Thuốc điều trị chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là tình trạng sọ não bị tổn thương do chấn thương. Việc đánh giá tổn thương là rất quan trọng để có hướng điều trị thích hợp, tránh tổn thương vĩnh viễn.

1. Chấn thương sọ não và triệu chứng nhận biết điển hình

Chấn thương ở sọ não xảy ra sau chấn thương mạnh, tai nạn, chấn thương tác động đến vùng đầu - não như: chấn động não, chảy máu não, tụ máu não,… Sọ não là cơ quan quan trọng bảo vệ não bộ, vì thế chấn thương vùng sọ não có thể làm não bộ bị tổn thương và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Chấn thương sọ não là tổn thương nguy hiểm

Tuy theo mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ phân loại mức độ bệnh khác nhau, từ đó đưa ra phương pháp chẩn đoán tổn thương, điều trị phù hợp. Thông thường, chấn thương sọ não thường gặp nhất là chấn động não, tụ máu và xuất huyết não, đụng dập não,…

Tổn thương não càng nặng nghĩa là chấn thương ở sọ não càng nặng thì biến chứng bệnh càng nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong do không được can thiệp y tế kịp thời.

Triệu chứng của chấn thương sọ não cũng khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tùy theo mức độ và vị trí tổn thương. Đôi khi triệu chứng có thể xuất hiện sớm khi bị chấn thương nhưng đôi khi, triệu chứng phát triển chậm sau chấn thương 1 thời gian rất lâu.

Chấn thương sọ não có thể khiến bệnh nhân đau đầu dữ dội

Một số triệu chứng chấn thương ở sọ não thường gặp như:

  • Đau đầu.

  • Có thể bị mất ý thức trong khoảng thời gian ngắn.

  • Bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng, ù tai.

  • Rối loạn trí nhớ, khả năng suy nghĩ, sự tập trung bị ảnh hưởng.

  • Rối loạn giấc ngủ và cảm xúc.

Dấu hiệu để nhận biết bạn bị chấn thương sọ não nặng, cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt là: đau đầu dữ dội, buồn nôn, mất ý thức,... Đôi khi, triệu chứng tê liệt, mất phối hợp hoạt động hay cảm giác bồn chồn, kích động cũng do chấn thương ở sọ não gây ra.

Bệnh nhân chấn thương sọ não còn có thể bị tê liệt

Nhận biết được mức độ nguy hiểm của chấn thương sọ não là rất quan trọng. Bạn nên sớm đi khám y tế hoặc cấp cứu nếu sau chấn thương vùng đầu có cảm giác khó chịu, đau đớn, thay đổi hành vi bản thân. Rất nhiều trường hợp triệu chứng chấn thương ở sọ não không xuất hiện sớm nhưng rất nguy hiểm, đặc biệt là tình trạng chảy máu trong nên sau chấn thương đầu, bạn vẫn nên tới bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

2. Làm sao để đánh giá mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não

Đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của chấn thương ở vùng sọ não là quan trọng nhất để định hướng điều trị, cấp cứu cứu sống người bệnh và giảm thiểu tối đa biến chứng, tổn thương vĩnh viễn. Dưới đây là 1 số phương pháp chẩn đoán đánh giá:

2.1. Thang điểm Glasgow

Đây là thang điểm được sử dụng để đánh giá mức độ ý thức của bệnh nhân sau chấn thương có thể bị tổn thương não. Dựa trên các tiêu chí về phản ứng vận động, ý thức khác nhau, thang điểm Glasgow từ 3 - 15 sẽ đánh giá bệnh nhân mất ý thức ở mức độ nào.

Thang điểm Glasgow thường được sử dụng trong đánh giá nhanh mức độ nặng của bệnh nhân sau chấn thương sọ não trong cấp cứu, từ đó xem xét chẩn đoán sâu và điều trị kịp thời.

2.2. Cung cấp thông tin chấn thương

Nếu người bệnh còn tỉnh táo hoặc có người chứng kiến người bệnh bị chấn thương, hãy cung cấp đầy đủ nhất thông tin về:

  • Nguyên nhân chấn thương và mô tả quá trình chấn thương chi tiết.

  • Triệu chứng sau chấn thương, bệnh nhân có bị mất ý thức hay không? Nếu có thì mất ý thức trong thời gian bao lâu?

  • Sau chấn thương bệnh nhân có những thay đổi gì về khả năng nhận thức, nói, suy nghĩ, phối hợp chân tay,…

2.3. Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh cho phép bác sĩ quan sát chi tiết cấu trúc bên trong sọ não và não bộ của người bệnh, từ đó đánh giá các tổn thương như: nứt sọ, chảy máu não, bầm não, u não, tụ máu não,…

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường áp dụng trong chẩn đoán chấn thương ở sọ não gồm:

Chụp CT

Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính tiên tiến cho kết quả nhanh, hình ảnh khá chi tiết nên thường được chỉ định thực hiện ngay trong cấp cứu bệnh nhân chấn thương sọ não. Các tổn thương như nứt sọ não, chảy máu trong não, phù não, bầm tím mô não hay khối máu tụ,… sẽ được phát hiện.

Chụp MRI

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ dựa trên cơ chế hoàn toàn khác với chụp CT hay X-quang, phương pháp này sử dụng sóng vô tuyến trong môi trường từ trường mạnh. Hình ảnh mà chụp MRI đưa ra vô cùng chi tiết và rõ nét, kể cả cấu trúc xương lẫn hình ảnh mô mềm. Tuy nhiên thời gian thực hiện và nhận kết quả khi chụp MRI khá lâu nên không thích hợp trong cấp cứu bệnh nhân chấn thương sọ não mà dùng để đánh giá tổn thương, đặc biệt là tổn thương mô mềm để điều trị, ngừa biến chứng.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp đánh giá tổn thương

Ngoài ra, kỹ thuật theo dõi áp lực nội sọ cũng được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán chấn thương ở sọ não.

3. Điều trị chấn thương sọ não như thế nào?

Điều trị chấn thương ở sọ não dựa trên mức độ tổn thương, vị trí tổn thương như sau:

3.1. Chấn thương sọ não nhẹ

Việc quan trọng nhất là người bệnh cần nghỉ ngơi, theo dõi triệu chứng tại nhà và thực hiện chẩn đoán sâu để phòng ngừa những tổn thương chưa gây triệu chứng. Nếu chứng đau đầu khiến bệnh nhân đau đớn, bác sĩ có thể hướng dẫn dùng thuốc giảm đau không kê đơn.

Hãy tuân thủ lịch tái khám cũng như thời gian nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động thể chất và não bộ sau chấn thương. Bệnh nhân sẽ dần dần trở lại hoạt động bình thường và thường không bị ảnh hưởng lớn nào đến chức năng não bộ.

3.2. Chấn thương sọ não nặng

Việc đầu tiên là điều trị bảo tồn, cung cấp đủ oxy và đảm bảo lượng máu tưới não, duy trì huyết áp. Các chấn thương chảy máu, tụ máu não,… có thể phải can thiệp phẫu thuật để loại bỏ. Việc điều trị lúc này cũng tập trung vào giảm thiểu triệu chứng viêm, chảy máu và tổn thương thêm mô não.

Bệnh nhân có thể sẽ phải phẫu thuật nếu chấn thương sọ não nặng

Sau điều trị chấn thương ở sọ não, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ được tập luyện phục hồi chức năng với các hoạt động cơ bản như: đi bộ, nói chuyện,…

Chấn thương sọ não có thể nguy hiểm hơn các triệu chứng mà nó thể hiện, vì thế không nên chủ quan mà cần khám, chẩn đoán cẩn thận những ảnh hưởng sau chấn thương.

Chấn thương sọ não có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, trong đó có rối loạn tâm thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau như rối loạn trí nhớ, giấc ngủ, đau đầu, động kinh, thay đổi tính tình, dễ cáu thậm chí trầm cảm, lo âu, loạn thần.


Hình ảnh minh họa

Chấn thương sọ não là những va chạm vào đầu gây tổn thương xương sọ và nhu mô não. Chấn thương sọ não có tổn thương đa dạng như chấn động não, tổn thương xương, chảy máu nội sọ, dập não, xuất huyết dưới nhện, vết thương sọ não hở. Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp nhất sau chấn thương sọ não, gần một nửa số bệnh nhân chấn thương sọ não có biểu hiện trầm cảm trong năm đầu sau chấn thương.

Vậy các triệu chứng để nhận biết bệnh nhân trầm cảm sau chấn thương sọ não là gì?

- Khí sắc giảm: Khí sắc giảm biểu hiện nét mặt của bệnh nhân rất đơn điệu, buồn bã; tình trạng khí sắc giảm do buồn bã, chán nản, bi quan và mất hy vọng.

- Giảm sút rõ ràng các hứng thú, sở thích: Mất hứng thú hoặc sở thích hầu như luôn xuất hiện trong mọi mức độ trầm cảm. Bệnh nhân thấy mình đã giảm sút các sở thích trước đây, không còn quan tâm đến chúng nữa hoặc là mất hết các sở thích vốn có. Tất cả các sở thích trước đây đều bị ảnh hưởng nặng nề, kể cả ham muốn tình dục.

- Sút cân: Bệnh nhân ăn uống không ngon miệng, khi sự ngon miệng giảm sút, bệnh nhân thường sút cân nhanh chóng.

- Vận động tâm thần chậm chạp: Biểu hiện chậm chạp về suy nghĩ, chậm chạp về lời nói và vận động cơ thể; kéo dài khoảng thời gian ngừng giữa các câu. Lời nói của bệnh nhân giảm sút về số lượng, âm lượng, giọng điệu và cả về nội dung.

- Mệt mỏi, mất năng lượng: Năng lượng giảm sút, kiệt sức và mệt mỏi thường rất hay gặp. Thậm chí khi làm những công việc rất đơn giản cũng cần một sự tập trung lớn song hiệu quả công việc vẫn có thể bị giảm sút. Cảm giác mệt mỏi thường tăng lên vào buổi sáng và giảm đi một chút vào buổi chiều. Khi triệu chứng giảm sút năng lượng xuất hiện rõ ràng thì bệnh nhân hầu như không thể làm được việc gì.

- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức: Bệnh nhân cảm thấy cuộc sống đầy những khó khăn, khó vượt qua được. Bệnh nhân tự cho rằng mình là gánh nặng của gia đình, xã hội.  

- Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung suy nghĩ: Nhiều bệnh nhân than phiền rằng họ giảm khả năng suy nghĩ, tập trung suy nghĩ hoặc đưa ra quyết định thậm chí dù là các quyết định nhỏ. Họ lãng trí rõ rệt và thường khó nhớ, khó suy nghĩ, khó tập trung chú ý vào một việc gì đó. Đây là triệu chứng thường gặp khiến bệnh nhân rất khó chịu và phải đi khám bệnh. Ở mức độ nhẹ, chúng có thể xuất hiện dưới dạng phân tán chú ý nhẹ hoặc khó nhớ.

- Ý tưởng hoặc hành vi tự sát: Hầu hết bệnh nhân trầm cảm chủ yếu đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì họ có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Lúc đầu họ nghĩ rằng bệnh nặng thế này (mất ngủ, chán ăn, sút cân, mệt mỏi...) thì chết mất. Dần dần, bệnh nhân cho rằng bệnh nhân chết đi cho đỡ đau khổ, các ý nghĩ này biến thành niềm tin rằng những người trong gia đình, cơ quan... có thể sẽ khá hơn nếu bệnh nhân chết; từ ý nghĩ tự sát, bệnh nhân sẽ có hành vi tự sát. Khi phát hiện ra ý định tự sát ở bệnh nhân trầm cảm thì phải điều trị nội trú.

- Mất ngủ: Các bệnh nhân thường mất ngủ giữa giấc (nghĩa là tỉnh ngủ vào lúc ban đêm và khó ngủ tiếp) hoặc mất ngủ cuối giấc (nghĩa là tỉnh ngủ quá sớm buổi sáng và không thể ngủ tiếp). Mất ngủ đầu giấc (nghĩa là khó bắt đầu giấc ngủ) cũng có thể xuất hiện. Mất ngủ là triệu chứng gây khó chịu rất nhiều cho bệnh nhân.

Các rối loạn tâm thần trên có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, xã hội và công việc của bệnh nhân. Hiện nay, bệnh nhân, gia đình và xã hội chưa thực sự quan tâm đến vấn đề điều trị các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng sau chấn thương sọ não.

Đây là bệnh có thể điều trị được bằng các liệu pháp tâm lý, liệu pháp nhận thức hành vi, dùng thuốc chống trầm cảm, châm cứu, phục hồi chức năng tập luyện thể thao, vật lý trị liệu. Trong đó việc sử dụng thuốc có vai trò quan trọng và quyết định đến hiệu quả điều trị trầm cảm. Một số nhóm thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng như: Thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống trầm cảm đa vòng, thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin. Sau chấn thương sọ não, người bệnh có một số biểu hiện như trên nên đi khám và điều trị sớm để có kết quả tốt.

Trung tâm Hồi sức Tích cực, Bệnh viện TWQĐ 108

Video liên quan

Chủ đề