Tại sao mỹ tấn công afghanistan

Một trong những trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay từ đầu đã được xác định là chuyển sự chú ý đặc biệt sang Afghanistan. Ông Obama đã từng không chỉ một lần tuyên bố rằng thắng lợi ở Afghanistan sẽ cho phép giải quyết trên nhiều phương diện vấn đề chủ nghĩa khủng bố quốc tế và việc mang tính biểu tượng đối với Washington là tiêu diệt được hay không kẻ đã gây vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001, Osama Bin Laden.

Thực tế cho thấy, diễn tiến tình hình ở Afghanistan có ý nghĩa to lớn đối với tương lai của nước Mỹ và có lẽ của cả thế giới còn lại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affairs đã nhấn mạnh rằng, thất bại hoặc một cái gì đó giống như thất bại của Mỹ ở Afghanistan và Iraq sẽ  "gây cú đánh khủng khiếp vào uy danh của nước Mỹ trong con mắt của chiến hữu và đồng minh cũng như của những kẻ thù tiềm năng". Và việc đó chắc chắn sẽ in đậm dấu ấn tiêu cực trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thời gian dài.

Tháng 2/2009, Tổng thống Obama đã ký lệnh tung thêm 17 nghìn quân sang chiến trường Afghanistan, nâng tổng số quân Mỹ đồn trú tại đây lên thêm 50% nữa. Trước đó đã có 3 nghìn lính Mỹ được cử tới Afghanistan. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, chi tiết về chiến lược Afghanistan của ông Obama vẫn được duy trì trong vòng bí mật nên các chuyên gia đành phải đi tìm những thông tin cần thiết thông qua các bài báo và các bài phát biểu của các cấp lãnh đạo khác nhau trong chính quyền Mỹ.

Tướng David Petraeus, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ (US Central Command, trong khu vực mà ông này chịu trách nhiệm có Afghanistan), đã có thời gian từng chỉ huy các lực lượng ở Iraq, từng tuyên bố rằng, bản chất của chiến lược mới ở Afghanistan sẽ nằm ở sự hợp tác chặt chẽ hơn với các thủ lĩnh và bộ lạc ở địa phương.

Ông này cũng nhấn mạnh rằng, để duy trì sự ổn định ở Afghanistan cần sự tham gia không chỉ của Mỹ và khối NATO, mà còn của tất cả các nước trong khu vực, như Pakistan, Ấn Độ, các nước cộng hòa vùng Trung Á và thậm chí cả Iran…

Cũng cần phải thấy rằng, chiến dịch lật đổ chế độ Taliban (từ tháng 10/2001 tới tháng 1/2002) đã chỉ cần một lực lượng nhỏ hơn nhiều. Khi đó, Washington đã huy động khoảng bốn nghìn quân đang đồn trú ở ngay trên lãnh thổ Afghanistan. Quân đội Mỹ khi đó đã bị chết 19 người, mất tám máy bay, trong đó có sáu máy bay trực thăng. Số lượng thường dân bị chết lây không được thống kê đầy đủ mà chỉ có con số áng chừng ở mức từ 50 tới 100 người.

Tại sao mỹ tấn công afghanistan
Binh lính Mỹ tuần tra tại tỉnh Paktika (Afghanistan) tháng 11/2008.

Trên cơ sở những dữ kiện đã có, có thể suy đoán rằng, trong giai đoạn hiện nay, tại Afghanistan đang triển khai "kịch bản Iraq" - quyết định gia tăng số lượng mạnh mẽ các binh lính Mỹ ở Iraq năm 2006 đã cho phép cải thiện đáng kể tình hình ở đó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Mỹ hoài nghi về việc, phương thức đó có thể mang lại hiệu quả cần thiết ở Afghanistan.

Theo họ, Iraq và Afghanistan là hai quốc gia quá khác nhau, với những truyền thống cũng rất không giống nhau. Cụ thể, tại Iraq theo truyền thống rất mạnh về thể chế chính quyền trung ương, còn ở Afghanistan, chính phủ luôn chỉ có một mức độ tự do nhất định mà các bộ lạc cho phép nó có.

Nhà nghiên cứu Ehsan Entezar, tác giả của sách "Afghanistan 101: Tìm hiểu văn hóa Afghanistan" (Afghanistan 101: Understanding Afghan Culture) lý giải sự yếu ớt trong thể chế quốc gia Afghanistan như sau: nhìn từ một góc độ, người Afghanistan thường có truyền thống tựa không phải vào chính quyền hợp pháp mà vào đạo Hồi; nhìn từ góc độ khác - lòng trung thành cá nhân của họ thường hướng tới gia tộc, dòng họ, bộ lạc chứ không phải dành cho quốc gia Afghanistan nói chung.

Theo nhận định của ông Entezar, ngay cả nếu như một khi nào đó Afghanistan sẽ trở thành một quốc gia vận hành theo những tiêu chí hiện đại thì cũng còn cần phải chờ nhiều thời gian nữa.

Trong những năm liên quân quốc tế do Mỹ chỉ huy chiếm đóng Iraq, tại đó đã xây dựng được một quân đội Iraq đủ mạnh và có khả năng tác chiến khá. Trong khi đó, quân đội Afghanistan cho tới hôm nay vẫn yếu ớt và ở trình độ quân sự thấp.

Cả hai nước này đều đang bị chìm trong nạn tham nhũng trầm trọng, thế nhưng ở Afghanistan, quy mô của tham nhũng mới thực sự đáng ghê rợn. Ngoài ra, tại Afghanistan đang có đông những phần tử cực đoan vũ trang hơn nhiều so với ở Iraq và chủ yếu lại từ Pakistan. Vị thế của những ông trùm ma túy ở Afghanistan cũng đang rất mạnh. Chúng lại tuyển mộ vào đội ngũ của mình rất nhiều cư dân địa phương nên sẽ làm phức tạp hơn việc tước bỏ của chúng sự ủng hộ của người sở tại (mà đây là một trong những nguyên tắc căn bản trong chiến lược chống lại lực lượng nổi dậy của Mỹ).

Nhà nghiên cứu Sarah Chayes,  tác giả cuốn sách "Trừng phạt nhân văn" (The Punishment of Virtue: Inside Afghanistan After the Taliban), từng làm việc ở Afghanistan một thời gian khá dài trong thành phần các tổ chức nhân đạo, nhận xét, ngay từ đầu Washington đã chọn "nhầm cửa".

Người Mỹ đã chỉ chú trọng tới việc hành động thông qua những phần tử trung gian là các chỉ huy chiến trường và các trưởng tộc trong các bộ lạc mà những người này sau khi nhận được viện trợ dành cho dân chúng đã chỉ sử dụng chúng vào những mục đích củng cố quyền lực cá nhân của họ.

Rốt cuộc là, đối với những người dân Afghanistan bình thường, Washington chỉ là biểu tượng của sự tàn ác, hỗn loạn và tham nhũng. Nhờ thế, hình ảnh của Taliban như một lực lượng đối trọng với người Mỹ và bộ máy chính quyền do người Mỹ dựng lên ở Afghanistan càng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với dân chúng địa phương…

Nhà báo chuyên về các chủ đề quốc tế Ahmed Rashid cũng đã đi tới một kết luận tương tự trong cuốn sách "Trượt dần vào hỗn loạn: Nước Mỹ và thảm họa ở Pakistan, Afghanistan và Trung Á" (Descent into Chaos: The U.S. and the Disaster in Pakistan, Afghanistan, and Central Asia). Rashid đã chứng minh được rằng, Washington ngay từ đầu đã không cố gắng góp tay vào xây dựng một quốc gia Afghanistan có đủ sức tự thân vận động mà chỉ chú trọng việc chiến đấu chống lại Al- Qaeda và những đồng minh của chúng. Những trợ giúp để xây dựng thể chế quốc gia hoặc là không được tổ chức hoặc là chỉ ở mức độ quá nhỏ, hoặc là được phân chia một cách vô lối.

Kết cục là đã hình thành một tâm điểm bất ổn mới - các phần tử Taliban hiện nay đang hoạt động ngày một trắng trợn hơn trên phần lớn lãnh thổ Afghanistan và đang kiểm soát trên thực tế một phần lãnh thổ Pakistan.

Nhà nghiên cứu Antonio Giustozzi trong cuốn sách "Kinh Koran, súng AK và Laptop" (Koran, Kalashnikov, and Laptop: The Neo-Taliban Insurgency in Afghanistan) chứng minh rằng, tại Afghanistan đang hoành hành không phải là lực lượng Taliban cũ mà là phong trào "Tân Taliban" với những thủ lĩnh mới, chiến lược mới và chiến thuật mới.

Lực lượng "Taliban cũ", từng cai quản Afghanistan trước năm 2001 là một phong trào dân tộc chủ nghĩa, coi kẻ thù chính yếu của mình là những viên chỉ huy chiến trường tàn bạo và tham nhũng - lực lượng "Tân Taliban" cổ xúy cho tư tưởng thánh chiến toàn cầu. Chống lại chúng là một việc cực kỳ không dễ dàng.

Tác giả Seth Jones trong sách "Nghĩa địa của các đế chế: Cuộc chiến Mỹ tại Afghanistan" (Graveyard of Empires: America's War in Afghanistan) cho rằng, trong thế mạnh của "Tân Taliban" cũng ẩn chứa chính "gót chân Asin" của chúng. Vấn đề là ở chỗ, liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo và quân đội của chính phủ Afghanistan đang phải đối mặt với không chỉ những phần tử Taliban. Lực lượng nổi dậy ở nước này tập hợp hàng chục nhóm lính vũ trang khác nhau, có những phong trào từng là đối thủ quyết liệt của nhau trong những giai đoạn trước.

Cộng thêm vào đó là những bộ lạc khác nhau, những phần tử thuần túy hình sự, những kẻ tình nguyện cuồng tín tập trung về đây từ khắp thế giới… Trong đại bộ phận các trường hợp, những tên chiến binh của Taliban đam mê nhất là tiền: lương của sĩ quan chính phủ Afghanistan là 100 USD, còn các phần tử khủng bố được trả tới 150 USD mỗi tháng…

Trong thời gian gần đây đã công bố không ít những bản báo cáo về triển vọng cuộc chiến ở Afghanistan do nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau biên soạn. Các tác giả của những công trình nghiên cứu đó đều đi tới kết luận tương tự như nhau.

Thí dụ, Quỹ Carnegie Endowment for International Peace đã khẳng định, thành công sẽ phụ thuộc vào việc tiến hành một chiến dịch dài hạn hướng tới tạo dựng ổn định ở Afghanistan, trong đó trọng tâm phải là sự an toàn trong đời sống của những người dân thường ở đó. Ngoài ra, Afghanistan cần cải cách hệ thống chính quyền, cuộc đấu tranh chống buôn bán ma túy và cần một cuộc đấu tranh tích cực hơn của Pakistan chống lại những phần tử Taliban đang đồn trú ở đó. Ngoài ra, để các quốc gia Hồi giáo cung cấp nhiều hơn cho Afghanistan các chuyên gia quân sự và cảnh sát (trước đây ý tưởng này đã được đưa ra trong quan hệ với Iraq nhưng đã được biến thành hiện thực).

Viện Hòa bình Mỹ (United States Institute of Peace) nhận xét rằng, việc gia tăng quân số Mỹ trong trường hợp khả quan nhất chỉ có thể tạo nên được một hiệu ứng tích cực nhất thời. Quan trọng hơn cả vẫn phải là việc xây dựng một hệ thống chính quyền sở tại đủ mạnh và hoạt động có hiệu quả.

Theo các tác giả của một công trình nghiên cứu về Afghanistan của Viện này, cho tới hôm nay liên quân quốc tế ở đây vẫn coi chiến đấu chống khủng bố là nhiệm vụ chính của mình, chứ không phải là việc giúp đỡ xây dựng một quốc gia lành mạnh bình thường ở đây. Một khi trọng tâm này chưa được thay đổi thì tình hình ở Afghanistan khó có thể được cải thiện.

Về phần mình, Viện Dịch vụ Liên hợp Hoàng gia Anh (Royal United Service Institute) đã đưa ra kết luận: tăng quân số ở Afghanistan là cần nhưng nếu quá trình này không kèm theo những thắng lợi trên nhiều mặt, từ cải thiện hệ thống giáo dục đến đấu tranh chống lại bọn buôn bán ma túy, thì triển vọng dài hạn của liên quân quốc tế ở Afghanistan sẽ không có gì đáng phải vui mừng.

Thành công của chiến dịch ở Afghanistan cũng sẽ phụ thuộc vào thể trạng của nền kinh tế thế giới. Duy trì những đạo quân ở nơi "thâm sơn cùng cốc" luôn là việc cực kỳ tốn kém. Các chương trình tái thiết cũng đòi hỏi các chi phí khổng lồ. Các nhà tài trợ quốc tế trong giai đoạn 2002-2004 đã đổ vào Afghanistan khá nhiều tiền nhưng trong giai đoạn gần đây lại khá hờ hững với việc này.

Theo CNN chiều 26/2/2009, Tổng thống Obama đang cố gắng tìm kiếm để có thêm 75,5 tỉ USD trong năm tài chính 2009 để thanh toán chi phí cho việc gửi thêm lính Mỹ tới Afghanistan

Phi Hằng