Phương pháp tư duy sáng tạo đặt ngược vấn đề

Trước khi đi vào nội dung của bài viết về tư duy ngược, chúng ta xem xét về những khó khăn trong khi làm bài thi IELTS Writing sau đây:

  • Trong phòng thi, thí sinh cần ứng biến nhanh chóng trong việc nghĩ ra ý tưởng cho đề bài viết phần 2 với đa dạng các loại câu hỏi như “đồng tình hay không đồng tình” (Agree or disagree), “thảo luận cả hai quan điểm và đưa nhận định cá nhân” (Discuss both views and give opinion), “thảo luận về lợi thế và bất lợi” (Advantages and disadvantages), “Nguyên nhân - Kết quả” (Causes and solutions or causes and effects), “dạng câu hỏi hai phần” (Two part question essay).

  • Vậy làm sao để có thể tận dụng khoảng thời gian 3-5 phút để lên ý tưởng cho dàn bài viết IELTS? Đó là khi các phương pháp tư duy phát huy tác dụng của nó.

Một trong những phương pháp tư duy được áp dụng phổ biến để tìm ra giải pháp cho các vấn đề trong nhiều ngành và lĩnh vực đó là “Tư duy ngược” (Reverse brainstorming). Thông qua bài viết này, người viết hướng đến giúp thí sinh sử dụng phương pháp “Tư duy ngược" trong việc tìm ra giải pháp cho dạng bài “Nguyên nhân - giải pháp" trong phần IELTS Writing Task 2 thông qua những phần nội dụng như sau:

  • Khái niệm “Tư duy ngược"

  • Các điểm mạnh của “Tư duy ngược"

  • 5 bước áp dụng “Tư duy ngược” vào bài viết IELTS.

Tổng quan về Phương pháp Tư duy ngược (Reverse brainstorming)

Tư duy ngược (Reverse brainstorming) là gì

Tư duy ngược (reverse brainstorming) hay còn được nhắc đến với cái tên “Tư duy theo chiều hướng tiêu cực” (negative brainstorming) là khi một nhóm người hoặc một cá nhân tư duy theo chiều hướng “làm thế nào để mục tiêu đặt ra không đạt được”.

Theo VentureLab, đây là một cách hay để tiếp cận vấn đề, khi mà thay vì cố gắng để giải quyết vấn đề, người ta có thể bắt đầu bằng việc làm thế nào để mọi thứ trở nên “tệ hại hơn”. Điều này tương tự như việc bạn đang ở trong một ngôi nhà với nhiều tiếng ồn, gây khó khăn trong việc tập trung. Thay vì việc tìm mọi cách để khiến cho ngôi nhà yên tĩnh trở lại, có thể tìm cách đảo chiều tư duy của mình, ở đây nghĩa là làm cho căn nhà trở nên ồn ào và khó tập trung hơn nữa. Điều này có thể đạt được qua việc bật to tiếng TV, hét lên khi nói hay ở trong một căn phòng đông người.

Như vậy, thay vì đặt câu hỏi “làm sao để có thể giải quyết vấn đề?”, tư duy ngược tập trung vào việc điều gì tạo ra vấn đề, hay nói cách khác chính là câu hỏi “làm sao để ta đạt được tác dụng ngược lại của kết quả mà chúng ta kỳ vọng?”. Đây chính là bước khởi nguyên của việc sáng tạo, đó chính là dựa trên bản chất của vấn đề.

Kỹ thuật này đã cho phép nhiều doanh nhân sáng tạo ra những ý tưởng cải tiến mà nếu như suy nghĩ theo chiều thuận thì chưa chắc họ đã có thể. Và đối với bài IELTS Writing Task 2, thí sinh sẽ phải đối mặt với một trong những dạng bài quen thuộc, đó là dạng “Nguyên nhân - Kết quả”, dạng bài mà yêu cầu thí sinh nghĩ ra và diễn đạt giải pháp đối với vấn đề xã hội. Vậy nên kỹ thuật này sẽ hữu dụng đối với các thí sinh khi làm dạng bài cụ thể này.

Hiệu quả của tư duy ngược

“Tư duy ngược” là kỹ thuật lật ngược các kỹ thuật tư duy điển hình, cho phép các cá nhân và tổ chức tiếp cận các vấn đề phức tạp từ một góc độ khác.

Trong tư duy truyền thống, mọi người sẽ tập trung vào việc thu thập các ý tưởng về cách giải quyết một vấn đề. Trong tư duy ngược, thay vào đó, người tư duy xem xét điều gì có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn hoặc tại sao vấn đề không thể giải quyết được. Sau đó, họ đảo ngược những ý tưởng đó để khám phá những điều mới mà chưa được thấy trước đây, cho phép các cá nhân nhìn nhận vấn đề, nguyên nhân và giải pháp theo một cách hoàn toàn mới.

Mô hình 5 bước áp dụng “Tư duy ngược”

Dưới đây là mô hình năm bước để áp dụng phương pháp “Tư duy ngược”:

Bước 1: Xác định rõ ràng vấn đề hoặc thách thức và viết nó ra.

Bước 2: Đảo ngược vấn đề hoặc thách thức bằng cách hỏi, "Làm thế nào có thể gây ra vấn đề?" hoặc "Làm thế nào để có thể đạt được hiệu ứng ngược lại?"

Bước 3: Tư duy giải quyết vấn đề ngược lại để tạo ra các ý tưởng giải pháp ngược. Cho phép các ý tưởng tư duy tự do trôi chảy. Đừng từ chối bất cứ điều gì ở giai đoạn này.

Bước 4: Một khi thí sinh đã động não tất cả các ý tưởng để giải quyết vấn đề ngược lại, bây giờ hãy đảo ngược chúng thành các ý tưởng giải pháp cho vấn đề hoặc thách thức ban đầu.

Bước 5: Đánh giá các ý tưởng giải pháp này. Đâu là ý tưởng có thể cho ra một giải pháp tiềm năng?

Áp dụng mô hình 5 bước của phương pháp “Tư duy ngược” (reverse brainstorming) vào phần 2 của bài viết IELTS

Đề bài IELTS Writing Task 2 dạng “Nguyên nhân - Kết quả”

Consumers are faced with increasing numbers of advertisements from competing companies. To what extent do you think consumers are influenced by advertisements? What measures can be taken to protect them? (Đề thi ngày 8/4/2018)

Áp dụng mô hình năm bước tư duy ngược vào phân tích đề bài IELTS Writing Task 2

Bước 1: Xác định rõ ràng vấn đề hoặc thách thức và viết nó ra.

Đối với đề bài này, người đọc có thể khoanh vùng vấn đề của đề bài là “How to protect consumers from advertisements” (Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng khỏi quảng cáo).

Bước 2: Đảo ngược vấn đề hoặc thách thức bằng cách hỏi, "Làm thế nào có thể gây ra vấn đề?" hoặc "Làm thế nào để có thể đạt được hiệu ứng ngược lại?

Như vậy, thay vì đặt câu hỏi “Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng khỏi quảng cáo?”, thí sinh có thể đặt câu hỏi “Làm thế nào để người tiêu dùng bị hại bởi quảng cáo?.

Bước 3: Tư duy giải quyết vấn đề ngược lại để tạo ra các ý tưởng giải pháp ngược. Cho phép các ý tưởng tư duy tự do trôi chảy. Đừng từ chối bất cứ điều gì ở giai đoạn này.

Theo bước số ba, thí sinh sẽ bắt đầu tư duy dựa trên câu hỏi “Làm thế nào để người tiêu dùng bị hại bởi quảng cáo?”.

Một số ý tưởng minh họa cho quá trình tư duy này là như sau:

  • Quảng cáo có thể không phản ánh đúng sự thật (Advertising can be deceptive): Người tiêu dùng tiếp xúc với các nội dung không đúng về sản phẩm từ nhãn hàng và người làm quảng cáo, từ đó có thể bị thao túng với quyết định mua hàng của mình và rồi gây ra sự bức xúc đến từ việc mất tiền và không đạt được sự hài lòng từ trải nghiệm mua hàng. (Consumers are exposed to misleading contents about the products from brands and advertisers, which can manipulate their buying decisions and, therefore, result in frustrations due to money loss and unsatisfying purchasing experience).

  • Nội dung quảng cáo không phù hợp với độ tuổi (Contents that are not age-appropriate): Người tiêu dùng trẻ tuổi ngày nay có thể tiếp cận với các nội dung quảng cáo không phù hợp với độ tuổi trên các nền tảng mạng xã hội như facebook hay tiktok, điều mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của chúng. (Young consumers today can approach advertising contents that are not age-appropriate on social media platforms such as Facebook or Tiktok, which can do harm to their psychological development).

Bước 4: Một khi thí sinh đã tư duy tất cả các ý tưởng để giải quyết vấn đề ngược lại, bây giờ hãy đảo ngược chúng thành các ý tưởng giải pháp cho vấn đề hoặc thách thức ban đầu.

Bắt nguồn từ hai ý tưởng ở bước số ba, thí sinh có thể kiến tạo các giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng như sau:

  • Chính quyền cần áp dụng các chính sách liên quan đến việc thông tin quảng cáo phải chính xác để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những thông tin bị bóp méo và làm quá về sản phẩm. Để minh họa cho luận điểm này, thí sinh có thể nhắc đến việc chính phủ Hàn Quốc yêu cầu nhà sản xuất thuộc và các sản phẩm làm đẹp phải ghi rõ những thành phần chính của sản phẩm lên bao bì bên cạnh việc khẳng định những công dụng của sản phẩm. (Authorities need to impose strict policies which center around the fact that advertisements should reflect the true nature of the products in order to protect consumers from distorted and over-exaggerating realities that are shown in the media. A perfect illustration can be seen in Korea, where the government requests all pharmaceutical and cosmetic products manufacturers to include their key ingredients on the packaging besides claiming their uses)

  • Các nền tảng mạng xã hội như facebook và tiktok nên giới hạn độ tuổi xem các video quảng cáo để tránh việc trẻ em xem những thông tin không phù hợp với độ tuổi của mình. (Social media platforms such as facebook and tiktok should establish age restrictions which only allows age-appropriate contents to reach certain groups of media users)

Bước 5: Đánh giá các ý tưởng giải pháp này. Đâu là ý tưởng có thể cho ra một giải pháp tiềm năng?

Sau khi đã lên ý tưởng xong cho các giải pháp này, công việc của thí sinh là đánh giá xem những ý tưởng này có phù hợp để đưa vào bài viết của mình không. Đối với trường hợp của bài thi IELTS, đây là thể là bước thí sinh dành thời gian điều chỉnh lại cách diễn đạt ý sao cho phù hợp với hệ thống lập luận phía sau, có thể là việc giải thích, giả định hoặc minh họa.

Tổng kết

“Practice makes perfect. After a long time of practicing, our work will become natural, skillful, swift and steady” (Bruce Lee)

Cũng giống như việc học một ngôn ngữ, việc rèn luyện tư duy không đến nhanh chóng mà nó yêu cầu người học cần dành ra những giờ luyện tập với các đề bài IELTS thực sự để có thể trở thành một vũ khí sắc bén hỗ trợ cho thí sinh trong phòng thi. Hơn nữa, việc nghĩ ra những ý tưởng hay không giúp cho thí sinh nắm chắc một số điểm cao trong kỳ thi IELTS mà mấu chốt nằm ở việc làm sao thí sinh có thể diễn đạt chúng một cách hiệu quả. Hy vọng thông qua bài viết này, người viết có thể gửi gắm đến người đọc phương pháp tư duy ngược, giúp cho người đọc có thể dễ dàng nghĩ ra ý tưởng dưới áp lực thời gian trong phòng thi.

Kim Tú Bình

Đọc thêm: So sánh tư duy phản biện với tư duy phê phán, tư duy sáng tạo và tư duy logic