Sự khác biệt giữa tác phẩm báo chí và tác phẩm văn chương

“Chẳng cuốn tiểu thuyết nào vĩ đại hơn cuộc đời”- nhà văn Khuất Quang Thụy từng nói thế. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), ông đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH về vai trò quan trọng của vốn sống, thực tiễn xã hội đối với sáng tạo của văn học và báo chí.

Thực ra văn học và báo chí là hai hoạt động rất khác nhau, mặc dù cùng sử dụng công cụ chung là ngôn ngữ. Văn học là hoạt động nghệ thuật còn báo chí là hoạt động chính trị - xã hội. Vì là hai lĩnh vực khác nhau nên nó cũng nhằm đến những mục đích khác nhau: Báo chí mục đích là đưa thông tin tới người đọc, đưa quan điểm của người làm báo, của tòa soạn báo đến với độc giả. Còn người viết văn thì không phải lúc nào cũng nhằm đến độc giả, mà đôi lúc còn là sự trải nghiệm của bản thân người viết. Nhưng muốn hay không thì tác phẩm văn học, hay báo chí đều phải có người đọc...

* Và đều bắt nguồn từ hiện thực, thưa ông?

- Tất nhiên, văn học hay báo chí đều có cội nguồn từ hiện thực. Nhà văn dù có tưởng tượng giỏi đến mấy cũng đều có nguyên cớ từ hiện thực, nhà báo thì đương nhiên phải bám vào thực tế rồi. Nhưng vì hướng đến những mục đích khác nhau  nên việc sử dụng chất liệu từ cuộc sống, vốn sống ở hai thể loại này cũng khác nhau.

Sự khác biệt giữa tác phẩm báo chí và tác phẩm văn chương

Trước hết, nói về nhà văn, thực tế chính  là trải nghiệm ban đầu để kích thích tư duy sáng tạo, họ thường vin vào những gợi ý của cuộc sống để từ đó xây dựng  hình tượng văn học, xây dựng nhân vật. Chính vì vậy, nhà văn càng có trải nghiệm về cuộc sống phong phú bao nhiêu thì càng có nội lực, trí tưởng tượng  và sức sáng tạo mãnh liệt bấy nhiêu. Còn nhà báo, với mục đích phản ánh hiện thực đang diễn ra  nên họ phải bám vào hiện thực, chứng cứ từ hiện thực rồi mới chuyển tải được thông tin tới bạn đọc. Chính vì vậy, khi đi thực tế, trong khi nhà báo phải tìm cho được những tài liệu, chứng cứ thì nhà văn có khi chỉ đi để quan sát cuộc sống.

* Thế còn với những người vừa làm văn, vừa làm báo như ông?

- Có một trong những đặc điểm rất lớn của các nhà văn Việt Nam là thường  họ vừa làm văn, vừa làm báo. Văn học không phải là một nghề, không ai trả lương cho nhà văn cả, nhà báo mới được gọi là một nghề, được trả lương. Cho nên thẻ nhà báo là thẻ hành nghề, còn thẻ hội viên hội nhà văn không phải là thẻ hành nghề, mà chỉ mang tính danh dự thôi. Không ai chứng nhận cho anh là anh đủ điều kiện làm nhà văn hay không làm nhà văn cả. Do vậy, phần rất lớn số nhà văn ở Việt Nam có tham gia làm báo. Bản thân tôi nếu không làm báo thì là vô nghề nghiệp, túm lại là thất nghiệp (Cười).

Chính vì vậy, nhà văn Việt Nam thường lấy môi trường báo chí và coi đó là nghề nghiệp hợp pháp của mình để sinh sống, rồi từ đấy mới viết văn. Do đóng cả hai vai nên nó lưỡng phân, anh phải biết khi nào anh là nhà văn, khi nào là nhà báo. Nếu anh dùng ngôn ngữ văn học vào báo chí, anh cũng tưởng tượng, cũng bịa chuyện, cũng hư cấu vào báo chí thì hỏng, ngược lại, nếu làm văn mà dùng nhiều quá ngôn ngữ của báo chí cũng không được. Nói chung,  nhà văn làm báo có lý thú, nhưng  cũng nhiều khó khăn và thách thức, nghề gì cũng có những đòi hỏi riêng của nó. Lượng chữ nghĩa của nhà báo tuy không dùng nhiều nhưng nó lại phải chính xác, nó có quan điểm, mục tiêu rõ ràng, chứ không thể tưởng tượng mông lung như nhà văn được. Tuy nhiên, việc nhà văn tham gia làm báo cũng là thế mạnh, giúp nhà văn có điều kiện tiếp xúc được với hiện thực, quan sát hiện thực một cách tỉnh táo hơn. Cũng một thực tế thôi nhưng với nhà văn làm báo thì có rất nhiều lợi thế. Chẳng hạn, khi  đi làm báo, làm phóng sự, điều tra về vụ tham nhũng ở một công ty X nào đó, thì sau khi làm tròn vai trò của nhà báo, những ‘tài nguyên” còn lại, anh nhà văn sẽ cất đi đến lúc nào đó lại moi ra khai quật và biến thành cảm hứng cho việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật.

* Phải chăng nhờ vậy mà người lính Khuất Quang Thụy đã rất thành công với những tác phẩm viết về chiến tranh?

- Hiện tôi đã viết hơn chục tiểu thuyết và hàng trăm truyện ngắn nhưng chưa một tác phẩm nào ra khỏi trường hoạt động của tôi trong thời chiến cũng như trong thời bình. Viết gì thì viết nhưng nó đều xoay quanh những trải nghiệm cuộc sống của mình. Nhất là những tác phẩm chiến tranh, chủ yếu tôi viết về không gian chiến tranh mà mình từng trải qua, những sự kiện chiến tranh mình từng chứng kiến, những người bạn chiến tranh đã cùng mình đồng hành trong cuộc chiến, một lúc nào đó họ đã trở thành hình mẫu trong những nhân vật của tôi cả. Cho nên, có thể nói, với một nhà văn viết thì vốn sống rất quan trọng và chi phối rất lớn. Mặc dù nó không quyết định tài năng của người viết và thành công của tác phẩm nhưng nó là sự khởi đầu, là sự gợi ý, tạo cảm hứng và tạo nên ý thức, nghĩa vụ của nhà văn đối với cuộc sống.

* Nhưng với sự phát triển của internet, thế giới “phẳng” hơn, đôi khi việc tìm hiểu thực tiễn không còn quan trọng nữa, khi người có thể tìm mọi thông tin trên mạng.  Từ đó hình thành những nhà văn, nhà báo salon, ngồi phòng lạnh, lướt mạng để lấy thông tin?

- Thông tin đã được đưa lên báo chí, lên internet cũng là thông tin, nhưng muốn hay không nó vẫn là thông tin thứ cấp, được truyền tải qua phương tiện khác thì nó đã qua lăng kính khác, chứ không phải thứ thông tin nguyên bản ban đầu. Thông tin lấy qua mạng một là độ tin cậy đã mất đi rất nhiều, thứ hai là nó lạnh lùng, nó không có tình cảm, không có sự trải nghiệm của chính người trong cuộc. Thông tin có thể truyền tải qua mạng nhưng thái độ và tình cảm, cảm xúc của người viết thì không thể truyền tải qua mạng. Cho nên thông tin khai thác qua những con đường khác ấy không thể thay thế thực tế mà nhà báo phải trải nghiệm.

Sự khác biệt giữa tác phẩm báo chí và tác phẩm văn chương

Điều đó lý giải cho chúng ta hiểu vì sao mặc dù như bạn nói thế giới phẳng, người ta có thể tìm mọi thứ trên mạng, ngồi một chỗ có thể biết tất cả mọi chuyện diễn ra trên thế giới, nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm nhà báo đang lao vào khói lửa, đang lao vào những điểm nóng nhất của thế giới để trực tiếp trải nghiệm, quan sát bằng đôi mắt của mình để cho ra những bài báo xúc động bao con tim của hàng triệu độc giả.  Hay chẳng hạn, ngồi đây ta có thể biết rằng có hàng nghìn người di cư đã chết trên biển Địa Trung Hải. Thông tin là đầy đủ, dù ngồi đây hay đến đấy thì con số người chết vẫn thế. Nhưng khi đến tận nơi, chứng kiến cảnh những em bé, những người phụ nữ chết trên bãi biển thì tình cảm của người viết sẽ khác, xúc cảm hoàn toàn khác, và cái đó sẽ tạo nên động lực thôi thúc các nhà báo, thôi thúc lương tâm của người làm báo khiến người ta phải lên tiếng...

* Thế còn với nhà văn, vì văn chương được phép sáng tạo, được phép tưởng tượng nên nhà văn chỉ cần lướt mạng lấy thông tin và phát huy trí tưởng tượng có được không?

- Đã có rất nhiều người viết kiểu đó rồi, họ cũng tìm hiểu thông tin rồi trông chờ vào sức mạnh của trí tưởng tượng để dựng lên một thế giới mà người ta không chứng kiến. Những sản phẩm văn học như thế cũng đã có nhưng tôi đảm bảo với bạn là những tác phẩm  đó không bao giờ đạt đến tầm cao của sự sáng tạo, nó không đủ sức để lay động người đọc. Bởi người đọc, nói cho cùng, họ cũng mẫn cảm y như người viết. Khi đọc, họ cũng sẽ biết cái gì là rung cảm thật của tác giả, cái gì là “thương vay khóc mướn”, cái gì anh nhìn bằng mắt thật, là trải nghiệm của anh  đối với cuộc sống, cái gì anh mượn thông tin từ mạng internet. Tất nhiên bây giờ không thể đòi hỏi người viết phải có mặt 100% trực tiếp ở chiến hào, ở nhà máy nhưng anh phải tới được đó, phải có được rung động thật, có chứng kiến thật thì mới có ngôn ngữ, hình tượng thật được.

* Nhưng công nghệ làm văn, làm báo hiện nay đòi hỏi phải rất nhanh, nhiều nhà văn, nhà báo  vẫn “sòn sòn như vịt đẻ trứng”  đấy thôi?

- Bạn biết công nghệ chưng cất rượu rồi phải không? Người ta có thể thả một viên hóa chất vào nước và sẽ cho ra đời một sản phẩm có mùi vị như rượu, nhưng nó vẫn không phải là rượu. Còn rượu thật được chắt chiu từ những hạt gạo, khi nấu cần trải qua một quá trình chưng cất  thì nó sẽ tạo ra một thứ rượu không thể thay thế được.           

Nhà văn Khuất Quang Thụy ,sinh năm 1950, tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Năm 1967, ông nhập ngũ, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320, tại các mặt trận Quảng Trị, Tây Nguyên. Năm 1976, ông được điều về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị và sau đó học Trường viết văn Nguyễn Du (khoá I). Tốt nghiệp, nhà văn Khuất Quang Thụy về Tạp chí Văn nghệ Quân đội lần lượt trải qua các chức vụ Biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi rồi Phó Tổng biên tập. Hiện ông là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ. Các tác phẩm chính của ông: “Trong cơn gió lốc”; “Trước ngưỡng cửa bình minh”; “Người ở bến Phù Vân” ; “Không phải trò đùa”; “Giữa ba ngôi Chúa”; “Góc tăm tối cuối cùng”; “Người đẹp xứ Đoài”; “Đối chiến”... Khuất Quang Thụy đã được nhận các giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007, cho cụm 3 tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”, Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1984 với tiểu thuyết “ Không phải trò đùa”;  năm 2004 với tiểu thuyết “Những bức tường lửa”...

THÁI AN/Lao động và Xã hội

(TCTG) - Cùng chất liệu là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, nhưng ngôn ngữ báo chí (NNBC) và ngôn ngữ văn học (NNVH) có những đặc điểm khác nhau xuất phát từ những yêu cầu khách quan củahai lĩnh vực.

Sự khác biệt giữa tác phẩm báo chí và tác phẩm văn chương
(Ảnh minh hoạ)


Ngôn ngữ báo chí (NNBC) và ngôn ngữ văn học (NNVH) cùng dùng chung văn tự, từ ngữ làm phương tiện chuyển tải nội dung. Giữa hai loại này có những điểm giống và khác nhau. Người cầm bút rất cần nắm vững để không nhầm lẫn, mới mong đạt hiệu quả tối đa khi vận dụng.

Điểm giống nhau ở 2 loại ngôn ngữ - ngoài việc dùng văn tự như đã nói - đều có chung một yêu cầu: phát huy hiệu quả thông tin, biểu đạt tối đa. Cần làm sao để giảm thiểu chữ nghĩa mà lại đạt được sức gợi mở, miêu tả, biểu hiện lớn nhất. Để đạt được yêu cầu này, cả NNBC và NNVH đều cần tính hàm súc, cô đọng. Không thể mất quá nhiều chữ nghĩa để chuyển tải một dung lượng ít ỏi, nghèo nàn.

Sự giống nhau ở trên dễ được mọi người viết nhận biết. Nhưng sự khác nhau thì không phải ai cũng thấy rõ.

Điều khác biệt đầu tiên mang tính chất cơ bản nhất là: một đằng nhằm vào mục đích thông tin là chủ yếu (NNBC); và một đằng là biểu hiện, khắc hoạ hình tượng (NNVH) để người đọc cảm nhận đối tượng đề cập. NNBC chỉ nhằm vào nhiệm vụ thông tin với những yêu cầu: chuẩn xác, phong phú, mới mẻ và hấp dẫn. Một bài báo đem đến cho bạn đọc những thông tin đạt 4 yêu cầu trên đương nhiên sẽ là một bài báo có chất lượng, hay, được đọc giả tán thưởng. Tư duy của NNBC nghiêng nhiều về thứ tư duy logic, khoa học, luôn cần sự chuẩn xác, sắc nhọn, đầy ắp, dồn nén thông tin. Người ta luôn yêu cầu một bài báo càng ngắn càng tốt. Và người viết báo ngắn mới giỏi. Một câu chuyện có thật minh chứng điều này: Sau ngày cách mạng Nga thành công, một nhà báo đến đòi Lênin “trả nợ” một bài báo. Người nói với biên tập viên: “Mong đồng chí thông cảm, bài báo hơi bị dài. Tôi bận quá, không có thời gian để viết ngắn hơn”. Ngay cả kiểu bài bình luận cũng nhằm vào việc cày xới thông tin là chủ yếu. Phần bình luận - đưa ra những chính kiến của người viết - là những nhìn nhận xung quanh các thông tin. Yêu cầu của bình luận là sắc cạnh, chí lí không thể chung chung mờ nhạt.

NNBC gần như chỉ tập trung vào hai kiểu: kể (thuật) và bình. Tất nhiên có kiểu thứ ba là vừa kể vừa bình. Mọi bài vở kiểu đưa tin là thuật, hoặc thuật kèm theo bình. Còn kiểu những suy ngẫm về một vấn đề nào đó là thuộc dạng bình. Tất cả đều sử dụng lối tư duy lôgíc, biện chứng của khoa học, xa với tư duy hình tượng văn học. Bởi vậy mà giờ đây đã trở nên lạc hậu lỗi thời kiểu viết lách con cà con kê, vòng vo tam quốc mãi vẫn chưa vào được vấn đề chính. Ví dụ: trước đây một phóng viên về cơ sở (một vùng trọng điểm lúa chẳng hạn) để viết bài phản ánh không khí mới nơi đây thường hay mở đầu như sau: “Tôi đặt chân đến...giữa một ngày nắng đẹp. Đi trên con đường làng mới lát xi măng, lòng tôi phơi phới, miên man nghĩ đến những năm tháng xa xưa đã chìm sâu vào dĩ vãng, khi mà nơi đây còn ngập chìm trong cảnh đói nghèo. Người tiếp tôi đầu tiên là vị chủ tịch xã còn khá trẻ. Bằng một nụ cười tươi, anh niềm nở bắt đầu câu chuyện...”. Lối viết như trên đã khá phổ biến trên các trang báo những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Đó không phải là NNBC mà có phần lẫn lộn sang NNVH, nhưng nếu xét trên phương diện ngôn ngữ văn chương thì cũng nhạt nhẽo. Cả một đoạn ngôn ngữ dài dòng đó chẳng đem lại được thông tin gì đáng kể cho người đọc ngoài 2 chi tiết: đường làng mới đổ ximăng và vị chủ tịch xã còn trẻ. Nếu là NNBC hiện đại, phải đi thẳng ngay vào vấn đề: ông chủ tịch xã trẻ tuổi nói gì với nhà báo (kể thành tích địa phương? Chưa thông một số chủ trương nào đó của nhà nước ở nông thôn? Hay là ông ta sáng tạo được một mô hình làm ăn nào mới?...). Nhưng thông tin cũng cần sắc nhọn, nghĩa là cũng cần có chọn lọc, đưa đến người đọc những điều mới mẻ, những thứ người ta chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ, chuẩn xác. Về điều này, chúng ta có thể học được nhiều ở chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là một nhà báo vĩ đại , với bút danh T.L, người đã viết những bài báo ngắn gọn thường không quá 500 âm tiết với ngôn ngữ bình dị dễ hiểu nhưng đầy ắp thông tin và có tính chiến đấu rất cao.

Cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ dân tộc nhưng NNVH lại hướng đến việc biểu hiện những điều cần nói hơn là kể sự việc và bình luận. Tính biểu hiện đòi hỏi người viết phải biết tư duy hình tượng chứ không chỉ tư duy lôgíc. Nếu ở NNBC, yêu cầu sự chuẩn xác và sắc nhọn luôn được đặt lên hàng đầu thì ở NNVH, nhiều khi mới đọc, mới nghe, người ta thấy như là không đúng thậm chí là ... phản khoa học. Ví dụ: Ngày 12/4/1961, Liên Xô lần đầu tiên phóng thành công con tàu vũ trụ Phương Đông I với sự điều khiển của phi công vũ trụ Ga-Ga-Rin. Sự kiện này làm nức lòng toàn nhân loại. Tế Hanh đã làm bài thơ ca ngợi thành tựu này, trong đó có câu: “Trái đất xanh như trái tim anh”. Xét về phương diện khoa học thì trái tim phải luôn đỏ, chứ “xanh” thì là của người đã ... chết. Nhưng lại rất hay với ngôn ngữ của thơ, vì “trái đất xanh” là một trái đất đang tràn đầy sức sống, đang phát triển đầy hứa hẹn. Và trái tim người phi công vũ trụ khi ấy cũng cùng một nhịp đập như vậy. Ga-Ga-Rin bay vào vũ trụ đã nhìn trái đất với đôi mắt, trái tim lãng mạn như thế.

Do đặc thù riêng mà NNVH luôn yêu cầu phải đa dạng với nhiều phong cách, bút pháp khác nhau. Về điểm này thì ở báo chí cũng có, nhưng dẫu sao cũng không thể nhiều bằng văn học. Dẫu có cố gắng tạo ra một phong cách ngôn ngữ riêng, nhưng người viết báo không thể đi chệch khỏi quỹ đạo đã nói (thông tin nhanh, sắc). Nhưng với NNVH thì mỗi tác giả là một phong cách riêng nếu có tài năng , bản sắc. Điều này giải thích ở địa hạt văn chương, chúng ta có những phong cách vô cùng độc đáo là Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài..., trong khi ở lĩnh vực báo chí, ta không kể ra được những tên tuổi độc đáo riêng về ngôn ngữ, tuy cũng có những nhà báo tài năng như Thép Mới, Hoàng Tùng, Hữu Thọ... Ở thể loại văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết), ngôn ngữ lại cần cá tính hoá các nhân vật. Ở đây, phong cách ngôn ngữ lại càng bộc lộ sự đa dạng, thể hiện tài năng nhà văn.

Cùng chất liệu là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân nhưng NNBC và NNVH đã có những đặc điểm khác nhau xuất phát từ những yêu cầu khách quan của hai lĩnh vực. Người cầm bút khi vận dụng ngôn ngữ không thể không nắm vững, nhất là những người hoạt động ở cả hai lĩnh vực./.

Lê Trí - Nguyễn Hưng