Trong văn kiện lần thứ XII 01 2022 của Đảng xác định đường lối đối ngoại bảo gồm máy nhiệm vụ

Dấu ấnViệt Nam

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ở khu vực và thế giới ngày càng quyết liệt đã đẩy quan hệ giữa nhiều quốc gia vào tình thế khó khăn, thậm chí khủng hoảng. Kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; cùng đó là những bất ổn về địa chính trị, an ninh quốc tế, sự “đụng độ” giữa chủ nghĩa bảo hộ với toàn cầu hóa, giữa các hành động đơn phương và chủ nghĩa đa phương… Đây thực sự là mối đe dọa đối với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới vốn đã và đang được hình thành trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, thách thức cũng chính là thời cơ, Việt Nam đã đón bắt nhiều cơ hội, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN), nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội XII của Đảng đã đưa ra đường lối, chủ trương về đối ngoại với phương châm chủ đạo là “tích cực, chủ động”. Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động không ngừng, thậm chí đột biến với những tác động thuận nghịch đan xen, đường lối chính sách đối ngoại mà Đảng ta xác định có giá trị định hướng quan trọng, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để hoạt động đối ngoại phục vụ hiệu quả mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế.

Với chủ trương Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế… được Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh, có thể nói chưa bao giờ thế và lực của đất nước, uy tín chính trị của Việt Nam ở một vị trí cao như hiện nay. Từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình và là đối tác bình đẳng, quan trọng với nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các cường quốc.

Đại hội XII của Đảng đã đánh giá tổng quát những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, Việt Nam đã tăng cường và mở rộng khuôn khổ quan hệ với các nước đối tác chủ chốt; tiếp tục đi vào chiều sâu, tin cậy chính trị và tăng cường hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực với tất cả đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN và các nước lớn. Việt Nam gần đây đã nâng cấp quan hệ với Australia lên đối tác chiến lược, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Hungary.

Ở chiều ngược lại, các nước đối tác cũng khẳng định mong muốn tăng cường và củng cố quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc Nhật hoàng và Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam trong cùng một năm (2017) và chỉ cách nhau một thời gian ngắn vẫn được nhắc tới là chuyện chưa từng có tiền lệ, để chứng tỏ uy tín và tầm quan trọng của Việt Nam đối với các đối tác trên thế giới.

Thế và lực gia tăng trên trường quốc tế, với chính sách đối ngoại tích cực, chủ động, Việt Nam đã chuyển từ tham gia tích cực sang chủ động đóng góp, xây dựng và định hình các thể chế đa phương ở tầm khu vực và toàn cầu, phục vụ tốt hơn cho lợi ích của đất nước. Cụ thể, chúng ta đã tham gia tích cực và chủ động trong xây dựng và định hình các luật chơi chung, bảo vệ lợi ích quốc gia trên sân chơi toàn cầu ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại khác nhau. Điển hình như Việt Nam đã phát huy vai trò nổi bật trong tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, hợp tác và tự cường.

Ở quy mô toàn cầu, Việt Nam đã ghi dấu ấn nước chủ nhà trong vai trò điều phối và dẫn dắt khi đăng cai Năm APEC 2017 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới vềASEANnăm 2018 (WEF ASEAN 2018). Trong 20 văn kiện được thông qua tại APEC năm 2017, có 10 sáng kiến của Việt Nam được các thành viên ủng hộ đưa vào các văn kiện của APEC. Tại WEF ASEAN 2018, lãnh đạo nhiều nước và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao, đồng tình và ủng hộ chủ đề, nội dung ưu tiên và các sáng kiến thể hiện dấu ấn của Việt Nam tại hội nghị.

Đặc biệt, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu là ứng viên duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Tháng 12-2018, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế củaLHQ(UNCITRAL), tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn đầu theo hướng phù hợp với lợi ích của đất nước.

Việt Nam đã và đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Việc ngày càng có nhiều thương hiệu lớn của thế giới đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam chính là một trong những chỉ dấu cho sự hội nhập quốc tế thành công của đất nước. Với nỗ lực phát triển các cơ sở hạ tầng cùng chính sách thân thiện với thị trường, Việt Nam được coi là một cửa ngõ đón nhận đầu tư nước ngoài và sản xuất quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. TheoFinancial Times, năm 2017, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất và lớn thứ hai về điện tử ở khu vực, chỉ sau Singapore.

Con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vươn ra biển lớn

Các chỉ số kinh tế vĩ mô hiện nay đều tích cực, nhất là đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư, du lịch từ các đối tác chủ chốt năm sau đều tăng hơn năm trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% (cao nhất trong 10 năm qua), trong đó vốn giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016.

Những thành tựu trên phần nào chứng tỏ “giữa những con gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vươn ra biển lớn” như Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh từng nhấn mạnh. Theo Phó thủ tướng, chính sách của Đảng ta đẩy mạnh “hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo” đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Đặc biệt, hai năm qua, chính sách đối ngoại chủ động, tích cực giúp Việt Nam có thêm 9 đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, nâng tổng số đối tác chính thức công nhận lên 71. Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 20 tỷ USD, sự ủng hộ này của các đối tác rất có ý nghĩa khi Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị kiện hay áp thuế bán phá giá từ các nước muốn bảo hộ hàng nội địa.

Trên “sân chơi” thương mại toàn cầu đầy thử thách, Việt Nam chủ động, tích cực đàm phán và tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cho đến nay Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 16 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua hy vọng sẽ tạo “cú hích” đổi mới mạnh mẽ đất nước.

Việc tham gia ngày càng nhiều FTA và thực thi các cam kết trong đó đồng nghĩa với sự đổi mới, cải cách thể chế, luật pháp, cải thiện môi trường đầu tư ngày càng mạnh mẽ hơn. Những nỗ lực của Việt Nam không chỉ thể hiện qua các chỉ số kinh tế trong nước mà còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF, Việt Nam đã tăng hạng từ vị trí 77 năm 2006 lên vị trí 55 năm 2017. Trong xếp hạng Thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cũng tăng hạng từ 104 năm 2007 lên 68 năm 2017.

Thúc đẩy hội nhập về quốc phòng

Cùng với hội nhập kinh tế, Đảng ta đã chủ trương đẩy mạnh hội nhập về quốc phòng, phát huy vai trò là một trong những trụ cột của ngoại giao Việt Nam, góp phần thực hiện “kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình”.

Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng mà Nghị quyết Đại hội XII nhấn mạnh góp phần thúc đẩy hội nhập mạnh mẽ trong lĩnh vực QPAN. Việt Nam chủ động và tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như Gìn giữ hòa bình (GGHB)LHQ, thể hiện vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp thực thi sứ mệnh chung kiến tạo hòa bình ở những vùng xung đột.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định, tham gia hoạt động GGHB LHQ cũng là hình thứcbảo vệ Tổ quốc“từ sớm, từ xa” trong thời bình, bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam lần đầu tiên cử một đơn vị quân y tham gia Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan, được báo chí của Phái bộ GGHB LHQ mô tả là “sự kiện lịch sử”. Ngài David Shearer, Đặc phái viên Tổng thư ký LHQ ở Nam Sudan, Trưởng Phái bộ GGHB LHQ đánh giá “việc cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới Nam Sudan là bước tiến lớn của Việt Nam trong tham gia hoạt động GGHB”.

Các cuộc diễn tập an ninh chung, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… cả ở kênh song phương và trong khuôn khổ ASEAN đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị, ngăn ngừa xung đột vũ trang. Các hoạt động đối ngoại quốc phòng cùng với ngoại giao kinh tế, giao lưu hợp tác ở khu vực biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển và được quản lý tốt.

Hội nhập quốc tế toàn diện được thúc đẩy trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, QPAN, văn hóa chính là cơ hội để toàn dân và cả hệ thống chính trị tham gia, phát huy tối đa nội lực, sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng vàbảo vệ Tổ quốc. Lần đầu tiên, hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài đã tập hợp và hưởng ứng tham gia Mạng lưới đổi mới Sáng tạo Việt Nam được công bố năm 2018. Hoạt động này nằm trong nỗ lực xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó huy động chủ yếu các lực lượng nhân tài, trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cả trong và ngoài nước. Có thể khẳng định, chính sách đối ngoại mà Đại hội XII của Đảng xác định về thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước mang tầm chiến lược bắt kịp với những yêu cầu của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương Đại hội Đảng lần thứ XII về đối ngoại. Tuy nhiên, cần xác định rõ việc triển khai đường lối đối ngoại này sẽ ngày càng gặp nhiều thử thách, bởi tình hình khu vực và thế giới đang có những chuyển biến không ngừng theo hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy, cần phải củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận trong toàn bộ hệ thống chính trị về các vấn đề đối ngoại, huy động nhiều hơn nguồn lực bên trong và bên ngoài để phục vụ cho mục tiêu tối cao là bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Từ nay đến năm 2020 chỉ còn hai năm nữa để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII và Kế hoạch Phát triểnkinh tế-xã hộigiai đoạn 2016-2020. Vì vậy, hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng càng cần phải chủ động, tích cực triển khai trên nhiều kênh và tầng nấc, đa chiều và đa dạng về phương thức nhằm ứng phó hiệu quả với thách thức, tận dụng thời cơ, duy trì và kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoại giao trên tinh thần “kiến tạo phát triển” cần phải chủ động, sáng tạo và hiệu quả nhằm tranh thủ tối đa thời cơ kinh tế thế giới được dự báo còn tương đối thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững giai đoạn sau 2020, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa đất nước.

Nhóm phóng viên Báo QĐND

(còn nữa)

Video liên quan

Chủ đề