Tại sao cô giáo mầm non phải đảm bảo an toàn cho trẻ

Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, công tác đảm bảo an toàn cho trẻ cần phải khắc phục bằng những giải pháp tích cực và hiệu quả hơn.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống trường lớp mầm non tư thục đã phát triển nhanh chóng, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này đáp ứng yêu cầu phát triển nhưng cũng đặt ra yêu cầu về quản lý nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa diễn ra với chủ đề "Giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục", các chuyên gia cho rằng, công tác đảm bảo an toàn cho trẻ cần phải khắc phục bằng những giải pháp tích cực và hiệu quả hơn.

Dành sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục mầm non

Trao đổi về hoạt động quản lý các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Thời gian qua, bạo hành trẻ mầm non chủ yếu xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. 

Khi các khu công nghiệp có nhiều trẻ em, trường mầm non công lập không đủ năng lực tiếp nhận. Con em người lao động chủ yếu được gửi vào các nhóm lớp độc lập tư thục. Tuy nhiên, điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn ở một số cơ sở còn hạn chế. Tình trạng bạo hành, mất an toàn cho trẻ từ năm 2013 đến nay xuất hiện nhiều.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, sự tồn tại của các lớp nhóm trẻ mầm non tư thục là tất yếu khách quan, trách nhiệm của Nhà nước là hỗ trợ để các nhóm lớp này phát triển. 

Xác định việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non là một nhiệm vụ quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất, tinh thần cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Từ kinh nghiệm trong quản lý, xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho trẻ trong các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục theo phân cấp quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhóm, lớp độc lập tư thục ít nhất 2 lần/năm học. 

Đồng thời, cần đưa nội dung, tiêu chí xây dựng trường học an toàn; phòng, chống tai nạn thương tích vào tiêu chuẩn, điều kiện thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục và chỉ công nhận, ra quyết định thành lập đối với nhóm, lớp độc lập tư thục đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ trẻ học tại các cơ sở mầm non tư thục như ở cơ sở mầm non công lập để đảm bảo quyền bình đẳng học tập của trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Nhà nước cần dành kinh phí xây dựng trường mầm non công lập đảm bảo yêu cầu giáo dục sớm cho trẻ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần ban hành văn bản mang tính pháp chế giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền trong việc dành quỹ đất sạch cho giáo dục mầm non khi quy hoạch các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất dành nguồn kinh phí nhất định xây dựng các trường mầm non, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân lao động, giảm hiện tượng các nhóm lớp mầm non xuất hiện tự phát không đảm bảo điều kiện hoạt động.

Giáo viên mầm non cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - giải pháp cơ bản

Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho sự mất an toàn của trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, các chuyên gia cho rằng, có nguyên nhân đến từ đội ngũ giáo viên, trong đó, có vấn đề đào tạo đội ngũ này từ trong các trường sư phạm.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ Tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo đã phân tích những nguyên nhân chủ quan đến từ các cơ sở giáo dục mầm non, chưa đặt vấn đề tự bồi dưỡng. Thêm vào đó, năng lực sư phạm của cán bộ quản lý chưa đủ để bồi dưỡng giáo viên. 

Các cấp quản lý chưa có sự kiểm soát, chưa có văn hóa quản lý trường học. Do đó, chương trình đào tạo cần được điều chỉnh, cân đối giữa lý thuyết và thực hành, từ đó có chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non sát thực tế hơn.

Ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non là giải pháp đầu nguồn, giải pháp cơ bản để có được một đội ngũ giáo viên mầm non có tay nghề, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Lâm, Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khuyến nghị: Các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần rà soát và quản lý chất lượng đầu vào của các trường. 

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác định hướng, tư vấn tuyển sinh ngành giáo dục mầm non, giúp học sinh phổ thông hiểu một cách cơ bản về nghề, chọn ngành học để làm nghề sau này chứ không phải chỉ là chọn nơi để học. Sàng lọc này giúp các trường chọn được những học viên có tình cảm nghề nghiệp ban đầu và tiếp tục bồi dưỡng trong quá trình đào tạo.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị Lâm, trong quá trình công tác, giáo viên mầm non cũng cần thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là nâng cao chất lượng của các hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp, giáo dục tình yêu nghề, yêu trẻ. 

Tạo môi trường làm việc thân thiện, giảm bớt áp lực căng thẳng cho giáo viên, người chăm sóc trẻ; hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn cách giao tiếp với trẻ, xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hành kỹ năng quản lý cảm xúc.

Việt Hà

Đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non: Trẻ ở đâu, cô ở đấy!

Thu Hoài

13:25 24/04/2016

Khá nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của học sinh mầm non liên tiếp xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận hoang mang. Rất nhiều nguyên nhân được lý giải song phần đông phụ huynh vẫn không khỏi băn khoăn về công tác đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Ảnh minh họa.

Nguy hiểm rình rập trên từng centinmet

Vào năm 2014, các bậc phụ huynh tại TPHCM quá sợ hãi trước sự việc một trẻ mầm non ở Q.9 khi tham quan trường tiểu học bị tủ sách đè dẫn đến tử vong. Cuối năm 2015, ngày 23/11, mọi người lại bàng hoàng khi nghe tin cháu bé mới 1 tuổi thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) tử vong do sặc cháo.

Theo anh Hải – bố cháu bé thì vợ chồng anh gửi hai con trai song sinh hơn 1 tuổi cho một người giữ trẻ tại gia, đến trưa anh Hải và gia đình hoảng hốt khi nhận tin báo một trong hai con phải đến bệnh viện cấp cứu. Người giữ trẻ cho biết khi cho các bé ăn cháo thì bé Cao Hải Long bị sặc, tím tái, sau đó bé được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Vào thời điểm trên, người này đang nhận giữ 4 trẻ/ngày và không có giấy phép hoạt động.

Tiếp đến, là cái chết đầy ẩn ức của cháu L.T.V., 15 tháng tuổi. Theo đó, vào chiều 23/3, cháu V. đang được gửi tại trường mầm non tư thục Sao Tuổi Thơ (tổ dân phố Quyết Tâm, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) đã bị mắc dây chuyền đeo cổ vào khóa cửa tủ đựng đồ dẫn đến ngạt thở mà các cô giáo không hề hay biết.

Các cô giáo khi phát hiện đã tiến hành sơ cứu, thổi ngạt nhưng không có kết quả nên đã đưa bé vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng ngưng tuần hoàn, chết não, các bác sĩ dù đã nỗ lực hết sức cũng không thể cứu chữa. Cháu ra đi vào 23 giờ cùng ngày.

Thời điểm này, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang cũng đang làm rõ trách nhiệm của Ban Giám hiệu và 2 cô giáo phụ trách lớp mầm non 3 tuổi C của trường Mầm non Hoa Sen, thành phố Hà Giang trong vụ cháu bé 3 tuổi bị rơi từ ban công tầng 2 trong giờ học, gây chấn thương sọ não.

Theo đó, khoảng hơn 9 giờ ngày 14/4, tại lớp 3 tuổi C, trường Mầm non Hoa Sen, đang trong giờ học, cháu Hoàng Tuấn Kiệt, con anh Hoàng Công Tuấn và chị Lê Thị Thảo, thường trú tại tổ 1 phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang đã đi ra ban công tầng 2 của lớp học, trèo lên song sắt, chui ra ngoài và rơi xuống đất từ độ cao 5,2 mét. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cháu Kiệt đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cấp cứu và được các bác sỹ hội chẩn, chuẩn đoán bị chấn thương sọ não.

Phần nhiều do sơ suất của giáo viên

Theo quy định của ngành giáo dục, những trò chơi vận động dành cho trẻ như cầu tuột, xích đu, thang dây… nếu không đặt trên cát thì phải trải thảm dưới chân để phòng tránh chấn thương khi vui chơi. Quan sát ở một số trường mầm non, chúng tôi đều nhận thấy hầu hết sân chơi của trẻ đều thiếu an toàn. Các đồ chơi ngoài trời đều đặt ở vị trí sát tường bao và trên nền xi măng, sân gạch, không trải thảm bảo vệ cho học sinh khi vận động…

Có thể nói nguyên nhân xảy ra tai nạn đối với trẻ ở trường mầm non có vô vàn nhưng xét cho cùng thì người lớn vẫn phải là những người chịu trách nhiệm chính trong mỗi sự việc.

Theo cô Nguyễn Thanh Trà – Hiệu trưởng trường mẫu giáo BimBon (Định Công- Hà Nội) thì các bậc cha mẹ đưa con đến trường mầm non là giao phó toàn quyền quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn của con cho các thầy cô trong thời gian ở trường.

Thế nhưng không ít trường hợp bảo mẫu hoặc cô giáo bất cẩn, hoặc vì lý do khách quan nào đó đã dẫn đến những tai nạn thương tâm. Vì thế ngoài chuyên môn sư phạm, giáo viên phải thực hiện tốt nguyên tắc trẻ ở đâu cô ở đấy, ngoài ra giáo viên còn cần được trang bị những kỹ năng kiểm soát trẻ trong mọi tình huống, đồng thời là khả năng ứng cứu, sơ cứu khẩn cấp nếu không may xảy ra tai nạn.

Đề cập đến việc phòng tránh tai nạn cho học sinh, theo cô Nguyễn Thu Huyền – giáo viên Trường mầm non Mai Động, trẻ nhỏ thường hiếu động, nghịch ngợm nên chuyện các con trêu đùa nhau, cào cấu, xô đẩy nhau thường xuyên xảy ra mà các cô dù có giám sát nhắc nhở thường xuyên cũng khó đảm bảo hết các tình huống.

Nhưng các bậc cha mẹ khi thấy con mình có chút sứt sát thường không giữ được bình tĩnh… Cô Huyền cũng cho rằng nếu không bao quát và lường trước mọi tình huống thì tai nạn có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên sân chơi, trong lớp học hay nhà vệ sinh… và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thu Hằng – Hiệu phó Trường mầm non Hoa Hồng phân tích: Những tai nạn đáng tiếc xảy ra tất nhiên đều ngoài ý muốn, tuy nhiên nếu thật sự chú ý chúng ta có thể giảm thiểu rất nhiều. Theo cô Hằng, ngoài yếu tố gia đình thì môi trường học tập, vui chơi, giải trí cho trẻ phải đảm bảo tuyệt đối. Điều này tránh cho trẻ những tai nạn không đáng có.

Ngoài chuyên môn sư phạm, giáo viên còn cần tấm lòng bao dung để kiêm luôn vai trò làm mẹ của những đứa trẻ, đồng thời cần phải có những kỹ năng để sơ cứu trong trường hợp trẻ cần đến sự trợ giúp khẩn cấp. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần giáo dục trẻ những kĩ năng cần thiết, trong đó lứa tuổi đi nhà trẻ có thể dạy cho trẻ kĩ năng nhận biết những mối gây nguy hiểm cho bản thân để trẻ có thể tự bảo vệ mình trong chừng mực nhất định, tránh được việc nghịch dại với các thiết bị nguy hiểm.

Có thể nói ngày nay khi hệ thống các trường mầm non ngày càng phát triển đa dạng, tiêu chí chọn trường cho con của các phụ huynh cũng không chỉ gói gọn trong phạm vi gần nhà, học phí mà họ còn yêu cầu cao hơn về những tiêu chí khác như môi trường an toàn, chương trình giảng dạy...

Đặc biệt là sau nhiều sự việc đáng tiếc mà nạn nhân là trẻ em trong độ tuổi mầm non tại các trường không đạt tiêu chuẩn những năm gần đây thì tiêu chí “môi trường an toàn” luôn được các phụ huynh chú trọng và đặt lên hàng đầu. Nếu mỗi ngôi trường đều đảm bảo nguyên tắc trẻ ở đâu, cô ở đấy thì mọi phụ huynh đều có thể hy vọng vào sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Hiện toàn thành phố Hà Nội có hơn 1.000 trường mầm non (gồm cả công lập, dân lập, tư thục) và gần 1.700 cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, số trẻ học tại trường mầm non công lập là gần 402.000 trẻ chiếm tỷ lệ 78%, số trẻ học ngoài công lập là trên 113.000 trẻ, chiếm tỷ lệ 22%.

Chủ đề: trẻ em tai nạn Nguy hiểm trường học trẻ mầm non

Video liên quan

Chủ đề