Ví dụ về ưu the và khuyết tật của nền kinh tế thị trường

TRUNG TÂM GIA SƯ GLORY    -    TRUNG TÂM UY TÍN TẠI HẢI PHÒNG.    ĐỊA CHỈ: NGÕ 275 ĐÔNG KHÊ, NGÔ QUYỀN, HẢI PHÒNG

Kinh tế thị trường có ba ưu thế như sau :

Các bạn thấy rằng, trong kinh tế thị trường, ảnh hưởng bởi quy luật cung- cầu, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt, buộc các chủ thể kinh tế không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Ta có thể ví dụ như trong ngành may mặc thời trang chẳng hạn. Nhằm đáp ứng nhu cầu thời trang ngày càng cao của giới trẻ, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì các hãng thời trang liên tục phải sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã cũng như thay đổi chất liệu sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hay một ví dụ khác ở thị trường Việt Nam ,đó là sự cạnh tranh giữa các hãng điện thoại thông minh: Samsung, Iphone, oppo…. Các hãng liên tục phải sáng tạo, đổi mới công nghệ, tính năng hiện đại để có thể chiếm lĩnh thị trường. Hãng điện thoại thoại nào bị tụt hậu về công nghệ sẽ bị thị trường đào thải. Thực tế thì hãng Nokia, Motorola, HTC, Sony… đã thất bại trong cuộc cạnh tranh về công nghệ với các hãng lớn như : Apple, Samsung …

- Ưu thế thứ hai, nền kinh tế thị trường luôn phát huy tốt nhất tiềm năng của mọi chủ thể, các vùng miền cũng như lợi thế quốc gia trong quan hệ với thế giới.

Kinh tế thị trường giống như một sân chơi, đóng vai trò quan trọng gắn kết các chủ thể kinh tế. Các chủ thể kinh tế như kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước hay kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có những đặc điểm cũng như thế mạnh riêng. Kinh tế thị trường tạo ra cơ hội để phát huy tốt nhất mọi tiềm năng của chủ thể. Ta trở lại ví dụ về lĩnh vực may mặc thời trang. Đối với lĩnh vực này, chủ thể là kinh tế tư nhân sẽ tỏ ra ưu thế hơn kinh tế nhà nước hay kinh tế tập thể khi họ rất nhanh nhạy nắm bắt được thị hiếu, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã. Bởi vậy, các hãng thời trang lớn đa phần là của các công ty tư nhân hoặc liên doanh. Còn trong lĩnh vực sản xuất đồ công nghệ điện tử thì chủ thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn khi họ sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại, vốn đầu tư lớn. LG, Samsung, Sony hay Toshiba… là những ví dụ điển hình. Còn chủ thể là kinh tế nhà nước sẽ có nhiều ưu thế đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, nghiên cứu khoa học cơ bản, xây dựng sân bay, cảng biển …. Các dự án này tương đối phức tạp về quy hoạch, về địa chính trị, và về an sinh xã hội… kinh tế nhà nước thuận lợi hơn kinh tế tư nhân đối với các dự án này. Như vậy, kinh tế thị trường, phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mọi chủ thể phải không các bạn? Ngoài ra,Kinh tế thị trường cũng phát huy được các lợi thế của vùng, miền kinh tế trong quốc gia, lợi thế của từng quốc gia trong quan hệ kinh tế với các nước còn lại. Ta thấy rằng: Các địa phương có những lợi thế về tự nhiên là khác nhau : Hải Dương, Bắc giang là địa phương có lợi thế trồng vải thiều do điều kiện thuận lợi về tự nhiên, về thổ nhưỡng nơi đây. Chính vì vậy, việc xây dựng các hợp tác xã, các trang trại trồng vải thiều ở đây sẽ rất tiềm năng hơn các địa phương khác,đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu. Hay như, du lịch biển cho Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long … chẳng hạn, sẽ phát huy được lợi thế du lịch biển hơn các địa phương khác. Tương tự như vậy, tiềm năng, lợi thế của từng quốc gia cũng sẽ được khai thác hiệu quả. Việt Nam là quốc gia lợi thế về tài nguyên đất, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, nên có lợi thế cung ứng lao động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, may mặc, đóng gói sản phẩm, công nghiệp chế biến … Chính kinh tế thị trường sẽ phân bổ nguồn lực một cách tối ưu, hiệu quả nhất.

- Ưu thế thứ ba, nền kinh tế thị trường luôn tạo ra các phương thức để thỏa mãn tối đa nhu cầu của con người, từ đó thúc đẩy tiến bộ, văn minh xã hội.

Dưới sự tác động của các quy luật thị trường như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh , kinh tế thị trường sẽ tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội qua đó sẽ làm xã hội ngày càng hiện đại hơn, văn minh hơn. Ta cứ so sánh hệ thống bệnh viện trong nền kinh tế bao cấp và nền kinh tế thị trường thì thấy rõ. Trong thời kỳ bao cấp chỉ có hệ thống bệnh viện công (hay gọi là bệnh viện nhà nước) hoạt động. Thủ tục nhập viện, khám chữa bệnh phải mất rất nhiều thời gian, một bộ phận cán bộ nhà nước quan liêu hách dịch, gây phiền hà, tốn kém. Trong kinh tế thị trường, là sự cạnh tranh giữa bệnh viện công và hệ thống bệnh viện tư nhân là tất yếu. Sự cạnh tranh này buộc các bệnh viện nhà nước phải tư nhân hóa từng phần, đầu tư trang thiết bị hiện đại và thay đổi phong cách phục vụ bệnh nhân. Kinh tế thị trường là cho xã hội ngày càng hiện đại hơn, văn minh hơn. Một ví dụ khác trong ngành giáo thông vận tải : Giả sử nhu cầu di chuyển từ Hải Phòng vào TP. Hồ Chí Minh. Để đáp ứng nhu cầu thị trường , các chủ thể kinh tế sẽ đầu tư nhiều phương tiện vận tải khác nhau: có thể di chuyển bằng máy bay, bằng tàu hỏa, bằng tàu biển, bằng ô tô khách … các hình thức di chuyển này rất đa dạng, nếu so sánh với nền kinh tế bao cấp, phương tiện vận tải ngày càng được hiện đại hóa, thể hiện sự văn minh, tiến bộ của xã hội loài người.

Tóm lại, Kinh tế thị trường rất nhiều ưu điểm, và là động lực quan trọng cho sự phát triển xã hội. Phát triển kinh tế thị trường là tất yếu, bởi vậy, các quốc gia trên thế giới, đều phát triển kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, kinh tế thị trường cũng được ví như con dao hai lưỡi, bên cạnh những ưu thế thì kinh tế thị trường còn tiềm ẩn nhiều khuyết tật, nhiều mặt trái.


 

Kinh tế thị trường tồn tại 3 khuyết tật như sau :

Các bạn thấy rằng, trong nền Kinh tế thị trường, cơ chế thị trường không phải lúc nào cũng tạo ra sự cân đối về giá cả và sản lượng hàng hóa. Thị trường vốn dĩ rất nhạy cảm, khó dự đoán chính xác, cho nên khi xảy ra các biến cố như : chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai hay cấm vận… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thị trường. Chúng ta cứ hình dung, đối với ngành hàng không chẳng hạn, trước kia, ngành hàng không tăng trưởng rất tốt, do quá trình hội nhập của chúng ta ngày cảng thuận lợi. Nhưng , khi dịch bệnh covid xảy ra, cả nước đóng cửa chống dịch, mọi hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa, du lịch … bị đóng băng.Ngành dịch vụ hàng không lâm vào khủng hoảng nặng nề, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Hay như, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina, làm ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt và xăng dầu. Nguồn cung khan hiếm,giá xăng dầu tăng chóng mặt, gây ra khủng hoảng năng lượng ở các nước nhập khẩu xăng dầu, và các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng nguồn năng lượng này. Ban đầu, khủng hoảng có thể diễn ra cục bộ đối với một hoặc số loại hàng hóa, sau thể diễn ra trên phạm vi tổng thể nền kinh tế. Nền kinh tế thị trường không thể tự khắc phục được những rủi ro tiềm ẩn này, bởi chúng ta cũng không thể dự báo chính xác thời điểm dịch bệnh covid cũng như chiến tranh sẽ xảy ra khi nào..

Khuyết tật thứ hai, nền kinh tế thị trường không thể khắc phục được xu hướng cạn kiệt tài nguyên không thể tái tạo, suy thoái môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.

Các chủ thể trong nền kinh tế thị trường với mục đích là tối đa hóa lợi nhuận, vì lợi ích trước mắt mang tính cá nhân nên có thể khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây suy thoái môi trường tự nhiên. Thực tế ở Việt Nam thì đã có không ít sự vụ khai thác cạn kiệt tài nguyên cũng gây suy thoái môi trường trầm trọng, như: các vụ khai thác cát trộm ở lòng sông Hồng hay các vụ khai thác than trái phép ở Quảng Ninh. Đặc biệt nghiêm trọng, là các vụ gây ô nhiễm môi trường sinh thái của Công ty vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải năm 2008 ; Công ty Formusa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển « cá chết hàng loạt » năm 2016… Nguyên nhân của các vụ gây ô nhiễm này, vì lợi ích cá nhân doanh nghiệp, không muốn đầu tư , xử lý chất thải trước khi đẩy ra môi trường. Đây là mặt trái mang tính khuyết tật của kinh tế thị trường ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Về mặt môi trường xã hội, cơ chế thị trường cũng làm tha hóa biến chất một bộ phận không nhỏ cán bộ khi chạy theo lợi ích cá nhân, gây tham ô, tham nhũng tài sản quốc gia. Một bộ phận giới trẻ chạy theo lối sống hưởng thụ lao vào các tệ nạn, gây suy thoái về mặt đạo đức, nhân cách và lối sống.

Nhìn chung, kinh tế thị trường có thể gây ra những suy thoái về môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội. Tự bản thân nền kinh tế thị trường thì không thể tự khắc phục được các khuyết tật này. Cho nên, chính phủ cần can thiệp vào nền kinh tế bằng những công cụ thể chế để hạn khuyết tật của kinh tế thị thị trường.

Chúng ta hình dung rằng, trong kinh tế thị trường, các chủ thể kinh tế được tự do cạnh tranh với nhau, kết quả của sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến hình thành bộ phận người giàu có là những người sở hữu tư liệu sản xuất hoặc chiếm lĩnh được thị trường và bộ phận người nghèo là những người không có tư liệu sản xuất hoặc thất bại trong cạnh tranh. Sự phân hóa xã hội về thu nhập, về cơ hội là một tất yếu trong kinh tế thị trường khi có cạnh tranh. Ta lấy ví dụ thế này, trong thị trường lao động chẳnghạn, việc cạnh tranh giữa các sinh viên khi ra trường để tìm kiếm một cơ hội công việc tốt, có thu nhập cao và khả năng thăng tiến là tất yếu. Kết quả của quá trình cạnh tranh này có thể sẽ phân hóa thành người lao động có thu nhập cao và người lao động có thu nhập thấp. Sự phân hóa này là tất yếu, và bản thân kinh tế thị trường không thể tự khắc phục được. Tuy nhiên, nếu sự phân hóa này trở nên thái quá, tức là khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng thì có thể dẫn đến căng thẳng về mặt xã hội, đấu tranh giai cấp xuất hiện. Do vậy, các chính phủ phải can thiệp bằng nhiều công cụ, chính sách điều hòa mâu thuẫn lợi ích kinh tế như : chính sách thuế thu nhập cá nhân, chính sách trợ cấp an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội … để ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Tóm lại, kinh tế thị trường bên cạnh những ưu điểm còn có những khuyết tật. Vì thế, để khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường cần có sự can thiệp của nhà nước để hạn chế những khuyết tật của thị trường, đảm bảo cho thị trường vận động hiệu quả và ổn định, tối đa hóa lợi ích của các chủ thể kinh tế và của toàn xã hội. Khi đó, nền kinh tế được gọi là kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước hay còn gọilà nền kinh tế hỗn hợp, các bạn nhé !

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video liên quan

Chủ đề