Thu nhập đầu người việt nam 2023

Thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người của Việt Nam đứng thứ 7 trong số 11 nước Đông Nam Á và thứ 130 trên 195 nước được Ngân hàng Thế giới thống kê, xếp hạng, theo số liệu vừa được ngân hàng này cập nhật vào đầu tháng 7.

Bộ Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI) được Ngân hàng Thế giới cập nhật hôm 1/7 cho thấy GNI đầu người của Việt Nam vào năm 2021 là 3.560 đô la. Chỉ so với các nước trong cùng khu vực, con số của Việt Nam chỉ bằng gần 1 phần 18 của Singapore, 64.010 đô la. GNI đầu người của đảo quốc có quy mô một thành phố này đạt vị trí cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới.

Lần lượt đứng thứ hai và thứ ba ở Đông Nam Á là Brunei và Malaysia với các con số tương ứng là 31.510 và 10.930 đô la, cao hơn Việt Nam gấp khoảng 9 lần và 3 lần. Hai nước kể trên lần lượt đứng thứ 33 và 70 trên thế giới.

Ba nước khác thuộc khối ASEAN đứng trên Việt Nam là Thái Lan, với 7.260 đô la/người, đứng thứ 88 trên thế giới; Indonesia, 4.140 đô la, vị trí 119; và Philippines, 3.640 đô la, vị trí 128.

Các nước cùng khu vực có GNI đầu người thấp hơn Việt Nam là Lào, Timor Leste, Campuchia và Myanmar.

Một số cường quốc gắn liền với khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thứ hạng như sau: Mỹ đứng thứ 7 trên thế giới, Nhật Bản, 28; Hàn Quốc, 32; Trung Quốc, 68 và Nga, 69.

Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), thứ bậc về GNI đầu người của Việt Nam được cải thiện một chút, bộ chỉ số của Ngân hàng Thế giới cho hay. Với cách tính này, Việt Nam giữ vị trí 115 trên thế giới và đứng thứ 6 trong khu vực, lần lượt thấp hơn các nước Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Trong khi đó, quy đổi theo PPP, GNI đầu người của Singapore là hơn 102.000 đô la, đứng số 1 thế giới, cao gấp hơn 9 lần con số 11.040 đô la/người của Việt Nam.

Mặc dù chưa lọt vào nửa trên trong nhóm các nước Đông Nam Á, song số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy các chỉ số của Việt Nam đã tiến thêm được 2 bậc trên bình diện toàn cầu, trong khi các nước ASEAN - chỉ trừ Singapore - đều tụt vài bậc.

Bộ chỉ số WDI của Ngân hàng Thế giới tập hợp các chỉ số phát triển quan trọng, lấy thông tin từ các nguồn quốc tế được công nhận chính thức, và nó thể hiện dữ liệu cập nhật nhất và chính xác nhất có thể có được về tình hình phát triển toàn cầu.

Các số liệu mới cập nhật cho thấy GNI đầu người của Việt Nam, theo cách tính thông thường, đạt mức cao hơn một chút so với ngưỡng thu nhập trung bình thấp của thế giới (2.485 đô la), nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với ngưỡng thu nhập trung bình cao (10.363 đô la).

Điều này cũng vẫn đúng ngay cả khi tính theo PPP. Ngưỡng thu nhập trung bình thấp của thế giới theo PPP là 7.910 đô la, còn ngưỡng thu nhập trung bình cao là 19.962 đô la.

So sánh với toàn vùng Đông Á-Thái Bình Dương, GNI đầu người của Việt Nam chưa bằng 1 phần 3 mức trung bình của khu vực là 12.740 đô la, theo cách tính thông thường; và bằng gần một nửa của mức 20.195 đô la, theo quy đổi PPP.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2021 là hơn 362,6 tỷ đô la, đứng thứ 39 trong số 207 nền kinh tế, vẫn theo Ngân hàng Thế giới. Nếu tính theo PPP, GDP Việt Nam đứng thứ 25 trong số 195 nước và vùng lãnh thổ.

Gần thời điểm Ngân hàng Thế giới cập nhật thông tin về GDP và GNI, tạp chí CEOWORLD có trụ sở chính ở New York, Mỹ, đưa ra bảng xếp hạng về chất lượng sống trên thế giới, theo đó, Việt Nam đứng thứ 62 trên bình diện toàn cầu và đứng thứ 7 trong khối ASEAN.

Bảng xếp hạng mang tên “Những nước tốt nhất thế giới về chất lượng cuộc sống, 2021”, được công bố hôm 20/6, cho thấy trong số các nước Đông Nam Á, Singapore đứng đầu, tiếp theo là Thái Lan, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia.

Mặc dù còn thấp so với đa số các nước láng giềng, song với vị trí 62, chất lượng sống của Việt Nam có thứ hạng cao hơn 103 nước khác, bao gồm Myanmar, Campuchia, và Timor Leste ở Đông Nam Á. Bảng xếp hạng của CEOWORLD không nêu tên Lào.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, và duy trì được đà tăng trưởng ở mức trên dưới 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu tăng mạnh.

JCER đưa ra hai kịch bản, kịch bản tiêu chuẩn, và kịch bản xấu hơn vì tác động của đại dịch mang lại hệ quả nghiêm trọng hơn, với Hoa Kỳ và Canada chịu tác động nặng nề nhất, cùng với Ấn Độ, Philippines và Indonesia, 3 nước có nhiều công dân làm việc ở nước ngoài, gửi tiền về nước để giúp người thân.

Kịch bản tiêu chuẩn đặt giả thuyết rằng trong 4 hoặc 5 năm nữa, các biến số kinh tế sẽ trở lại xu hướng được chứng kiến trước cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Theo kịch bản này, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2029, và tới năm 2035, quy mô kinh tế của Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, có thể đạt 41,8 nghìn tỷ USD, chỉ thua một chút quy mô kinh tế của cả Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại, đạt 42,3 nghìn tỷ USD.

Bài báo đăng tải trên trang mạng asia.nikkei vẽ ra một bức tranh màu hồng về nền kinh tế Việt Nam dựa trên nghiên cứu của JCER, theo đó Việt Nam có thể duy trì đà phát triển ở mức trên dưới 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu tăng mạnh.

Vẫn theo JCER, “các điều kiện đó giúp đẩy nền kinh tế Việt Nam qua mặt Đài Loan vào năm 2035 về quy mô, và giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia.

Và theo đà này, Việt Nam có thể được công nhận là một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 11.000 USD vào năm 2035.

Đài Loan tuy là một trong các nền kinh tế thành công nhất trong cuộc đấu tranh chống đại dịch Covid-19, nhưng đà tăng trưởng của đảo quốc này được dự kiến sẽ giảm 1% vào năm 2035 do dân số lão hóa.

Do tác động của đại dịch Covid-19, đà phát triển của nhiều nước sẽ chịu nhiều tổn thất trong năm 2020. Dù đại dịch quét qua hầu hết các nước trên toàn cầu, nhưng không phải nước nào cũng chịu tác động nặng nề ở cùng mức độ như nhau, JCER nói rằng những sự khác biệt mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, trong năm 2020, sẽ dẫn tới những khác biệt đáng kể về quy mô kinh tế của các nước khác nhau trong 15 năm tới.

Trong năm 2020, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan là duy trì đà tăng trưởng cộng hàng năm. Đà tăng trưởng của Ấn Độ có phần chắc sẽ giảm mạnh tới âm 10%, trong khi kinh tế Philippines sẽ co cụm hơn 8%. Hong Kong, Thái Lan, Canada, Malaysia và Singapore đều đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế với tốc độ hơn 6%.

Theo phúc trình mới nhất của Ngân hàng Thế giới, cập nhật ngày 8/10/2020, Việt Nam là một trong số các quốc gia hiếm hoi trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng dự báo năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng là 6-7%. Ngân hàng Thế giới nói nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ở Việt Nam cũng như trên thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021.

(Nguồn: Nikkei, World Bank)

    Chủ đề