Xác định dấu hiệu vi phạm của đảng viên

(TCTG)- Từ những vướng mắc trong việc xác định các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm trong tổ chức đảng và đảng viên, không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn, vi phạm của một người thành vi phạm của nhiều người, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiên cứu từ thực tiễn nguyên nhân xảy ra các vụ án, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc sai phạm phải xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, đúc rút được một số dấu hiệu cụ thể làm tiêu chí giúp các tổ chức đảng có thể hình dung, dự báo được những sai phạm sẽ xảy ra như thế nào, nếu không được ngăn chặn kịp thời. Vậy những nội dung, hành vi dẫn đến sai phạm ấy bao gồm những dấu hiệu gì?

- Khi xem xét sự việc theo nhóm nội dung, một số dấu hiệu vi phạm thường xuất hiện là:

Thứ nhất, về việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng bao gồm những dấu hiệu sau: Không tích cực nghiên cứu quán triệt Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng; phát biểu những vấn đề có tính chất truyền miệng trái với chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng; phát ngôn tùy tiện, thiếu ý thức xây dựng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng hoặc người khác; giữ, lưu hành, tán phát những tài liệu không lành mạnh, không đúng tinh thần Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có biểu hiện chấp hành không đúng, không nghiêm nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước; có biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; không thực hiện đúng quy chế làm việc, gặp đâu làm đó, không có chương trình kế hoạch công tác; không thực hiện tốt nhiệm vụ của đảng viên, không tích cực sinh hoạt đảng.

Thứ hai, về góc độ lãnh đạo quản lý điều hành bao gồm những dấu hiệu sau: Ra nhiều quyết định sai hoặc vi phạm các quy trình, thủ tục công vụ; không công khai hoặc công khai không rõ ràng các quy định, các chế độ, chính sách của đảng và Nhà nước theo quy định; thường giải quyết công việc kéo dài hơn quy định hoặc nhanh chóng quá mức bình thường, giải quyết không thông qua các phòng ban chức năng hoặc bỏ qua các thủ tục; thường hẹn người cần giải quyết công vụ cận giờ nghỉ (buổi trưa hoặc buổi chiều), ra ngoài cơ quan hoặc ở nhà riêng vì mục đích cá nhân; tranh thủ đi nước ngoài theo các doanh nghiệp nhiều lần trong năm; tạo dư luận nhằm vu cáo, nói xấu, vô hiệu hóa người khác; trong hội họp bắt người khác nghe theo quyết định của mình hoặc dùng nghị quyết tập thể để hợp thức hóa quyết định của cá nhân dẫn đến sai trái gây thiệt hại; sử dụng công quỹ để mua sắm trang thiết bị đắt tiền nhằm mục đích phô trương gây lãng phí hoặc ban phát cho người khác nhằm tạo dựng uy tín cá nhân.

Thứ ba, về góc độ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống bao gồm những dấu hiệu sau: Nhiều bất động sản, nhiều tài sản, giàu bất thường; vợ, con đi du lịch, du học bằng nguồn tài chính không có nguồn gốc rõ ràng; tìm mọi cách để tiếp cận nịnh bợ lãnh đạo nhưng lại nạt nộ coi thường cấp dưới, xa rời quần chúng; trong lãnh đạo, quản lý độc đoán, chuyên quyền, gia đình trị, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; có biểu hiện vi phạm Quy định số 115-QĐ/TW ngày 7/2/2007  của Bộ Chính trị về những việc đảng viên không được làm; lối sống thiếu lành mạnh, có dư luận xấu, quần chúng phê phán; để người thân lợi dụng uy tín, quyền lực của mình trong việc chạy chọt cấp phép, cấp đất, cấp nhà, bố trí, đề bạt, chạy án ...; để thân nhân hoạt động kinh doanh không chấp hành luật pháp Nhà nước; tổ chức tiệc tùng mang tính chất vụ lợi.

Thứ tư, về công tác tổ chức, cán bộ bao gồm những dấu hiệu sau: Làm không đúng quy trình về công tác tổ chức cán bộ; có biểu hiện thiếu dân chủ, bè phái cục bộ, định kiến, thiên vị, nể nang, thực hiện không đúng chính sách cán bộ; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng ý kiến, nghị quyết của tập thể; thông tin sai lệch để tập thể quyết định không đúng về công tác cán bộ, gặp gỡ người không có liên quan để thông báo nội dung liên quan đến công tác cán bộ; gặp gỡ, lộ, lọt thông tin về công tác cán bộ ra ngoài nhằm gây uy tín, tình cảm cá nhân; lợi dụng quyền hạn để nâng lương, cất nhắc, bố trí cán bộ không đúng yêu cầu, tạo phe nhóm, bè phái nhằm đạt lợi ích cá nhân.

Khi xem xét sự việc theo nhóm hành vi, những dấu hiệu vi phạm thường gặp là:

Dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước gồm các hành vi sau: Nhũng nhiễu, gây khó khăn cho công dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, sản xuất, kinh doanh...; tham mưu không trung thực hoặc tham mưu sai để lãnh đạo ký đi ký lại nhiều lần gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân; ký các quyết định sai trái gây thiệt hại; dùng danh nghĩa, ý kiến của lãnh đạo để giải quyết vụ việc theo ý cá nhân; cán bộ lãnh đạo có biểu hiện quan liêu, thiếu trách nhiệm, không nghiêm để cấp dưới làm sai.

Dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực quản lý văn hóa-xã hội gồm các hành vi sau: Cấp phép xuất bản, in ấn, quảng cáo không đúng quy định của Nhà nước; có biểu hiện thương mại hóa hoặc tiếp tay cho các tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật không lành mạnh; nhà trường thu nhiều khoản tiển không đúng quy định, tổ chức dạy thêm không đúng quy định; nhận nhiều học sinh không đúng tuyến, chất lượng kém; nhiều lần gây khó khăn trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân; có biểu hiện không công bằng, không tận tình chăm sóc bệnh nhân để xảy ra hậu quả xấu hay có dư luận tiêu cực; tìm cách lôi kéo bệnh nhân về phòng mạch tư để trục lợi cá nhân; phóng viên viết bài ca ngợi, phê phán không đúng thực tế hoặc dùng danh nghĩa phóng viên để vòi vĩnh, tác động được quảng cáo, tài trợ...

Dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật bao gồm: Có biểu hiện quan hệ không bình thường với các đối tượng; có hành vi làm sai lệch hồ sơ vì mục đích cá nhân; có dư luận chạy án; để xảy ra nhiều tiêu cực, nhiều tệ nạn trên địa bàn mình phụ trách; quyết định mức án bị cấp trên xử lại thay đổi quá nhiều; có biểu hiện lạm dụng chức trách được giao để bắt giam, giữ, xử lý oan, sai; tự đặt hoặc thu các khoản thu đối với công dân không đúng quy định của pháp luật.

Dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực quản lý đô thị bao gồm: Thực hiện không đúng quy trình về thủ tục xây dựng, thủ tục đấu thầu, nghiệm thu hoặc đấu thầu chỉ mang tính hình thức; xây dựng không đúng thiết kế, dự toán nhưng không báo cáo để phê duyệt lại; thường giao cho người nhà, người thân không đủ năng lực nhận thiết kế, thi công các công trình thuộc phạm vi quản lý; quản lý thi công các công trình nhưng không thực hiện đảm bảo chất lượng theo quy định; tham mưu giao đất, cho thuê đất, cấp chủ quyền nhà, đất không đúng quy định về thủ tục, quy trình, đối tượng; chạy chọt, luồn lách để được giao đất, giao nhà, giao thầu không đúng quy định; giao nhiều đất, công trình cho các đơn vị không đủ năng lực thực hiện; thực hiện công tác quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước sai quy định.

Dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực kinh tế bao gồm: Doanh nghiệp phát triển không bình thường, phô trương thanh thế; giám đốc và một số cán bộ thân cận giàu lên trong khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài; đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu không công khai, không đúng quy trình, không đúng chủng loại, không đảm bảo chất lượng, không có chứng từ hóa đơn hợp lệ; cho tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn tư cách pháp nhân; tuyển dụng, bố trí nhiều người thân vào doanh nghiệp mình phụ trách; không công khai về tài chính, về công tác cán bộ theo quy định; sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp không minh bạch; dùng các nguồn kinh phí, tài sản, sản phẩm của doanh nghiệp để quảng cáo, biếu xén nhằm mục đích đề cao uy tín cá nhân...

Cùng với sự phát triển về kinh tế, chính trị-xã hội, dấu hiệu vi phạm cũng có chiều hướng gia tăng. Xuất hiện nhiều hành vi, dấu hiệu, nhóm nội dung vi phạm mới tinh vi, phức tạp trên nhiều lĩnh vực như: tài chính, chứng khoán, xuất, nhập khẩu, đầu tư, cấp đất dự án... sẽ tiếp tục được nghiên cứu. Song, những tiêu chí mà thành phố Hồ Chí Minh đã rút ra từ thực tiễn cần được nghiên cứu một cách khoa học, rút tỉa ra những nội dung cốt lõi nhất làm cơ sở định hướng giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa khi các dấu hiệu vừa xuất hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, xã hội của cả nước./.

Trịnh Văn Vinh