Vì sao nuôi động vật ăn cỏ

Vì sao nuôi động vật ăn cỏ
Người dân bản Căn Câu 1, xã Sin Suối Hồ cắt cỏ tươi cho trâu ăn .
Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Có thể chia thức ăn có hại thành các loại: thức ăn sẵn có hại, thức ăn phối hợp và chế biến không tốt, những loại cây cỏ độc.

1. Thức ăn sẵn có hại

- Trạng thái thức ăn không tốt: Chẳng hạn như thức ăn bị sương ướt, bị hấp hơi, bị thối hỏng. Thân và lá cây bị ngâm nước mưa, sau khi thu hoạch dễ sinh biến chất, thành mầu nâu hoặc mầu đen, mất mùi vị thơm ngon, dễ hấp hơi hoặc bị thối nát, khi ăn vào dạ dày hay ruột dễ bị lên men, sinh hơi tạo ra nhiều chất khí làm cho động vật bị mắc bệnh chướng hơi dạ cỏ (loài nhai lại), hay chướng hơi manh tràng (loài ngựa). - Thức ăn có lẫn những vật khác: như dây thép, đinh, thủy tinh, gỗ, đất… ở bãi chăn gần các xí nghiệp công nông nghiệp, khu quân sự… Khi trâu bò ăn vào thủng dạ tổ o­ng, bị viêm màng bọc ngoài của tim. Thức ăn có lẫn đất bùn, cát sỏi… khi cho động vật ăn sẽ tích lũy lại nhiều đất, cát, sỏi trong ruột gây bí ỉa, đau bụng, tê liệt ruột, niêm mạc ruột thối loét… Cho nên, trước khi cho ăn phải rửa sạch thức ăn. Ở những vùng bị lụt, sau khi nước rút đi, cỏ dính nhiều bùn đất, trâu bò ăn dễ bị chứng tắc ruột, nghẽn dạ lá sách, chướng hơi… - Thức ăn có lẫn những chất hóa học có hại, những hợp chất kim loại, những chất sát trùng khi xử lý hạt giống, những loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích sinh trưởng cây trồng… Hoặc những thứ củ mọc cạnh những cây có độc (như sắn mọc cạnh cây xoan) cũng có chất độc. Ở nước ta cũng thấy nhiều trường hợp động vật trúng độc do ăn phải thân ngô, bèo… vì phun thuốc trừ sâu có đồng, thuốc DDT, 666 hoặc bón phân đạm. - Thức ăn có vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng gây bệnh cho động vật, hay thức ăn có nấm bệnh cây, sâu bọ. Cỏ ở những bãi chăn trước đã chôn xác chết vì bệnh nhiệt thán có thể mang nha bào nhiệt thán. Nhiều loại nấm hoặc là nấm bệnh hại cây, hoặc là nấm bệnh hại động vật có thể theo thức ăn vào cơ thể gây trúng độc. Cỏ, rơm mang trứng giun đũa đã truyền bệnh cho động vật, trường hợp động vật non hay liếm láp cũng dễ gây bệnh. Các loại cây mọc ở nước như bèo, rau muống, súng, niễng, ấu.. có thể mang những ấu trùng của sán lá gan trâu bò, sán lá gan nhỏ, sán lá ruột lợn… Những cơ sở chăn nuôi tập trung, khi tập trung phân, nước tiểu, nước dọn chuồng ra các hồ, ao (có thả rau) hoặc đổ trực tiếp vào các ruộng rau cho động vật ăn là một trong những nguyên nhân tích lũy nhiễm ngày càng nặng bệnh sán lá. Ăn phải những loại thức ăn này thì động vật bị trúng độc (hoặc trúng độc tích lũy), trong đó hệ thống thần kinh, bộ máy tiêu hóa, gan thường bị trúng độc nhiều nhất, cũng có khi chất độc vào máu gây trúng độc toàn thân. Khi cho ăn phải chú ý loại trừ hay xử lý trước.

2. Thức ăn có hại do phối hợp, chế biến và bảo quản không tốt

- Thức ăn chế biến không tốt, không đúng kỹ thuật: chẳng hạn như thức ăn dính bùn, đất hoặc loại quả cứng, loại có lẫn chất nhọn, sắc, thức ăn ủ lên men làm không đúng phương pháp (quá chua hoặc quá thối mốc…) - Do phương pháp cho ăn không tốt: chẳng hạn như số lần cho ăn trong ngày, thay đổi đột ngột từ thức ăn khô sang thức ăn xanh non nhiều nước (đầu mùa xuân…) - Phối hợp khẩu phần thức ăn không hợp lý: chẳng hạn trong thức ăn thiếu chất dinh dưỡng, thiếu chất khoảng, vitamin hoặc chất lượng các thứ đó không tốt hoặc tỷ lệ các thứ đó không hợp lý. Về tỷ lệ cho ăn không hợp lý đáng chú ý nhất là giữa thức ăn tinh (nhất là thức ăn có đạm) và thức ăn thô, tỷ lệ Ca/P. Khi thức ăn thiếu đặc biệt là Ca và P thì cần chú ý và cây cỏ cũng thiếu các chất đó. Do vậy, khi định khẩu phần mà không chú ý đến hàm lượng các chất đó thì sau khi ăn một thời gian động vật (đặc biệt là động vật ăn cỏ) sẽ sinh bệnh. - Cho ăn không đủ lượng thức ăn có nhiều nước. Thiếu nước, thức ăn quá khô, trâu bò khó nhai lại, sự tiêu hóa sẽ khó khăn. Do sự chế biến và phối hợp thức ăn không hợp lý, có thể làm cho sự tiêu hóa và trao đổi chất của cơ thể vật nuôi mất bình thường, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, tỷ lệ vật nuôi mắc bệnh mãn tính cao, sức sản xuất của vật nuôi sút kém. Thực tế ngành chăn nuôi cho thấy thức ăn chế biến không tốt cỏ thể do những nguyên nhân sau đây: - Thức ăn ủ men không đúng quy trình kỹ thuật, quá chua sinh bệnh đi ỉa chảy, làm cho lợn gầy còm. - Sau mùa đông khô hanh, đột ngột thả chăn trâu bò ra bãi cỏ non, vật nuôi quá tham ăn, đặc biệt ăn cả cỏ ướt sương, do đó sinh bệnh chướng hơi dạ cỏ. Cần phải thay đổi chế độ ăn từ từ trước khi thả chăn những ngày đầu, cho ăn lót dạ bằng rơm, cỏ khô và cho uống nước pha muối. - Lợn cho ăn thiếu khoáng phát sinh bệnh mềm xương, còi xương, nhất là lại không được vận động ngoài ánh sáng.

- Trâu bò ăn thức ăn quá khô, uống nước thiếu, sinh bệnh nghẽn dạ lá sách.

 Theo :Trung tâm Thông tin KH & CN TP Hải Phòng

  • gia súc
  • có hại
  • thức ăn
  • chăn nuôi

Những đàn bò rừng châu Âu trên đồng cỏ xứ Auvergne hay những con tuần lộc trong các khu rừng bao quanh Địa Trung Hải, có vẻ như chuyện chỉ có trong trí tưởng tượng phong phú của một tác giả truyện khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, việc thả những động vật có vú lớn về các không gian tự nhiên để bảo vệ môi trường, thậm chí là ngăn chặn sự nóng lên của toàn cầu, không phải là điều vô lý.

Tạp chí “Philosophical transactions of the Royal Society B - Biological Sciences” dành hẳn một số để đăng tải công trình nghiên cứu về việc có nên hay không thả các loài động vật hoang dã về môi trường sống ban đầu của chúng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có các loài động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái trên hành tinh này. Để khôi phục chức năng của các loài động vật hoang dã bị biến mất trong chuỗi tuần hoàn sinh thái, một phương án phục hồi sinh thái được triển khai với tên gọi “tái hoang dã”.

Thí dụ điển hình như tại một số hòn đảo, loài rùa khổng lồ đang được thả ra ngoài thiên nhiên để thay thế các loài động vật đã tuyệt chủng và chúng sẽ có nhiệm vụ điều chỉnh lại sự cân bằng sinh thái của địa phương.

Hà mã ở châu Âu

Biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự gia tăng của các đám cháy rừng, và đó mới chỉ là khởi đầu. Hạn hán, những cái nóng oi bức cùng với gió thổi nhẹ cũng có thể là nguyên nhân gây ra một đám cháy rừng với quy mô không thể xử lý kịp. Vậy, các loài động vật giúp được gì cho chúng ta?

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Tasmania (Australia), việc thả các loài động vật có vú lớn về môi trường chúng đã từng sống chắc chắn có thể làm giảm thiểu số lượng và tác động của các cuộc cháy rừng. Tiếp nối các tài liệu nghiên cứu về môi trường trong suốt 43 nghìn năm trước, các nhà khoa học đã thấy sự leo thang của các vụ cháy rừng cùng những biến đổi đáng kể của thảm thực vật sau sự biến mất của các loài động vật ăn cỏ.

Không nói đâu xa, các nhà nghiên cứu cho biết, khu vực Nam Phi diễn ra ngày càng nhiều các trận hỏa hoạn sau khi những con tê giác, ngựa vằn, trâu và linh dương bị săn bắn hoặc di chuyển khỏi nơi chúng sinh sống. Cụ thể hơn, một đám cháy trước đây gây ra thiệt hại to lớn trong phạm vi khoảng 10 ha, nay đã tăng lên 500 ha, vì tê giác trắng đã không còn sinh sống ở đó nữa. Đó là lý do vì sao việc thả các loài động vật hoang dã vốn có chức năng vô cùng quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái và đa dạng sinh học là một điều cần thiết, đặc biệt là trả chúng về những môi trường sống ban đầu.

Cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ sớm được chứng kiến một phong trào mạnh mẽ về việc thả các loài động vật ăn cỏ như voi và hà mã về các không gian thiên nhiên tại châu Âu.

Những chú bò bison: vị cứu tinh của Bắc Cực

Các đám cháy rừng sẽ thải vào khí quyển một lượng lớn khí mêtan độc hại - một trong những thành phần gây nên hiệu ứng nhà kính của Trái đất với tác động cao gấp 30 lần so với khí carbonic - khiến nhiệt độ trung bình của hành tinh tăng lên trông thấy, thậm chí còn gây ra nhiều loại virus nguy hiểm mới. Dĩ nhiên, các lớp băng tuyết tại các vùng cực sẽ chẳng thể chống chọi lại được với sự leo thang của cái nóng này. Các loài động vật ăn cỏ với thể chất lớn hoàn toàn có thể góp phần làm giảm các đám cháy rừng, vốn được coi là mối hiểm họa của vùng Bắc Cực.

Các loài động vật có thể làm gì? Theo một nghiên cứu các nhà nghiên cứu Mỹ hợp tác cùng các chuyên gia Thụy Điển, sự tuyệt chủng của các loài động vật sinh sống ở Bắc Cực là do sự khai thác và săn bắn quá mức của con người, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nóng lên của vùng đất này. Thực tế cho thấy, sự gia tăng nhiệt độ làm thay đổi hệ sinh thái nơi đây. Thảm thực vật, với vai trò cách nhiệt và giữ cho đất luôn ấm, sẽ là một điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự tan chảy của các lớp băng tuyết tại vùng cực. Động vật ăn cỏ làm chậm phản ứng của hệ sinh thái đối với biến đổi khí hậu. Một hệ thống các loài động vật ăn cỏ đa dạng sẽ có tiềm năng để làm nhiều hơn thế. Do đó, các nhà nghiên cứu hoàn toàn ủng hộ việc thả lại động vật ăn cỏ như nai sừng tấm, bò xạ hương, bò rừng bison,… về vùng Bắc Cực. Con người cũng cần phải có động thái tuyên truyền tích cực hơn về việc săn bắt và săn bắn, để các quần thể động vật hoang dã có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn tỏ ra e dè về tính hiệu quả của phương án này khi coi những biện pháp ấy chỉ như “giọt nước giữa đại dương” trong công cuộc phòng chống và ứng phó sự nóng lên của toàn cầu.

Một ví dụ điển hình về thả các loài động vật ăn cỏ lớn về thiên nhiên là công viên Pleistocene ở Nga. Khu bảo tồn thiên nhiên này, được thành lập cách đây 20 năm bởi các nhà khoa học trên một diện tích 14.000 ha với mong muốn tái tạo một hệ sinh thái tương tự như thời kỷ băng hà - thời kỳ hoàng kim của những chú voi ma mút. Tất nhiên, các nhà khoa học chỉ thả vào thiên nhiên các đàn nai sừng xám, nai sừng tấm, tuần lộc, ngựa và bò rừng.

Nai sừng tấm làm được gì?

Nai sừng tấm rất thích nước. Có thể nhìn thấy ở Bắc Mỹ hay Bắc Âu, loài vật này thường xuyên nhúng chân mình trong nước. Chúng thích bơi và “nhấm nháp” những cây thủy sinh. Khi làm như vậy, chúng sẽ làm xáo trộn lớp nước ở tầng đáy, thúc đẩy sự tuần hoàn trao đổi chất của sinh vật thủy sinh. Trong ba phần tư giờ, nai sừng tấm có thể khuấy động cả một vùng diện tích lên tới 100 m2, kích thích lưu lượng chất đạm nhiều hơn gấp ba lần. Thậm chí, lượng chất thải mà đàn nai sừng tấm để lại tại những nơi chúng ghé qua sẽ là một nguồn dinh dưỡng dồi dào và màu mỡ cho vùng đất nơi đó. Thú vị hơn nữa, bằng việc ăn các cây thủy sinh, nai sừng tấm còn góp phần đưa các hợp chất nitơ này từ dưới nước lên mặt đất, mở ra một chu trình phát triển mới cho thảm thực vật của nơi đây.

Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu khiến các loài động vật ăn cỏ này bỏ trốn dần về phía nam, chạy khỏi vùng đất sinh sống của mình. Đó là một điều vô cùng đáng lo ngại đối với các nguồn nước ở vùng băng giá - nơi mà sự sinh tồn của chúng ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào.

Những vị "cứu tinh" trong tự nhiên

Thúc đẩy “tái hoang dã” có thể mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho môi trường và cảnh quan. Tại châu Âu, động vật có vú lớn không còn chỉ là các đàn thú nữa, chúng dường như là một ứng cử viên cứu tinh lý tưởng của thiên nhiên.

Vậy những loài động vật nào sẽ được thả về nơi hoang dã? Không phải là những con gấu tại dãy núi Pyrénées, cũng chẳng phải là những con sói của dãy núi Alpes, chính các đàn động vật ăn cỏ kích thước lớn mới có khả năng làm được điều này. Nhưng cũng cần phải suy tính kỹ các yếu tố liên quan như chuỗi thức ăn, các loài động vật vốn đã sinh sống tại nơi đó, tác động của việc thả các loài động vật ăn cỏ về môi trường sống ban đầu, các điều kiện tự nhiên liên quan đến biển đổi khí hậu có thể xảy ra trong tương lai, cũng như là những tác động tiêu cực của con người tới thiên nhiên trong quá trình sản xuất và cuộc sống thường ngày.

MINH DUY