Trong cơ thể người pepsin được tổng hợp ở đâu?

Ung thư dạ dày là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo báo cáo thường niên GLOBOCAN 2018 của Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC), ước tính có khoảng gần 1 triệu trường hợp ung thư dạ dày mới được chẩn đoán, có khoảng 783000 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong ước tính cao nhất ở Châu Á và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao trong khu vực. Năm 2018, tại Việt Nam có khoảng 17527 ca mới được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, tỷ lệ tử vong chiếm 13,1% (là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau ung thư phổi, gan).


Ngày nay, nhiều xét nghiệm không xâm lấn như xét nghiệm các marker ung thư CEA, CA 19-9, CA72-4, xét nghiệm phát hiện gen gây ung thư dạ dày, CT scan, nội soi dạ dày đang được dùng chẩn đoán ung thư dạ dày. Tuy vậy, các bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở Việt Nam đa phần được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và tiên lượng bệnh thường xấu.

Gần đây, xét nghiệm nồng độ pepsinogen huyết thanh và tỷ lệ pepsinogen I/II là một giải pháp sàng lọc không xâm lấn được sử dụng để đánh giá nguy cơ và phát hiện sớm ung thư dạ dày ở bệnh nhân có nguy cơ.

Pepsinogen (PG) là tiền enzyme (proenzyme) của pepsin - một enzyme thủy phân protein - được bài tiết bởi các tế bào niêm mạc của dạ dày. Pepsinogen là một protein gồm 375 gốc acid amin, có khối lượng phân tử 42 kDa. Pepsinogen được tồn tại dưới hai dạng: pepsinogen I (PG I) và pepsinogen II (PG II). Pepsinogen I được tổng hợp bởi các tế bào chính của niêm mạc ở vùng đáy dạ dày, trong khi PG II được tổng hợp bởi các tế bào niêm mạc của tất cả các vùng tâm vị, vùng đáy, vùng  hang vị và của hành tá tràng. Pepsinogen không chỉ được tiết vào trong lòng dạ dày, được thủy phân thành pepsin nhờ tác dụng hoạt hóa của acid chlohydric của dạ dày để thủy phân protein thức ăn, mà một phần nhỏ còn được bài tiết vào máu. Mức độ của hai loại pepsinogen I và II huyết thanh phản ánh tình trạng hình thái và chức năng của các phần khác nhau của niêm mạc dạ dày-hành tá tràng. Khi hoạt động của niêm mạc vùng đáy dạ dày bị giảm, mức độ pepsinogen I huyết thanh giảm, trái lại mức độ PGII huyết thanh không thay đổi. Kết quả là sự giảm dần của tỷ số PGI/PGII liên quan chặt chẽ với sự tiến triển tăng dần từ niêm mạc vùng đáy bình thường thành viêm teo dạ dày, lúc này số lượng tế bào chính giảm đi.

Trong bệnh ung thư dạ dày, người ta đã xác định được quá trình tổn thương về tế bào bệnh học diễn biến theo thứ tự sau: viêm dạ dày mạn (chronic gastritis), viêm teo dạ dày mạn (atrophic chronic gastritis), dị sản (metaplasia) và loạn sản (dysplasia). Đối với ung thư dạ dày (gastric cancer hoặc gastric adenocarcinogen), khối u thường phát triển ở niêm mạc dạ dày do tác động của viêm teo dạ dày mạn tính. Vì vậy, việc định lượng các pepsinogen huyết thanh có thể được xem như một “sinh thiết huyết thanh” (serological biopsy), cho phép phát hiện sớm các bệnh nhân ung thư dạ dày. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới, trong một thời gian dài với nhiều nghìn bệnh nhân ung thư dạ dày đã cho thấy mức độ pepsinogen I huyết thanh của bệnh nhân ung thư dạ dày giảm một cách có ý nghĩa rõ rệt, trong khi hầu như không có sự thay đổi có ý nghĩa của mức độ pepsinogen II huyết thanh ở bệnh nhân ung thư dạ dày so với ở  người bình thường. Vì vậy, tỷ lệ PGI/II ở bệnh nhân ung thư dạ dày cũng giảm một cách có ý nghĩa so với các giá trị này ở người bình thường. Đối với mức độ nặng của ung thư dạ dày, các giá trị pepsinogen I và tỷ lệ PGI/II giảm nhiều hơn một cách có ý nghĩa ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển so với ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Do đó, việc sử dụng kết hợp mức độ pepsinogen I huyết thanh và tỷ lệ PGI/II có thể giúp chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.

             Mặc dù các dấu hiệu của ung thư dạ dày rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của các bệnh lý dạ dày khác, xét nghiệm pepsinogen nên được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng như: mệt mỏi, ăn không ngon, khó tiêu dai dẳng, ợ hơi, cảm thấy no rất nhanh khi ăn, đầy hơi sau khi ăn, đau vùng thượng vị, nôn, đi ngoài phân đen hoặc xuất hiện có máu trong phân, giảm cân, thiếu máu…

Giá trị bình thường của mức độ pepsinogen I huyết thanh ở những người khỏe mạnh bình thường được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới là > 70 ng/mL, của pepsinogen II là 7,5 ng/mL và của tỷ lệ PGI/II là > 3. Mức độ pepsinogen I, pepsinogen II và tỷ lệ PGI/II không khác nhau theo tuổi và giới.

 Mức độ pepsinogen I huyết thanh với giá trị cắt (cut-off) ≤ 70 ng/mL và tỷ lệ PGI/II  ≤ 3 được xem là giá trị dương tính đối với các bệnh tiền ung thư và ung thư dạ dày.

   Ở bệnh nhân bị viêm teo dạ dày (atrophic gastritis), mức độ pepsinogen I huyết thanh giảm một cách có ý nghĩa trong khi mức độ pepsinogen II huyết thanh hầu như không thay đổi. Trong viêm teo dạ dày nặng (severe), mức độ pepsinogen I huyết thanh có thể giảm xuống dưới 20 ng/mL, tùy thuộc vào mức độ tổn thương niêm mạc do viêm teo. Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm pepsinogen I huyết thanh trong sàng lọc ung thư trên bệnh nhân viêm teo niêm mạc dạ dày tương ứng là 77,3% và 73,2%.

Tuy nhiên, một khi xét nghiệm pepsinogen I huyết thanh và tỷ lệ PGI/II dương tính, để khẳng định chẩn đoán ung thư dạ dày, điều cần thiết là cần xét nghiệm thêm một số dấu ấn ung thư dạ dày khác như CA 72-4, CA 19-9, CEA, cũng như nội soi dạ dày tìm khối u và sinh thiết các vị trí nghi ngờ ung thư trên khối u để chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học.

ThS. Bác sỹ Đinh Thị Thảo

 Khoa Sinh hóa, Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện TWQĐ108

24/03/2021

Enzyme có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, nó hoạt động như một chất xúc tác vô số phản ứng sinh hóa phức tạp diễn ra ở động vật, thực vật và vi sinh vật, bao gồm quá trình tiêu hóa thức ăn, giúp thức ăn chuyển thành các chất dinh dưỡng để cơ thể hấp thu. Qua bài viết sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu cách hoạt động và tác dụng của một số enzyme tiêu biểu.

AMYLASE

Amylase, tên gọi chung của nhóm enzyme xúc tác quá trình thủy phân (tách hợp chất bằng cách thêm phân tử nước) tinh bột thành các phân tử carbohydrate nhỏ hơn như maltose (một phân tử bao gồm hai phân tử glucose). Amylase giúp chuyển hóa tinh bột thành đường, giúp khởi động quá trình tiêu hóa. Có ba loại amylase, được ký hiệu là alpha, beta và gamma, khác nhau về cách chúng tấn công các liên kết của các phân tử tinh bột.

Alpha - amylase phổ biến trong các sinh vật sống. Trong hệ tiêu hóa của con người và nhiều loài động vật có vú khác, alpha-amylase còn gọi là ptyalin được sản xuất bởi tuyến nước bọt, trong khi amylase tụy được tuyến tụy tiết vào ruột non. Độ pH tối ưu của alpha-amylase là 6,7–7,0.

Ptyalin được tiết ra khi có tinh bột trong miệng, nó được trộn với thức ăn. Mặc dù thức ăn chỉ ở trong miệng trong một thời gian ngắn, hoạt động của ptyalin vẫn tiếp tục đến vài giờ trong dạ dày - cho đến khi thức ăn được trộn với dịch tiết trong dạ dày, nồng độ axit cao sẽ làm bất hoạt ptyalin. Hoạt động tiêu hóa của Ptyalin phụ thuộc vào lượng axit trong dạ dày, lượng thức ăn trong dạ dày trống rỗng nhanh như thế nào và thức ăn đã trộn đều với axit như thế nào. Trong điều kiện tối ưu, 30 đến 40% tinh bột ăn vào có thể bị phân hủy thành maltose bởi ptyalin trong quá trình tiêu hóa trong dạ dày.

Khi thức ăn đi đến ruột non, phần còn lại của các phân tử tinh bột được xúc tác chủ yếu thành maltose bởi amylase tuyến tụy. Bước này trong quá trình tiêu hóa tinh bột xảy ra ở đoạn đầu tiên của ruột non (tá tràng), khu vực mà dịch tụy đổ vào. Các sản phẩm phụ của quá trình thủy phân amylase cuối cùng được các enzyme khác phân hủy thành các phân tử glucose, được hấp thu nhanh chóng qua thành ruột.

Beta - amylase có trong nấm men, nấm mốc, vi khuẩn và thực vật, đặc biệt là trong các loại hạt. Chúng là các thành phần chính của một hỗn hợp gọi là diastase được sử dụng để loại bỏ các chất hồ có tinh bột khỏi vải dệt và trong quá trình chuyển đổi hạt ngũ cốc thành đường có thể lên men. Beta-amylase có độ pH tối ưu là 4,0–5,0.

Gamma - amylase được biết đến với hiệu quả phân cắt một số loại liên kết glycoside trong môi trường axit. Độ pH tối ưu của gamma-amylase là 3,0.

PEPSIN 

Pepsin, một loại enzyme quan trọng trong dịch vị, giúp phá vỡ các mảnh thức ăn trong dạ dày, tiêu hóa các protein như trong thịt, trứng, hạt hoặc các sản phẩm từ sữa. Pepsin là dạng hoạt động trưởng thành của pepsinogen zymogen (protein không hoạt động).

Các tuyến trong lớp màng nhầy của dạ dày tạo ra và dự trữ pepsinogen. Xung động từ dây thần kinh phế vị và sự bài tiết nội tiết tố gastrin và secretin kích thích giải phóng pepsinogen vào dạ dày, nơi nó được trộn với axit clohidric và nhanh chóng chuyển đổi thành enzyme pepsin hoạt động. Khả năng tiêu hóa của pepsin cao nhất ở độ axit của dịch dạ dày bình thường (pH 1,5–2,5). Trong ruột, các axit dịch vị được trung hòa (pH 7), và pepsin không còn hiệu quả.

Trong đường tiêu hóa, pepsin chỉ có tác dụng phân giải một phần protein thành các đơn vị nhỏ hơn gọi là peptit, sau đó được hấp thụ từ ruột vào máu hoặc bị phân hủy thêm bởi các enzyme tuyến tụy. Một lượng nhỏ pepsin đi từ dạ dày vào máu để phá vỡ một số đoạn protein lớn hơn, hoặc vẫn mới được tiêu hóa một phần mà đã được ruột non hấp thụ.

LACTASE

Lactase, còn được gọi là lactase-phlorizin hydrolase, enzyme được tìm thấy trong ruột non của động vật có vú, xúc tác sự phân hủy lactose (đường sữa) thành đường đơn glucose và galactose. Ở người, lactase đặc biệt dồi dào trong thời kỳ sơ sinh. Nó là một loại enzyme được gọi là đường viền bàn chải, được sản xuất bởi các tế bào được gọi là tế bào ruột lót thành ruột và tạo thành đường viền bàn chải (một hàng rào hóa học mà thức ăn phải đi qua để được hấp thụ).

Lactase cần thiết cho con người để có thể tiêu hóa hoàn toàn sữa nguyên chất. Các đột biến trong gen mã hóa lactase có thể dẫn đến thiếu hụt lactase di truyền, biểu hiện là không dung nạp lactose hoặc không có khả năng tiêu hóa lactose. Đường lactose không được hấp thụ trong đường tiêu hóa sẽ bị vi khuẩn lên men, sinh ra khí và gây đau bụng, xót ruột. Lactase có thể được mua dưới dạng thực phẩm bổ sung hoặc được thêm vào sữa để tạo ra các sản phẩm sữa "không có lactose".

Austrapharm VN

Tài liệu tham khảo: 

Video liên quan

Chủ đề