6.3. Bài tập chữa lỗi lặp từ

      Đây là lỗi mà HS rất hay mắc khi viết đoạn văn. Việc lặp từ làm cho câu văn không sáng ý, diễn đạt lủng củng.

          ♣ VD: Khi viết bài văn tả cây cối, có HS viết đoạn kết bài như sau:

           “Trường học là nơi chúng em lớn lên, trưởng thành. Mai này rời xa mái trường, hình ảnh ngôi trường với cây xà cừ sẽ mãi còn trong tâm trí em.” 

HS đã nhận ra hai từ “lớn lên, trưởng thành” đều chỉ sự lớn lên của con người. Đây là lỗi lặp từ đồng nghĩa. Để chữa lỗi này HS đã đề xuất cách sửa bỏ từ “lớn lên” và giữ lại từ “trưởng thành” sẽ thể hiện được nhiều ý như: với sự dạy dỗ của thầy cô các em sẽ ngoan hơn, học được nhiều điều hay lẽ phải,….

3.6.4. Bài tập chữa từ do dùng từ không hợp văn cảnh

          Bài tập này rèn cho HS có khả năng dùng từ đúng phong cách, phù hợp với văn cảnh khi tạo lập văn bản. Từ đó, giúp cho HS có khả năng dùng từ đúng, hay trong quá trình viết văn. (năng lực cá thể, năng lực chuyên môn và năng lực phương pháp)

* Bài tập chữa từ sai do dùng từ không hợp văn cảnh

          ♣ VD: Khi làm bài văn viết thư và bài văn  miêu tả con vật. Có HS viết như sau:

- Đêm qua nằm bên mẹ, nghe tiếng mưa rơi rào rào trên mái ngói, con thương bố vô cùng. Con biết giờ đây bố đang ở hải đảo xa xôi canh giữ vùng biển yêu thương của quê hương mình.

- Chị gà mái mơ xù lông, rướn cổ, mắt gườm gườm nhìn bác chuột cống hung ác.

     Khi đọc bài của bạn HS phát hiện được từ “quê hương” ở câu thứ nhất bạn dùng không phù hợp. Vì từ “quê hương” để chỉ một phạm vi hẹp, nên nói “vùng biển yêu thương của tổ quốc”. Ở câu thứ hai từ “bác” dùng không phù hợp, đây là từ chỉ người với thái độ gần gũi, tôn trọng. Chuột cống là con vật gây hại và nó đang đe dọa đàn gà nên không thể gọi là “bác” để diễn tả thái độ tôn trọng, kính nể được. Với câu này nên thay từ “bác” bằng “tên, gã hoặc lão chuột cống”

     * Bài tập chữa lỗi dùng từ ngữ không hợp phong cách văn bản

          ♣ VD: Trong bài Chủ ngữ trong câu kể Ai làm gì? ( TV 4 – tập 2)

Bài 3: Đặt câu nói về hoạt động của từng nhóm người hoặc sự vật được miêu tả trong bức tranh có HS viết như sau:

- Những ngày gặt hái trên quê hương em là những ngày vui sướng cực kì.

Hay như trong bài văn miêu tả cây cối có HS viết:

- Xa mái trường, em thấy yêu sao từng ghế đá, gốc cây, yêu cả chỗ ngồi thân quen cạnh mấy đứa con gái.

      HS đã phát hiện ra “cực kì, mấy đứa” dùng chưa hợp lí. Hai từ này là từ ngữ thường dùng trong khẩu ngữ sinh hoạt hàng ngày, nó không hợp với phong cách của câu văn. Đó là lỗi dùng từ sai phong cách văn bản. HS đề xuất cách thay như sau:

- Những ngày gặt hái trên quê hương em là những ngày vui sướng, hân hoan.

- Xa  mái trường, em thấy yêu sao từng ghế đá, gốc cây, yêu cả chỗ ngồi thân quen cạnh những bạn  gái.

      Trong thực tế tôi thấy rằng khi tạo lập văn bản, không phải HS nào cũng biết huy động vốn từ, sắp xếp từ một cách hợp lí. Việc HS tự phát hiện lỗi và biết chữa lỗi dùng từ sai không phải HS nào cũng làm được. Vì vậy trong quá trình học tập tôi luôn hướng dẫn HS cách nhận diện lỗi từ, tìm ra nguyên nhân và cách sửa phù hợp. Thông qua những việc làm thường xuyên như đã nêu trên tôi đã giúp HS MRVT, sử dụng từ một cách hợp lí.

     3.7. Biện pháp 7: Tổ chức tốt các hình thức, trò chơi học tập gây hứng thú cho HS

     Trò chơi là một phương pháp rất có hiệu quả để thu hút sự tham gia của HS. Trong cuộc chơi, mọi người đều bình đẳng và cố gắng thể hiện “hết mình”(năng lực cá thể). Vì vậy, tổ chức trò chơi chẳng những là biện pháp tăng cường hứng thú trong học tập, nâng cao sự chú ý, thay đổi các trạng thái tâm lí mệt mỏi trong quá trình nhận thức mà còn là biện pháp rèn luyện các kĩ năng ứng xử, giao tiếp, củng cố và phát triển khả năng tự  tin của các em trong học tập và trong hoạt động xã hội (năng lực xã hội). Trò chơi rất phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của HS. Trò chơi có tác dụng lôi cuốn các em tham gia. Nội dung của trò chơi gắn với nội dung bài học  làm cho các em tiếp thu bài  học một cách sôi nổi, hào hứng, tự giác, nhớ lâu. Mục đích  của trò chơi học tập không chỉ giải trí mà còn góp phần củng cố tri thức, kĩ năng, đặc biệt là kĩ năng.

♣ VD : Bài MRVT: Cái đẹp ( TV 4 – tập 2)

          Bài 1: Tìm các từ:

          a. Thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người.                                     M: xinh đẹp

          b. Thể hiện  nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của con người. M: thùy mị

     Bài tập yêu cầu tìm các từ thuộc cùng một chủ điểm từ ngữ hay nói cách khác là cùng nằm trong một hệ thống liên tưởng. Bài tập này ngoài tác dụng giúp HS MRVT còn có tác dụng giúp HS hình thành, phát triển tư duy hệ thống. Khi tổ chức cho HS làm bài tập tôi gợi ý để các em hiểu từ mẫu (từ điểm tựa) để nắm rõ yêu cầu bài tập đồng thời cũng có tác dụng gợi ý, định hướng cho HS tìm từ.

Tiếp theo tôi tổ chức cho HS làm bài tập theo nhóm tổ dưới hình thức trò chơi  Thi tìm từ như sau:

- GV chuẩn bị một số bút dạ và thẻ gồm các màu: thẻ màu xanh ghi các từ thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người, thẻ màu vàng ghi những từ thể hiện nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của con người.

- HS sẽ tìm từ và ghi từ lên các thẻ theo quy định trên.

- GV phân vị trí 4 nhóm tổ để HS đính thẻ từ

     Khi chữa bài, các em sẽ nhìn vào màu sắc của thẻ để phân biệt các từ thuộc nhóm a, hay thuộc nhóm b để dễ dàng nhận xét. HS đại diện nhóm sẽ nêu các từ nhóm tìm được, HS nhóm khác nhận xét. Nếu có từ chưa đúng nội dung hay xếp chưa đúng nhóm thì sau khi HS nhận xét GV sẽ nhấc thẻ từ đặt đúng nhóm. VD như khi một nhóm xếp từ đằm thắm ở phần a, HS lớp tôi nêu được đằm thắm là nói về tình cảm nồng nàn và sâu sắc, khó phai nhạt. Nên từ đằm thắm xếp vào nhóm b - thể hiện nét đẹp trong tâm hồn tính cách con người. Tổ chức thực hiện bài tập theo cách trên tôi thấy HS nào cũng hứng thú, tích cực tham gia trao đổi, thảo luận để tìm từ. Sau khi chữa bài HS sẽ thấy kết quả bài làm của mình được lưu trên bảng được chia thành các nhóm thẻ từ có màu sắc khác nhau. Tôi yêu cầu HS hệ thống các nhóm từ vào vở. Như vậy qua bài tập này HS đã biết hệ thống hóa, tích cực hóa vốn từ của mình và  chắc chắn các em sẽ biết sử dụng các từ vừa tìm được trong nói năng, giao tiếp.

♣ VD: Sau khi học bài Từ ghép tôi kiểm tra kiến thức của các em qua hoạt động kiểm tra bài cũ như sau:

Xếp các từ sau thành hai nhóm: từ ghép có nghĩa phân loại, từ ghép có nghĩa tổng hợp

bạn đường, bạn  học, bạn đời, anh em, anh cả, em út, anh rể, chị dâu, ruột thịt, hòa thuận, thương yêu, vui buồn

Để thực hiện bài tập này tôi tổ chức cho HS chơi trò chơi: Ai nhanh? Ai đúng? Tôi tổ chức trò chơi như sau:

- Chuẩn bị các thẻ từ như trên.

- HS 2 nhóm sẽ tiếp nối lên bảng gắn các thẻ từ này vào cột tương ứng trong thời gian 1 phút. Nhóm nào xếp đúng và nhanh hơn sẽ thắng, các bạn còn lại trong lớp sẽ là cổ động viên và là giám khảo.

     - Trong quá trình chơi trong lúc thành viên đội mình lên gắn thẻ các thành viên khác trao đổi để chuẩn bị thẻ trước.

     - Kết quả bài như sau:

Từ ghép có nghĩa phân loại

Từ ghép có nghĩa tổng hợp

bạn học, bạn đường, bạn đời, anh cả, em út, anh rể, chị dâu

anh em, ruột thịt, hòa thuận, thương yêu, vui buồn

     - Khi HS chữa bài tôi yêu cầu HS nêu lí do vì sao xếp như vậy  và nhắc lại thế  nào là từ ghép có nghĩa phân loại, từ ghép có nghĩa tổng hợp để củng cố kiến thức về từ ghép cho HS.

      Trong quá trình chơi để thực hiện yêu cầu của bài tập HS rất hứng thú, tích cực, những em chưa được tham gia chơi cũng bị cuốn hút, tập trung vào bài tập và thực hiện tốt vai trò giám  khảo của mình. Qua các thực  hiện như trên tôi đã giúp HS MRVT theo nét nghĩa, rèn cho HS tư duy nhanh, tác phong nhanh nhẹn.

     3.8. Biện pháp 8: Đổi mới cách đánh giá cách dùng từ của HS theo tiêu chí đánh giá năng lực viết

     3.8 .1. Mục tiêu của việc đánh giá năng lực viết

     Có thể nói viết giữ vai trò quan trọng trong đánh giá kết quả học tập tiếng Việt vì sản phẩm viết phản ánh quá trình học tập tổng thể của HS, liên quan đến các kĩ năng ngôn ngữ và các môn học khác. Thông qua sản phẩm viết, HS còn thể hiện “cái tôi cá nhân” của mình. Đó là những suy nghĩ, thái độ, tình cảm, quan điểm của mình đối với cuộc sống xung quanh. Sự thể hiện này giúp cho các nhà giáo dục (giáo viên, phụ huynh, người quản lí giáo dục…) nắm bắt và xem xét lại những yếu tố tích cực lẫn hạn chế ở HS để từ đó điều chỉnh quá trình dạy học cho phù hợp. Chương trình tiểu học hiện hành không đề ra “Mục tiêu dạy học viết” cụ thể, chúng được xác định trong Mục tiêu môn Tiếng Việt nói chung. Như trên đã đề cập, đánh giá theo năng lực là đánh giá theo “Kết quả đầu ra”, vậy Chuẩn yêu cầu về kiến thức, kĩ năng viết đối với học sinh lớp 4 là “Mục tiêu dạy học viết” và là căn cứ đánh giá kết quả học tập cuối năm học của học sinh trong giai đoạn hiện nay. Nhìn chung, “Mức độ cần đạt” chủ yếu mô tả kết quả cần đạt của nội dung dạy học, các kĩ năng của bài học. Vì vậy, khi đánh giá kết quả một bài viết của HS, tôi thường chú trọng đến những nội dung, kĩ năng cụ thể liên quan đến nội dung cần viết.

      3.8 .2. Cách thực hiện:

     Việc đánh giá cách dùng từ và câu hay kiểm tra đánh giá kiến thức Tiếng việt thông qua các bài kiểm tra đọc hiểu. Trong bài kiểm tra đó ngoài việc trả lời các câu hỏi tìm hiểu nội dung bài HS sẽ trả lời một số câu hỏi về LTVC. Trong đó có những câu hỏi yêu cầu HS vận dụng cách dùng từ: hiểu nghĩa từ, dùng từ đặt câu, viết đoạn. Trong dạy học theo định hướng năng lực, đánh giá kết quả học tập của HS không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện thông tin đã biết làm trọng tâm mà chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống cụ thể. Việc đánh giá năng lực của HS cũng cần có những thay đổi cho phù hợp với định hướng nội dung này. Khâu quan trọng nhất trong việc đánh giá chính là ra đề. Đối với phần LTVC việc làm này hết sức quan trọng, khi hỏi bằng nhiều cách khác nhau, khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau khiến cho vấn đề nêu lên mới mẻ buộc HS phải suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo. Ra đề có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của HS.

♣ VD: Đề kiểm tra giữa học kì II

     Tôi chọn một văn bản theo chủ điểm HS học từ đầu đến giữa học kì II. Ngoài những câu hỏi về nội dung và chọn đáp án đúng trong các đáp án cho trước, tôi chú trọng đến các câu hỏi yêu cầu HS vận dụng vốn từ để viết câu. “Em đặt mình vào vai người bố, viết 1-2 câu nói lên suy nghĩ của mình khi nghe lời đề nghị của con.” Hay “Câu chuyện muốn nói với em điều gì?; Em hãy viết một câu kể theo mẫu Ai là gì? để khen chị động viên đã chiến thắng”. Nhiều HS có những câu văn đúng yêu cầu, sát nội dung của bải. Các em biết cách thể hiện tình cảm của mình, biết  cách tóm tắt nội dung, vận dụng kiến thức viết câu đúng yêu cầu. (Con gái mình thật thông minh. Mình rất may mắn vì có đứa con hiểu chuyện như vậy/ Cảm ơn con gái yêu quý! Con đã giúp bố nhận ra một điều: cuộc sống cần có tình yêu. Hay: Câu chuyện cho em thấy nếu cuộc sống của mọi người tràn ngập tình yêu thì sẽ có mọi thứ./ Một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống tràn ngập tình yêu. Chị vận động viên khuyết tật là tấm gương sáng về ý chí nghị lực./ Chị là anh hùng trong lòng em.

     Qua tình huống cụ thể như trên, việc HS thực hiện yêu cầu  giúp HS hình thành và phát triển năng lực. Cụ thể:

     * Năng lực chuyên môn: Xác định vấn đề  cần viết: Viết suy nghĩ của mình. Viết để thể hiện suy nghĩ khi mình là nhân vật người bố. Cần bám sát nội dung câu chuyện để viết.Huy động vốn từ, cách liên kết câu để viết cho đủ, đúng và thể hiện rõ tình cảm của nhân vật. Vận dụng những kinh nghiệm trong các tình huống thực tế giữa bản thân HS và cha mình. => thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương. Thông qua tình huống cũng giúp HS ghi nhớ cách ứng xử phù hợp có thể vận dụng trong cuộc sống nhằm thể hiện tốt tình cảm của bản thân với cha mình.

       * Năng lực phương pháp: HS phân tích yêu cầu, huy động vốn từ và kiến thức phân môn khác để viết câu đảm bảo nghĩa, liên kết sắc thái biểu cảm.

        * Năng lực xã hội: biết đặt mình vào vai người khác để thể hiện “cái tôi” của mình và vận dụng trong cuộc sống

       4. KẾT QUẢ

       Việc thực hiện tốt các biện pháp nêu trên để MRVT cho học sinh qua phân môn LTVC tôi thu được một số kết quả như sau:        

       4.1. Về phía học sinh

       HS có hứng thú, tích cực tham gia các giờ học LTVC. Các em tiếp nhận vốn từ được cung cấp, được mở rộng như một nhu cầu tất yếu của bản thân. Khả năng nắm nghĩa từ của HS được cải thiện rõ rệt. HS biết vận dụng liên tưởng để huy động vốn từ; biết dùng từ đặt câu, sử dụng câu phù hợp với hoàn cảnh, mục đích và đối tượng trong giao tiếp. Đặc biệt qua các bài học về LTVC các em có nhu cầu hệ thống, tích cực hóa vốn từ, nắm nghĩa của từ và có khả năng văn hóa vốn từ. Biết dung nạp những từ ngữ theo chủ đề, chủ điểm; sắp xếp nó theo một hệ thống; có ý thức làm trong sáng, làm đẹp vốn từ của bản thân. Qua thời gian cùng với việc thường xuyên luyện tập cách sử dụng từ HS có kĩ năng dùng từ đặt câu, viết đoạn văn, lựa chọn ngôn từ khi diễn đạt ý kiến của mình. HS biết vận dụng kiến thức đã học và sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện trong giao tiếp. Bên cạnh đó HS có kĩ năng nhận ra các từ dùng sai và có cách sửa các từ đó một cách hợp lí. Hơn thế khi các em học tốt phân môn LTVC thì kết quả phân môn Tập làm văn cũng có sự tiến bộ. Bên cạnh đó tập thể lớp luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động giáo dục của nhà trường. HS có thói quen văn minh trong giao tiếp, có ý thức nói lời hay, làm việc tốt.

Năm học

Thời điểm đánh giá

Giỏi

Khá

TB

2017 - 2018

Cuối học kì I

33 = 76,7%

10 = 23,3%

Cuối học kì II

35 = 81,3%

8 = 18,6%

2018 - 2019

Cuối học kì I

40 = 72,7%

15 = 27,2%

Giữa học kì II

43 = 78,1%

12 = 621,8%

     Bảng tổng hợp kết quả môn Tiếng Việt

     4.2 Về phía giáo viên

- Giáo viên nắm chắc phương pháp dạy học phân môn LTVC – phần MRVT cho HS  và tổ chức giờ học một cách tích cực.

- Thông qua các hoạt động học tập GV phát huy được tính sáng tạo, chủ động, tích cực của HS trong việc nắm nghĩa từ, tích cực hóa vốn từ, sử dụng từ.

- Các tiết dự giờ chuyên đề, hội giảng về phân môn LTVC do tôi thực hiện được ban thi đua và các đồng nghiệp đánh giá cao.

- Tôi trao đổi và phổ biến kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong tổ, khối cùng thực hiện khi dạy MRVT trong phân môn LTVC.

     Dạy tốt phân môn LTVC sẽ góp phần dạy tốt môn Tiếng Việt - môn học trung tâm của bậc tiểu học, góp phần to lớn trong việc giúp trẻ học tốt tiếng mẹ đẻ. Điều đó sẽ giúp HS nắm được ngôn ngữ, coi nó như một công cụ để giao tiếp và hơn hẳn là hình thành cho HS những phẩm chất quan trọng nhất của con người việt Nam, hình thành và phát triển năng lực cho HS đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày nay. Kết quả học tập môn Tiếng Việt trong đó có phân môn LTVC trong năm học qua tại lớp tôi chủ nhiệm có sự tiến bộ rõ rệt.     

     Để có kết quả như trên cần có sự nỗ lực của cả thày và trò. Với giáo viên cần có ý thức nghiên cứu, đổi mới phương pháp, đưa những hoạt động tích cực phù hợp nhằm phát huy trí lực của học sinh. Tuy nhiên để sự đổi mới phương pháp đúng định hướng phải có sự chỉ đạo kịp thời từ Bộ giáo dục, Sở giáo dục và sự quan tâm của Phòng giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường  tạo mọi điều kiện để giáo viên dạy tốt, trò học tốt.

     PHẦN III. KẾT LUẬN - KHUYẾN NGHỊ

      Để nâng cao chất lượng giáo dục cần đổi mới phương pháp dạy học. Việc tổ chức giờ học phân môn LTVC thành các hoạt động tích cực là định hướng đổi mới phương pháp. Dạy theo cách đổi mới là dạy học sinh tự tìm tòi, phát hiện kiến thức mới tức là đã dạy cho học sinh cách học. Để dạy tốt, việc chuẩn bị của giáo viên rất quan trọng. Giáo viên cần xác định rõ: Dạy cái gì? Dạy ai? Dạy nội dung này để làm gì? Dạy thế nào? và luôn hướng tới cái đích  giúp người học làm được gì. Muốn dạy hay trước hết giáo viên cần nắm chắc nội dung cần dạy, nắm vững kiến thức, hiểu được ý đồ sách giáo khoa. Có như vậy giáo viên mới có thể đưa ra phương pháp thích hợp và chuẩn bị tổ chức các hoạt động cho học sinh học tập đạt hiệu quả. Giáo viên không áp đặt, thông báo kiến thức sẵn có mà tổ chức cho học sinh tự tìm tòi, phát hiện, tự chiếm lĩnh kiến thức đó là hệ thống các từ ngữ thuộc các chủ điểm, hiểu nghĩa của từ, sử dụng từ ngữ hợp lí, hiệu quả trong học tập, trong giao tiếp. Giáo viên cần tổ chức sao cho mọi học sinh đều tham gia vào các hoạt động học tập, để các em được tích cực chủ động trong các hoạt động đó. Trong giờ học LTVC, giáo viên nên tạo không khí thoải mái, xây dựng môi trường lớp học tự nhiên, gắn liền với thực tế, gần gũi với cuộc sống thực, với đời sống hàng ngày của học sinh. Học sinh được tham gia nhiều hoạt động, hình thức học tập khác nhau như: thảo luận nhóm; phân tích, đánh giá một vấn đề; trò chơi. Để giúp HS mở rộng vốn từ qua phân môn LTVC tôi thấy rằng GV cần làm tốt những việc sau:

     Khảo sát phân nhóm đối tượng HS.

     Hướng dẫn HS nắm nghĩa của từ thông qua các bài tập dạy nghĩa.

     Làm giàu vốn từ cho HS qua các bài tập hệ thống hóa vốn từ.

     Làm giàu vốn từ qua các bài tập sử dụng từ (tích cực hóa vốn từ).

     Gắn việc hiểu nghĩa từ, giàu vốn từ qua việc rèn HS đặt câu, viết đoạn văn.

     Làm giàu vốn từ cho HS qua các bài tập chữa lỗi dùng từ.

     Tổ chức các hình thức, trò chơi học tập gây hứng thú cho HS.

     Đổi mới cách đánh giá cách dùng từ của HS theo tiêu chí đánh giá năng lực viết

     Nói như vậy không phải ta ôm đồm mọi việc trong một tiết dạy mà cần tránh làm việc quá nhiều, khối lượng công việc nhiều học sinh sẽ quá sức từ đó có thể sợ môn học hoặc học tập không tích cực. Giáo viên cần quan tâm đến các đối tượng học sinh trong lớp để có những hình thức học tập và nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng em.

     Tóm lại, trong quá trình dạy học giáo viên nên chọn phương pháp dạy học tích cực để học sinh là nhân vật trung tâm, được hoạt động, tự tìm tòi, nắm bắt kiến thức còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn tổ chức các hoạt động của học sinh.