Tính hình tiêu thụ thịt ở Việt Nam

Tính hình tiêu thụ thịt ở Việt Nam
Quầy hàng ở chợ, Việt nam. Ảnh: Giel Ton

Mặc dù đại dịch cúm gia cầm tấn công Việt Nam vào cuối năm 2003 và hiện nay vi rút cúm vẫn còn tồn tại, tổng đàn gia cầm ở Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,6% trong 10 năm qua (2010-2020). Dự kiến đàn gia cầm sẽ đạt trên 500 triệu con vào năm 2025, với sản lượng trứng đạt khoảng 18 tỷ quả.

Kiểm soát cúm gia cầm

Sự tồn tại của bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cũng như các bệnh động vật khác, có  tác động đáng kể đến sự phát triển của ngành chăn nuôi. Đặc biệt là sự xuất hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) vào đầu năm 2019 được dự báo sẽ có tác động lớn đến ngành chăn nuôi gia cầm. Khi người tiêu dùng chuyển từ thịt lợn sang các loại thịt khác như thịt gà, sẽ dẫn đến tăng số lượng đàn gà và làm gia tăng nguy cơ cúm gia cầm.

Chính phủ Việt Nam, phối hợp với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kì (USAID), đã triển khai các chương trình kiểm soát dịch bệnh động vật quốc gia giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của các chương trình này nhằm hạn chế dịch bệnh động vật, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và phát triển chuỗi cung ứng an toàn.

Tuy nhiên, hầu hết người chăn nuôi ở Việt Nam có quy mô chăn nuôi nhỏ và chưa chú trọng các vấn đề an toàn sinh học. Khu vực chăn nuôi thường ở gần khu dân cư, gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh.

Việc buôn bán gia cầm bất hợp pháp dọc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng một thách thức đối với Việt Nam.

Các ổ dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra lẻ tẻ ở các tỉnh thành. Ba chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành tại Việt Nam là cúm A/H5N1, cúm A/H5N6, và cúm A/H5N8. Vi rút cúm A/H5N8 đã xuất hiện tại Việt Nam từ giữa tháng 6 năm 2021 và lây lan cho 10 tỉnh, thành phố. Hơn 23000 con gia cầm đã bị tiêu hủy.

Tính hình tiêu thụ thịt ở Việt Nam
Trại chăn nuôi gà quy mô nhỏ. Ảnh: Nguyen Van Dai

Chăn nuôi gia cầm

Khoảng 70% tổng số gà ở Việt Nam được nuôi trong các hộ gia đình và chủ yếu cho mục đích thương mại. Các hộ chăn nuôi gà cung cấp 60% sản lượng trứng của cả nước. Số lượng gà trong các hộ gia đình dao động từ một vài con (nhỏ lẻ) đến 2.000 con, với qui mô đàn phổ biến là vài trăm con.

Phần lớn sản lượng gà còn lại là do các trang trại quy mô trung bình (2.000-5.000 con) cung cấp. Tuy nhiên, số lượng trang trại nuôi từ 8.000-15.000 con đang gia tăng. Ngoài ra còn có một số trang trại hợp đồng với qui mô đàn phổ biến là 4.000-5.000 con. Đây là những trang trại gia cầm chăn nuôi gia công cho các công ty thức ăn, thuốc và giống gia cầm. Những trang trại lớn chủ yếu nuôi các giống gà ngoại và các giống lai trong khi các giống gà bản địa và các giống lai chủ yếu được chăn nuôi trong các hộ gia đình.

Gia cầm thường được xuất bán trực tiếp cho thương lái ngay tại cổng khu vực chăn nuôi, hoặc thông qua các hợp tác xã chăn nuôi, hay các công ty hợp đồng. Các công ty này thường có lò mổ và nhà máy chế biến riêng.

Sinh kế và xuất khẩu

Đối với các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ và các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi gia cầm cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho gia đình. Nó cũng có thể đóng góp tới 30%thu nhập cho gia đình, cung cấp tiền để chi trả cho quần áo, học phí và nhiều chi phí khác của gia đình.

Đối với các trang trại vừa và lớn hơn, chăn nuôi gia cầm đóng góp phần lớn thu nhập của gia đình và tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ, người trung niên và người già. Những người này đã nghỉ việc ở các nhà máy do tuổi tác và áp lực công việc, và họ hầu như không có cơ hội để có các công việc khác.

Việc xuất khẩu các sản phẩm gia cầm trong tương lai được kì vọng sẽ đạt 15-20% sản lượng thịt và trứng gia cầm sản xuất tại Việt Nam.

Đại dịch Covid-19

Theo hiệp hội gia cầm Việt Nam, số lượng gia cầm của cả nước đã giảm 36,3%, từ 512,7 triệu con vào tháng 6 năm 2020 xuống 326,8 triệu con vào tháng 6 năm 2021. Số lượng gà giảm 35% từ 409,5 triệu con xuống còn 266,2 triệu; sản lượng trứng giảm 20% từ 16,7 tỉ quả xuống 13,3 tỉ quả.

Khoảng một nửa số trang trại chăn nuôi gia cầm và 70% số hộ chăn nuôi nhỏ phải giảm qui mô chăn nuôi hoặc tạm thời ngừng tái đàn do đại dịch COVID-19. Giá thức ăn gia cầm tăng khoảng 30%.

Giá các sản phẩm gia cầm tiếp tục biến động lớn. Khi số ca nhiễm COVID-19 tăng và qui định giãn cách xã hội được áp đặt, giá của các sản phẩm gia cầm giảm, đặc biệt là giá gà thịt công nghiệp trắng giảm hai phần ba. Khi các hộ chăn nuôi ngừng tái đàn do tác động của dịch COVID-19, nguồn cung cấp gia cầm thiếu hụt, giá các sản phẩm có thể tăng 50-100%.

Diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 và các qui định giãn cách xã hội hay hạn chế đi lại được áp đặt trong mỗi đợt dịch tiếp tục ảnh hưởng đến chăn nuôi và các mạng lưới phân phối gia cầm. Người chăn nuôi gia cầm e ngại tái đàn dẫn đến nguồn cung thiếu hụt. Hoặc nhiều hộ chăn nuôi gia cầm đồng loạt tái đàn làm tăng nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm.

Tương lai

Sau COVID-19, các phương thức buôn bán gia cầm có thể đa dạng hơn bởi vì một số người tiêu dùng đã hình thành thói quen mua bán trực tuyến. Đây là cơ hội để mở rộng hình thức bán các sản phẩm gia cầm trực tuyến. Sự đa dạng trong các kênh phân phối gia cầm có thể làm giảm áp lực cho mạng lưới phân phối truyền thống khi mà chúng phù hợp hơn với trạng thái “bình thường mới”. Các hộ chăn nuôi gia cầm tham gia chuỗi liên kết từ “trang trại đến bàn ăn”, tăng cường an toàn sinh học và/hoặc liên kết với các công ty thức ăn/giống gia cầm có thể duy trì sản xuất, phân phối, và giá sản phẩm gia cầm ổn định.

Trong báo cáo mới công bố, hãng nghiên cứu thị trường Ipsos nhận định ngành chăn nuôi heo vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn như trước dù Chính phủ đã áp dụng các biện pháp như tăng nhập khẩu, khuyến khích tái đàn và ngăn chặn xuất khẩu tiểu ngạch. Từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020, Việt Nam đã nhập khoảng 97.000 tấn thịt heo đông lạnh của Canada, Mỹ, Đức... và nhập khoảng 18.500 con theo đường tiểu ngạch từ các nước lân cận.

Lượng thịt heo tiêu thụ bình quân của mỗi người Việt Nam năm 2019 là 28,5 kg, tương đương lượng hải sản tiêu thụ và gấp hơn 5 lần lượng thịt bò.

Ước tính trong nửa năm qua, thị trường trong nước thiếu 200.000 tấn thịt vì nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả heo châu Phi. "Điều này khiến lượng tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người tính đến tháng 4 chỉ đạt 24,8 kg một người, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái", ông Phong Quach – Trưởng bộ phận chiến lược của Ipsos Việt Nam nói.

Người dân mua thịt heo tại siêu thị Coopmart quận 9, TP HCM vào cuối tháng 3/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo ông Phong, sản lượng bình quân giảm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ thịt heo và cao hơn hẳn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines... Điều này cho thấy thị trường biến động mạnh nhưng thịt heo vẫn không thể thiếu trong khẩu phần ăn của người Việt do tập quán và thói quen tiêu dùng.

Tuy nhiên, đà giảm có thể chỉ kéo dài khi khan hiếm nguồn cung và giá tăng cao. Sự chuyển dịch sang các dạng protein khác như gia cầm, thịt bò, hải sản... chưa đủ nhanh nên khi thị trường ổn định trở lại sẽ kéo lượng tiêu thụ thịt heo lên cao.

Ipsos ước tính tổng số heo nái sinh sản tăng nhẹ vào cuối năm nay. Một số trại tư nhân lớn và trại chăn nuôi khép kín với nguồn dự phòng sẵn có và khả năng tài chính mạnh sẽ tái đàn hoặc tăng đàn trong 6 tháng cuối năm, nhưng tốc độ không thấp vì đất canh tác còn hạn chế và quy định thắt chặt từ Chính phủ. Tình trạng cầu vượt cung vì thế được dự báo còn tiếp diễn đến tháng 10/2021 với tổng mức thiếu hụt khoảng 2 triệu con heo thịt.

Phương Đông

Ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam chủ yếu dựa trên chăn nuôi quy mô hộ gia đình với khoảng 7 triệu hộ có quy mô bình quân từ 1-10 con/hộ. Đây cũng là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thu nhập cho khu vực nông thôn. Các hộ chăn nuôi nhỏ là nguồn cung chủ đạo, cung cấp tới 90% lượng thịt lợn bán trên thị trường (Tisdell, 2009). Vì vậy, nhu cầu về thịt lợn ngày một tăng cao đang tạo ra cơ hội cải thiện sinh kế cho những người có thu nhập thấp thông qua chăn nuôi, chế biến, thương mại các sản phẩm từ chăn nuôi. Ngành chăn nuôi hiện chiếm 27%, trong đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng thu nhập quốc nội. Đây cũng là ngành giữ vai trò then chốt trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời là nguồn sinh kế chủ yếu của đa số các hộ gia đình nông thôn. Trong số các hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi lợn là hoạt động chủ đạo, đóng góp 71% tổng sản lượng chăn nuôi. Ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi sau một thập kỷ kể từ năm 1996. Trong giai đoạn 2001-2006, số lượng lợn thịt và lợn nái tăng lên một cách mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 5,9% và 7,7%, dẫn tới sự gia tăng sản lượng thịt với tốc độ 10.9%/năm. Điều này cũng cho thấy năng suất ngành chăn nuôi đã được cải thiện đáng kể trong giai đoạn này. Từ sau năm 2006, ngành chăn nuôi lợn tăng trưởng với tỷ lệ thấp hơn do phải đối mặt với những đợt dịch bệnh liên tiếp.

Giống lợn được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là giống lai giữa lợn Móng Cái bản địa với lợn giống ngoại nhập. Về quy mô chăn nuôi lợn, có sự khác biệt giữa các vùng, mặc dù đây là hoạt động chăn nuôi phổ biến ở hầu khắp các vùng trên cả nước. Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là nơi tập trung chủ yếu các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và được coi là nguồn cung cấp chính các sản phẩm thịt lợn.

Tính hình tiêu thụ thịt ở Việt Nam

Cầu Thịt lợn là nguồn thức ăn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong số các sản phẩm thịt. Năm 2009, mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người của Việt Nam đạt 27kg/năm, tương đương với mức tăng trưởng trung bình 6,3%/năm trong vòng 10 năm. Sự gia tăng nhu cầu thịt lợn bắt nguồn từ việc thu nhập của người dân ngày một tăng cao và do sự thay đổi chế độ dinh dưỡng theo hướng tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm giàu protein. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng được ghi nhận như là nguyên nhân khác dẫn tới sự gia tăng mức tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Mặc dù chỉ chiếm 25% tổng dân số, song người tiêu dùng tại khu vực thành thị tiêu thụ tới 50% tổng sản lượng thịt lợn sản xuất ra trên cả nước. Theo kết quả điều tra, người tiêu dùng ở khu vực thành thị (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) và một số hộ tiêu dùng khu vực nông thôn (do CAP-ILRI tiến hành năm 2007), thịt lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất (40%) trong tổng chi tiêu của hộ cho các sản phẩm thịt, tiếp sau đó là cá, thịt gia cầm và thịt bò. Tại khu vực thành thị, mức chi tiêu cho thịt lợn khá tương đồng giữa các nhóm thu nhập khác nhau. Tại khu vực nông thôn, mức chi tiêu cho thịt lợn trong tổng chi tiêu của hộ có phần cao hơn đối với các hộ tiêu dùng có thu nhập cao. Mặc dù nguồn cung thịt lợn đã tăng gấp đôi kể từ sau thời kỳ mở cửa thị trường, song không thể đáp ứng kịp sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu thịt lợn ở Việt Nam, dẫn tới sự leo thang giá cả trong những năm gần đây.

Thị hiếu người tiêu dùng

Người tiêu dùng Việt Nam đánh giá chất lượng thịt lợn thông qua một số tiêu chí như: Tỷ lệ nạc, màu sắc thịt, mùi vị, độ dẻo và tươi. Họ đặc biệt ưa thích thịt lợn có tỷ lệ nạc cao (75% số người tiêu dùng ưa chuộng thịt nạc) và đánh giá thịt lợn đặc sản (lợn bản, lợn nít, lợn cỏ) có vị và chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa thịt lợn của các giống khác nhau. Người tiêu dùng Việt Nam thường mua thịt lợn tươi sống với lượng đủ dùng trong ngày và rất ít khi lưu trữ trong thời gian dài. Do đó, các điểm bán hàng truyền thống như chợ cố định hay chợ tạm vẫn là kênh phân phối thịt lợn được ưa thích nhất ngay cả khi các hình thức phân phối hiện đại đang dần phát triển trong thời gian gần đây. Xu hướng mua thịt lợn tại các siêu thị hay các cửa hàng có thương hiệu đang dần hình thành đối với lớp người tiêu dùng trẻ sống tại các thành phố lớn và không có thời gian để đi chợ mỗi ngày. Gần đây, trước tình hình bùng nổ các trường hợp nhiễm độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân như tồn dư hóa chất, dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm thịt và hải sản, sử dụng các chất phụ gia không hợp pháp, sự ô nhiễm và kém vệ sinh tại các điểm bán hàng… đã làm gia tăng mối lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý. Trong thời gian xảy ra bệnh dịch, người tiêu dùng tỏ ra ngần ngại hơn khi tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, trong đó hơn 50% số người tiêu dùng dừng mua thịt lợn hoặc mua với số lượng ít hơn và khoảng 30% người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế khác. Ngoài ra có một bộ phận nhỏ (15% số người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh và 6% số người tiêu dùng ở Hà Nội) chuyển sang mua hàng tại các điểm bán hàng hiện đại thay vì mua tại các chợ truyền thống như trước đây.

Thương mại

Trong giai đoạn 1996-2006, Việt Nam gần như không nhập khẩu thịt lợn. Trong thời kỳ này, cán cân thương mại đối với sản phẩm thịt lợn luôn dương do tác động của chính sách khuyến khích xuất khẩu. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, thói quen tiêu dùng thịt còn ấm nóng (thịt mới được giết mổ) của người Việt Nam được coi là rào cản tự nhiên hạn chế sự xâm nhập của các sản phẩm thịt nhập khẩu. Tuy nhiên từ năm 2006, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu thịt ướp lạnh và thịt đông lạnh từ Canada và Mỹ. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng thịt lợn trong những năm tới, do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao và do các sản phẩm nhập khẩu thích hợp với nhiều hình thức chế biến và cũng phù hợp với hình thức phân phối của các siêu thị.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực và nông nghiệp (FAPRI), Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 231.000 tấn thịt lợn vào năm 2019...

Theo H.S (Trang trại Việt)