Trường đại học luật thành phố hồ chí minh được thành lập vào ngày tháng năm nào

Mục lục bài viết

  • 1. Khái quát chung về trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
  • 2. Quá trình hình thành và phát triển:
  • 3. Sứ mạng và chiến lược phát triển:
  • 4. Cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ nhà trường
  • 4.1. Cơ sở vật chất
  • 4.2. Đội ngũ nhân sự
  • 4.3. Hoạt động sinh viên
  • 5. Những điểm đặc biệt chỉ có ở trường Đại học Luật TP HCM

1. Khái quát chung về trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minhlà trường đào tạo luật hàng đầu ở khu vực phía Nam, đạt chất lượng cao trong giảng dạy và nghiên cứu để góp phần xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước và hội nhập, hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới và các quốc gia trong khu vực.

Website Đại học Luật TP.HCMlà nơi cung cấp thông tin chính thức của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Trường; các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong nước và nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác với Nhà trường.

2. Quá trình hình thành và phát triển:

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh được chính thức thành lập vào 1996 - với tư cách là một trường độc lập. Trường được hình thành và phát triển ban đầu từ Trường Cán bộ Tư pháp khu vực phía Nam. Trường Cán bộ Tư pháp khu vực phía Nam được Ủy ban Pháp chế Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập tháng 5/1975, là đơn vị do Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp quản lý. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ tư pháp, đặc biệt là cán bộ tòa án cho các tỉnh phía Nam.

Ngày 16/10/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 199-QĐ/ĐT về việc thành lập Trường Trung học Pháp lý Tp. Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường Cán bộ tư pháp trước đây. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp pháp lý.

Từ năm 1983 – 1988, Trường phối hợp với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội mở lớp đại học pháp lý.

Ngày 25/12/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 357-CT về việc thành lập Phân hiệu Đại học Pháp lý Tp. Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tư pháp. Phân hiệu có nhiệm vụ phối hợp với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội đào tạo cán bộ có trình độ đại học pháp lý cho các tỉnh phía Nam.

Ngày 06/7/1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TC về việc đổi tên Phân hiệu Đại học Pháp lý Tp. Hồ Chí Minh thành Phân hiệu Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 30/3/1996, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 1234/GD&ĐT thành lập Trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

>> Xem thêm: Đang học đại học có phải đi nghĩa vụ quân sự không ? Trúng tuyển bộ đội có phải đi không ?

Ngày 10/10/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 118/2000/QĐ-TTg tách Trường Đại học Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh có chức năng đào tạo cán bộ pháp luật và là một trung tâm giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề luật lớn nhất ở các tỉnh phía Nam.

Ngày 04/04/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-TTg xác định Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là một trong hai Trường Đại học trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luậttrong cả nước (cùng với Trường Đại học Luật Hà Nội).

Ngày 18/04/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg Về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Trải qua một chặng đường phát triển, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp luật lớn ở khu vực phía Nam. Trong xu hướng đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, yếu tố cạnh tranh trong giáo dục và đào tạo nói chung và trong đào tạo ngành luật nói riêng đặt ra cho Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh yêu cầu bắt buộc phải đổi mới để phát triển, phải đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đủ các trình độ để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã có những chiến lược, sách lược, kế hoạch tập trung mọi nguồn lực xây dựng Nhà trường trở thành trường đại học trọng điểm đào tạo về pháp luật ở phía Nam. Trong những năm qua, Nhà trường đã cố gắng từng bước khẳng định thương hiệu trong quá trình xây dựng mô hình phát triển và nâng cao chất lượng của giáo dục đại học thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực ngành luật có chất lượng cao cho các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp và các doanh nghiệp, kể cả các cơ sở giáo dục có đào tạo chuyên ngành luật và không chuyên luật; sớm hội nhập với giáo dục đại học trong khu vực và thế giới. Theo đó, sẽ mở ra cơ hội tăng tốc đầu tư và phát triển Nhà trường trong giai đoạn trước mắt cũng như hướng phát triển lâu dài trong tương lai.

Những định hướng trên của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng, Chính phủ. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định:“Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”. (Trích “Đề án xây dựng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo về pháp luật”).

3. Sứ mạng và chiến lược phát triển:

Sứ mạng của trường là “Xây dựng Trường ĐH Luật TP. HCM trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý có uy tín trong cả nước và trong khu vực, nhằm cung cấp nguồn lực có trình độ từ trung cấp đến đại học và sau đại học trong lĩnh vực pháp lý cho các địa phương và các bộ ngành; góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng trong khoa học pháp lý của cả nước nói chung và của các tình phía Nam nói riêng”

Chiến lược phát triển của trường: Theo đề án quy hoạch phát triển tổng thể Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Trường đã xây dựng chiến lược phát triển:

- Xây dựng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đạt tiêu chuẩn và có chất lượng cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho xã hội, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

>> Xem thêm: 17 tuổi có đi nghĩa vụ quân sự được không ? Công dân nữ tốt nghiệp đại học có được nhập ngũ ?

- Trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu bao gồm cả nghiên cứu khoa học cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, phù hợp với từng loại hình đào tạo khác nhau, góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng trong khoa học pháp lý của cả nước và địa phương.

- Trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị tiên tiến nhằm tạo ra môi trường sư phạm tốt cho giảng dạy, học tập và sinh hoạt, đảm bảo áp dụng được những thành tựu và phương tiện mới vào đào tạo và nghiên cứu, gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo với phục vụ cộng đồng, có quan hệ quốc tế rộng rãi, giữ vai trò nòng cốt, đầu tàu, là chỗ dựa đáng tin cậy trong quan hệ với các cơ sở đào tạo luật ở các tỉnh phía Nam.

- Đạt chất lượng cao trong giảng dạy và nghiên cứu để góp phần xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước và hội nhập, hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới và các quốc gia trong khu vực.

4. Cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ nhà trường

4.1. Cơ sở vật chất

- Các địa điểm học:

Trường Đại học Luật TP.HCM từ khi thành lập bao gồm hai cơ sở với tổng diện tích đất sử dụng là 7.196 m2 (Cơ sở 1 tại Số 2 Nguyễn Tất Thành, P.12, Q.4 và Cơ sở 2 tại số 123 Quốc lộ 13 P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức). Cả hai cơ sở đều đã được xây mới với trang thiết bị phòng học khá hiện đại.

- Trang thiết bị nổi bật:

Thư viện được đặt tại trụ sở của trường tại số 2 Nguyễn Tất Thành với cơ sở vật chất hiện đại, phòng đọc thoáng mát và tinh thần phục vụ cao. Được dự án Sida của Thụy Điển đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thư viện của trường hiện đang đứng đầu khu vực các tỉnh phía Nam về cơ sở dữ liệu luật với trên 80.000 đầu sách, luận án, luận văn và 1800 đĩa CD-ROM. Ngoài ra, thư viện còn trang bị phòng máy phục vụ cho nhu cầu học tập, tìm kiếm hay trao đổi thông tin trên mạng của sinh viên.

4.2. Đội ngũ nhân sự

>> Xem thêm: Quy định mới về mức thu học phí đối với giáo dục đại học

Trường có tất cả 12 phòng ban chức năng, 06 đơn vị thuộc phòng và các trung tâm. Nhà trường cũng đã xây dựng mô hình quản lý 3 cấp: Trường – Khoa – Bộ môn. Các tổ chức chính trị, đoàn thể thuộc trường đại học Luật TP HCM bao gồm: Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên, Hội cựu sinh viên, Chi hội Luật gia, Hội Cựu chiến binh. Tính đến tháng 8/2016, Đại học Luật có tổng cộng 368 cán bộ, giảng viên với 258 giảng viên và 110 cán bộ quản lý. Trong đó, nhà trường hiện có 01 giáo sư, 12 phó giáo sư, 41 tiến sĩ và 145 thạc sĩ (01 giảng viên cao cấp, 01 nhà giáo ưu tú, 40 giảng viên chính và 221 giảng viên).

4.3. Hoạt động sinh viên

Với mục đích kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường Đại học Luật TP.HCM và và 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đoàn – Hội Sinh viên trường đã tổ chức hội trại “Tiếp bước truyền thống vẻ vang” cùng với các hoạt động dã ngoại, sinh hoạt truyền thống. Sự kiện này đã thu hút hàng ngàn sinh viên và cựu sinh viên của trường tham gia. Hội trại bao gồm chuỗi các hoạt động sôi nổi với những điểm nhấn là cuộc thi chạy bộ “Đường đua mặt trời”, Ngày Đoàn viên cùng đêm lễ hội và chương trình văn nghệ đầy màu sắc.

“Tri ân Người khai sáng” năm 2016 là cuộc thi làm hoa và thiệp handmade nhằm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cuộc thi được diễn ra tại sảnh A cơ sở Nguyễn Tất Thành và sảnh E cơ sở Bình Triệu đã thu hút sự tham gia đông đảo của các Chi hội. Với các sản phẩm chất lượng thể hiện sự sáng tạo, cuộc thi đã gửi gắm tấm lòng kính trọng, yêu thương của các bạn sinh viên đến với thầy cô của mình.

Nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhiệm kỳ IX (2017 – 2019) và 19 năm Ngày thành lập Hội Sinh viên Việt Nam của trường Đại học Luật TP.HCM, hội trại tập huấn mang tên “Tiếp lửa” lần III đã được tổ chức tại huyện Cần Giờ. Hội trại huấn luyện hai nội dung, bao gồm tập huấn theo chuyên đề và tập huấn kỹ năng. Song song với chuỗi các hoạt động tập huấn cam go và thú vị là những chương trình văn nghệ và những vở kịch đầy vui nhộn và sáng tạo.

5. Những điểm đặc biệt chỉ có ở trường Đại học Luật TP HCM

Trường Đại học Luật TP HCM chuyên đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực pháp lý. Dưới đây là những điểm đặc biệt chỉ có ở ngôi trường này mà DEAN2020.EDU.VN muốn chia sẻ đến các bạn.

Trường có một vị trí đắc địa trong lòng thành phố

Nằm nghiêng mình bên con sông Sài Gòn, tọa lạc ngay tại trung tâm Tp.HCM, đối diện bến cảng Nhà Rồng – nơi chứng kiến sự kiện lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, gần tòa nhà Bitexco – nơi khẳng định vị thế của Sài Gòn,… Sẽ là một cảm giác tuyệt vời nếu bạn được lên căn – tin trên tầng cao nhất của trường, nhâm nhi ly cà phê sữa đá và ngắm Sài Gòn từ trên cao.

Tất cả các ngành đào tạo đều liên quan đến pháp lý

>> Xem thêm: Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3981:1985 về trường đại học - tiêu chuẩn thiết kế

Với các chuyên ngành đào tạo như: Quản trị – Luật, Luật quốc tế, Luật thương mại, Luật dân sự, Luật hành chính, Luật hình sự, Anh văn pháp lý, Quản trị kinh doanh,… Trường đại học Luật TP HCM đã, đang và sẽ đào tạo ra những cử nhân giàu năng lực cho xã hội.

Có thể nói, bất cứ một ngành nghề nào cũng liên quan đến lĩnh vực pháp lý. Bởi vậy, trường Đại học Luật TP HCM luôn mở cửa chào đón thông qua các chương trình đào tạo sau đại học, không chính quy.

Điểm chuẩn đầu vào tương đối cao

Để được ghi tên mình vào ngôi trường này, các bạn phải trải qua những tháng ngày “cày ngày cày đêm” tại trường cấp 3 để đạt được kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thêm vào đó, bạn phải có một học bạ “đẹp mắt” và chứng minh năng lực của mình thông qua bài thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.

Đội ngũ giảng viên cực kỳ tâm huyết, trẻ trung và năng động

Bạn cứ nghĩ học luật là học với những “tiến sỹ gây mê”, điều này thì không đúng ở trường Luật đâu nha. Tại Ulaw, bạn sẽ được hòa mình vào một môi trường học tập đầy thu hút, cách làm việc khoa học, không có một giây phút nhàm chán nào ở Luật bởi đội ngũ thầy cô uyên bác, kiến thức “siêu kinh điển” và không kém phần hài hước, thú vị đâu nha.

Nói về thầy cô trường mình, các Ulawer luôn tự hào vì có một đội ngũ thầy cô “tài đức vẹn toàn” trong trường.

Phong trào đoàn – hội rực lửa

Có lẽ ai đó đã từng nghĩ, người học luật một ngày chỉ có “Eat, sleep, law” thôi phải không? Như thế thì bạn nhầm to rồi nhé, bước vào trường luật là bước vào một môi trường cực kỳ năng động với vô số các hoạt động tổ chức trong tuần. Vào trường Luật, bạn sẽ cảm thấy “buồn” vì không có một giây phút nào trong ngày bạn có thể ngồi đó “một mình và nhớ nhà”. Bởi trường quá năng động, nên các chương trình sẽ lôi kéo bạn, khiến bạn không lỡ rời xa chúng mà ngồi một mình “tự kỉ”.

Nhiều CLB học thuật

>> Xem thêm: Khái quát về giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân

Ngoài các ban, hội hoạt động phong trào ra thì còn rất nhiều câu lạc bộ học thuật hoạt động cực kỳ hiệu quả. Một số câu lạc bộ của trường như: phiên tòa tập sự, thực hành pháp luật, anh văn pháp lý,… nghe tên thôi cũng thấy điều kỳ diệu ở ngôi trường này phải không các bạn?