So sánh nền kinh tế của nhật và trung quốc năm 2024

TCCSĐT- Nếu xét các chỉ số kinh tế tại từng thời điểm, khi này, khi khác, Trung Quốc và Nhật Bản có thể “thay phiên” nhau giữ ngôi vị “Á quân” trong bàn cờ kinh tế thế giới. Song, theo số liệu mới nhất mà hai nước này vừa mới công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III năm 2010 của Nhật Bản vẫn thấp hơn của Trung Quốc với các con số tương ứng là 1.372 tỉ USD và 1.415 tỉ USD. Đây là quý thứ hai liên tiếp, GDP của Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (GDP quý II của Nhật Bản là 1.280 tỉ USD, còn của Trung Quốc là 1.330 tỉ USD).

Tuy nhiên, nếu tính tổng GDP trong cả 9 tháng đầu năm 2010 thì GDP của xứ sở Phù tang đạt 3.960 tỉ USD, trong khi con số này của Trung Quốc là 3.950 tỉ USD. Những số liệu đó đồng nghĩa với việc cho dù đã liên tiếp “qua mặt” Nhật Bản trong hai quý liền, Trung Quốc vẫn chưa thực sự chinh phục được đỉnh cao để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới mà Nhật Bản nắm giữ suốt 42 năm qua. Rõ ràng, nếu nền kinh tế Trung Quốc được “tám lạng”, thì nền kinh tế xứ xở Phù tang cũng chẳng kém cạnh gì và đáng được tính là “nửa cân”.

Gió đã đổi chiều…

Sau ba thập niên phát triển rực rỡ, mang lại những thay đổi toàn diện về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng lớn đến toàn cầu, Trung Quốc lần lượt vượt qua Đức, Pháp, Anh… và rút ngắn khoảng cách đầy ngoạn mục so với Nhật Bản. Chỉ trong một thời gian không dài (chưa đầy 5 năm trước), GDP của Trung Quốc chỉ bằng một nửa của Nhật Bản, nhưng con số này đến nay đã có nhiều thay đổi. Điều đó khiến nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, Trung Quốc có thể “cán đích” cuối cùng là vượt qua nền kinh tế Mỹ vào năm 2030 - trở thành nền kinh tế số một thế giới.

Từ khi tiến hành cải cách (bắt đầu từ năm 1979), Trung Quốc nhanh chóng trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là nơi các tập đoàn đa quốc gia lập cơ sở sản xuất. Việc Trung Quốc đang dần soán ngôi Nhật Bản đã đánh dấu sự trở lại của “thời hoàng kim” mà nước này để mất từ thế kỷ XVIII, khi không chịu theo gương Nhật Bản trong việc hiện đại hóa. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng, sự phục hồi của Trung Quốc đang làm lu mờ vai trò của Nhật Bản, từng được coi là động lực thúc đẩy phần còn lại của châu Á. Nhưng nay gió đã đổi chiều và Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn không chỉ ở châu Á nói chung mà còn ở chính đất nước Mặt trời mọc.

Nhật Bản không thể không đối diện với thực tế nói trên khi nước này luôn là quốc gia thành công nhất châu Á về kinh tế trong suốt nửa thế kỷ qua, giờ đang có nguy cơ bị che khuất bởi Trung Quốc.

Còn đối với Trung Quốc, mặc dù chỉ số GDP đã “cân sức cân tài” với Nhật Bản, song bước nhảy vọt của nước này vẫn chỉ là trong quá trình chuyển dịch từ một nước đang phát triển sang một cường quốc. Gánh 1/5 dân số thế giới, mức thu nhập bình quân tính theo đầu người của Trung Quốc đối lập với GDP “đầy ấn tượng” - khoảng 3.600 USD, xếp thứ 124 thế giới và cùng "hạng" với các quốc gia như An-giê-ri, En Xan-va-đo, An-ba-ni… Có thể vượt qua Nhật Bản về chỉ số GDP, song rõ ràng là Trung Quốc sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí là “vô vọng” trong việc rút ngắn cách biệt về mức thu nhập bình quân tính theo đầu người (thu nhập bình quân tính theo đầu người của Nhật Bản là 37.000 USD).

Ngoài sự cách biệt trong chỉ số quan trọng nói trên, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều mặt trái của nền kinh tế phát triển quá nóng. Sự mất cân đối về phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền… đã nới rộng khoảng cách giàu - nghèo, là yếu tố đang gây áp lực lên sự ổn định của nền kinh tế. Chất lượng phát triển cũng đang chịu sức ép bởi tình trạng lạm phát cao, cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, tình trạng “bong bóng” trên thị trường bất động sản hay tăng trưởng tín dụng quá nóng... Những yếu tố này được nhìn nhận là những nguy cơ tiềm tàng mà nếu không được ứng phó tốt, sẽ biến tăng trưởng thành con số vô nghĩa. Bài học về phát triển của Nhật Bản là một ví dụ điển hình, và Trung Quốc không bao giờ muốn lặp lại kịch bản đáng buồn này. Sự vươn dậy thần kỳ từ đống tro tàn chiến tranh để trở thành nền kinh tế số hai thế giới trong nhiều thập niên đã khiến nhiều nhà phân tích kinh tế tin rằng, Nhật Bản có thể cắm ngọn cờ quốc gia lên đỉnh cao kinh tế thế giới. Thế nhưng, bước chuyển thần tốc được xem như là hình mẫu về tăng trưởng của xứ Phù tang đã chuyển thành “bong bóng” bất động sản khổng lồ vào những năm 1980, trước khi nổ tung vào năm 1991, kéo theo một thập kỷ đình đốn kinh tế, rồi dần dần bị Trung Quốc soán ngôi.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng biết rằng, vào thời điểm đó, Nhật Bản đã là một quốc gia phát triển, trong khi Trung Quốc hiện nay mới chỉ là quốc gia đang trỗi dậy. Rõ ràng, Trung Quốc còn nhiều việc phải làm để trở thành người khổng lồ thực sự, đặc biệt là khi vừa mới bước vào guồng quay của một sân chơi lớn với các cường quốc kinh tế.

Thách thức tăng trưởng và cuộc đua giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn đang là tâm điểm chú ý đối với các nền kinh tế thế giới.

…Kéo theo cục diện kinh tế - chính trị thay đổi

Tuy chưa có chỉ số GDP của cả năm, song việc hai quý liên tục bị Trung Quốc “vượt mặt” rõ ràng là nỗi niềm trăn trở đối với nền kinh tế Nhật Bản. Thế nhưng, đây không phải là nỗi niềm duy nhất mà Nhật Bản đang phải nếm trải. Nhiều chuyên gia về các vấn đề Đông Á nói rằng, Nhật Bản lâu nay chú trọng hướng nội, trong khi các thách thức bên ngoài đang được nhân lên. Trong đó, phải nói tới những thách thức dường như không suy suyển từ phía Trung Quốc, chương trình vũ khí hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, và nhất là mối quan hệ không mấy thuận buồn xuôi gió với nước đồng minh chính của họ là Mỹ. Thậm chí, một chuyên gia chính trị học người Mỹ còn lên tiếng phê phán cách thức đối diện với các lựa chọn chiến lược đầy khó khăn của một số nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản.

Chính phủ hiện nay của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) do Thủ tướng Na-ô-tô Can lãnh đạo đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề kéo dài về kế hoạch di dời một căn cứ hải quân lớn của Mỹ tới khu vực thưa dân hơn của đảo Ô-ki-na-oa (Okinawa), khi vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương. Người tiền nhiệm của ông Na-ô-tô Can là Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma cũng đã phải từ chức hồi tháng 6-2010 do những bối rối về xử lý vấn đề khu căn cứ quân sự nước ngoài, cũng như do lập trường chiến lược mà ông chủ trương hướng Nhật Bản tách xa Mỹ, trong khi nhích lại gần hơn với Trung Quốc. Tất nhiên, sau cuộc nã pháo (ngày 23-11-2010) của Bắc Triều Tiên vào đảo Y-e-ôn Py-e-ông (Yeon Pyeong) của Hàn Quốc, quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản và Mỹ lại trở nên gắn kết hơn bao giờ hết. Bằng chúng là, sau đó không lâu, ngày 3-12-2010, giữa quân đội Mỹ và các lực lượng vũ trang Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận chung với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Chưa hết, Nhật Bản gần đây (tháng 11-2010) đã phải “cay đắng” chứng kiến việc Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Nga tới một hòn đảo ở phía nam quần đảo Cu-rin mà Nhật Bản gọi là “vùng lãnh thổ phía Bắc” của họ. Trước đó không lâu là cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới các hòn đảo mà Nhật Bản gọi là Sen-ca-cu, ở biển Hoa Đông, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi là Điếu Ngư. Điều này cho thấy, Nhật Bản ở vị trí “xa vời” như thế nào trong mối quan hệ tưởng chừng như là đã “tin cậy” với người láng giềng “khổng lồ” của họ. Từ chỗ bất đồng quan điểm, Nhật Bản buộc lòng phải đương đầu với “cuộc chiến thương mại” do Trung Quốc phát động khi tuyên bố ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, một nguyên liệu vốn rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao của nước này.

Dù muốn hay không, Nhật Bản đã phải chấp nhận những thực tế không lấy gì làm dễ chịu nói trên. Phải chăng bài học “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” từ ngàn xưa vẫn đúng? Tuy nhiên, xét ở khía cạnh nào đó, bài học này có thể chỉ đúng một nửa đối với Nhật Bản. Bởi vì, Nhật Bản chỉ mạnh về kinh tế chứ chưa thể mạnh về quân sự, mà theo lẽ thông thường, giữa hai lĩnh vực đó phải có sự phát triển tương xứng, trong khi nguyên nhân vẫn là do Liên hợp quốc, trước hết là do Mỹ khống chế sự phát triển quân sự của họ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Do đó, cho đến nay, Nhật Bản vẫn buộc phải chấp nhận một sự thật phũ phàng: họ chỉ là nước nhỏ giữa các “ông lớn” là Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Liệu tấm bản đồ kinh tế thế giới có được vẽ lại?

Nếu xét theo chỉ số GDP mới nhất, có thể thấy Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Song mặt trái của thắng lợi này chính là cái hố ngăn cách giàu - nghèo trong lòng xã hội Trung Quốc đang ngày càng sâu rộng. Đó là chưa nói đến việc nước này cũng đã vượt qua Mỹ về mức tiêu thụ năng lượng, theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Còn Nhật Bản, tuy ngậm ngùi “tụt hạng” ở thời điểm này, song Chính phủ đất nước Mặt trời mọc vẫn khẳng định có một chiến lược tổng thể vững vàng. Nhật Bản vẫn tự hào là một trong năm quốc gia hàng đầu về cung cấp viện trợ phát triển. Công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cũng rất quan trọng đối với các chương trình hợp tác với Mỹ nhằm phát triển ở mức độ tinh vi hơn bao giờ hết các hệ thống phòng thủ tên lửa, vốn cũng hết sức quan trọng trong thế cân bằng an ninh chính trị quốc tế.

Dù thế nào, cục diện kinh tế - chính trị toàn cầu cũng sẽ có nhiều biến đổi, đồng thời, ngày càng có nhiều vấn đề kinh tế và an ninh trở nên gắn kết tới mức khó phân biệt, đặc biệt là ở châu Á, nơi mà các lợi ích của Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản vừa hội tụ, vừa va đập mạnh. Bởi vậy, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nếu muốn vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới./.