Tại sao mí mắt bị sụp

Sụp mí mắt được biết đến là hiện tượng sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Đây là bệnh về mắt không chỉ gây ảnh hưởng đến tầm nhìn, thẩm mỹ mà còn báo hiệu một số bệnh về mắt cần chữa trị sớm.

Sụp mí mắt là gì?

Đối với con người, vùng mắt đóng vai trò quan trọng, đáp ứng các chức năng về thị giác từ đó có sự giao thiệp với thế giới xung quanh thông qua ánh nhìn từ đôi mắt.

Đôi mắt còn thể hiện nhiều yếu tố thiên về cảm xúc, thiện cảm và cả tính thẩm mỹ cho toàn bộ gương mặt. Theo đó, nếu bạn không may rơi vào tình trạng sụp mí , vùng mắt sẽ có nhiều khác biệt so với người bình thường.

Sụp mí mắt là khi đôi mắt của bạn không thể mở được lớn, đồng thời mí mắt còn che đi mất một phần của đồng tử. Người bị sụp mí cũng có thể có lông mi hướng xuống dưới và trên mắt bị mất nếp gấp mi trên.

Nguyên nhân gây nên sụp mí mắt

Nguyên nhân bẩm sinh

Đây là nguyên nhân chiếm tỉ lệ 55-75%. Người bị mắc sụp mí bẩm sinh thường gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn do đồng tử bị che lấp một phần. Ngoài ra, sụp mí bẩm sinh còn được xem là một dị dạng vùng mí ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người mắc phải cảm thấy tự ti.

Yếu tố tự nhiên

 Xét về yếu tố tự nhiên, người bình thường khi đến độ tuổi nhất định đôi mắt sẽ có sự khác biệt khi còn trẻ. Sụp mí mắt lúc này là hiện tượng vùng mi mắt trên có xu hướng sa xuống thấp, che lấp nếp mí, kèm theo bọng mỡ mắt ở mí trên.

Đây là tình trạng xảy ra do cơ mí mắt đã bị mất khả năng co giãn, lúc này độ đàn hồi vùng da mí mắt đã bị lão hóa. Một số ít những người không may bị sụp mí do tai nạn hoặc các bệnh lý khác cũng có biểu hiện tương tự.

Do tổn thương thần kinh gây liệt cơ

Đây là một trong những bệnh lý có liên quan đến hội chứng đỉnh hốc mắt, hội chứng mắt khe dơi, hội chứng xoang hang… Lúc này mắt bị sụp mí do các dây thần kinh bị tổn thương, cơ mi không còn đảm bảo được chức năng khiến mắt bị sụp.

Sụp mí mắt do nhược cơ

Ở độ tuổi từ 40 – 60, một số người mắc triệu chứng nhược cơ, sụp mí mắt là biểu hiện ban đầu của bệnh lý nhược cơ. Nếu trong thời gian 5-10 năm tình trạng  bệnh không nặng hơn thì chỉ dừng lại ở việc sụp mí .

Sụp mí do chấn thương

Trong một số trường hợp, người mắc chứng sụp mí mắt do từng trải qua tai nạn ngoài ý muốn gây chấn thương ảnh hưởng tới vùng mí mắt.

Các nguyên nhân khác

Sụp mí còn có thể do các nguyên nhân khác như sa da mi, biến chứng bệnh đau mắt hột, bỏng vùng mắt, u, hạch…

Triệu chứng nhận biết sụp mí mắt

  • Mí mắt trên sa trễ che lấp tầm nhìn
  • Hai mắt bất cân xứng do một mắt có vùng mí che lấp đồng tử
  • Mắt bị lão hóa không rõ nếp mí trên kèm theo bọng mỡ mắt

Khắc phục sụp mí mắt như thế nào?

Tình trạng sụp mí nếu không chữa trị sớm sẽ ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực cũng như tính thẩm mỹ của mắt. Mắt có có chức năng quan trọng trong cuộc sống nên hãy cùng tìm hiểu chi tiết nguyên nhân, biểu hiện của hiện tượng này để từ đó tìm ra cách chữa mắt sụp mí hiệu quả và an toàn nhất

Mục đích điều trị là cải thiện chức năng và cải thiện thẩm mỹ cho đôi mắt. Trong điều trị sụp mi mắt thì yếu tố quan trọng nhất là người bệnh được điều trị sớm. Việc phẫu thuật không phức tạp, căn cứ vào mức độ sụp mi và khả năng hoạt động của cơ nâng mi mà áp dụng phương pháp phù hợp.

Nếu sụp mi nhiều, bác sĩ sẽ phải can thiệp vào phần cơ nâng mi, đơn giản nhất là làm ngắn cơ nâng mi và cắt bỏ một phần cơ vòng mi. Tùy theo phương pháp phẫu thuật mà quá trình hồi phục hình dạng mi sẽ có thời gian khác nhau.

Đối với trường hợp điều trị sụp mi bẩm sinh, bác sĩ sẽ kết hợp nâng cơ nâng mi, điều chỉnh cung mi mắt và cân đối hài hòa giữa hai bên mắt. Sau đó khâu thẩm mỹ bằng chỉ chuyên dụng theo đường viền mí mắt, tạo nếp mí cân đối, hài hòa và cải thiện tầm nhìn.

Đối với trường hợp điều trị sụp mi do lão hóa, bác sĩ sẽ đánh giá độ cao mí bẩm sinh của bệnh nhân, sau đó kết hợp lấy mỡ da thừa mi trên, nếu độ cao mí ở mức độ tương đối và khá cân đối hài hòa thì có thể đi theo đường mi cũ, qua đó xử lý lấy hết mỡ và da dư kết hợp căng cơ vòng mi mắt.

Nếu trường hợp độ cao mí quá to hoặc quá nhỏ, thiếu cân đối thì bác sĩ sẽ linh hoạt phân tích để tạo đường mổ mới, từ đó hình thành nếp mí mới tự nhiên, hài hòa với khuôn mặt. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kết hợp lấy mỡ và da dư, căng cơ vòng mi mắt, mang lại sự tươi trẻ, tinh nhạy cho đôi mắt.

Với trường hợp sụp mi do thẩm mỹ hỏng, bác sĩ cần phải áp dụng kỹ thuật phẫu thuật mắt to, giải phóng mô sẹo và phục hồi cơ nâng mi, giúp đôi mắt lấy lại vẻ tươi tắn và tự nhiên.

Biến chứng có thể gặp phải do phẫu thuật sụp mí mắt

Phẫu thuật điều trị sụp mí có can thiệp trực tiếp đến vùng cơ nâng mi. Nếu không được tiến hành an toàn , không đúng kĩ thuật sẽ rất dễ gây tổn hại đến đôi mắt, để lại các biến chứng như:

  • Can thiệp quá sâu, làm mí mắt quá to.
  • Đôi mắt không tự nhiên, đơ, mí lộ.
  • Hở mi dẫn đến viêm loét giác mạc.
  • Lật mi, mắt không được bảo vệ, dễ đỏ mắt và chảy nước mắt.
  • Nếp mí mắt không đẹp, bất cân xứng.

Vì thế, khi bị sụp mí mắt, bệnh nhân cần tìm hiểu và lựa chọn một địa chỉ khám bệnh ở cơ sở y tế hoặc bệnh viện mắt uy tín giúp khắc phục tình trạng bệnh một cách an toàn và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

Trang chủCác tình trạng mắtTình trạng mắt từ A-Z

Chứng sụp mí mắt là tình trạng mí mắt trên của một hoặc cả hai mắt rũ xuống. Tình trạng rũ xuống này có thể chỉ vừa đủ để nhận thấy, hoặc mí có thể sa xuống hết đồng tử.

Chứng sụp mí mắt có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em lẫn người lớn, nhưng thường xảy ra do tuổi tác.

Dấu hiệu và triệu chứng của chứng sụp mí mắt

Dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng sụp mí mắt là mí mắt rũ xuống. Tùy thuộc vào độ sụp của mí mắt, những người bị chứng sụp mí mắt có thể khó nhìn.

Đôi khi, người ta ngửa đầu về phía sau để cố gắng nhìn bên dưới mí mắt hoặc rướn lông mày liên tục để cố gắng nâng mí mắt lên.

Mức độ sụp mí mắt thay đổi ở từng người. Nếu bạn nghĩ mình bị chứng sụp mí mắt, hãy so sánh bức ảnh khuôn mặt gần đây của bạn với bức ảnh cách đây 10 hoặc 20 năm, và bạn sẽ có thể nhận thấy sự khác biệt về da mí mắt.

Chứng sụp mí mắt trông giống như chứng nhẽo da, đây là nhóm bệnh mô liên kết khiến da chảy dưới dạng các nếp gấp. Những bệnh này gắn liền với sự hình thành mô co giãn ít hơn bình thường. Hãy thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt của bạn để xác định nguyên nhân gây ra chứng sa mí mắt của bạn.

Nguyên nhân gì gây ra chứng sụp mí mắt?

Chứng sụp mí mắt có thể có từ lúc sinh (chứng sụp mí mắt bẩm sinh) hoặc xảy ra do tuổi tác, chấn thương hoặc di chứng của phẫu thuật đục thủy tinh thể hoặc phẫu thuật khác để chỉnh sửa mắt.

Tình trạng này cũng có thể do một vấn đề với các cơ nâng mí mắt, còn được gọi là cơ nâng gây ra. Đôi khi, việc giải phẫu khuôn mặt của một người cũng có thể làm cản trở những cơ này.

Các nguyên nhân khác gây ra chứng sụp mí mắt bao gồm khối u ở mắt, rối loạn thần kinh hoặc bệnh toàn thân như tiểu đường.

Điều trị chứng sụp mí mắt

Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị sụp mí mắt tốt nhất.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ kéo căng các cơ nâng để chúng có thể nâng mí mắt dễ dàng hơn, giúp bạn cải thiện hình thức và thị lực.

Trong những trường hợp rất nặng liên quan đến cơ nâng suy yếu, bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ gắn mí mắt bên dưới lông mày. Theo đó, cơ trán sẽ thay cơ nâng để nâng mí mắt.

Những rủi ro từ phẫu thuật chứng sụp mí mắt

Sau khi phẫu thuật chứng sụp mí mắt, mí mắt của bạn có thể trông không còn đối xứng, ngay cả khi các mí có vị trí cao hơn so với trước phẫu thuật. Trong trường hợp rất hiếm gặp, cử động của mí mắt cũng có thể bị ảnh hưởng.

Điều quan trọng là phải chọn bác sĩ phẫu thuật một cách cẩn thận, vì phẫu thuật được thực hiện kém có thể dẫn đến diện mạo không được như mong muốn hoặc dẫn đến khô mắt do mí mắt được nâng lên không đóng lại hoàn toàn.

Trước khi đồng ý phẫu thuật chứng sụp mí mắt, hãy hỏi xem bác sĩ phẫu thuật của bạn đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật. Đồng thời hãy yêu cầu xem các bức ảnh trước và sau phẫu thuật của các bệnh nhân đã làm phẫu thuật, và hỏi xem bạn có thể nói chuyện với ai đó trong số họ về trải nghiệm của họ được không.

Chứng sụp mí mắt ở trẻ em

Trẻ em sinh ra bị chứng sụp mí mắt ở mức vừa phải hoặc nặng phải được điều trị bằng phẫu thuật để thị lực phát triển phù hợp.

Không điều trị chứng sụp mí mắt có thể dẫn đến nhược thị (thị lực ở một mắt giảm) và thị lực kém suốt đời.

Tất cả trẻ em bị chứng sụp mí mắt, ngay cả các trường hợp nhẹ, đều phải được chuyên gia chăm sóc mắt khám tối thiểu thường niên để theo dõi biểu hiện của mí sụp và đảm bảo chứng sụp mí mắt không gây ra các vấn đề về thị lực.

Trang được xuất bản trong Tháng 8 2021

Trang được cập nhật trong Tháng 8 2021

Video liên quan

Chủ đề